Phần 4. Kết quả nghiên cứu
4.3. Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 –
4.3.4. Đánh giá những mặt được, những tồn tại trong quá trình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011-2015 huyện Yên Định
4.3.4.1. Những mặt đạt được
Được sự chỉ đạo của UBND huyện Yên Định đã triển khai xây dựng báo cáo quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở dự báo phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu
sử dụng đất để đáp ứng các mục tiêu đó. Phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành pháp lý quan trọng để thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Nhìn chung, việc thực hiện chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của huyện đã theo sát và về cơ bản đã đạt được theo các chỉ tiêu do tỉnh đề ra.
Nhìn chung kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả nhất định, kết quả thực hiện đất nông nghiệp đến năm 2015 đạt 106,07%, đất phi nông nghiệp đạt 91,91% và giảm vượt chỉ tiêu diện tích đất chưa sử dụng so với diện tích quy hoạch được duyệt. Quá trình sử dụng đất cơ bản đã dựa trên quan điểm khai thác sử dụng triệt để quỹ đất đai, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã cơ cấu lại việc sử dụng đất phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp nông thôn phù hợp với nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, hạn chế có hiệu quả việc chuyển đất lúa nước sang mục đích sử dụng khác.
Đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng cơ bản đáp ứng nhu cầu của thời kỳ đẩy mạnh đô thị hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá của huyện.
4.3.4.2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những mặt đã đạt được, qua điều tra, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất của huyện Yên Định cho thấy đã nảy sinh những tồn tại, bất cập sau:
- Kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất theo phương án quy hoạch chưa cao. Một số chỉ tiêu sử dụng đất thực hiện chưa sát với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt. Như đất di tích lịch sử văn hóa chỉ đạt 44,39%, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp đạt 50,66% so với kế hoạch đề ra nhưng đất bãi thải, xử lý rác thải đạt 173,33%, đất cơ sở tín ngưỡng đạt 272,84% so với kế hoạch. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai.
- Một số công trình dự án thực hiện chậm và chưa được triển khai thực hiện do thiếu vốn hoặc do chưa giải phóng mặt bằng được. Còn có những công trình, dự án phát sinh ngoài quy hoạch dẫn đến một phần diện tích chuyển mục đích không theo vị trí, không đúng quy mô diện tích. Bên cạnh đó nhiều công
trình, dự án nằm trong danh mục quy hoạch được duyệt nhưng vẫn không thực hiện được như các dự án sân vận động thể dục thể thao, nhà văn hóa thôn…do chưa có kinh phí để thực hiện.
- Tình trạng dự án treo, một số công trình dự án không thể triển khai được vẫn còn tồn tại.
- Việc lấy ý kiến của nhân dân và sự đóng góp của nhân dân trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch còn hạn chế.
- Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp xã, thị trấn còn thấp, nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Chưa dự báo chính xác về nhu cầu quỹ đất cho các mục đích sử dụng, nhất là đất cho phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, dẫn đến tình trạng dự báo vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất và thường phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác quy hoạch sử dụng đất thiên về sắp xếp các loại đất theo mục tiêu quản lý hành chính, chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong sử dụng đất, chưa phát huy cao tiềm năng đất đai.
4.3.4.3. Nguyên nhân của những yếu kém, hạn chế
- Mặc dù kế hoạch sử đụng đất được xây dựng chi tiết hàng năm nhưng trong quá trình thực hiện chưa có phối hợp giữa các ngành tài chính – kế hoạch, ngành tài nguyên môi trường và UBND cấp xã nơi có công trình quy hoạch nên một số công trình quy hoạch không được bố trí nguồn vốn để thực hiện, đặc biệt là các công trình trụ sở các thôn, các công trình thể dục thể thao,…Như theo kế hoạch thì có 7 công trình xây dựng sân vận động, thể dục thể thao nhưng chỉ thực hiện được 1 công trình. Thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có hai khâu yếu quan trọng là không cân đối đủ nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng, thực hiện các công trình dự án, còn những 25,58% các công trình dự án triển khai chậm, không thực hiện được và sự bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất dẫn đến tình hình giải phóng mặt bằng đạt kết quả kém.
- Nguồn vốn đầu tư cho các dự án ở một số địa phương việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng luôn gặp khó khăn do không chủ động được nguồn vốn, làm cho kế hoạch đề ra bị xáo trộn, chậm tiến độ thực hiện và khối lượng công việc.
- Thời gian các tổ chức kinh tế lập dự án đầu tư và lập hồ sơ đất đai thực
hiện chậm đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Một số hạng mục công trình đã có trong chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng cơ quan chủ đầu tư chưa lập xong dự án và hồ sơ đất đai vì thế trong năm đó không thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và phải chuyển sang năm sau.
- Kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa sát với thực tiễn, do chưa bám sát vào quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt mà thường chỉ căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của xã và các tổ chức sử dụng đất. Việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức còn chủ quan, không có dự án tiền khả thi nên nhiều dự án đã phê duyệt nhưng không có khả năng thực hiện
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011- 2015 đã phát sinh nhiều tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất để phát triển công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại dịch vụ, kinh tế trang trại …vì vậy không có trong các hạng mục công trình sử dụng đất trong kỳ kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên trong quá trình thực hiện huyện đã phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp.
- Hạn chế về tuyên truyền, phổ biến, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác tuyên truyền. phổ biến, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn mang nặng tính hình thức, chưa thực chất, sự tiếp cận, tham gia của người dân từ khâu lập quy hoạch đến thực hiện quy hoạch và giám sát quy hoạch còn rất mờ nhạt.