Điều kiện kinh tế- xã hội

Một phần của tài liệu Đánh giá việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất tại dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới hạ đình và dự án đầu tư xây dựng nhóm nhà ở tây nam mễ trì tp hà nội (Trang 49 - 54)

4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội của thành phố Hà Nội

4.1.2. Điều kiện kinh tế- xã hội

Là trung tâm của Thủ đô của cả nước, thời gian qua Đảng bộ và nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực phấn đấy đạt nhiều thành tựu mới. Kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trên địa bàn thành phố liên tục phát triển, đạt mức tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Quan hệ sản xuất trên cơ sở tổ chức lại sản xuất kinh doanh linh hoạt và có hiệu quả hơn. Đẩy mạnh cổ phần chuyển đổi các hình thức sở hữu theo pháp luật.

Theo thống kê năm 2015, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Ước cả năm 2015, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9.24% - mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây và đạt kế hoạch của năm 2015. Trong đó, tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều lấy lại đà tăng trưởng và ngành dịch vụ có sự đóng góp nhiều nhất.

Các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng khá, cụ thể như sau:

+ Giá trị gia tăng ngành nông lâm nghiệp và thuỷ sản ước tăng trưởng 2,47%, đóng góp 0,11% vào mức tăng chung của thành phố

+ Giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước tăng 8,05%; ngành xây dựng tăng 12, 4% - mức cao nhất kể từ năm 2010, đóng góp 3,79%. Thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến, lượng hàng tồn kho giảm.

+ Giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 9,91%, đóng góp 5,34% vào mức tăng chung. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2015 ước tăng 11,7% (trong đó, bán lẻ tăng 11,5%).

Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tích cực. Năm 2015, ước có thêm 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới; lũy kế đến hết năm 2015 có 179 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 46,4% tổng số xã, vượt kế hoạch để ra). Ngoài ra, công tác dổn điển đổi thửa được hoàn thành vượt kế hoạch 0,2%.

Đặc biệt, với các giải pháp thu ngân sách nhà nước được thực hiện đồng bộ, kết quả tổng thu NSNN năm 2015 trên địa bàn ước đạt 146.585 tỷ đồng, đạt 103,5%

dự toán Hội đồng nhân dân Thành phố giao. Chi ngân sách ước thực hiện 69.970 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán (do bổ sung từ nguồn tăng thu, nguồn thưởng vợt thu và phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô).

Các hoạt động thương mại – dịch vụ trên địa bàn được đẩy mạnh. Theo đánh giá, tình hình kinh tế của thành phố luôn ổn định và đạt mức tăng trưởng khá.

4.1.2.2. Tình hình văn hóa, xã hội:

a. Dân số

Các thống kê trong lịch sử cho thấy dân số Hà Nội tăng nhanh trong nửa thế kỷ gần đây: Vào thời điểm năm 1954, thành phố có 53 nghìn dân, trên một diện tích 152 km². Đến năm 1961, thành phố được mở rộng, diện tích lên tới 584 km², dân số 91.000 người. Năm 1978, Quốc hội quyết định mở rộng thủ đô lần thứ hai với diện tích đất tự nhiên 2.136 km², dân số 2,5 triệu người. Tới năm 1991, địa giới Hà Nội tiếp tục thay đổi, chỉ còn 924 km², nhưng dân số vẫn ở mức hơn 2 triệu người.

Trong suốt thập niên 1990, cùng việc các khu vực ngoại ô dần được đô thị hóa, dân số Hà Nội tăng đều đặn, đạt con số 2.672.122 người vào năm 1999. Sau đợt mở rộng địa giới gần đây nhất vào tháng 8 năm 2008, thành phố Hà Nội có 6,233 triệu dân và nằm trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Theo kết quả cuộc điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 2009, dân số Hà Nội là 6.451.909 người, dân số trung bình năm 2010 là 6.561.900 người. Tính đến ngày 31/12/2015, dân số Hà Nội là 7.558.956 người, tăng 1,6% so với năm 2014, trong đó dân số thành thị là 3627,1 nghìn người chiếm 49,2% tổng số dân và tăng 1,5%; dân số nông thôn là 3752,2 nghìn người tăng 1,6%.

Mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 1.979 người/km². Mật độ dân số cao nhất là ở quận Đống Đa lên tới 35.341 người/km², trong khi đó, ở những huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa mật độ dưới 1.000 người/km².

Về cơ cấu dân số, theo số liệu thống kê, cư dân Hà Nội chủ yếu là người Kinh, chiếm tỷ lệ 99,1%. Các dân tộc khác như Dao, Mường, Tày chiếm 0,9%. Năm 2009, người Kinh chiếm 98,73% dân số, người Mường 0,76% và người Tày chiếm 0,23 %.

b. Văn hóa

Với vị trí địa lý và địa thế tự nhiên của mình, Hà Nội sớm đóng vai trò đặc biệt trong sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất ở Việt Nam, trên địa bàn thành phố tập trung rất nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Tiêu biểu như Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, di tích thành cổ Hà Nội....Ngoài ra, Hà Nội cũng có rất nhiều thư viện, bảo tàng, nhà hát ... như Nhà hát Lớn, bảo tàng Lịch Sử, bảo tàng dân tộc học...Chính vì vậy, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở Hà Nội cũng diễn ra rất sôi nổi và đa dạng.

c. Làng nghề truyền thống

Thành phố Hà Nội trước kia đã nổi tiếng với những làng nghề phong phú, thể hiện qua câu thành ngữ quen thuộc "Hà Nội 36 phố phường".. Sau khi Hà Tây được sát nhập vào Hà Nội, Hà Nội còn có thêm nhiều làng nghề danh tiếng khác. Theo số liệu cuối năm 2008, toàn Hà Nội có 1.264 làng nghề, là nơi tập trung làng nghề đông đúc bậc nhất Việt Nam.

Một số làng nghề nổi tiếng như: Làng Bát Tràng nằm ở huyện Gia Lâm, phía Nam thành phố từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm gốm mang tên chính ngôi làng này.

Làng xuất hiện vào thế kỷ 14 khi những người dân làm gốm từ làng Bồ Bát, Ninh Bình và làng Ninh Tràng, Thanh Hóa tụ họp về đây lập nên ngôi làng mới mang tên Bát Tràng.

Một làng nghề nổi tiếng khác của Hà Nội ngày nay là làng lụa Vạn Phúc, vốn thuộc thành phố Hà Đông tỉnh Hà Tây trước đây, nay là quận Hà Đông. Sản phẩm lụa của làng từ rất lâu đã nổi tiếng với tên gọi lụa Hà Đông.

4.1.2.3. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội a. Giao thông

Là thành phố thủ đô và có vị trí ở khu vực trung tâm của miền Bắc, bên cạnh con sông Hồng, giao thông từ Hà Nội đến các tỉnh khác của Việt Nam tương đối thuận tiện, bao gồm cả đường không, đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Giao thông đường không, ngoài sân bay quốc tế Nội Bài cách trung tâm khoảng 35 km, thành phố còn có sân bay Gia Lâm ở phía Đông, thuộc quận Long Biên, từng là sân bay chính của Hà Nội những năm 1970, hiện sân bay Gia Lâm chỉ phục vụ cho các chuyến bay dịch vụ của trực thăng, gồm cả dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó là sân bay Bạch Mai thuộc quận Thanh Xuân được xây dựng từ năm 1919 và có thời gian đóng vai trò như một sân bay quân sự.

Ngoài ra, Hà Nội còn có sân bay quân sự Hòa Lạc tại huyện Thạch Thất, sân bay quân sự Miếu Môn tại huyện Chương Mỹ. Hà Nội là đầu mối giao thông của năm tuyến đường sắt trong nước và một tuyến liên vận sang Bắc Kinh, Trung Quốc, đi nhiều nước châu Âu, một tuyến quốc tế sang Côn Minh, Trung Quốc.

Các bến xe Phía Nam, Gia Lâm, Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Mỹ Đình là nơi các xe chở khách liên tỉnh tỏa đi khắp đất nước theo các quốc lộ 1A xuyên Bắc – Nam, quốc lộ 2 đến Hà Giang, quốc lộ 3 đến Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên; quốc lộ 5 đi Hải Phòng, quốc lộ 18 đi Quảng Ninh, quốc lộ 6 và quốc lộ 32 đi các tỉnh Tây Bắc.

Ngoài ra, Hà Nội còn có các nhiều tuyến đường cao tốc trên địa bàn như đại lộ Thăng Long, Pháp Vân-Cầu Giẽ, ngoài ra các tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Hải Phòng, Nội Bài-Lào Cai,Hà Nội-Thái Nguyên đã được xây dựng mới và đưa vào sử dụng.

Về giao thông đường thủy, Hà Nội cũng là đầu mối giao thông quan trọng với bến Phà Đen đi Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Việt Trì và bến Hàm Tử Quan đi Phả Lại.

Trong nội ô, các con phố của Hà Nội thường xuyên ùn tắc do cơ sở hạ tầng đô thị còn thấp kém, lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn – đặc biệt là xe máy, và ý thức chưa tốt của các cư dân thành phố. Hiện nay, hệ thống xe buýt – loại hình phương tiện giao thông công cộng duy nhất – của thành phố có phát triển mạnh, nhưng phần đông người dân vẫn sử dụng các phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy.

Cho đến cuối năm 2011, Hà Nội hiện có 7.365 km đường giao thông, trong đó 20% là trục đường chính, 7 trục hướng tâm và 3 tuyến vành đai, cũng như đang quản lý hơn 4,3 triệu phương tiện giao thông các loại, trong đó riêng xe máy chiếm gần 4 triệu

b. Y tế

Theo con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam tính đến năm 2015, thành phố Hà Nội có 682 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc sở Y tế thành phố, trong đó có 94 bệnh viện, 4 nhà hộ sinh và 584 trạm y tế. Số giường bệnh trực thuộc sở Y tế Hà Nội là 22.013 giường, chiếm khoảng một phần hai mươi số giường bệnh toàn quốc.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bệnh viện 1 giường bệnh có đến 2-3 bệnh nhân nằm điều trị là thường xuyên gặp. Cũng theo thống kê năm 2015, thành phố Hà Nội có 11.196 bác sĩ, 6.492 y sĩ và 15.379 y tá, so với Thành phố Hồ Chí Minh 6.073 bác sĩ, 1.875 y sĩ và 10.474 y tá. Do sự phát triển không đồng đều, những bệnh viện lớn của Hà Nội, cũng là của cả miền Bắc, chỉ tập trung trong khu vực nội ô thành phố. Các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Thụy Điển và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đều trong tình trạng quá tải. Cùng với hệ thống y tế của nhà nước, Hà Nội cũng có một hệ thống bệnh viện, phòng khám tư nhân đang dần phát triển.

Ngoài ra, điều kiện chăm sóc y tế giữa nội ô và các huyện ngoại thành Hà Nội có sự chênh lệch lớn. Sau đợt mở rộng địa giới hành chính năm 2008, mức chênh lệch này càng tăng, thể hiện qua các chỉ số y tế cơ bản. Nếu như tại địa phận Hà Nội cũ, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng là 9,7%, thì ở Hà Tây cũ, con số lên tới 17%. Tương tự, tuổi thọ trung bình tại khu vực Hà Nội cũ khá cao, 79 tuổi, nhưng sau khi mở rộng, con số này bị giảm xuống còn 75,6 tuổi. Tại không ít khu vực thuộc các huyện ngoại thành, cư dân vẫn phải sống trong điều kiện vệ sinh yếu kém, thiếu nước sạch để sinh hoạt, phải sử dụng nước ao, nước giếng.

c. Giáo dục

Hà Nội ngày nay vẫn là trung tâm giáo dục lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, Hà Nội có 1003 trường mầm non với 484.387 học sinh; 707 trường tiểu học (nhiều hơn năm 2010 là 25 trường), 611 trường trung học cơ sở và 206 trường trung học phổ thông với 31.317 lớp học, 1.176.580 học sinh. Hệ thống trường trung học phổ thông, Hà Nội có 40 trường công lập, một vài trong số đó nổi tiếng vì chất lượng giảng dạy và truyền thống lâu đời, như Trung học Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trung học phổ thông Chu Văn An... Bên cạnh các trường công lập, thành phố còn có 165 trường ngoài công lập. Hà Nội cũng là địa điểm của ba trường trung học đặc biệt, trực thuộc các trường đại học, là Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên,

Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Trung học phổ thông Chuyên thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các trường trung học chuyên này là nơi tập trung nhiều học sinh phổ thông ưu tú không chỉ của Hà Nội mà còn của toàn Việt Nam.

Cùng với các trung học danh tiếng, hệ thống giáo dục của thành phố vẫn duy trì những trường bổ túc và cả các lớp học xóa mù chữ. Sau khi Hà Tây được sát nhập vào thành phố, Hà Nội hiện đứng đầu Việt Nam về số lượng người không biết chữ. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đạo tạo Việt Nam năm 2008, toàn thành phố có gần 235.000 người mù chữ trên tổng số 1,7 triệu người của cả quốc gia.

Là một trong hai trung tâm giáo dục đại học lớn nhất quốc gia, trên địa bàn Hà Nội có trên 92 trường đại học cùng nhiều cao đẳng, đạo tạo hầu hết các ngành nghề quan trọng. Năm 2015, tại thành phố có 753.068 sinh viên (nhiều hơn so với năm 2010 là 57.748 sinh viên). Nhiều trường đại học ở đây như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Y, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Học viện Nông Nghiệp Việt Nam là những trường đào tạo đa ngành và chuyên ngành hàng đầu của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đánh giá việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất tại dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới hạ đình và dự án đầu tư xây dựng nhóm nhà ở tây nam mễ trì tp hà nội (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)