Đánh giá chung về việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước

Một phần của tài liệu Đánh giá việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất tại dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới hạ đình và dự án đầu tư xây dựng nhóm nhà ở tây nam mễ trì tp hà nội (Trang 88 - 92)

4.2. Kết quả bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất tại 02 dự án nghiên cứu

4.3.3. Đánh giá chung về việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước

Qua tìm hiểu, phân tích việc triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hạ Đình và dự án Đầu tư xây dựng Nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì, nhận thấy công tác bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn nghiên cứu trong thời gian qua có những thuận lợi và khó khăn sau:

a. Thuận lợi

- Trong quá trình triển khai công tác GPMB, các đơn vị có liên quan đã phối hợp với chủ đầu tư rất chặt chẽ trong công tác cùng nhau tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công việc.

+ Đối với UBND Thành phố Hà Nội, đã có các chỉ đạo kịp thời bằng văn bản cho các Sở ban ngành, UBND quận, huyện có liên quan để hướng dẫn đơn vị chủ đầu tư thực hiện tốt trong công tác triển khai dự án nói chung và trong công tác GPMB nói riêng. Nội dung của các văn bản phù hợp với quy định của pháp luật đất đai hiện hành và có sự điều chỉnh thích hợp với từng thời điểm và tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn những việc chưa thực hiện được đối với công tác GPMB dự án.

+ Đặc biệt, đối với UBND huyện Thanh Trì, UBND quận Thanh Xuân và UBND quận Nam Từ Liêm đã rất nỗ lực phối hợp với chủ đầu tư trong quá trình triển khai công tác GPMB dự án. Nhờ sự nỗ lực trên, 80% diện tích đất của dự án Khu đô thị mới Hạ Đình và 50% diện tích đất dự án Nhóm nhà ở Tây Nam đã được GPMB.

- Sau một thời gian dài có sự thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 nên đã bắt đầu có sự đồng nhất trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ. Tuy vẫn còn vài điểm bất cập nhưng UBND Thành phố Hà Nội và Ban chỉ đạo GPMB thành phố đã có hướng chỉ đạo sát sao và kịp thời để dự án được triển khai theo đúng trình tự nhất định

- Các nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo đúng quy định, các văn bản pháp lý của UBND Thành phố Hà Nội đã và đang đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy tiến độ của các dự án. Cụ thể:

+ Về trình tự, thủ tục bồi thường cơ bản đều thực hiện đúng theo đúng nguyên tắc.

+ Đối tượng và điều kiện được bồi thường, hỗ trợ được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.

+ Giá bồi thường về đất thống nhất so với các dự án khác trong cùng khu vực tại cùng thời điểm tiến hành bồi thường, điều này tránh được sự chênh lệch giữa giá của các dự án, thuận lợi hơn cho công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.

+ Về chính sách hỗ trợ, tái định cư: Các dự án đều có chính sách hỗ trợ cho đời sống người dân sau khi thu hồi đất. Các chính sách này có sự đa dạng khác nhau đối với từng dự án, công tác thực hiện chính sách tái định cư tương đối tốt.

b. Khó khăn

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn tồn tại một số hạn chế như sau:

- Về chính sách bồi thường, hỗ trợ:

+ Trong thời gian dự án được thực hiện, đã có rất nhiều sự thay đổi về các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất. Mới đây nhất, sau khi Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 có hiệu lực thi hành, ngày 20/6/2014 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND. Tuy nhiên sau 2 năm, có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện nên ngày 20/4/2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND. Và mới đây nhất, UBND thành phố lại ra quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 thay thế Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND. Có thể nói, việc thay đổi chính sách liên tục như vậy đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện dự án.

+ Việc xác định giá bồi thường: nhìn chung giá bồi thường đã được điều chỉnh linh hoạt với mỗi dự án trên cơ sở khung giá đất do UBND Thành phố Hà Nội quy định, tuy nhiên chính sách của Nhà nước về mức giá BT,HT còn chưa phù hợp với tình hình biến động thị trường. Đặc biệt là giá bồi thường đối với đất ở chưa thực sự sát giá thị trường do đó không thoả mãn tâm lý của người dân, không được sự đồng tình ủng hộ, việc thu hồi đất mang tính cưỡng chế chứ không phải người dân tự nguyện giao đất. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.

+ Việc bồi thường, hỗ trợ chủ yếu là bằng tiền mặt, chưa chú trọng công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho người có đất bị thu hồi;

+ Chính sách chuyển đổi nghề nghiệp chưa thoả đáng, chưa có dự án cụ thể để chuyển đổi nghề nghiệp khi người dân bị thu hồi đất.

- Về tình hình quản lý đất đai tại địa phương

+ Công tác quản lý về đất đai của địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu chính xác do không được chỉnh lý biến động, bổ sung thường xuyên, dẫn đến gây khó khăn cho công tác xác định nguồn gốc, thời điểm, hạn mức và xét duyệt bồi thường về đất.

+ Ngoài ra, đã có rất nhiều hộ dân tự ý xây dựng công trình lấn chiếm, trái phép trên đất nông nghiệp, gây ra sự khó khăn trong quá trình xác nhận nguồn gốc đất.

c. Nguyên nhân

* Nguyên nhân về chính sách BT, HT và công tác quản lý nhà nước về đất đai - Vì quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại 02 dự án kéo dài nên làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án. Mặc dù chủ đầu tư đã rất nỗ lực nhưng trong quá trình thực hiện, song do cơ chế chính sách về bồi thường hỗ trợ đã có sự thay đổi liên tục nên đã gây ảnh hưởng lớn tới công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án.

- Do công tác quản lý nhà nước về đất đai còn thiếu chặt chẽ cụ thể: Đối với dự án 1, do nằm giáp ranh trên 2 địa phận hành chính (phường Hạ Đình- quận Thanh xuân và xã Tân Triều- huyện Thanh Trì) và do có sự điều chỉnh thay đổi địa giới hành chính (phường Phú Đô) đối với dự án 2. Từ đó đã dẫn đến sự lỏng lẻo của chính quyền địa phương trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn; có nhiều hộ dân xây dựng lấn chiếm trái phép mà UBND quận, huyện chính quyền địa phương không phát hiện kịp thời và xử lý triệt để dẫn đến việc tái lấm chiếm khiến cho công tác bồi thường, hỗ trợ ngày càng phức tạp.

- Do nhận thức, tư tưởng và ý thức chấp hành chính sách pháp luật của người dân nói chung và người bị thu hồi đất nói riêng vẫn chưa cao. Các hộ dân đã tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều lần, dẫn đến khó khăn trong công tác điều tra xác minh kê khai nguồn gốc đất.

- Ngoài ra, hiện trạng khu đất bị thu hồi có nhiều thay đổi nên công tác GPMB diễn ra rất phức tạp, các hộ dân không hợp tác, chống đối gây cản trở. Nhiều đối tượng khi đã được áp dụng đầy đủ các chính sách, đã được vận động thuyết phục nhưng vẫn cố tình chống đối, không chấp hành việc thu hồi đất cũng như phương án bồi thường. Mặt khác họ lại lôi kéo kích động nhân dân không chấp hành chính sách của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới tiến độ bồi thường GPMB và thi công triển khai dự án.

- Đơn thư khiếu nại của nhân dân liên quan đến cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB còn nhiều, có nhiều ý kiến trong đơn thư không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp quận, huyện. Từ đó mất nhiều thời gian để cơ quan chức năng trả lời đơn thư của các hộ dân

* Nguyên nhân khác

- Do chủ đầu tư là các doanh nghiệp được Nhà nước giao đất thực hiện dự án, vì vậy nguồn vốn để thực hiện ngoài ngân sách Nhà nước và phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn huy động. Ngoài ra còn phụ thuộc vào tình hình thị trường bất động sản.

Khi thị trường BĐS ảm đạm, đóng băng như giai đoạn năm 2012-2013, việc đầu tư vào dự án không đem lại hiệu quả cao nên công tác thực hiện BT, HT bị đình trệ.

Điều đó đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ thực hiện dự án.

Nhìn chung, trong thời gian qua công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của thành phố Hà Nội nói chung đã có nhiều tiến bộ, đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần thúc đẩy kinh tế, ổn định xã hội. Để công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có thể thực hiện tốt hơn thì việc giám sát tổ chức thực hiện cần được quy định cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt khi công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư luôn là vấn đề nhạy cảm và ngày càng quan trọng thì việc nhất quán các văn bản pháp luật về công tác này là rất cần thiết.

Một phần của tài liệu Đánh giá việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất tại dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới hạ đình và dự án đầu tư xây dựng nhóm nhà ở tây nam mễ trì tp hà nội (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)