2.2. Yếu tố cơ thể vật nuôi đáp ứng với Probiotic
2.2.3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của gia cầm
Sinh trưởng của gia cầm là quá trình sinh học phức tạp, chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều yếu tố về di truyền và ngoại cảnh như: Dòng, giống, giới tính, tốc độ mọc lông, khối lượng bộ xương, sự phát triển của xương lưỡi hái, chế độ dinh dưỡng, khả năng kháng bệnh, điều kiện chăn nuôi và nhiều yếu tố khác.
Ảnh hưởng của dòng, giống
Các giống, các dòng khác nhau thì có tốc độ sinh trưởng khác nhau. Gà hướng thịt, có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn gà hướng trứng. Theo tài liệu của Nguyễn Mạnh Hùng và cs. (1994) , sự khác nhau về khối lượng giữa các giống gia cầm rất lớn, giống gà kiêm dụng nặng hơn gà hướng trứng khoảng 500 - 700g (13 - 30%). Theo Trần Long (1994) , kết quả nghiên cứu tốc độ sinh trưởng trên 3 dòng thuần (dòng V1, V3, V5) của giống gà Hybro HV85 cho thấy tốc độ sinh trưởng 3 dòng hoàn toàn khác nhau ở 42 ngày tuổi. Gà trống có khả năng tăng trọng cao nhất vào 7 - 8 tuần tuổi, gà mái vào lúc 6 - 7 tuần tuổi..
Letner et al. (1983) đã so sánh tốc độ sinh trưởng của các giống gà Leghorn trắng và Plymouth Rock tới 24 tuần tuổi cho thấy gà Plymouth Rock sinh trưởng nhanh hơn gà Leghorn 2 - 6 tuần tuổi và sau đó không có sự khác nhau.
Ảnh hưởng của tính biệt
Do có sự khác nhau về đặc điểm và chức năng sinh lý nên quá trình sinh trưởng và phát triển giữa gà trống và gà mái không giống nhau.
Theo Bùi Đức Lũng (1992), khối lượng cơ thể gà broiler trống và mái V135 khác nhau ngay từ lúc một ngày tuổi và mức độ khác biệt rõ hơn theo lứa tuổi gà.
Trần Đình Miên và cs. (1994) cho thấy lúc mới nở gà trống nặng hơn gà mái 1%, tuổi càng tăng sự sai khác càng lớn, ở 2 tuần tuổi sự sai khác về khối lượng giữa gà trống và gà mái là hơn 5%, 3 tuần tuổi 11% và 8 tuần tuổi hơn 27%.
Godfrey et al. (1952) cho rằng: kiểu di truyền về khối lượng cơ thể do 15 cặp gen quy định, trong đó ít nhất có một cặp gen liên kết giới tính (nằm trên nhiễm sắc thể X) do đó dẫn đến sự sai khác về khối lượng cơ thể giữa gà trống và gà mái, trong cùng một giống gà trống nặng hơn gà mái từ 24 - 32%. Ở gà trống gen này hoạt động mạnh hơn gà mái do gà trống có hai nhiễm sắc thể giới tính còn gà mái có một nhiễm sắc thể giới tính.
Theo Godfrey et al. (1952), sự di truyền các tính trạng về khối lượng cơ thể do 15 cặp gen tham gia trong đó ít nhất có một gen về sinh trưởng liên kết giới tính (nằm trên nhiễm sắc thể X). Vì vậy có sự sai khác về khối lượng cơ thể giữa con trống và con mái trong cùng một giống, gà trống nặng hơn gà mái 24 - 32%.
Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ sinh trưởng của gia cầm.
Vì vậy, phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nếu không sẽ làm giảm khả năng sinh trưởng và khả năng sản xuất của gia cầm, đồng thời không phát huy hết tiềm năng của giống.
Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự khác nhau của các tổ chức trong cơ thể như: Hệ thần kinh, cơ quan sinh sản, xương, cơ, mô, mỡ…mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của mô này tới mô khác. Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng tới sinh trưởng mà còn ảnh hưởng tới biến động di truyền sinh trưởng.
Theo Trần Đình Miên và cs. (1975), nuôi dưỡng có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển của gia súc, gia cầm. Khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ thúc đẩy quá trình sinh trưởng phát dục. Ngược lại nếu thức ăn thiếu protein, vitamin, khoáng thì quá trình sinh trưởng sẽ chậm lại. Theo Rovimen (1994), các mức protein và năng lượng trong khẩu phần đã ảnh hưởng đến khả năng tăng khối lượng và chuyển hóa thức ăn của gà broiler Ross - 208.
Theo Bùi Đức lũng và Lê Hồng Mận (1995), để phát huy khả năng sinh trưởng của gia cầm không những phải cung cấp đầy đủ thức ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn phải đảm bảo sự cân bằng giữa chúng, đặc biệt là cân bằng giữa năng lượng và protein, sự cân bằng giữa các axit amin. Nghiên cứu khác của tác giả (1992) cho thấy để phát huy khả năng sinh trưởng cần phải cung cấp thức ăn tối ưu với đầy đủ chất dinh dưỡng được cân bằng nghiêm ngặt giữa protein và các axit amin với năng lượng, ngoài ra trong thức ăn hỗn hợp cần được bổ sung hàng loạt các chế phẩm sinh học kích thích sinh trưởng làm tăng chất lượng thịt.
Tác giả Lê Hồng Mận và cs. (1995) cho biết đã xác định được nhu cầu protein thích hợp nuôi gà Broiler cho năng suất cao, còn theo Trần Công Xuân và cs.
(1995), khi nghiên cứu chế độ dinh dưỡng nuôi gà Broiler AV - 35 gồm 9 lô thí nghiệm với 3 mức năng lượng và protein khác nhau cho thấy khối lượng gà ở 56 ngày tuổi khác nhau rõ rệt.
Dinh dưỡng của gia cầm gồm có nhiều thành phần, mỗi thành phần dinh dưỡng đều có tầm quan trọng và ý nghĩa riêng.
Protein cấu tạo lên mô bào, là thành phần chính của các enzim cho các quá trình biến đổi vật chất trong cơ thể. Do vậy những giống vật nuôi sinh trưởng càng nhanh thì nhu cầu protein càng cao. Trong mỗi giống, dòng, mỗi cá thể ở các giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau nhu cầu protein khác nhau. Sự thiếu hụt các axit amin trong khẩu phần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của gia cầm. Khi khẩu phần dư thừa protein thì gia cầm giảm sinh trưởng, giảm tích luỹ mỡ và tăng hàm lượng axit uric trong máu.
Cũng như protein, năng lượng được đưa vào cơ thể để duy trì và sản xuất.
Nếu năng lượng trong khẩu phần thấp thì gà ăn nhiều hơn song hiệu quả sử dụng thức ăn kém hơn.
Ảnh hưởng của mật độ nuôi
Mật độ nuôi ảnh hưởng tới hàm lượng khí độc sinh ra trong chuồng nuôi, khí độc trong chuồng nuôi sinh ra từ sự phân hủy phân, nước tiểu, nước thải, thức ăn thừa..., tạo thành các khí NH3, CO2, H2S, CH4... khí NH3 khi đi vào cơ thể làm lượng kiềm dự trữ trong máu tăng, gia cầm bị trúng độc kiềm. Theo Đỗ Ngọc Hòe (1995), khi hàm lượng NH3 trong chuồng là 25ppm sẽ làm giảm lượng hemoglobin trong máu, giảm sự trao đổi khí, giảm hấp thu dinh dưỡng và làm giảm tăng trọng của gà tới 4%. Còn theo Coldhaft (1971) cùng với NH3, khí
H2S cũng là khí độc ảnh hưởng tới sinh trưởng, H2S kết hợp với Na trong dịch niêm mạc đường hô hấp tạo thành Na2S, muối này đi vào máu thủy phân thành H2S, tác động tới thần kinh, gây trúng độc cho gia cầm. Nếu nồng độ H2S lớn hơn 1mg/l, gà sẽ bị chết vì bị liệt trung khu hô hấp (Đỗ Ngọc Hòe, 1995).
Mật độ nuôi ảnh hưởng tới khả năng điều hòa thân nhiệt vì mật độ nuôi làm thay đổi nhiệt độ, độ ẩm của tiểu khí hậu chuồng nuôi, giảm mật độ nuôi góp phần làm tỏa nhiệt từ cơ thể gà dễ dàng hơn. Với điều kiện khí hậu ở nước ta, khi nuôi gà nhốt thì mật độ 10 con/m2 hoặc ít hơn là thích hợp.
Ảnh hưởng của tốc độ mọc lông
Tốc độ mọc lông của gà liên quan chặt chẽ với tốc độ sinh trưởng. Theo Kushner (1974) , tốc độ mọc lông có quan hệ chặt chẽ tới tốc độ sinh trưởng, thường gà lớn nhanh thì mọc lông nhanh và đều hơn ở gà chậm lớn.
Brandsch et al (1978), tốc độ mọc lông là tính trạng di truyền có liên quan tới đặc điểm trao đổi chất, sinh trưởng và phát triển của gia cầm.
Phan Cự Nhân và Trần Đình Miên (1998) cho biết tốc độ mọc lông là tính trạng di truyền liên kết với giới tính, trong cùng một dòng gà thì gà mái có tốc độ mọc lông đều hơn gà trống, đó là hormone tác dụng ngược chiều với gen liên kết giới tính. Trong cùng một giống, cùng giới tính, ở gà có tốc độ mọc lông nhanh có tốc độ sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
Hayer et al (1970) đã xác định trong cùng một giống thì gà mái mọc lông đều hơn gà trống và tác giả cho rằng ảnh hưởng của hoocmon có tác dụng ngược chiều với gen liên kết với giới tính quy định tốc độ mọc lông.
Ảnh hưởng của môi trường
Ngoài các yếu tố kể trên ra, những yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, sự thông thoáng,…cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của gia cầm.