4.1. Tác dụng của chế phẩm Bio Triluc đến các chỉ tiêu sản xuất của gà
4.1.1. Tỷ lệ nuôi sống của gà J Dabaco từ sau nở đến 13 tuần tuổi
Tỷ lệ nuôi sống là một chỉ tiêu rất quan trọng có ý nghĩa lớn trong sản xuất. Nó thể hiện khả năng chống chịu bệnh và thích ứng với môi trường sống của gà, là thước đo về quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý trên đàn gà. Tỷ lệ nuôi sống cao thì đàn gà khỏe mạnh, giảm tiêu tốn thức ăn, sức sản xuất tốt nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Để đánh giá tỷ lệ nuôi sống của đàn gà, chúng tôi tiến hành phân nhóm so sánh, mỗi nhóm 75 con gà J Dabaco được nuôi trong chuồng kín nền xi măng được lót trấu như nhau được kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với từng giai đoạn phát triển, nhóm đối chứng cho ăn khẩu phần ăn cơ sở và không bổ sung chế phẩm sinh học, nhóm bổ sung chế phẩm cho ăn khẩu phần cơ sở và bổ sung chế phẩm sinh học Bio Triluc vào nước với liều 1g/2l nước cho uống tự do. Hàng ngày chúng tôi theo dõi chính xác số gà chết và tổng hợp lại theo tuần. Kết quả nghiên cứu về tỷ lệ nuôi sống của gà J Dabaco từ 01 tuần tuổi đến 13 tuần tuổi được trình bày ở bảng 4.1 và hình 4.1.
Theo số liệu bảng 4.1 ta có thể thấy tỷ lệ nuôi sống qua các tuần tuổi của gà J Dabaco ở cả 2 nhóm đối chứng và bổ sung chế phẩm tương đối ổn định và cao trên 90%. Tỷ lệ nuôi sống của nhóm bổ sung chế phẩm trong 3 tuần đầu đều đạt 100% còn với nhóm đối chứng chỉ duy trì được trong 2 tuần đầu sau đó giảm dần.
Bắt đầu từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 13 tỷ lệ nuôi sống của nhóm đối chứng giảm nhanh từ 96% xuống chỉ còn 94,67% trong khi nhóm bổ sung chế phẩm vẫn duy trì đạt 97,33%. Sau 13 tuần thí nghiệm, tỷ lệ nuôi sống trung bình qua các giai đoạn của gà nhóm bổ sung chế phẩm là 98,38% cao hơn 1,35% so với nhóm đối chứng chỉ còn 97,03%.
Khi theo dõi và phân tích nguyên nhân hao hụt số lương gà trong giai đoạn sinh trưởng chúng tôi nhận thấy rằng: Hầu hết gà J Dabaco có khả năng sản sinh miễn dịch tố để chống chịu với các bệnh như: IB, CRD, gumboro,.. sau khi được tiêm vắc xin phòng bệnh theo chương trình vắc xin của công ty. Một số gà chết ở tuần tuổi thứ 3 và tuần tuổi thứ 5 chủ yếu do dẫm đạp lên nhau.
Bảng 4.1. Tỷ lệ nuôi sống của gà thí nghiệm
Tuần tuổi
Nhóm ĐC Nhóm bổ sung chế phẩm
Số gà đầu tuần
(con)
Tỷ lệ sống (%)
Số gà đầu tuần
(con)
Tỷ lệ sống (%)
1 75 100,00 75 100,00
2 75 100,00 75 100,00
3 74 98,67 75 100,00
4 74 98,67 74 98,67
5 73 97,33 74 98,67
6 73 97,33 74 98,67
7 73 97,33 73 97,33
8 72 96,00 73 97,33
9 72 96,00 73 97,33
10 72 96,00 73 97,33
11 71 94,67 73 97,33
12 71 94,67 73 97,33
13 71 94,67 73 97,33
Trung
bình 97,03 98,38
Tuy nhiên từ tuổi thứ 7 trở đi tỷ lệ nuôi sống của gà nhóm đối chứng giảm từ 97,33% - 94,67% nguyên nhân do đàn gà có một số biểu hiện bệnh như cầu trùng. Trong khi đó tỷ lệ nuôi sống của gà nhóm bổ sung chế phẩm vẫn ổn định.
Như vậy, chứng tỏ trong điều kiện nuôi như nhau nhóm gà được bổ sung chế phẩm sinh học Bio Triluc giúp tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu bệnh tật từ đó giúp tăng tỷ lệ nuôi sống của gà.
Tỷ lệ nuôi sống của đàn gà qua các giai đoạn giữa 2 nhóm đối chứng và bổ sung chế phẩm được thể hiện ở hình 4.1. Từ hình dưới đây cho thấy tỷ lệ nuôi sống của 2 nhóm ở tuần thứ 4 cao bằng nhau đều đạt 98,67%. Tuy nhiên đến giai đoạn thứ 2 ở tuần thứ 9 tỷ lệ đã có sự chênh lệch với nhóm bổ sung chế phẩm trên 97% trong khi nhóm đối chứng chỉ còn 96% giảm 2,67% so với giai đoạn trước. Ở tuần cuối của thí nghiệm tỷ lệ nuôi sống của nhóm được bổ sung chế phẩm sinh học Bio Triluc vẫn duy trì ở mức cao đạt 97,33% còn tỷ lệ nuôi sống của nhóm đối chứng giảm nhanh chỉ đạt 94,67%.
Hình 4.1. Tỷ lệ nuôi sống của gà J Dabaco trong thời gian thí nghiệm Mặt khác theo Trần Long và cs. (1994) cho biết sức sống của gà được tính bằng tỷ lệ nuôi sống sau một thời gian và tỷ lệ nuôi sống của gà Ri từ 0 – 6 tuần tuổi đạt 93,3%. Trần Thị Mai Phương (2004) cho biết tỷ lệ nuôi sống của gà Ác từ 0– 8 tuần tuổi đạt 93,6 – 96,9%. Kết quả của chúng tôi trên giống gà J Dabaco với tỷ lệ nuôi sống ở tuần thứ 13 vẫn đạt 97,33% cao hơn kết quả nghiên cứu của các tác giả trên.
Theo khuyến cáo của nhà cung cấp, giống gà J Dabaco có khả năng thích nghi cao. Bên cạnh đó, chuồng trại đảm bảo phù hợp với điều kiện sống của giống, công tác tiêm vaccine phòng bệnh tốt, và gà được ấp tại công ty có độ đồng đều cao. Sự chênh lệch về tỷ lệ nuôi sống giữa 2 nhóm đối chứng và bổ sung chế phẩm cũng đã thể hiện rằng chế phẩm sinh học Bio Triluc giúp tăng tỷ lệ sống của đàn gà.
Tình trạng trộn kháng sinh trong thức ăn với mục đích phòng và điều trị bệnh đường ruột trong chăn nuôi hiện nay còn phổ biến. Xu thế và áp lực phải dừng bổ sung kháng sinh trong chăn nuôi- thú y dẫn đến việc nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp thay thế kháng sinh, các chất có khả năng kích thích sinh trưởng, giảm nguy cơ mắc bệnh đường ruột cho vật nuôi đặc biệt là hội chứng tiêu chảy và vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một phần quan trọng của phát triển chăn nuôi bền vững. Các sản phẩm Probiotic đang góp phần hạn chế thực trạng này do chúng không gây hại cho cơ thể vật chủ nhưng ức chế vi sinh vật có hại để bảo vệ tốt đường tiêu hóa của vật nuôi. Ngoài ra, các vi sinh
vật hữu ích này còn tiết ra enzyme tiêu hóa như protease hay lên men yếm khí nguồn carbohyrate chưa tiêu hóa được bởi vật chủ thành các acid béo bay hơi hạ pH ở ruột già, bảo vệ đường tiêu hóa cũng như cung cấp năng lượng cho cơ thể vật nuôi. Probiotic còn có tác dụng tốt lên quá trình hình thành kháng thể, phòng trừ bệnh tiêu chảy lợn hạn chế stress.
Theo Estienne et al (2005), probiotic có thể cải thiện khối lượng và tăng trọng cải thiện tỷ lệ mắc hội chứng tiêu chảy cho vật nuôi. Tác động của probiotic phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thành phần vi khuẩn và đặc tính của chủng vi khuẩn trong probiotic, điều kiện môi trường và đặc điểm di truyền của vật nuôi. Với những trường hợp probiotic không phát huy đươc tác dụng có thể do mức độ ảnh hưởng của thay đổi môi trường quá lớn dẫn đến hạn chế giới hạn tương tác của biểu mô niêm mạc ruột với vi khuẩn probiotic. Theo Taras et al (2006), probiotic cải thiện trạng thái phân; giảm tiêu chảy và liều lượng probiotic có thể ảnh hưởng đến tác dụng này. Đặc biệt, thời điểm bắt đầu phối hợp probiotic không ảnh hưởng đến tác dụng hạn chế tiêu chảy. Một số trường hợp tiêu chảy sảy ra do số lượng vi khuẩn có lợi thấp hoặc số lượng vi khuẩn gây bệnh cao trong đường ruột dẫn đến hiện tượng mất cân bằng vi sinh vật trong đường ruột và dẫn đến “nhiễm trùng tự giới hạn” (self-limiting infection).
Sử dụng chế phẩm Bio Triluc cho đàn gà J Dabaco cho thấy gà có bề ngoài đẹp hơn, lông mượt, mã gà đẹp, tỷ lệ phân sống thấp hơn so với đàn không sử dụng chế phẩm. Bổ sung Bio Triluc còn giúp giảm mùi hôi chuồng trại. Đây có thể là những bằng chứng chứng minh tác dụng của bào tử vi khuẩn trong chế phẩm này.
Hình 4.2 Gà J Dabaco 13 tuần tuổi được nuôi thí nghiệm