Tác dụng của chế phẩm Bio Triluc đến chuyển hóa thức ăn

Một phần của tài liệu Đánh giá tác dụng của chế phẩm probiotic bio triluc đến sinh trưởng và hình thái vi thể niêm mạc ruột gà j dabaco (Trang 39 - 44)

4.2.1. Lượng thức ăn thu nhận của gà J Dabaco

Lượng thức ăn thu nhận là một chỉ tiêu quan trọng trong chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp. Chỉ tiêu này phản ánh khả năng thu nhận thức ăn của gà. Theo Leeson và Summers (2001), khả năng thu nhận thức ăn của gia cầm sinh sản và tăng trưởng không chỉ phụ

thuộc vào hàm lượng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần mà phụ thuộc nhiều vào điều kiện ngoại cảnh, đặc biệt là nhiệt độ môi trường và điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng. Thông qua chỉ tiêu này, người ta có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của đàn gia cầm, chất lượng thức ăn, trình độ nuôi dưỡng và chăm sóc.

Đối với gia cầm, thức ăn mới, thơm ngon đầy đủ dưỡng chất sẽ làm tăng lượng thức ăn thu nhận. Dựa vào lượng thức ăn thu nhận và năng suất của mỗi đàn gia cầm, người ta tính được tiêu tốn và chi phí thức ăn cho một đơn vị sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, lượng thức ăn thu nhận có một ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu cũng như trong sản xuất của ngành chăn nuôi gia cầm.

Trong quá trình thí nghiệm, chúng tôi tiến hành ghi chép theo dõi cẩn thận lượng thức ăn cho ăn hàng ngày và lượng thức ăn thừa vào một giờ nhất định.

Kết quả theo dõi được trình bày ở bảng 4.3 và hình 4.4.

Bảng 4.3. Lượng thức ăn thu nhận của gà J Dabaco

Tuần tuổi Lượng ăn thu nhận (g/con/ngày)

Nhóm ĐC Nhóm bổ sung Bio Triluc

1 12,1 ± 0,20 11,85 ± 0,19

2 21,00 ± 0,18 20,48 ± 0,21

3 24,60 ± 0,16 25,53 ± 0,15

4 28,50 ± 0,21 28,90 ± 0,17

5 37,60 ± 0,25 38,40 ± 0,25

6 48,90 ± 0,18 49,25 ± 0,22

7 69,50 ± 0,16 70,10 ± 0,15

8 77,10 ± 0,11 77,80 ± 0,17

9 87,00 ± 0,15 87,90 ± 0,22

10 101,80 ± 0,19 102,50 ± 0,23

11 106,90 ± 0,14 107,85 ± 0,20

12 112,20 ± 0,16 113,60 ± 0,19

13 112,30 ± 0,19 113,90 ± 0,25

Trung bình 64,58 ± 0,18 65,24 ± 0,21

Từ bảng trên cho thấy lượng thức ăn thu nhận của gà nhóm bổ sung chế phẩm trong 2 tuần đầu thấp hơn so với nhóm đối chứng vì đây là thời điểm mới bổ sung chế phẩm sinh học gà con chưa quen nên lượng ăn ít hơn. Cụ thể tuần đầu lượng thức ăn thu nhận của gà nhóm bổ sung chế phẩm là 11,85 ± 0,19g/con/ngày ít hơn 0,25g/con/ngày so với gà nhóm đối chứng là 12,1 ± 0,20 g/con/ngày và tuần thứ 2 là 20,48 ± 0,2g/con/ngày ít hơn khoảng 0,52g/con/ngày so với gà nhóm đối chứng là 21,00 ± 0,18g/con/ngày. Đến tuần thứ 3 khi gà con đã quen với chế phẩm sinh học thì lượng thức ăn thu nhận hàng ngày là 25,53 ± 0,15g/con/ngày cao hơn khoảng 0,93g so với nhóm đối chứng là 24,60 ±

0,16g/con/ngày. Cũng từ tuần thứ 3 cho đến khi kết thúc thí nghiệm lượng thức ăn thu nhận của gà nhóm bổ sung chế phẩm luôn cao hơn so với gà nhóm đối chứng. Lượng thức ăn thu nhận tăng rõ rệt hơn giữa 2 nhóm vào tuần thứ 8, thứ 9 và tuần thứ 13. Ở tuần thứ 8, thứ 9 và thứ 13 lượng thức ăn thu nhận của gà nhóm bổ sung chế phẩm cao hơn tương ứng khoảng 0,7; 0,9 và 1,6g/con/ngày so với gà nhóm đối chứng. Kết quả theo dõi cho thấy, có sự khác biệt lượng thức ăn thu nhận giữa các nhóm thí nghiệm. Khi bổ sung chế phẩm vào thức ăn giúp làm tăng lượng thức ăn thu nhận của đàn gà trung bình từ 64,58 ± 0,18g/con/ngày lên đến 65,24 ± 0,21g/con/ngày.

Lượng thức ăn thu nhận luôn được người chăn nuôi quan tâm. Vật nuôi thu nhận thức ăn đủ lượng là một trong những biểu hiện của trạng thái “tốt” cho mỗi trang trại. Thức ăn là nguyên liệu đầu vào giúp vật nuôi sản xuất ra các sản phẩm chăn nuôi đối với gà J Dabaco thì sản phẩm chính là thịt.

Như vậy, từ kết quả trên cho thấy việc bổ sung chế phẩm probiotic Bio Triluc vào nước uống của gà đã làm tăng lượng thức ăn thu nhận. Khi lượng thức ăn thu nhận tăng lên sẽ giúp tăng khả năng sản xuất, làm giảm thiểu lượng thức ăn dư thừa và các sản phẩm trung gian tạo mùi trong chuồng nuôi khi thức ăn không được chuyển hóa hết.

Lượng thức ăn thu nhận của gà J Dabaco của 2 nhóm đối chứng và thí nghiệm qua các giai đoạn được thể hiện ở hình 4.4.

Hình 4.4. Lương thức ăn thu nhận gà J Dabaco thí nghiệm

Qua hình trên cho thấy lượng thức ăn thu nhận sau 4 tuần có sự chênh lệch từ 28,2g/con/ngày của nhóm đối chứng lên 28,9g/con/ngày của nhóm bổ sung chế phẩm. Đến tuần thứ 9 lượng thức ăn thu nhận của nhóm bổ sung chế phẩm tăng 0,8g/con/ngày so với nhóm đối chứng và đến tuần thứ 13 tăng hơn 1,6g/con/ngày.

Lượng thức ăn thu nhận của gà J Dabaco ở các giai đoạn phát triển trong thời gian thí nghiệm có sự chênh lệch không nhiều tuy nhiên với quy mô chăn nuôi công nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

4.2.2. Tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR)

Tỷ lệ chuyển hóa thức ăn hay mức tiêu tốn thức ăn trên một đơn vị sản phẩm là chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật quan trọng trong chăn nuôi gia cầm, nó quyết định giá thành sản phẩm và ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. Trong chăn nuôi gia cầm mục đích chủ yếu là lấy thịt thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để đàn gà có tốc độ sinh trưởng cao, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể thấp..

Tỷ lệ chuyển hóa thức ăn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau trong đó có yếu tố giống gia cầm Nguyễn Thị Mai (1994). Theo Phùng Đức Tiến (1996), gà broiler Ross 208 nuôi chung trống mái đến 63 ngày tuổi tiêu tốn là 2,29kg thức ăn cho một kg tăng trọng. Nuôi riêng gà trống tiêu tốn 2,19kg và gà mái tiêu tốn 2,39kg thức ăn cho một kg tăng trọng. Như vậy, gà trống tiêu tốn thức ăn cho một kg tăng trọng thấp hơn gà mái, nghĩa là gà trống có HQSDTA tốt hơn gà mái. Hàm lượng protein trong thức ăn cũng ảnh hưởng đến HQSDTA. Cùng mức năng lượng, sử dụng hàm lượng protein là 25 – 23 và 21% tương ứng với 3 giai đoạn nuôi thì hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn mức 23 – 21 và 19% protein. Giảm tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng khối lượng cơ thể từ 2,40 xuống 2,21kg. Sự khác nhau là có ý nghĩa thống kê với P<0,05 (Nguyễn Thị Mai, 1996).

Hiệu quả sử dụng thức ăn không những phụ thuộc vào đặc điểm di truyền của từng dòng giống gia cầm mà nó còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng.

Nguyễn Thị Mai (2001) cho biết, các mức năng lượng khác nhau trong thức ăn cũng ảnh hưởng đến HQSDTA với P<0,05. Tác giả cho biết cùng hàm lượng protein, khi tăng mức năng lượng trong 1kg thức ăn từ 2900 đến 3200 kcal đã làm tăng HQSDTA. Nói cách khác đã làm giảm tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng khối lượng cơ thể gà broiler ở 7 tuần tuổi từ 2,41 xuống 2,15 kg. Kết quả được thể hiện ở bảng 4.4.

Bảng 4.4. Tỷ lệ chuyển hóa thức ăn

Tuần tuổi Tiếu tốn thức ăn (kg)/ 01 kg khối lượmg Nhóm ĐC Nhóm bổ sung Bio Triluc

1 1,21 1,24

2 2,21 2,25

3 2,44 2,41

4 2,13 2,10

5 2,39 2,36

6 2,15 2,00

7 2,29 2,25

8 2,44 2,42

9 2,54 2,53

10 2,70 2,67

11 2,81 2,78

12 3,14 3,10

13 3,17 3,13

Trung bình 2,43 2,40

Từ bảng trên chúng tôi thấy rằng lượng tiêu tốn thức ăn cho 1kg tăng trọng của gà nhóm bổ sung chế phẩm 2 tuần đầu cao hơn so với nhóm đối chứng, cụ thể tuần đầu là 1,24 so với 1,21 và 2,25 với 2,21 ở tuần thứ 2. Từ tuần thứ 3 trở đi so sánh 2 nhóm đối chứng và bổ sung chế phẩm, chúng tôi thấy rằng gà nhóm bổ sung chế phẩm lượng tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng thấp hơn so với gà nhóm đối chứng và trung bình sau 13 tuần theo dõi lượng tiêu tốn thức ăn của nhóm thí nghiệm giảm 0,03kg/kg còn 2,4kg/kg khối lượng cơ thể . Điều này đồng nghĩa với tỷ lệ chuyển hóa thức ăn của nhóm bổ sung chế phẩm cao hơn nhóm đối chứng.

Theo kết quả nghiên cứu của Phạm Kim Đăng và cs. (2016), khi nghiên cứu ảnh hưởng của probiotic bacillus dạng bào tử chịu nhiệt trên gà thịt, giống Ri Ninh Hòa cho biết khi kết thức thí nghiệm HQSDTA của gà lô ĐC là 3,64 kg, lô bổ sung Neovia GroMax là 3,46 kg. Như vậy gà ở lô được bổ sung chế phẩm có HQSDTA tốt hơn.

Từ kết quả thu được như trên, chúng tôi thấy rằng giống gà J Dabaco tăng trưởng nhanh, khả năng chuyển hóa thức ăn tốt. Ngoài việc cho ăn đầy đủ nhu cầu và dinh dưỡng đối với gà thịt thì việc bổ sung chế phẩm probiotics Bio Triluc vào khẩu phần ăn cho hiệu quả quả tốt hơn. Như vậy bổ sung chế phẩm probiotic Bio Triluc có ảnh hưởng tốt với gà thịt.

Do chất lượng thức ăn có ảnh hưởng rất lớn cùng với quá trình phát triển của gà con. Trong giai đoạn đầu sau nở, gà con nhận được kháng thể IgA, IgG, IgM từ

lòng đỏ, có tác dụng chống lại các tác nhân gây bệnh. Cùng với quá trình sinh trưởng, hệ tiêu hóa có những biến đổi dần dưới tác động của thức ăn. Do đó, chất lượng thức ăn có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hấp thu và chuyển hóa thức ăn trong giai đoạn này. Với các bào tử vi khuẩn Bacillus trong chế phẩm, Bio Triluc có thể đã tác động đến hệ miễn dịch của gà, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột và cấu trúc lông nhung biểu mô ruột từ đó cải thiện các chỉ tiêu năng suất.

Một phần của tài liệu Đánh giá tác dụng của chế phẩm probiotic bio triluc đến sinh trưởng và hình thái vi thể niêm mạc ruột gà j dabaco (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(60 trang)