2.5. Các biện pháp kỹ thuật và cơ giới hóa ở đậu tương
2.5.1. Ảnh hưởng của các biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng, phát triển và năng suất ở đậu tương
Các biện pháp kỹ thuật được sử dụng có tác động tăng năng suất, kích thích quá trình sinh trưởng và phát triển ở đậu tương. Các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất có thể gồm bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, mật độ trồng phù hợp, phun thuốc kích thích đậu quả, sử dụng thuốc hóa học để phun khi cây bị sâu bệnh bổ
sung các dinh dưỡng vi lượng qua phân bón lá, bón phân hóa học cân đối, sử dụng các máy móc trong khâu làm đất, thu hoạch, xác định và giữ khoảng cách giữa các cây, các hàng đậu với nhau, bấm ngọn, trồng đậu tương xen canh với lúa nước, với các cây trồng có tán lá cao,…(Vũ Thị Thúy Hằng và cs., 2007; Rosa et al., 2016). Một số biện pháp kỹ thuật trong canh tác đậu tương như: nhiễm khuẩn Rhizobium cho thấy nhiễm khuẩn làm tăng năng suất đậu tương tăng 4-6% năng suất. Kỹ thuật dặm tỉa cây nhằm điều tiết diện tích dinh dưỡng và ánh sáng cho cây giúp cây nhận được đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết để phát triển. Kỹ thuật vun xới và làm cỏ nhằm tiêu diệt cỏ dại, tạo điều kiện cho rễ và vi sinh vật hoạt động, kinh nghiệm cho thất vun xới 2-3 lần có thể làm tăng năng suất 12- 23%. Kỹ thuật bấm ngọn có tác dụng điều tiết được dinh dưỡng và điều khiển được tán cây cho sự phát triển cân đối, để tập trung dinh dưỡng cho mầm hoa phát triển, quả nhiều. Mật độ gieo giúp tăng năng suất và chất lượng hạt đậu tương, mật độ thích hợp giúp cây sử dụng ánh sáng dinh dưỡng và nước hiệu quả. Thời vụ giúp tăng năng suất và chất lượng hạt đậu tương, thời vụ thích hợp giúp cây sinh trưởng và phát triển trong điều kiện ngoại cảnh phù hợp nhất trong năm,…(Ngô Thế Dân và cs., 1999) (Bảng 2.4).
Ở các nước sản xuất đậu tương với diện tích lớn và sử dụng cơ giới hóa như Mỹ, Brazil, Agentina, thời vụ gieo trồng cũng biến động theo từng vùng và được nghiên cứu kỹ. Ví dụ thời vụ gieo trồng ở trung nam nước Mỹ chia thành 3 nhóm: thời vụ gieo sớm, thời vụ truyền thống và thời vụ để trồng luân canh (Berger-Doyle et al., 2014). Đối với gieo sớm, đậu tương được trồng vào tháng 4 để thu hoạch sớm, tránh điều kiện hạn trong thời gian hình thành hạt. Đối với nhóm truyền thống, thời gian gieo từ giữa tháng 5 – đầu tháng 6 nhưng thời gian sinh trưởng ngắn làm giảm năng suất. Đối với trồng luân canh, đậu tương được trồng vào giữa tháng 6 sau khi thu hoạch lúa mì. Gieo trồng không đúng thời vụ đều dẫn đến suy giảm năng suất 1-2 % (Berger-Doyle et al., 2014). Mặt khác, một số kỹ thuật canh tác như mật độ trồng, khoảng cách hàng và tưới tiêu cũng có ảnh hưởng lớn đến năng suất (Akond et al., 2013). Các giống đậu tương có thời gian sinh trưởng dài hơn so với các giống Việt Nam, từ 130 – 140 ngày, chiều cao từ 40 – 73 cm, và năng suất 1,8 – 2,8 tấn/ha (Berger-Doyle et al., 2014). Ở Brazil, đậu tương cũng được trồng luân canh với ngô và thời vụ gieo trồng cũng ảnh hưởng đến các đặc điểm nông học (Braccini et al., 2010).
Bảng 2.4. Ảnh hưởng của một số biện pháp kĩ thuật trong canh tác đến cây đậu tương
Biện pháp kỹ thuật Mục đích và ảnh hưởng đến cây đậu tương
Nhiễm khuẩn Rhizobium Kinh nghiệm cho thấy nhiễm khuẩn năng suất đậu tương tăng 4-6% năng suất
Dặm tỉa cây Nhằm điều tiết diện tích dinh dưỡng và ánh sáng cho cây giúp cây nhận được đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết để phát triển Xới vun và làm cỏ
Nhằm tiêu diệt cỏ dại tạo điều kiện cho rễ và vi sinh vật hoạt động. Kinh nghiệm cho thấy vun xới 2-3 lần có thể làm tăng năng suất 12-23 %.
Bấm ngọn
Bấm ngọn có tác dụng điều tiết được dinh dưỡng và điều khiển được tán cây cho sự phát triển cân đối, để tập trung dinh dưỡng cho mầm hoa phát triển, quả nhiều.
Xác định mật độ gieo
Mục đích tăng năng suất và chất lượng hạt đậu tương. Mật độ thích hợp giúp cây sử dụng ánh sáng dinh dưỡng và nước hiệu quả hơn.
Xác định thời vụ
Mục đích tăng năng suất và chất lượng hạt đậu tương. Thời vụ thích hợp giúp cây sinh trưởng và phát triển trong điều kiện ngoại cảnh phù hợp nhất trong năm.
Bón phân hợp lý
Mục đích tăng năng suất và chất lượng hạt đậu tương. Bón phân hợp lý đảm bảo cho cây có đầy đủ dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển.
Tưới tiêu kịp thời
Mục đích đảm bảo năng suất chất lượng hạt đậu tương. Nếu không tưới tiêu nước kịp thời sẽ làm ảnh hưởng tới các yếu tố làm giảm năng suất chất lượng của cây như: cây héo, rụng hoa, quả, giảm số hoa, tỷ lệ đậu quả.
Phòng trừ sâu bệnh kịp thời
Mục đích đảm bảo năng suất chất lượng hạt đậu tương. Loại bỏ các bệnh và các loại sinh vật có hại ảnh hưởng tới cây như:
sâu cuốn lá, sâu đục quả.
Một số nghiên cứu ở Việt Nam cũng cho thấy ảnh hưởng của thời vụ, mật độ, phân bón đến năng suất đậu tương (Hà Hữu Tiến và cs., 2007; Vũ Thị Thúy Hằng và cs., 2007; Nguyễn Chí Dũng và cs., 2016). Hà Hữu Tiến và cs. (2007), cho rằng tại Tây Nguyên, trong vụ hè thu, trồng mật độ đậu tương là 400.000cây/ha (50 cm x 15 cm x 3 cây) sẽ đạt năng suất 2,52 tấn/ha, vượt 0,4 tấn/ha so với đối chứng là 300.000cây/ha; trong vụ thu đông, mật độ 530.000
cây/ha (50 cm x 15 cm x 4 cây) cho năng suất 2,06 tấn/ha, cao nhất so với các công thức mật độ khác và vượt 0,5 tấn/ha so với đối chứng (dẫn theo Nguyễn Văn Chương và cs., 2015).