Nghiên cứu kiến thức, thái độ và thực hành liên quan đến sự bùng phát Covid- 19 ở Bangladesh[25]: một nghiên cứu cắt ngang trực tuyến của Most Zannatul
Ferdous và cộng sự thực hiện từ ngày 29/3-19/4/2020 ở đối tượng cư dân từ 12-64 tuổi cho thấy: 48,3% người tham gia có kiến thức chính xác hơn, 62,3% có thái độ tích cực hơn và 55,1% có thực hành thường xuyên hơn về phòng ngừa Covid-19. Đa số (96,7%) người tham gia đồng ý Covid-19 là một căn bệnh nguy hiểm, hầu hết (98,7%) người tham gia đeo khẩu trang ở những nơi đông người, 98,8% đồng ý báo cáo trường hợp nghi ngờ cho cơ quan y tế và 93,8% thực hiện rửa tay bằng xà phòng và nước.
Tại miền Nam Phi-líp-pin, 530 sinh viên của hai trường cao đẳng tư thục (sinh viên ngành luật có tỷ lệ tham gia cao nhất) đã trả lời trong cuộc khảo sát trực tuyến và cho thấy các đối tượng nghiên cứu đã nhận thức được đại dịch COVID-19 và có đủ kiến thức về mối quan tâm toàn cầu này. 73,58% sinh viên biết rằng COVID-19 có thể lây lan qua chạm, hắt hơi, hôn và thức ăn. Họ biết rằng triệu chứng chính của nhiễm COVID-19 là sốt 97,55%. Xét về nhận thức của sinh viên về nguy cơ nhiễm COVID-19 và hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa 62,64% cho rằng mức độ nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, sinh viên cũng thấy những việc sau đây có hiệu quả cao: cách ly xã hội và đeo khẩu trang (60%), rửa tay và khử trùng (66,42%), và ở nhà (84,72%). Đại đa số học sinh được hỏi (81,32%) nói rằng họ sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19. Trong số những học sinh không muốn tiêm chủng, 45,45% cho rằng nó không an toàn vì nó có thể có những rủi ro về sức khỏe hoặc tác dụng phụ. Đối với các cách đối phó với đại dịch COVID-19 có 90,19% đối tượng chọn tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân nghiêm ngặt và khoảng 80% đối tượng chọn tránh ra ngoài ở những nơi công cộng để giảm phơi nhiễm COVID-19 [26].
Một nghiên cứu khác với mục đích đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành phòng ngừa liên quan đến COVID-19 của hai nhóm trường đại học ở Pakistan đa số là sinh viên ngành y dược đã được thực hiện và cho kết quả 50,2%, 42,8% và 7% đối tượng lần lượt có kiến thức COVID-19 tốt, trung bình và kém. Điểm thái độ trung bình là 5,74 ± 1,28, với 65,4% người tham gia có thái độ tích cực. Điểm thực hành phòng ngừa dịch COVID-19 trung bình đạt 11,04 ± 3,34, với 36,5% người tham gia có thực hành phòng ngừa tốt liên quan đến COVID-19 [27].
Một nghiên cứu tại Iran, tác giả Mohammad Hossein Taghrir và các cộng sự đã thu thập dữ liệu từ 26 đến ngày 28 tháng 2 năm 2020. 240 sinh viên y khoa Iran từ năm thứ 5 tới năm thứ 7 đã tham gia vào nghiên cứu này. 86,96% là tỷ lệ sinh viên trả lời đúng các câu hỏi kiến thức về Covid-19, 79,6% sinh viên có mức độ hiểu biết tốt chiếm tỷ lệ 79,6%, sinh viên có mức độ hiểu biết trung bình chiếm tỷ lệ 13,8% và sinh viên có mức độ hiểu biết thấp chiếm tỷ lệ 6,7% [28].
Theo một nghiên cứu tại Jordan nhìn chung, các sinh viên y khoa ở đây đã cho thấy mức độ hiểu biết và thái độ về COVID-19 và báo cáo các biện pháp phòng ngừa tốt. Nghiên cứu chỉ ra rằng các con đường lây truyền bệnh thường được mô tả như các giọt đường hô hấp, tiếp xúc gần và tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm được hơn 90% học sinh xác định là nguồn lây truyền chính. Sinh viên y khoa dường như ít kỳ thị và sợ hãi đối với việc nhiễm COVID-19 hơn so với các nhóm sinh viên khác hoặc dân chúng vì họ đồng ý với các biện pháp cách ly bản thân hoặc các thành viên trong gia đình và tiết lộ các trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ sinh viên y khoa (15,3%) đồng ý rằng các trường hợp nhiễm COVID-19 tiềm ẩn trong gia đình họ không nên được tiết lộ. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm COVID-19 như rửa tay (87,0%) và ở nhà (83,1%) được những người tham gia áp dụng. Chỉ 9,7% sinh viên thường xuyên đeo khẩu trang và 60,6% sinh viên khẳng định nhu cầu đeo khẩu trang của những người bị nhiễm bệnh[29]
Ở một trường cao đẳng y tế ở Uttarakhand, Ấn Độ, trong tổng số sinh viên y khoa tham gia nghiên cứu (n = 354), 86,7% sinh viên có kiến thức đúng về các triệu chứng chính của COVID-19. Hơn nữa, 92,4% người tham gia tin rằng việc điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng sớm có thể giúp hầu hết bệnh nhân khỏi bệnh. Ý thức phòng và chữa bệnh của những người tham gia rất cao. Hầu như tất cả sinh viên (96,9%) đều biết rằng có thể phòng ngừa COVID-19 bằng cách tránh đến những nơi đông người như ga tàu và tránh các phương tiện giao thông công cộng. Nghiên cứu cho 76,6% sinh viên đồng ý rằng việc đưa tin về virus Corona trên các phương tiện truyền thông (như báo chí, truyền hình, trực tuyến) cần được tiến hành nhiều hơn.
Ngoài ra, phần lớn những người tham gia (94,1%) ủng hộ việc đóng cửa các thành
phố lớn và hơn 75% cũng ủng hộ “Lệnh giới nghiêm Janta” - nơi đang diễn ra dịch bệnh tại quốc gia này. 98,6% sinh viên đã tránh đi du lịch hoặc đi chơi không cần thiết trong thời gian bùng phát dịch. Hầu hết tất cả sinh viên (96,6%) đều tăng tần suất rửa tay do ảnh hưởng của COVID-19[30].
Nghiên cứu đánh giá sự hiểu biết của sinh viên điều dưỡng về việc phòng chống bệnh COVID-19 và nhận thức của họ về vai trò công việc của họ trước đại dịch ở Trịnh Châu, Trung Quốc cho thấy 93,2% sinh viên có kiến thức ở mức độ cao, cụ thể là hiểu rõ hơn về COVID-19, 3,4% sinh viên có mức độ trung bình và 3,4% sinh viên có mức độ thấp.
Một cuộc khảo sát cắt ngang trực tuyến trên các sinh viên y khoa tại Ấn độ cho thấy các nguồn cung cấp thông tin chính về COVID-19 là mạng xã hội (Facebook, WhatsApp, YouTube, Instagram) (n = 466, 65,17%), tiếp theo là truyền thông tin tức (TV / video) (n = 149, 20,84%). Những người tham gia còn lại cho biết họ lấy thông tin qua các phương tiện in (tạp chí, báo) và các nguồn khác. Rất ít sinh viên có được thông tin từ các nguồn thông tin đại học của họ như bản tin, áp phích và bài giảng của khách. Đa số người tham gia có kiến thức đầy đủ trong khi khoảng 18% có kiến thức một phần về các triệu chứng của các trường hợp COVID- 19 nghiêm trọng. Học sinh đã thể hiện nhận thức tích cực về việc phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 trong khi một số phản hồi không hợp lệ liên quan đến việc sử dụng thuốc thảo dược hoặc tỏi được ghi nhận. Khoảng 50% đã khẳng định đúng rằng, thuốc kháng sinh và vaccine hiện nay không có hiệu quả trong trường hợp nhiễm COVID-19 [31].
Nghiên cứu về nhận thức về COVID-19 của các sinh viên và chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở vùng đô thị Mumbai. Kết quả chỉ ra rằng nhận thức chung cho tất cả các nhóm nhỏ là đủ với 71,2% báo cáo câu trả lời đúng. Tỷ lệ cao nhất của các câu trả lời đúng là từ các sinh viên y khoa đại học là 74,1 % và thấp nhất là từ các nhân viên phi lâm sàng hành chính với 53,6% . Chưa đến một nửa trong tổng số người được hỏi có thể xác định chính xác liên hệ chặt chẽ. Hơn ba phần tư số người được hỏi đã biết về các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng khác nhau như xử lý nhanh, vệ sinh hô hấp và có khu vực chờ thông gió tốt cho bệnh nhân nghi ngờ SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, chỉ có 45,4% số người được hỏi nhận thức đúng trình tự khi sử dụng khẩu trang và chỉ có 52,5% số người được hỏi biết về phương pháp vệ sinh tay. Kết luận cần có sự can thiệp giáo dục thường xuyên và các chương trình đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn [32].
1.4.2. Một số nghiên cứu tại Việt Nam
Nghiên cứu Lê Minh Đạt và cộng sự năm 2020 phỏng vấn trực tiếp trên 354 sinh viên hệ bác sĩ đang học tập tại trường Đại học Y Hà Nội nhằm mô tả kiến thức thái độ của sinh viên đối với đại dịch COVID-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn sinh viên Đại học Y Hà Nội đều có kiến thức đúng về dịch bệnh COVID-19. Có 94,92% sinh viên sẵn sàng rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm và hơn 97,18% tin tưởng vào vai trò của cán bộ, nhân viên y tế trong kiểm soát lây lan COVID-19. Bên cạnh đó có 73,16% sinh viên tình nguyện tham gia vào công tác phòng chống dịch trong cộng đồng và 96,05% sẵn sàng đăng ký tiêm ngay lập tức nếu có vaccine phòng bệnh COVID-19 [33].
Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Như Khuê và cộng sự năm 2021 về kiến thức, thái độ, thực hành của 1154 người dân trên 18 tuổi tại Đắk Lắk cho thấy 99,39%
người tham gia nghiên cứu đã được nghe nói về dịch Covid-19. Điểm trung bình kiến thức là 29,16 ± 5,5/45 điểm; điểm trung bình thực hành là 26,7 ± 4,5/32 điểm. Không có sự khác biệt giữa nam và nữ (p=0,96), giữa các độ tuổi (p=0,29) về kiến thức chung, thái độ chung và thực hành chung về phòng chống dịch Covid-19 [34].
Nghiên cứu của Bùi Huy Tùng và cộng sự năm 2020 phỏng vấn trực tiếp trên 434 sinh viên điều dưỡng tại trường Cao đẳng Y tế Hà Nội nhằm khảo sát kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống dịch Covid-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy đa số sinh viên tại trường Cao đẳng Y tế Hà Nội có thái độ tốt trong việc phòng chống dịch COVID-19 (93,2%), tuy nhiên chỉ có 74,9% sinh viên tham gia nghiên cứu có kiến thức tốt. Đặc biệt, việc thực hành phòng chống dịch COVID-19 của sinh viên chưa tốt còn khá nhiều (56,3%) [35].
Nghiên cứu Đào Thị Ngọc Huyền, Phạm Kim Oanh khảo sát trên 589 sinh viên y đa khoa năm thứ năm và năm thứ sáu tại Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
từ tháng 5 đến tháng 8/2020. Cho kết quả: Tỷ lệ sinh viên có kiến thức đúng là 43,1%.
Có mối liên quan giữa năm học với kiến thức chung về COVID – 19. Theo đó, sinh viên y đa khoa năm thứ sáu có kiến thức chung đúng nhiều hơn 1,29 lần sinh viên y đa khoa năm thứ năm. Kết quả cho thấy sự khác biệt giữa giới tính với kiến thức chung đúng không có ý nghĩa thống kê. 75,6% sinh viên trả lời đúng về đường lây truyền COVID – 19, 99-100% sinh viên biết các biện pháp phòng tránh là đeo khẩu trang đúng cách, vệ sinh tay đúng cách và tránh đi đến nơi đông người. Về các tiêu chuẩn chẩn đoán xác định nhiễm bệnh: chỉ 223 sinh viên (37,9%) biết xét nghiệm chẩn đoán xác định COVID – 19 là Realtime RT-PCR. 67,6% đối tượng nghiên cứu có thái độ chung tích cực về COVID – 19. Có 56,4% sinh viên sẽ lo lắng khi biết một thành viên trong gia đình họ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, có 83,2% sinh viên cho biết họ cập nhật thông tin về COVID – 19. Ngoài ra, khi được hỏi về việc có tham gia vào công tác chống dịch nếu được kêu gọi, có 66,7% sinh viên cho biết rằng đồng ý sẵn sàng tham gia [36].
Nghiên cứu của Vũ Thị Ánh năm 2020 trên 653 sinh viên đại học Y dược- Đại học quốc gia Hà Nội về kiến thức, thái độ và thực hành của sinh viên về phòng chống dịch bệnh COVID-19: về mức độ hiểu biết chung, tỷ lệ sinh viên được đánh giá ở mức độ hiểu biết tốt, khá, trung bình lần lượt là: 71,82%; 22,21% và 5,97%. Có 98,16% sinh viên thường xuyên cập nhật tin tức về dịch bệnh và 94,49% sinh viên khi được hỏi sẵn sàng tham gia chống dịch nếu được kêu gọi. Về mức độ thực hành chung các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tỷ lệ sinh viên được đánh giá ở mức độ thực hành tốt, khá, trung bình lần lượt là 89,74%; 9,04%; và 1,23%. Sinh viên năm cuối có kiến thức và mức độ thực hành tốt hơn sinh viên năm thứ nhất, sinh viên chuyên ngành Y đa khoa có mức độ hiểu biết kiến thức chung về và mức độ thực hành các biện pháp phòng chống Covid-19 tốt hơn các ngành khác[37].