Yếu tố liên quan đến kiến thức phòng chống dịch COVID-19

Một phần của tài liệu Thực hành kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống dịch bệnh covid 19 của sinh viên trường cao đẳng y tế hà đông năm 2022 (Trang 74 - 77)

4.3 Các yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống dịch bệnh COVID-19 của sinh viên trường cao đẳng Y tế Hà Đông

4.3.1. Yếu tố liên quan đến kiến thức phòng chống dịch COVID-19

Khi phân tích mối liên quan từng biến đơn lẻ với kiến thức phòng chống dịch bệnh Covid-19 của sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Đông cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kiến thức với giới tính, dân tộc, hộ khẩu, nơi ở, đối tượng sống cùng, chuyên ngành. Tuy nhiên có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kiến thức với năm học, nguồn thông tin, phương tiện tiếp cận thông tin, tình trạng tham gia các khoá đào tạo, tập huấn kiến thức về phòng chống dịch bệnh Covid-19

và tình trạng tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 (p<0,05).

Năm học: Sinh viên năm thứ ba có kết quả kiến thức đạt cao gấp 3,36 lần so với sinh viên năm thứ nhất, sinh viên năm thứ hai có kết quả kiến thức đạt cao gấp 2,6 lần so với sinh viên năm thứ nhất. Điều này được lý giải do sinh viên năm thứ hai và thứ ba có thời gian học tại trường dài hơn so với năm thứ nhất; số lượng môn đã được học nhiều hơn nên sẽ có sẽ kiến thức tốt hơn. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của tác giả Đào Thị Ngọc Huyền và cộng sự khảo sát trên 589 sinh viên Y tại trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên năm thứ 6 có kiến thức chung đúng gấp 1,29 lần sinh viên năm thứ năm [50]. Nghiên cứu của tác giả Vũ Thị Ánh năm 2020 cũng cho kết quả tương tự khi sinh viên năm cuối có kiến thức tốt hơn sinh viên năm thứ nhất [62]. Kết quả nghiên cứu của tác giả Leonardo thực hiện trên sinh viên y khoa cũng cho thấy có mối liên quan giữa kiến thức và năm học [40].

Nguồn thông tin: Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã và đang khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích mang lại, mạng xã hội cũng đang trở thành công cụ bị lợi dụng để thực hiện những hành vi xấu. Trong lúc nhiều quốc gia căng mình chống dịch Covid-19, có một loại virus khác được đánh giá không kém phần nguy hiểm, đó là tin giả. Niềm tin sai lệch do tiếp xúc với tin giả giống như cách thức dịch bệnh lây lan. Các tương tác xã hội trên môi trường truyền thông giống như virus lây nhiễm từ nhận thức, thái độ và hành vi của người này sang người khác. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin, truyền thông, bảo vệ quyền lợi công dân, nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật xử lý đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sinh viên có nguồn thông tin từ Internet, mạng xã hội có mức độ hiểu biết kiến thức chung về COVID – 19 tốt hơn so với nhóm sinh viên còn lại (cao gấp 1,89 lần), điều này thể hiện rằng sinh viên đã có nhận thức đúng đắn về cách về cách tiếp nhận và sàng lọc những thông tin liên quan đến dịch bệnh. Một số

nghiên cứu trên thế giới như ở Ethiopia [63]; nghiên cứu ở Indonesia [40], nghiên cứu ở Uganda [64] và nghiên cứu ở Iran [65] cũng đã tìm ra mối liên quan giữa kiến thức và nguồn thông tin.

Phương tiện tiếp cận thông tin: Tỷ lệ sinh viên sử dụng phương tiện tiếp cận thông tin là smartphone có kiến thức đạt cao gấp 3 lần so với nhóm sinh viên còn lại.

Tuy nhiên nghiên cứu của tác giả Trần Thị Hằng không tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức với smartphone [52]. Ngày nay, khi Internet ngày càng phát triển, thông tin về dịch bệnh dễ dàng tìm kiếm trên các kênh, đặc biệt chiếc điện thoại thông minh Smartphone gần như đã được phủ sóng rộng rãi. Đồng thời, Covid- 19 là dịch bệnh thuộc nhóm truyền nhiễm loại A, nên tình hình dịch cũng như những nội dung liên quan đến dịch luôn được ưu tiên đưa lên các trang nhất. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, có sự giãn cách xã hội, trường học chuyển sang dạy online vì thế sinh viên nghe thông tin dịch bệnh chủ yếu từ Internet, qua phương tiện Smartphone nên sẽ có kiến thức đúng cao hơn từ những nguồn khác.

Tham gia các các khoá đào tạo, tập huấn: Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trường Cao đẳng Y tế Hà Đông đã triển khai nhiều đợt tập huấn về kiến thức, công tác phòng chống dịch Covid-19 cho toàn thể cán bộ, giảng viên và hơn 2000 sinh viên của trường. Các nội dung tập huấn được xây dựng, triển khai cụ thể nhằm cung cấp, trang bị kiến thức về Covid-19, kỹ năng chăm sóc và phòng bệnh cá nhân, kiến thức, kỹ năng sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân... đảm bảo an toàn cơ quan, trường học theo yêu cầu, chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Điều này đã đóng vai trò quan trọng tới nhận thức của sinh viên về phòng chống dịch bệnh Covid-19, những sinh viên tham gia vào các khoá đào tạo, tập huấn có kiến thức đạt cao gấp 3 lần so với những sinh viên không tham gia.

Tham gia các hoạt động tình nguyện: Hoạt động tình nguyện là một trong những hoạt động ý nghĩa của Đoàn thanh niên được duy trì và tổ chức thường xuyên tại tất cả các trường đại học, cao đẳng. Phát huy tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đoàn thanh niên trường Cao đẳng Y tế Hà Đông cũng huy động hàng trăm sinh viên tình nguyện

tham gia “Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19” tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước khi tham gia vào các hoạt động chống dịch, tất cả sinh viên đều được tập huấn, hướng dẫn để hoàn thành nhiệm vụ, cũng như bảo vệ bản thân, tránh lây nhiễm bệnh cho bản thân và cộng đồng xung quanh. Chính điều này đã giúp sinh viên có kiến thức đúng về dịch bệnh Covid-19 cao gấp 3,58 lần so với những sinh viên không tham gia hoạt động tình nguyện. Đây cũng chính là một trong những điểm mới của nghiên cứu so với các nghiên cứu khác, là cơ sở để khuyến cáo sinh viên nên tích cực tham gia hoạt động tình nguyện để có thêm nhiều kiến thức thực tế cũng như kĩ năng sống.

Kết quả phân tích đa biến

Có 6 yếu tố: năm học, nguồn thông tin, phương tiện tiếp cận thông tin, tình trạng tham gia các khoá đào tạo, tập huấn kiến thức về phòng chống dịch bệnh Covid- 19 và tình trạng tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được đưa vào mô hình hồi quy logistic. Kết quả cho thấy có 4 yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê đó là năm học; nguồn thông tin; phương tiện tiếp cận thông tin; và tham gia hoạt động tình nguyện (p<0,05). Tỷ lệ dự đoán đúng của mô hình này là 75,5%.

Một phần của tài liệu Thực hành kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống dịch bệnh covid 19 của sinh viên trường cao đẳng y tế hà đông năm 2022 (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)