CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI DNVVN CỦA SỞ GIAO DỊCH NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM
2.3. Đánh giá thực trạng chất lượng tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
2.3.3.1. Nguyên nhân chủ quan từ phía ngân hàng
- Do công tác thẩm định chưa chuyên sâu: Trong một quy trình cho vay vốn khách hàng thì khâu thẩm định là khâu quyết định tới quyết định cho vay bao gồm:
thẩm định về năng lực pháp lý, năng lực về tài sản đảm bảo, năng lực sản xuất kinh doanh,…Nếu sảy ra sai sót hoặc có quyết định sai lầm trong khâu này thì sẽ mang lại rủi ro cho ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn có nhiều hồ sơ khách hàng chưa được thẩm định một cách tổng thể, chính xác và công minh, chưa phân tích đúng xu hướng, tình hình kinh doanh của khách hàng, thông tin về khả năng quản trị của khách hàng thiếu tính cập nhật. Chính vì thế, khi có biến động thị trường xảy ra, như năm 2009 vừa qua, một số DNVVN đã mất kiểm soát trên thị trường, làm ăn thua lỗ, làm mất thanh toán các khoản nợ ngân hàng.
Một vấn đề nữa phải bàn đến trong khâu thẩm định là công tác đánh giá và nhận tài sản thế chấp. Một số trường hợp, ngân hàng nhận hàng hóa của khách hàng làm tài sản thế chấp cho khoản vay, nhưng trong khi kho giữ tài sản lại không ký ba bên và khả năng kiểm soát tài sản còn kém, đây là cơ hội để khách hàng lợi dụng để chuyển hàng đi nơi khác. Ngoài ra, khi nhận tài sản là bất động sản đặt ở nơi quá xa so với địa bàn hoạt động của Ngân hàng và khả năng thanh khoản của tài sản thấp trong khi thẩm định giá trị thế chấp lại cao để cho vay giá trị lớn, điều này làm cho mức ràng buộc của khoản vay với tài sản thế chấp không cao, một khi khách hàng gặp khó khăn trong kinh doanh thì ngân hàng khó có thể thu hồi được vốn đúng thời hạn.
- Do ảnh hưởng tiêu cực từ những chính sách: Trong thời gian qua, Sở giao dịch đã có những chính sách nhằm nới lỏng tín dụng để tăng trưởng tín dụng và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, chính những chính sách này lại bộc lộ những hạn chế làm chất lượng tín dụng giảm sút. Để khuyến khích và tạo
điều kiện cho khách hàng tiếp cận với khoản vay, ngân hàng đã đưa ra chính sách chấp nhận với một số khách hàng không cần tài sản thế chấp hoặc chỉ cần thế chấp tài sản nhỏ nhưng được vay với khoản tiền lớn. Điều này đã làm giảm ràng buộc giữa tài sản đảm bảo và khoản vay tạo cơ hội lạm dụng tiền vay, sử dụng khoản vay không đúng mục đích, dẫn đến rủi ro tín dụng. Mặt khác, cơ chế thưởng phạt vẫn đang còn nhiều bất cập, sự bất công bằng xảy ra khi chỉ có cơ chế xử phạt với cán bộ tín dụng chưa làm tốt mà lại không có chính sách khen thưởng khuyến khích các cán bộ làm tốt, có trách nhiệm với công việc. Điều này không khuyến khích nâng cao hiệu quả công việc, giảm tính nhiệt huyết của nhân viên, làm tổn thất và giảm chất lượng tín dụng cũng hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
- Công tác marketing chưa thực sự chú trọng: Vài năm trở lại đây, marketing là một thành phần không thể thiếu trong bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào. Nó không những có tác dụng quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp mà còn là sợi dây kết nối giữa nhà sản xuất - nhà tiêu dùng - nhà đầu tư.
Mặc dù ngân hàng luôn có những chiêu thức tung ra hàng năm để thu hút khách hàng nhưng chúng vẫn chưa đạt hiệu quả. Khâu marketing trong ngân hàng còn nhiều yếu kém và hạn chế do chưa có sự đầu tư đúng mức. Điều này làm cho sự lôi kéo, thu hút khách hàng giảm đặc biệt là khách hàng DNVVN nên những DN có tài chính năng lực tốt đến với ngân hàng là thấp. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, áp lực về dư nợ khiến cho khâu thẩm định không đạt gây rủi ro tín dụng cao.
- Hoạt động kiểm tra, kiểm soát sau khi cho vay thiếu thường xuyên: Mặc dù đây là khâu khá quan trọng nhưng thời gian qua khâu này được thực hiện ít hoặc rất hình thức. Một số khoản vay tại ngân hàng chưa được kiểm tra sát sao, chi tiết, không cập nhật tin tức thường xuyên của ngân hàng dẫn đến tình trạng sử dụng vốn sai mục đích, ngân hàng không kiểm soát được khoản vay và chịu rủi ro khi nợ quá hạn xảy ra.
Bên cạnh đó, công tác thu thập thông tin từ các nguồn của ngân hàng vẫn còn chưa thực sự tốt dẫn đến việc đánh giá không đúng hiệu quả của dự án cũng như
năng lực thực tế của khách hàng. Đặc biệt hệ thống thông tin phòng ngừa rủi ro tín dụng giữa các ngân hàng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, sự phối hợp trao đổi thông tin chưa tốt, thiếu trung thực khi khai báo quan hệ tín dụng làm rủi ro trong kinh doanh ngân hàng cao.
- Hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật đánh giá chưa đầy đủ và hiệu quả: Đây là một hạn chế chung cho toàn bộ hệ thống ngân hàng. Cho đến nay chưa thực sự có một tiêu chuẩn thống nhất chung nào để đánh giá tín dụng, phân tích và xử lý thông tin chỉ mang tính địa phương từng ngân hàng nên không tránh khỏi những rủi ro tín dụng.
+ Về tiêu chuẩn đánh giá năng lực khách hàng: Thực tế những tiêu chuẩn này chỉ mang tính hình thức, chưa có một tiêu chuẩn nhất định để đánh giá khả năng điều hành của doanh nghiệp.
+ Về tiêu chuẩn phân tích báo cáo tài chính: Để phân tích báo cáo tài chính có kết luận chính xác, độ tin cậy cao thì cần phải có hai yếu tố là hệ thống thông tin báo cáo tài chính đủ độ tin cậy và hệ thống các chỉ tiêu, chuẩn mực đánh giá. Xét về hệ thống các tiêu chuẩn đang được Ngân hàng Ngoại thương dùng phân tích báo cáo tài chính là: nhóm chỉ tiêu về khả năng sinh lời, các hệ số về cơ cấu vốn, tài sản, các hệ số đòn bẩy tài chính, các hệ số khả năng thanh toán, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên hệ thống này vẫn bộc lộ rất nhiều hạn chế, thiếu minh bạch khi kết luận một khách hàng tốt hay không tốt, có đủ tiêu chuẩn cho vay hay không.
+ Về tiêu chuẩn thẩm định dự án đầu tư: Trong quá trình thẩm định một dự án, có rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá dự án như: giá trị hiện tại ròng (NPV), tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR), chỉ số doanh lợi (PI), thời gian hoàn vốn (PP). Tuy nhiên chủ yếu là dựa vào 2 tiêu chuẩn là NPV và IRR. Một dự án có NPV dương hay IRR lớn hơn một lãi suất theo ngưỡng yêu cầu thì sẽ được chọn. Nhưng trên thực tế thì rất nhiều trường hợp kết quả của 2 chỉ tiêu này khác nhau, đưa ra kết luận khác nhau và khó có thể lựa chọn theo chỉ tiêu nào là phù hợp, lựa chọn lãi suất chiết khấu nào cho dự án? Hơn nữa việc tính toán hai chỉ tiêu này là không đơn giản. Ngay cả khi sử dụng thêm mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) hoặc mô hình khác thì
cũng không khả thi và rất khó khăn cho công tác thẩm định dự án của ngân hàng.
Chính vì thế mà hiện nay Ngân hàng Ngoại thương và các các ngân hàng khác đang lấy lãi suất cho vay trung dài hạn của ngân hàng mình cộng thêm một tỷ lệ nữa để có được lãi suất chiết khấu. Mặc dù phương thức này đơn giản dễ thực hiện và tương đối có cơ sở song nó chỉ dựa theo cảm tính và chưa tính được hết những biến động cũng như rủi ro.