CHƯƠNG III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI DNVVN CỦA SỞ GIAO DỊCH NGÂN HÀNG
3.3.4. Kiến nghị với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thực tế trong những năm qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng khu vực DNVVN đã phát triển và khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế, đóng góp một phần không nhỏ trong tổng thu nhập quốc dân. Đối mặt với vấn đề thiếu vốn các DNVVN vẫn không ngừng khắc phục và đạt mức doanh thu đáng nể hàng năm. Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua cho thấy vẫn còn một số DNVVN làm ăn thu lỗ, mất uy tín với ngân hàng, làm ăn lừa đảo, sử dụng vốn sai mục đích làm nợ xấu và nợ quá hạn của ngân hàng ngày tăng cao. Chính vì thế, trong những năm tiếp theo, bản thân các DNVVN cần phải luôn hoàn thiện bản thân và cần thực hiện những chiến lược, mục tiêu cụ thể như:
Một là, nâng cao năng lực quản trị, khả năng lập dự án, chiến lược kinh doanh. Đa số các DNVVN hiện nay ở nước ta đều bị đánh giá là năng lực quản trị còn chưa cao, phương án kinh doanh kém hiệu quả, hơn nữa các doanh nghiệp này
lại luôn ở trong tình trạng thiếu vốn. Như vậy, khả năng tiếp cận và thuyết phục được ngân hàng cho vay là rất khó khăn. Chính vì vậy, trong thời gian tới các DNVVN cần nâng cao năng lực quản trị như: đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt, cử các cán bộ tiềm năng đi học các khóa quản trị ngắn hạn trong nước hoặc nước ngoài, đăng tuyển nhân viên chọn lọc, chú tâm giữ chân những nhân viên có tài là
“át chủ bài” trong công ty…Hơn nữa, để thu hút được vốn của ngân hàng, doanh nghiệp cần đưa ra những phương án kinh doanh hiệu quả, hạch toán những chi phí, doanh thu cụ thể để tính toán lợi nhuận phù hợp. Kinh nghiệm trong những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng do các doanh nghiệp không dự đoán trước được tình hình và chưa có
“tấm đệm” để bảo hộ khi doanh nghiệp gặp sự cố. Vì vậy, doanh nghiệp nên thành lập quỹ dự phòng những bất trắc xảy ra, mặt khác cần nhạy bén, dự báo tình hình kinh tế trong 5 năm kế tiếp để có những chiến lược kinh doanh phù hợp.
Hai là, nâng cao tiềm lực doanh nghiệp. Hiện nay, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cơn bão về công nghệ đẩy các doanh nghiệp trong khu vực DNVVN trở nên lạc hậu, chậm phát triển. Chính vì thế, trong những năm tiếp theo DNVVN cần đầu tư vào công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu, nhu cầu trên thị trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh việc đầu tư về công nghệ, các DNVVN cũng cần có kế hoạch đầu tư về con người và vốn kinh doanh cụ thể để có được một tỷ lệ thích hợp nhất tránh tình trạng đầu tư lãng phí.
Ba là, minh bạch về tài chính, có sự am hiểu và làm ăn theo pháp luật.
DNVVN cần thực hiện nghiêm chỉnh việc minh bạch các báo cáo tài chính, trợ giúp công tác thẩm định, điều tra của cán bộ tín dụng và giảm thiểu khả năng nợ xấu cho ngân hàng. Nâng cao uy tín của doanh nghiệp với ngân hàng, tránh tình trạng gây khó khăn trong việc thu thập thông tin của ngân hàng, giảm thiểu chi phí cho hai bên cùng nhau làm ăn và phát triển. Ngoài ra, các DNVVN cần có sự hiểu biết về pháp luật, tuân thủ theo những quy định của pháp luật đặc biệt là Luật Doanh
nghiệp nhằm nâng cao uy tín và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp đồng thời tạo nên mối quan hệ làm ăn lâu dài tốt đẹp với ngân hàng.
Bốn là, sử dụng nguồn vốn ngân hàng đúng mục đích. DNVVN cần cam kết sử dụng vốn ngân hàng đúng mục đích, tránh tình trạng vay vốn để kinh doanh phi pháp, gây thiệt hại cho ngân hàng. Hơn nữa để nâng cao uy tín cho mình, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng theo hợp đồng tín dụng, thiện chí hợp tác với ngân hàng, giúp đỡ cán bộ tín dụng có những thông tin đầy đủ, chính xác nhất.
Ngoài ra khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, nợ quá hạn thì cần có ý thức trả nợ và có thiện chí hợp tác với ngân hàng khi trường hợp xấu nhất xảy ra là nợ xấu bị xử lý bằng tài sản đảm bảo.