CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI DNVVN CỦA SỞ GIAO DỊCH NGÂN HÀNG TMCP NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM
2.3. Đánh giá thực trạng chất lượng tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
2.3.3.3. Nguyên nhân khách quan khác
- Sự biến động của nền kinh tế vĩ mô: Nền kinh tế trong nước suy giảm, lạm phát tăng cao, một số mặt hàng suy giảm, tỷ giá liên tục hỗn đoạn, biến động không ngừng của giá vàng, đôla làm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp
gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2009, là năm có nhiều tác động mạnh nhất đến các doanh nghiệp trong đó không ngoại trừ các DNVVN đang có quan hệ tín dụng với Sở giao dịch ngân hàng Ngoại thương.
- Thông tin không đối xứng: Trong hoạt động tín dụng có hai chủ thể tham gia đàm phán giao dịch là doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn muốn tìm sự hỗ trợ từ ngân hàng và ngân hàng tham gia. Và hệ thống thông tin phục vụ hoạt động tín dụng này được chia làm hai loại: hệ thống thông tin phục vụ đánh giá xếp loại khách hàng và hệ thống thông tin phục vụ cho việc thẩm định dự án.
+ Hệ thống thông tin phục vụ đánh giá xếp loại khách hàng. Hệ thống này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đánh giá, thẩm định khách hàng của ngân hàng. Lí do nó cho ta biết lịch sử hình thành, quá trình phát triển, năng lực tài chính, mức độ tín nhiệm, đội ngũ điều hành là cơ sở hết sức quan trọng giúp cho việc thẩm định, xếp loại, lựa chọn khách hàng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ở Việt Nam hiện nay thì có duy nhất một trung tâm tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CIC) thực hiện công tác thu thập thông tin của khách hàng có quan hệ với tất cả các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, những thông tin của CIC có độ cập nhật không cao và các chỉ tiêu còn mang tính chung chung, các thông tin cần thiết để xác định lịch sử, độ tin cậy của ban điều hành doanh nghiệp thì hầu như không có. Mặt khác, do chưa thực sự ý thức về tầm quan trọng của tính cập nhật và chính xác về mặt thông tin nên các tổ chức tín dụng chưa có sự quan tâm đúng mức đến các thông tin, dữ liệu báo cáo cho CIC. Khi thẩm định doanh nghiệp, ngân hàng thường rất ít khi dựa vào thông tin từ CIC.
Bên cạnh đó là nguồn thông tin nội bộ của khách hàng thì tính cập nhật cũng chưa được cao, phạm vi nhỏ hẹp chủ yếu là thông tin về những khách hàng đã từng có quan hệ với ngân hàng.
+ Hệ thống thông tin phục vụ cho việc thẩm định dự án. Đây là hệ thống thông tin nhằm xác định và kiểm tra các thông số đầu ra đầu vào của dự án. Hiện tại các thông tin này chủ yếu được khai thác từ mạng internet với hệ thống không cao.
Như vậy, những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến hiệu quả dự án như giá
nguyên vật liệu, giá bán, khả năng tiêu thụ…lại thiếu thông tin nhất trong quá trình thẩm định. Ngân hàng luôn là người có ít thông tin về dự án, về mục đích sử dụng các khoản tín dụng được cấp hơn doanh nghiệp xin vay vốn.
Hoạt động tín dụng của ngân hàng luôn tiềm ẩn những khoản nợ xấu tăng cao mặc dù nó mang nguồn thu chủ yếu cho ngân hàng. Theo kinh nghiệm của nhiều nước và từ nhiều nghiên cứu cho thấy trừ những cú sốc bất ngờ như khủng hoảng kinh tế, thiên tai…thì nguyên nhân gây ra tình trạng nợ xấu nhiều nhất là do các ngân hàng không có đầy đủ thông tin từ phía khách hàng của mình. Khách hàng ngày càng tinh vi che đậy thông tin khiến ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro.
Với tình hình thực tế hiện nay, một số DNVVN đến vay vốn thường không cung cấp thông tin trung thực về bản thân doanh nghiệp, về phương án kinh doanh, mục đích sử dụng vốn, kê khai tài sản đảm bảo. Tình trạng các DNVVN xây dựng báo cáo tài chính mang tính chất đối phó với cơ quan thuế, không thực hiện chế độ kiểm toán là phổ biến. Hơn nữa đặc điểm của DNVVN ở nước ta lại nhỏ, khi bán hàng thường không có hợp đồng kinh tế, không tuân thủ chế độ phát hành hóa đơn bán hàng, không có website chính thức…Chính vì vậy mà làm khó khăn khi thu thập thông tin để thẩm định làm kết quả trước khi cho vay không chính xác dẫn đến sai lầm khi đưa ra quyết định vay vốn.
- Môi trường pháp lý chưa thực sự thúc đẩy hoạt động tín dụng ngân hàng:
Trong những năm qua, để cải thiện môi trường pháp lý kinh doanh trong nước, nhà nước đã ban hành những chính sách, công bố những văn bản pháp luật phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ. Tuy nhiên xét một cách khách quan thì môi trường pháp lý vẫn chưa thực sự hoàn thiện, còn thiếu đồng bộ trong các khâu khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ngay cả công tác thẩm định của ngân hàng gặp không ít những phiền toái, khó khăn.