Sự cần thiết bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN QUAN HÓA TỈNH THANH HÓA HIỆN NAY (Trang 60 - 64)

Chương 1.CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.3. Sự cần thiết bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa hiện nay

Mọi sự phát triển về văn hóa xã hội, dù là tiệm tiến hay đột biến đều mang tính kế thừa. Nhất là các giá trị văn hóa tinh thần cũng như văn hóa vật chất, đây là các yếu tố ảnh hưởng lớn đến nhân cách và sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân và của cộng đồng người. Là một quá trình có sự kế thừa liên tục trong tiến trình phát triển của xã hội, giá trị văn hóa của mỗi dân tộc đều mang tính lâu bền hơn cơ sở kinh tế - xã hội đã sinh ra nền văn hóa đó.

Sự kế thừa liên tục của giá trị văn hóa là điều kiện tối ưu để tạo môi sinh lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của con người. Nếu truyền thống văn hóa bị đứt quãng thì sẽ dẫn đến sự hụt hẫng, sự đảo lộn các giá trị trong tương lai không xa.

Từ giữa thế kỷ XIX, khi đưa ra dự báo về xu hướng vận động và phát triển của toàn cầu hóa kinh tế, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã nói đến sự vận động, biến đổi của các giá trị văn hóa dân tộc và sự hình thành các giá trị

văn hóa nhân loại. Khi đưa ra cảnh báo về “nguy cơ tha hóa” trong đời sống văn hóa, các ông cũng đã dự báo về xu hướng vận động, biến đổi và phát triển của các giá trị đạo đức, về định hướng phát triển các giá trị này.

Chúng ta đang sống trong thập kỉ thế giới phát triển văn hóa, sự vận động biến đổi và phát triển của các giá trị văn hóa diễn ra nhiều chiều hướng, đứng trước nguy cơ của sự đồng nhất văn hóa việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đang trở thành một mối quan tâm chung của nhân loại. Vấn đề này được cảnh báo từ rất sớm. Bởi vì giải quyết vấn đề này không có một mẫu số, đáp án chung, đó là một công việc không dễ dàng. Giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần có mối liên hệ mật thiết với văn hóa nhưng không đồng nhất với văn hóa, gần gũi với truyền thống nhưng không đồng nghĩa với truyền thống. Đó là cái đã ăn sâu vào truyên thống, là một hiện tượng văn hóa xã hội có quá trình vận động, biến đổi riêng nhưng cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển đi lên của xã hội đó.

Như vậy, kế thừa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa một cách khoa học của các dân tộc, của nhân loại để khỏi “sức ì của lịch sử” là một vấn đề lớn. Đất nước ta luôn đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để tiếp biến các giá trị tiến bộ, các tinh hoa văn hóa của các quốc gia khác và ngăn chặn những văn hóa phẩm đồ trụy của Chủ nghĩa đế quốc và phản động quốc tế? Làm thế nào để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc đồng thời nâng nó lên một tầm cao mới? Làm thế nào để cho quảng đại quần chúng và nhân dân lao động, đặc biệt là tầng lớp thanh niên phân biện được những cơn gió lành và những cơn gió độc mà vẫn miễn dịch? Lịch sử của các quốc gia phát triển đã chứng minh, để giải quyết vấn đề này, bảo tồn phải gắn liền với phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Bản sắc văn hóa của dân tộc Thái là sự kết tinh những thành tựu phát triển hàng nghìn năm của xã hội Thái. Đó là sự cô đọng những thành quả của

người Thái qua nhiều nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh với xã hội để tồn tại và phát triển. Do địa bàn cư trú xen kẽ với người Kinh cho nên dân tộc Thái có xu hướng bị Kinh hóa mạnh mẽ. Mối đe dọa này không còn quá xa lạ như trong những lời cảnh báo về sự suy thoái, biến dạng, thậm chí biến mất của các phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc.

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu thế hệ sau có còn thừa hưởng, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình?

Thực tế cho thấy, giá trị văn hóa bị phai mờ, mất dần do người dân chưa nhận thức đầy đủ về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì vậy bảo tồn và phát huy văn hóa của mỗi dân tộc và củng cố cộng đồng của các dân tộc Việt Nam là một vấn đề cấp thiết nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Đây cũng chính là nội dung và phương hướng cơ bản của chính sách dân tộc của Nhà nước ta hiện nay. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bên cạnh việc tạo điều kiện cho những giá trị mới được hình thành thì những giá trị cổ truyền của dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa cần bảo tồn và phát huy sự ảnh hưởng của chúng.

Kết luận chương 1

Văn hóa là sản phẩm của người thông minh, văn hóa gắn liền với giá trị và được coi là thước đo trình độ phát triển của cộng đồng người. Trong tiến trình phát triển của đất nước có những giá trị bị lãng quên, phai nhạt dần nhưng cũng có giá trị được khẳng định vị thế, có ý nghĩa và trở thành giá trị trường tồn. Bản sắc văn hóa của dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa là một trong những giá trị có ý nghĩa quan trọng đối đối với toàn Tỉnh Thanh Hóa nói riêng và góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước nói chung.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử tích tụ và bồi đắp, bản sắc văn hóa của dân tộc Thái có những đặc trương riêng: Một là, bài học về tinh thần yêu

nước, lòng tự hào dân tộc; tinh thần yêu bình đẳng, trọng công bằng của người Thái trong đời sống gia đình và đời sống cộng đồng được thể hiện trong tín ngưỡng dân gian, tục lệ và lễ hội; Hai là tinh thần vươn lên từ nghèo khó, thấp hèn đấu tranh chống lại cái bất công, sống theo quy luật nhân quả.

Sự thông minh, quả cảm trong hành động chống lại sự đàn áp, bất công của giai cấp thống trị trong kho tàng văn hóa, nghệ thuật; Ba là, tư duy vật chứa đựng yếu tố biện chứng sơ khai trong kho tàng trí thức của người Thái về vũ trụ quan trong âm nhạc cồng chiêng và nghi lễ tang ma của người Thái. Bốn là, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái chứa chan qua những áng mo, giáo dục con người hướng tới giá trị nhân văn, nhân bản.

Những đặc trưng nói trên đã khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc Thái có ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng người. Tuy nhiên, ngày nay do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, của xu thế hội nhập giá trị đó có những biến đổi nhất định. Trước thực trạng hòa tan nền văn hóa bản địa của các quốc gia phát triển, nghiên cứu để bảo tồn và phát huy giá trị đó là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của các ngành, các cấp liên quan nhằm mục tiêu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam phát triển bền vững.

Chương 2. BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN QUAN HÓA HIỆN NAY – THỰC TRẠNG

VÀ GIẢI PHÁP

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN QUAN HÓA TỈNH THANH HÓA HIỆN NAY (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)