Chương 1.CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN
2.1. Thực trạng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái ở huyện
2.1.2. Những kết quả và hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái
2.1.2.1. Kết quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái Về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc nói chung và dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa nói riêng đã được Đảng và Chính quyền Tỉnh quan tâm. Ngày 16 tháng 01 năm 2013, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa đã Ban hành kế hoạch số 26/KH – UBND về việc tổ chức Lễ hội truyền thống Mường Ca Da gửi các xã, thị trấn trong toàn huyện để tham gia Lễ hội.Lễ hội Mường Ca Da được UBND huyện Quan Hóa tổ chức lần đầu vào năm 2008 và cách năm năm lễ hội tổ chức một lần. Ngày 25 - 26/3/2013 huyện Quan Hoá đã long trọng tổ chức Lễ hội Mường Ca Da lần thứ 2. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của nhân vật lịch sử “Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban” đã khai phá vùng đất mường Ca Da. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân trong huyện phấn đấu, nỗ lực vươn lên phát triển quê hương. Đây còn là dịp để đồng bào các dân tộc: Thái, Mường, Kinh, Hoa, Mông ở 18 xã, thị trấn trong huyện gặp gỡ, giao lưu, đua tài, khoe sắc, bày tỏ lòng biết ơn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu. Trước giờ khai lễ chính thức đã diễn ra khá nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ thu hút đông đảo nhân dân đến xem. Ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức các phần thi: văn nghệ, khua luống, khặp Thái, trình diễn trang phục, thi
kéo co, bắn nỏ, tó mác lẹ, đẩy gậy, đi cầu thăng bằng, đi cà kheo (chạy, đá bóng), gói bánh ú. Ngoài ra, mỗi đơn vị tham gia lễ hội còn thi dựng trại bằng các công cụ, sản phẩm của địa phương. Đặc biệt, mỗi trại đều có mâm ẩm thực đầy đủ 10 món ăn của dân tộc mình. Bên cạnh đó, các trại đều có cây bông (cây chá) được tạo dáng, trang trí đẹp mắt, hấp dẫn; bộ cồng chiêng, sạp và chỉnh rượu cần để phục vụ mọi người hát múa, liên hoan trong đêm đốt lửa trại... Các phần thi đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân địa phương và du khách. Lễ hội mường Ca Da còn cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Quan Hóa (28/3/1950 - 28/3/2013); góp phần giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thực hiện Quyết định số 1820 QĐ/ - UBND ngày 31 tháng 5 năm 2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, Ủy Ban Nhân Dân huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai nội dung đó trên toàn địa bàn huyện. Thêm vào đó, với “Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa các dân tộc thiểu số Việt Nam”, gồm các nhóm thành viên nằm trong 7 tỉnh có đông người Thái sinh sống là: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Mạng lưới được hình thành từ tháng 7 năm 2007. Ngay từ đầu Thanh Hóa đã có nhiều thành viên tham gia. Từ đó đến nay, mạng lưới hoạt động liên tục và không ngừng phát triển.
Qua hơn hai năm thực hiện, nhóm Thanh Hóa đã tích cực tham gia các hoạt động chung của mạng lưới và có nhiều cố gắng năng động, sáng tạo tổ chức các hoạt động thiết thực trên địa bàn toàn Tỉnh.
Ngày 18 tháng 9 năm 2009, nhóm Thanh hóa đã tổ chức hội nghị tại Ban Dân tộc Tỉnh, được trung tâm mạng lưới về chỉ đạo và một số ngành hữu quan ở tỉnh đến dự. Đến tháng 10 năm 2009 đã có 11 thành viên tham gia trong đó
có các thành viên ở các huyện miền núi Thanh hóa như: Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa đã đạt được một số kết quả cụ thể như:
Trong lĩnh vực sưu tầm, khôi phục, bảo tồn văn hóa dân tộc:
- Tại Lang Chánh, Ông Ngân Đức Minh – Trưởng phòng văn hóa, vừa tham gia ban tổ chức, chỉ đạo vừa trực tiếp tham gia cùng trường Hồng Đức sưu tầm phiên dịch cuốn Địa chí huyện Lang Chánh, một công trình nghiên cứu, tổng hợp đa dạng, phong phú vừa mới bảo vệ thẩm định xong cuối tháng 01/2010, được dánh giá tốt.
- Tại Bá Thước, ông Hà Nam Ninh và ông Hà Công Mậu phối hợp với khoa Khoa học xã hội và nhân văn của trường Đại học Hồng Đức, thực hiện đề tài giới thiệu văn hóa, trình bày dưới dạng song ngữ (Thái – Việt) phần chữ Thái dung lượng 800 trang, thực hiện trong 2 năm (2009-2010), nay đã hoàn thành trên 1/2. Qua thực tế, nhận thấy khối lượng văn hóa dân gian người Thái Thanh Hóa còn lớn lắm, chỉ riêng Mo ma, khai thác chưa hết đã được 400 trang chữ Thái, chưa nói đến lĩnh vực khác như: Khặp, Xư xon, Kin chiêng, Phấn chá...
- Tại Quan Sơn, ông Phạm Bá Thước đã tâp hợp nhóm nghệ nhân Mường Mìn tích cực sưu tầm các tư liệu vùng biên giới và xung quanh Pha Dua, một địa danh văn hóa nổi tiếng từ xưa, góp phần giúp ngành văn hóa và chính quyền địa phương khôi phục lễ hội Pha Dua.
- Ông Cao Bằng Nghĩa ở Quan Hóa, là chủ biên và chỉ đạo sưu tầm biên soạn tập sách mường Ca Da và tổ chức lễ hội Căm Mương.
- Ông Phạm Quang Thẩm và ông Hà Nam Ninh, tham gia viết bài giới thiệu tư liệu văn hóa dân gian Thái trên tạp chí văn hóa dân tộc.
- Tham gia hội thảo Thái học lần thứ IV, tổ chức tại Điện Biên một số thành viên mạng lưới có bài tham gia hội thảo, được in trong kỷ yếu về chủ đề địa danh và lịch sử như: Phạm Bá Thước, Cao Bằng Nghĩa, Hà Nam Ninh.
- Tham gia hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm, hội thảo, tập huấn và tham quan du lịch do Trung tâm mạng lưới tổ chức.
- Nhóm Thanh Hóa tham gia đầy đủ các hoạt động do trung tâm chỉ định như: Hội nghị nghiệm thu tài liệu dạy học chữ Thái tại Điên Biên, Hội nghị về xây dựng kế hoạch, tập huấn về giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Hà Nội, tập huấn về hoạt động câu lạc bộ văn hóa v.v...
Đi tham quan, học tập kinh nghiệm nước ngoài, đã được trung tâm tạo điều kiện, bố trí cho đi: ông Cao Bằng Nghĩa và Phạm Quang Thẩm đi Nê Pan.
Nội dung dạy và học chữ Thái
- Biên soạn xong tài liệu dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa, bắt đầu từ chữ cái đến đọc thông, viết thạo, sắp xếp theo chương trình 100 tiết. Tài liệu này do cả nhóm tham gia xây dựng, góp ý và trình bày tại Hội nghị nghiệm thu, thẩm định ở Điện Biên ngày 13/3 năm nay.
- Tài liệu đã được kiểm chứng dùng làm tài liệu giảng dạy cho giáo viên phổ thông trong hè năm 2009, đến nay chưa có ý kiến đề nghị thay đổi, bổ sung, điều chỉnh gì thêm.
- Tổ chức học: Sở giáo dục tiếp tục mở lớp học chử Thái khóa 3 cho giáo viên phổ thông, tổ chức tại trường Dân tộc nội trú Bá Thước. Số lượng 2 lớp, 100 học viên, thời gian học 1 tháng, kết quả tốt. Hai thành viên mạng lưới là Phạm Bá Thước, Hà Nam Ninh tiếp tục làm giáo viên giảng dạy.
-Trong trung tâm học tập cộng đồng, tại Quan Sơn mở được 2 lớp tại Sơn Điện và Mường Mìn, tổng số 100 học viên, do đồng chí Phạm Bá Thước phụ trách giảng dạy, ở Quan Hóa mở 1 lớp tại xã Phú Lệ do đồng chí Phạm Bá Thúy phụ trách.
Một số cơ sở tự nguyện tổ chức các hình thức học theo kiểu dân gian và kiểu bình dân học vụ như trường nội trú huyện Lang Chánh, làng Khuynh xã Cổ Lũng. Một số nơi đã khơi dậy ý thức tự học, tìm tài liệu, sách vở tự nghiên
cứu, biết được chữ dân tộc (ví dụ như: ông Cả trên 80 tuổi ở Ban Công, anh Lục Công Dung xã Cổ Lũng, Hà Trần Cứ ở xã Thiết Ống...) và họ trở thành người tích cực sưu tầm tài liệu, sách cổ.
Có thể kết luận: đến nay trên địa bàn Thanh Hóa đã phục hồi lại được ý thức học và học chữ Thái, đang hình thành một đội ngũ vừa làm thầy vừa làm trò, tiếp thu, truyền thụ và sử dụng cả chữ Thái cổ Thanh Hóa và chữ Thái chung Việt Nam. Từ nay trở đi, chắc chắn rằng chữ Thái không thể mất ở Thanh Hóa.
Ngoài ra còn một số hoạt động cụ thể đạt được trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa của người Thái như:
Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nhằm kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống của tộc người, tạo nên đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận văn hóa, văn minh hiện đại.
Ngành Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến việc sưu tầm, bảo tồn và khai thác, phát triển văn hóa ở miền núi nói chung và người Thái nói riêng. Ngành đã sưu tầm, xây dựng và trưng bày phòng văn hóa Thái tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ngành đã vận động nhân dân quyên góp tiền của, công sức để xây dựng và bảo tồn được nhiều nhà sàn truyền thống của người Thái (và cả người Mường).
Vốn văn hóa phi vật thể như dân ca, dân vũ, trò diễn dân gian v.v, được phát huy thông qua ngày hội văn hóa các dân tộc, các kỳ liên hoan văn nghệ quần chúng, hội trại làng bản văn hóa, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của đồng bào, tạo được môi trường cho sự phát triển văn hóa ở miền núi.
Ngành văn hóa thông tin đã phối hợp với các huyện miền núi tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học: Cầm Bá Thước và phong trào chống Pháp của người Thái ở miền núi Thanh Hóa; xuất bản một số cuốn sách: “Văn hóa truyền thống mường Ca Da”, “Văn hóa truyền thống Thường Xuân”, “Dân ca các dân tộc miền núi Thanh Hóa” (tập 1, 2), "Tiếp cận văn hóa bản Thái xứ Thanh"...
Được sự hỗ trợ kinh phí của Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, sự cố vấn khoa học của Viện Văn hóa - nghệ thuật, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học ở Trung ương, hiện nay ngành Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương vùng có đông người Thái cư trú tiến hành nghiên cứu và sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể của người Thái: lễ hội Kin chiêng boóc mạy, Lễ hội Mường xia, Trường ca Khăm Panh, U Thềm, Luật tục bản mường...
Trường Phổ thông trung học dân tộc nội trú của huyện và tỉnh tăng cường công tác đào tạo để tạo nguồn cán bộ, trí thức các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng; trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh xây dựng các chương trình đào tạo hệ trung cấp văn hóa quần chúng cho cán bộ chuyên trách văn hóa thông tin cơ sở.
Đưa tiếng Thái vào chương trình phát thanh và truyền hình của Đài phát thanh - truyền hình tỉnh. Ngoài việc tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình phát thanh tiếng Thái (và một số ngôn ngữ dân tộc tộc thiểu số khác) đã góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí các dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, áp dụng tiến độ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất;
từng bước hạn chế du canh du cư và thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo; nêu cao tinh thần đoàn kết các dân tộc, chống lại các âm mưu chia rẽ của bọn phản động và các thế lực thù địch.
2.1.2.2. Những hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Thái Trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái còn một số hạn chế sau:
- Chúng ta chưa xây dựng được nền tảng văn hoá vững chắc cho thời kỳ mới của đất nước trong quá trình hội nhập; nội dung "tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" vì nhiều mặt chưa định hình rõ trong lối sống văn hoá nếp sống văn hoá của người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (trong đó có dân tộc Thái).
- Môi trường văn hoá còn bị ô nhiễm bởi: các tệ nạn xã hội, vẫn còn không ít các hoạt động văn hoá lai căng, thấp kém, thậm chí độc hại.
- Chúng ta chưa tạo ra được những công trình văn hoá, tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao, thoả mãn nhu cầu thường thức sáng tạo của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa nói chung, dân tộc Thái nói riêng. Còn ít tác phẩm có giá trị cao về nội dung và hình thức tương xứng với yêu cầu cách mạng hiện nay và giới thiệu hình ảnh dân tộc Thái, bản sắc văn hoá dân tộc Thái với bạn bè, cộng đồng trong nước và quốc tế.
- Việc phát huy nhân tố tiềm ẩn trong phát triển văn hoá, bồi dưỡng những tiềm năng văn hoá trong đồng bào Thái chưa được thường xuyên.
Nhiều lĩnh vực bộc lộ sự thiếu hụt những hạt nhân nòng cốt, những cán bộ vừa "hồng", vừa "chuyên" trong lĩnh vực văn hoá ở đồng bào dân tộc Thái.
Công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá thông tin còn chậm và gặp nhiều khó khăn, sự ỷ lại trông chờ kinh phí nhà nước của một số địa phương còn khá phổ biến, chưa huy động được tối đa nguồn lực trong nhân dân.