Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NGƯỜI KHUYẾTTẬT VÀ HỖ TRỢ VIỆC LÀM ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT
1.4. Cơ sở pháp lý về hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật
Vấn đề việc làm và hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật đã được nhà nước ta rất quan tâm. Từ các quyền được phục hồi chức năng lao động, quyền có việc làm đến các chính sách trợ giúp tạo cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận dạy nghề, việc làm bình đẳng được thể hiện trong nhiều luật và các văn bản của Chính phủ. Cơ sở pháp lý về hỗ trợ việc làm đối với NKT gồm một số nội dung cơ bản sau:
Hiến pháp năm 2013, hiến định Nhà nước có chính sách trợ giúp người khuyết tật (Khoản 2 Điều 59 của Hiến pháp) và chính sách tạo điều kiện để người khuyết tật học nghề (Khoản 3, Điều 61 của Hiến pháp) [19].
Nghị quyết số 84/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật [23], trong đó có quyền lao động và việc làm của NKT được thể hiện trong Điều 27 của Công ước.
Bộ luật lao động năm 2012 khẳng định: Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là NKT, có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là NKT vào làm việc theo quy định của Luật người khuyết tật (theo Khoản 1 Điều 176) [18]. Quyền làm việc của lao động khuyết tật là tiền đề tạo ra cơ hội và động lực cho người khuyết tật tìm kiếm việc làm, có cơ hội khẳng định bản thân, tự lập trong cuộc sống, tạo ra thu nhập để không phải phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, người thân.
Luật việc làm có các quy định hỗ trợ việc làm đối với NKT, cụ thể: hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là NKT (theo Khoản 6 Điều 5);
NKT được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm (theo Khoản 2 Điều 12).
30
Luật giáo dục nghề nghiệp có các quy định hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp đối với NKT, cụ thể: chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho NKT (theo Điều 27), chính sách đối với NKT tham gia học nghề (theo Khoản 5 Điều 62).
Luật người khuyết tật đã có những quy định cụ thể về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật. Theo đó, Nhà nước đảm bảo, tạo điều kiện tối đa cho người khuyết tật được lựa chọn, tư vấn và học nghề, làm việc theo khả năng, sức khỏe của mình; cơ sở dạy nghề, tổ chức dạy nghề phải đảm bảo điều kiện dạy nghề;
cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, không được từ chối tuyển dụng những người lao động khuyết tật có đủ tiêu chuẩn. Trong Luật người khuyết tật đã dành riêng Chương V để đề cập đến vấn đề dạy nghề và việc làm, cụ thể là:
- Về dạy nghề đối với người khuyết tật quy định tại Điều 32 của Luật người khuyết tật, với các nội dung: Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như người khác; Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề; Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
- Về việc làm đối với người khuyết tật quy định tại Điều 33 của Luật người khuyết tật, với các nội dung: Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật; Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật; Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người
31
khuyết tật; Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật; Tổ chức giới thiệu việc làm có trách nhiệm tư vấn học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật; Người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ.
- Về vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật, Điều 34 của Luật người khuyết tật quy định rõ về việc sử dụng lao động là người khuyết tật của cơ sở sản xuất, kinh doanh: Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.
- Nhà nước cũng đã đưa ra chính sách để khuyến khích nhận người khuyết tật vào làm việc quy định tại Điều 35 của Luật người khuyết tật, cụ thể là: Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc.
Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 34 của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ban hành Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020 (gọi tắt là Đề án 1019) với mục tiêu chung là nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân;
tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Một trong những chỉ tiêu cụ thể của Đề án 1019 là trong giai đoạn 2016-2020 có 300.000 người khuyết tật
32
trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Đề án đã đề ra 9 hoạt động chủ yếu, trong đó có hoạt động dạy nghề, tạo việc làm với các nội dung: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn viên việc làm cho người khuyết tật; Tư vấn học nghề, việc làm theo khả năng của người khuyết tật; Nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình dạy, học nghề gắn với tạo việc làm cho người khuyết tật; Xây dựng thí điểm mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật tại một số tỉnh; Dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho người khuyết tật.
Kết luận chương 1
Trong chương 1, luận văn đã trình bày những vấn đề lý luận cơ bản về người khuyết tật và hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật. Về vấn đề người khuyết tật làm rõ các khái niệm người khuyết tật, các dạng khuyết tật, các mức độ khuyết tật;
phân tích đặc điểm tâm lý, nhu cầu của người khuyết tật. Về vấn đề hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật đã làm rõ khái niệm việc làm, các khái niệm và nội dung của tư vấn việc làm, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và tự tạo việc làm.
Hoạt động hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật thông qua 4 hoạt động là: hỗ trợ tư vấn việc làm, hỗ trợ giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ tự tạo việc làm. Vì đây là tiền đề để người khuyết tật có thể tìm được việc làm và hòa nhập vào xã hội.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật, từ các yếu tố thuộc về bản thân người khuyết tật đến các yếu tố môi trường bên ngoài, yếu tố từ cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ việc làm, yếu tố từ năng lực nhân viên công tác xã hội và yếu tố từ cơ chế chính sách.
Hệ thống luật pháp và các chính sách, đề án hiện hành đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật. Việc triển khai thực hiện đầy đủ pháp luật, chương trình, đề án về hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật sẽ góp phần thúc đẩy quyền của người khuyết tật tại Việt Nam.
33 Chương 2