Chương 2 THỰC TRẠNG VỀ HỖ TRỢ VIỆC LÀM ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ
2.1. Vài nét về địa bàn và khách thể nghiên cứu
Thành phố Nha Trang là đô thị loại I, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Khánh Hòa nằm ở vùng duyên hải Nam Trung bộ. Nha Trang, một thành phố ven biển, có vịnh Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là một trong những trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng của cả nước. Nha Trang có tổng diện tích đất tự nhiên là 252,6 km2, dân số 398.751 người, đơn vị hành chính cơ sở gồm 19 phường nội thành và 8 xã ngoại thành. Thành phố Nha Trang có tiềm năng thế mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp, phát triển nông nghiệp ven đô. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 7,2%. GDP bình quân đầu người khoảng 3.600 USD. Cơ cấu kinh tế của các ngành dịch vụ - du lịch: 65%, công nghiệp-xây dựng: 31,5% và nông-lâm- thủy sản: 3,5%.
Nha Trang có nguồn nhân lực dồi dào, số người trong độ tuổi lao động của thành phố có 266.769 người chiếm 67% dân số. Bình quân mỗi năm nguồn lao động tăng thêm khoảng 5.000 người. Đây là nguồn nhân lực bổ sung cho nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng là áp lực đối với vấn đề tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội. Phần lớn lao động tham gia hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp; lao động nông nghiệp có xu hướng giảm dần chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45% trong đó được đào tạo nghề là 37%. Đây chính là một lợi thế quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Trong lao động sản xuất, người dân Nha Trang giàu kinh nghiệm trong hoạt động thương mại, du lịch, thâm canh nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương đất nước, người dân
34
Nha Trang phát huy đức tính cần cù, năng động, sáng tạo, tiếp thu khoa học kỹ thuật, nhạy bén với kinh tế thị trường, vươn lên đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đó là nguồn nội lực quan trọng tiếp tục đưa Nha Trang ngày càng phát triển đi lên trong tương lai.
2.1.2. Vài nét về khách thể nghiên cứu
* Đặc điểm của đội ngũ nhân viên làm công tác hỗ trợ việc làm
Số nhân viên trực tiếp làm công tác hỗ trợ việc làm cho NKT của thành phố Nha Trang là 40 người, gồm: 27 cộng tác viên CTXH tại các xã, phường; 05 nhân viên tại Trung tâm DVVL và 08 nhân viên của Trung tâm CTXH. Đội ngũ nhân viên làm công tác hỗ trợ việc làm cho NKT hầu hết là nữ chiếm tỷ lệ 67,5% và có độ tuổi còn khá trẻ 47,5% từ 30 tuổi trở xuống, 45% từ trên 30 đến 40 tuổi, còn lại số rất ít 7,5% là trên 40 tuổi. Đây là nhóm tuổi mặc dù kinh nghiệm còn hạn chế nhưng lại thích ứng nhanh với những thay đổi, có khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới và vận dụng tốt trong công việc. Như vậy để đáp ứng tốt công việc và bù đắp việc thiếu kinh nghiệm thì rất cần nâng cao năng lực của nhân viên cung cấp dịch vụ hỗ trợ việc làm cho NKT.
Kết quả thống kê cho thấy 100% đội ngũ nhân viên có trình độ học vấn 12/12.
Về chuyên môn, nhân viên có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ cao nhất (42,2%), còn rất nhiều nhân viên chỉ có trình độ trung cấp, sơ cấp. Mặc dù công việc hiện tại chưa đòi hỏi trình độ cao nhưng với định hướng chuyên nghiệp hóa trong các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật thì việc nâng cao trình độ chuyên môn là rất quan trọng. Như đã mô tả ở trên, đội ngũ nhân viên đa số còn trẻ, do đó cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn vẫn còn rộng mở. Điều quan trọng là cần phải có cơ chế và kế hoạch đào tạo cho đội ngũ này và định hướng đào tạo chuyên ngành nào mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc. Có thể thấy đội ngũ nhân viên hỗ trợ việc làm được đào tạo về chuyên ngành công tác xã hội chiếm tỷ lệ 35,8% là cao hơn hẳn so với những chuyên ngành khác nhưng phần lớn là ở Trung tâm CTXH và cộng tác viên CTXH. Trong Trung tâm DVVL lại rất hạn chế về chuyên ngành CTXH. Do đó khi triển khai đào tạo cần quan tâm đến khía cạnh này.
35
* Đặc điểm của người khuyết tật
Số liệu thống kê của Phòng LĐTBXH, năm 2015 thành phố Nha Trang có 9.594 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 2,41% dân số. Số NKT trong độ tuổi còn khả năng lao động là 3.096 người, chiếm tỷ lệ 32,27% trên tổng số người khuyết tật.
- Độ tuổi và giới tính: Trong nghiên cứu này, độ tuổi NKT từ khoảng 30 đến 50 tuổi (61,7%). Đây là nhóm tuổi có sức khỏe lao động khá tốt cũng như có những kinh nghiệm và trãi nghiệm trong công việc khi được tạo điều kiện hỗ trợ. Ngoài ra một tỷ lệ cũng không nhỏ có độ tuổi dưới 30 (18,4%) là độ tuổi đang ở thời điểm sung sức nhất để làm việc. Nếu được cung cấp những dịch vụ hỗ trợ cần thiết thì đây cũng là một nguồn lực đáng kể đóng góp vào thị trường lao động. Ngoài ra tỷ lệ nam giới là NKT chiếm tỷ lệ cao hơn (56,7%) trong nghiên cứu này. Nha Trang một thành phố du lịch nên các loại hình công việc sẽ tập trung vào các ngành nghề dịch vụ hoặc các công việc kinh doanh nhỏ. Công việc này là khá phù hợp với nữ giới còn nam giới sẽ phù hợp với các loại hình công việc nghiêng về sức khỏe. Tuy nhiên do đặc thù là NKT nên dường như những loại hình công việc này sẽ phù hợp với cả nam giới và nữ giới.
- Dạng tật và mức độ khuyết tật: Kết quả khảo sát đa số là người khuyết tật vận động chiếm 63,9%; khuyết tật nghe, nói 23,3%; khuyết tật nhìn 12,8%.Có 42,8% là người khuyết tật nặng và 57,2% là người khuyết tật nhẹ. Tỷ lệ này cũng là phù hợp với tỷ lệ chung về các dạng khuyết tật ở địa bàn nghiên cứu. Điều này rất quan trọng đối với những nhà hoạch định chính sách cũng như các cơ sở cung cấp dịch vụ việc làm để có thể đưa ra những hỗ trợ phù hợp về các loại hình việc làm với các dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật của họ. Chẳng hạn như người khuyết tật vận động sẽ phù hợp với các công việc về công nghệ thông tin, thủ công mỹ nghệ, may mặc; người khiếm thị phù hợp với nghề xoa bóp, mát-xa.
- Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn: Như đã phân tích ở trên, nhiều NKT có nhu cầu đi làm cũng như nằm trong độ tuổi lao động và vẫn còn khả năng làm việc. Trên thực tế, ngay cả đối với những người không khuyết tật thì tìm việc cũng là khó khăn và một yếu tố quyết định đối với cơ hội làm việc chính là trình độ
36
học vấn và trình độ tay nghề chuyên môn. Kết quả khảo sát về trình độ học vấn của nhóm NKT ở đây là khá thấp, có đến 57,8% số NKT mới chỉ học hết tiểu học. Số NKT còn lại cũng chỉ mới hoàn thành bậc học phổ thông cơ sở (24,4%) và phổ thông trung học (17,8%). Đây là một trong những rào cản rất lớn để NKT có thể tham gia học nghề, xin việc làm.
Ngoài yếu tố trình độ học vấn thì trình độ chuyên môn tay nghề cũng quyết định rất lớn đến việc làm, đặc biệt là đối với NKT. Theo khảo sát, có đến 88,9%
NKT không có trình độ chuyên môn; 7,2% NKT có trình độ sơ cấp; 2,2% NKT có trình độ trung cấp; 1,1% NKT có trình độ cao đẳng và chỉ có 0,6% NKT có trình độ đại học. Đây là một trong những khó khăn khá lớn khi hiện tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng đòi hỏi bằng cấp chuyên môn. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm của NKT là họ có “cơ chế bù trừ chức năng”, có nghĩa là NKT sẽ có những ưu điểm và khả năng riêng như họ rất cần cù, khéo tay. Do đó việc đào tạo chuyên môn sẽ giúp họ phát huy tốt năng lực và hạn chế những khiếm khuyết.
- Vị trí và hoàn cảnh gia đình của người khuyết tật: Kết quả khảo sát cho thấy đa số NKT sống phụ thuộc vào gia đình (33,9% phụ thuộc hoàn toàn; 44,4% phụ thuộc có giúp việc gia đình). Một số NKT có thể tự nuôi sống bản thân (14,4%) và rất ít NKT là lao động chính (7,2%). Hầu hết hộ gia đình NKT có mức sống trung bình trở xuống (21,7% hộ nghèo, 31,1% hộ cận nghèo, 42,2 % hộ trung bình, 5% hộ khá giàu). Vì vậy, việc làm của NKT không những là nhu cầu của NKT mà còn là thu nhập và cuộc sống của họ và gia đình.