1.4. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI NĂNG LỰC CẠNH TRANH
1.4.1 Nhóm các nhân tố bên trong doanh nghiệp
Các nhân tố bên trong là các nhân tố phát sinh từ trong lòng doanh nghiệp có ảnh hưởng đến việc củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
1.4.1.1 Nguồn lực tài chính
Đây là nguồn lực quan trọng nhất và quyết định đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.Đối với doanh nghiệp mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều là hoạt động đầu tư mang tính chất sinh lời.Trong nền kinh tế thị trường sản xuất kinh doanh hàng hóa, doanh nghiệp phải có vốn bằng tiền hay bằng nguồn lực tài chính để thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.Với nguồn lực tài chính này doanh nghiệp sẽ chi cho các hoạt động như đầu tư mới, mua nguyên vật liệu, trả lương cho công nhân.
Trong đấu thầu xây lắp năng lực tài chính được xét trên hai phương diện:
- Năng lực tài chính mạnh giúp doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ và tạo niềm tin cho chủ đầu tư đồng thời nâng cao uy tín, thương hiệu của nhà thầu.
- Trong đấu thầu với khả năng tài chính mạnh sẽ được chủ đầu tư đánh giá cao vì đối với các nguồn vốn không phải ngân sách nhà nước trong các hồ sơ mời thầu chủ đầu tư thường yêu cầu nhà thầu tự ứng vốn trước thi công cho đến khi có khối lượng nghiệm thu rồi mới thanh toán, do đó chỉ có những doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh mới đáp ứng được. Mặt khác, với nguồn lực tài chính mạnh sẽ cho phép doanh nghiệp quyết định ra giá bỏ thầu một cách sáng suốt và hợp lý.
1.4.1.2 Nguồn nhân lực:
Ngày nay, tất cả chúng ta đều biết rằng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản, then chốt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi quá trình sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp. Khi đánh giá nguồn nhân lực của doanh nghiệp thì chủ đầu tư thường chú trọng đến các vấn đề:
- Cán bộ quản trị cấp cao (ban giám đốc) là những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, điều hành và quản lý mọi hoạt động của doanh nghiệp. Sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp phụ thuộc vào các quyết định của họ. Khi đánh giá bộ máy lãnh đạo chủ đầu tư thường quan tâm đến các tiêu thức như kinh nghiệm lãnh đạo, trình độ quản lý doanh nghiệp, phẩm chất kinh doanh và các mối quan hệ và xa hơn nữa là khả năng xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, thúc đẩy mọi người hết mình cho công việc. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tăng thêm sức mạnh, tăng thêm năng lực cạnh tranh.
- Cán bộ quản trị cấp trung gian là những người đứng dưới quản trị viên cao cấp và đứng trên quản trị viên cấp cơ sở. Ở vị trí này họ vừa quản trị các quản trị viên cấp cơ sở thuộc quyền, vừa điều khiển các nhân viên khác. Chức năng của họ là thực hiện các kế hoạch và chính sách của doanh nghiệp bằng cách phối hợp thực hiện các công việc nhằm dẫn đến hoàn thành mục tiêu chung.
- Các chuyên viên, đây là một trong những khác biệt so với các ngành khác.
Họ là những người không làm quản lý mà chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn đơn thuần.
Đó là những kỹ sư, cử nhân trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện dự án như lập dự toán, giám sát thi công và vai trò của họ cũng rất quan trọng. Chẳng hạn như cá nhân người kỹ sư giám sát thi công có quyền quyết định mọi vấn đề trong quá trình thi công một hạng mục mà họ được phân công, quyết định của họ có ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
- Cán bộ quản trị cấp cơ sở, công nhân là đội ngũ các nhà quản trị ở cấp cuối cùng trong hệ thống cấp bậc của các nhà quản trị một doanh nghiệp. Thông thường họ là những đốc công, tổ trưởng, trưởng ca. Nhiệm vụ của họ là hướng dẫn, đôn đốc, điều khiển công nhân hoàn thành các công việc hàng ngày theo tiến độ kế hoạch để đưa đến hoàn thành mục tiêu chung của cả doanh nghiệp. Đây là đội ngũ quản trị viên lãnh đạo lực lượng lao động trực tiếp, tạo nên sức mạnh tổng hợp của
doanh nghiệp qua khía cạnh như chất lượng, tiến độ thi công. Và cuối cùng là là đội ngũ lao động với trình độ tay nghề cao, có khả năng sáng tạo trong công việc, họ chính là những người thực hiện những ý tưởng, chiến lược của các quản trị cấp cao, tạo nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Một vấn đề mà chủ đầu tư quan tâm là khả năng huy động lực lượng công nhân kịp thời về số lượng và chất lượng để phục vụ cho quá trình thực hiện dự án.
Đây là việc rất khó vì khác với các ngành sản xuất khác trong ngành xây lắp, nhu cầu sử dụng công nhân tuỳ thuộc vào tiến độ thi công, số lượng không ổn định, có khi chỉ cần vài chục công nhân nhưng có khi phải huy động hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân vào phục vụ dự án.
1.4.1.3 Hoạt động Marketing
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Marketing là một công cụ cạnh tranh đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường, tăng doanh thu, hiệu quả của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp nếu xây dựng được chiến lược marketing và biết cách sử dụng nó trong những tình huống, thời điểm thích hợp thì sẽ giúp doanh nghiệp đó giữ được ưu thế trên thị trường so với các đối thủ cạnh tranh.
Trong lĩnh vực xây lắp, do đặc thù sản phẩm của các doanh nghiệp ngành này là không thể đưa sản phẩm ra thị trường cho khách hàng lựa chọn như các ngành công nghiệp khác mà chủ yếu dựa vào danh tiếng, thương hiệu, chất lượng của của những công trình đã thi công để khách hàng xem xét và tìm đến yêu cầu sản xuất sản phẩm. Sự cạnh tranh trực tiếp giữa các doanh nghiệp xây lắp chủ yếu là sự so sánh về thành tích, về thương hiệu.Thành tích và thương hiệu của doanh nghiệp càng lớn thì khả năng trúng thầu của doanh nghiệp càng cao. Do đó trước khi đấu thầu cần phải làm tốt công tác quảng cáo, tiếp thị để nâng cao mức độ tin cậy của chủ đầu tư với doanh nghiệp, từ đó góp phần vào việc nâng cao khả năng trúng thầu.
1.4.1.4 Khả năng liên doanh, liên kết:
Khả năng liên danh, liên kết là sự kết hợp giữa hai hay nhiều pháp nhân kinh tế để tạo thành một pháp nhân mới nhằm tăng sức mạnh tổng hợp về năng lực kinh
nghiệm, tài chính và thiết bị công nghệ, giúp doanh nghiệp phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với những dự án, công trình có quy mô lớn, những yêu cầu kỹ thuật đôi khi vượt quá khả năng của doanh nghiệp thì để tăng khả năng trúng thầu các doanh nghiệp thường liên danh, liên kết với nhau để tăng năng lực của mình trên thị trường. Đây là một trong những giải pháp quan trọng và phù hợp nhất, qua đó doanh nghiệp có khả năng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về công nghệ, mức độ phức tạp cũng như quy mô của công trình, của dự án.Có dự án khi đấu thầu hai doanh nghiệp là đối thủ của nhau, tuy nhiên cũng có dự án hai doanh nghiệp đólại trở thành đối tác cùng nhau thực hiện dự án.
1.4.1.5 Trình độ và công tác tổ chức lập hồ sơ dự thầu
Đây là công việc hết sức quan trọng vì khả năng cạnh tranh trong đấu thầu phụ thuộc trực tiếp vào trình độ lập hồ sơ dự thầu. Nhà thầu có thể bị loại ngay từ vòng đầu do hồ sơ không đảm bảo yêu cầu. Do đó chất lượng hồ sơ dự thầu là một trong những tiêu chí cơ bản quyết định nhà thầu có trúng hay không. Việc tổ chức lập hồ sơ dự thầu đòi hỏi phải trải qua các bước sau:
- Trước tiên là nghiên cứu hồ sơ mời thầu, đây là bước quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của nhà thầu khi tham gia đấu thầu, vì vậy công việc này đòi hỏi phải tiến hành một cách tỷ mỷ, nghiêm túc, đầy đủ các nội dung trong hồ sơ mời thầu. Yêu cầu phải nắm được tính chất, quy mô, phạm vi đấu thầu, mức độ phức tạp về kỹ thuật, các yêu cầu về tiến độ thi công, thời hạn hoàn thành, nguồn vốn đầu tư, phương thức thanh toán, các thông tin về cơ quan tư vấn, giám sát,...
- Đồng thời tiến hành tìm hiểu môi trường đấu thầu, lập phương án thi công, xây dựng giá dự thầu. Việc tìm hiểu môi trường đấu thầu bao gồm việc tìm hiểu các điều kiện về thi công, vị trí địa lý, điều kiện địa hình địa chất, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điều kiện cung ứng vật tư, nguyên liệu, giá cả thị trường, khả năng khai thác nguyên vật liệu tại chỗ, lao động phổ thông, khả năng về cung cấp lương thực, thực phẩm, môi trường thiên nhiên và các điều kiện kinh tế xã hội của
dự án... những điều kiện này ảnh hưởng trực tiếp đến phương án thi công và giá thành công trình. Vì thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu rất ngắn nên để khảo sát và xử lý hàng loạt số liệu, thông tin nói trên đòi hỏi nhà thầu phải có một đội ngũ cán bộ lập hồ sơ dự thầu có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm và am hiểu kỹ càng tất cả các lĩnh vực.
- Công việc cuối cùng, sau khi tiến hành điều tra, khảo sát, xử lý tất cả các vấn đề có liên quan là công tác xác định giá dự thầu, đây là công việc quan trọng, phức tạp quyết định đến việc trúng thầu, do đó công việc này đòi hỏi phải do một bộ phận chuyên nghiệp thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng và kịp thời của các bộ phận chuyên môn khác.