Chương 1. TÌNH HÌNH MIỀN NAM SAU HIỆP ĐỊNH PARI 1973 VÀ CHỦ TRƯƠNG GIẢI PHÓNG TÂY NGUYÊN CỦA TRUNG ƯƠNG
1.2. Tương quan lực lượng ở Tây Nguyên
Tây Nguyên thuộc dải đất phía tây miền Trung Trung Bộ, là vùng cao nguyên, rừng núi nối tiếp nhau theo hướng bắc nam. Bắc Tây Nguyên, núi cao rừng rậm hiểm trở, nam Tây Nguyên (từ đường 19 trở vào) địa hình bằng phẳng hơn. Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức. Đường 14 dọc từ bắc xuống nam, nối các thị xã của Tây Nguyên xuống miền Đông Nam Bộ. Các con đường 21, 19, 7 nối Tây Nguyên với các tỉnh đồng bằng ven biển, trong đó đường 7 có đoạn hư hỏng nặng, lâu ngày không sử dụng.
Tây Nguyên có hai sông lớn là sông Sê San và sông Sê Rê Pốc. Vào mùa mưa, dòng chảy của sông rất lớn, nên việc cơ động các phương tiện rất khó khăn.
Tây Nguyên là vùng chiến lược quan trọng, vì vậy Mỹ - Ngụy đã biến Tây Nguyên thành một căn cứ chiến lược lớn hòng đè bẹp phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào và từ rừng núi xuống đồng bằng. Sở chỉ huy Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy được đặt ở Plâycu. Dọc theo biên giới Nam - Campuchia là các trại biệt kích, dọc theo đường 14 là hệ thống các căn cứ quân sự dày đặc trong đó có các căn cứ cấp sư đoàn và quân đoàn được tổ chức vững chắc thành tuyến phòng ngự cơ bản làm nòng cốt cho hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên. Trên các trục đường ngang như 19, 21 cũng được địch tổ chức thành tuyến phòng thủ mạnh để đảm bảo giao thông từ Tây Nguyên xuống đồng bằng. Toàn bộ lực lượng địch ở Tây nguyên có Sư đoàn bộ binh 23 (3 trung đoàn: 44, 45 và 53, 7 tiểu đoàn biệt động quân (21, 22, 23, 24, 45, 4, 6), 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn thiết giáp, 230 khẩu pháo, Sư đoàn 6 không quân với 150 máy bay các loại. Nhìn tổng thể, địch bố trí mạnh ở phía bắc, còn khu vực phía nam được xem như là hậu phương, chúng bố trí lực lượng mỏng hơn.
So với các tuyến phòng ngự chiến lược khác, chỉ có tuyến phòng ngự chiến lược do quân khu 2 ngụy đảm nhiệm là có thể đứng tương đối vững chắc và có chiều sâu vừa phải. Tuyến này gồm vùng Tây Nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung, từ Bình Định vào tới Hàm Tân. Cách tổ chức chiến trường của địch ở đây đã tạo ra thế trận phòng ngự chiến lược hai dải, hai tuyến. Tây Nguyên là tuyến phòng ngự thứ nhất, các tỉnh ven biển là tuyến phòng ngự thứ hai và cũng là tuyến cuối cùng.
Tuy chỉ là một tuyến nằm trong phạm vi Quân khu 2 ngụy, song do thế đứng của nó, Tây Nguyên lại là chiến trường có vị trí quan trọng đặc biệt. Mỹ - ngụy đã tiến hành phòng ngự chiến dịch ở Tây Nguyên, ngoài mục đích là chiếm đóng lâu dài, còn dùng Tây Nguyên làm khu vực án ngữ để ngăn chặn ta ở phía tây và tây - bắc, làm cánh cửa phía tây để bảo đảm cho các tỉnh ven biển miền Trung, đồng thời làm bức bình phong phía tây - bắc để che trở cho miền Đông Nam Bộ. Tuyến Tây Nguyên bị phá vỡ thì các tỉnh ven biển sẽ bị uy hiếp trực tiếp và có thể bị mất ngay theo, nếu như không có lực lượng dự bị chiến lược hùng hậu chiếm giữ hoặc phản kích. Mất Tây nguyên không những thế trận phòng ngự của địch ở quân khu 1 bị rung động mà quân địch ở miền Đông Nam Bộ cũng bị đe dọa. Chính vì vậy trong khi tích cực thực hiện chiến lược chung là
“quét và giữ”, đi đôi với biện pháp lấy bình định và lấn chiếm làm chủ yếu, địch còn ra sức tăng cường củng cố phòng ngự ở Tây Nguyên: tổ chức phòng ngự khu vực gồm các cụm điểm tựa, các khu căn cứ, thị trấn, thị xã và các tuyến giao thông… liên kết với nhau. Toàn quân khu 2 ngụy có 2 sư đoàn bộ binh chủ lực, 7 liên đoàn biệt động quân, 5 thiết đoàn xe tăng - xe bọc thép, thì riêng ở Tây Nguyên chúng đã bố trí tới 1 sư đoàn bộ binh chủ lực, 7 liên đoàn biệt động quân và 4 thiết đoàn xe tăng - xe bọc thép. Sở chỉ huy quân đoàn 2 cũng đặt ở Tây Nguyên (Plâycu).
Như vậy, Tây Nguyên rõ ràng là một địa bàn chiến lược hiểm yếu trong thế trận phòng ngự chiến lược chung của Mỹ - ngụy ở miền Nam. Nhưng, nếu xét về lực lượng phòng giữ thì Tây Nguyên lại là một chiến trường yếu so với các tuyến phòng ngự chiến lược khác, mặc dù chúng đã dải phần lớn quân chủ lực của quân khu 2 ra bố trí ở đây.
Quân khu 2 có 2 sư đoàn chủ lực và 7 liên đoàn biệt động quân; 14 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội pháo gồm 328 khẩu; 5 thiết đoàn và 13 chi đội xe tăng - xe bọc thép gồm 477 xe, 2 sư đoàn không quân gồm 138 máy bay chiến đấu. Lực lượng địch ở Quân khu 2 không nhiều nhưng chúng đã rải ra trên Tây Nguyên một sư đoàn chủ lực cùng Sở chỉ huy Quân đoàn 2, 7 liên đoàn quân biệt động, 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn, 230 khẩu pháo, 1 sư đoàn không quân.
Với số quân đó, địch đã ra sức củng cố thế trận phòng ngự, đưa quân chủ lực và quân biệt động chiếm các điểm cao, khống chế xung quanh các thị xã, thị trấn, trên các trục giao thông, xây đắp công sự trận địa, đặt vật cẳn đi đôi với hành quân lùng sục, càn quét và lấn chiếm, kết hợp với các hoạt động gián điệp, biệt kích, thám báo, trinh sát trên không. Khi phát hiện ta hoặc phán đoán nghi ngờ ta có thể tiến công, chúng lập tức đưa lực lượng đến phòng ngự dự phòng, kết hợp vớ các thủ đoạn tập kích hỏa lực của máy bay và của pháo binh.
Khoảng trung tuần tháng 1/1975, địch đã phán đoán ta mở chiến dịch ở bắc Tây Nguyên, đánh vào Kon Tum là chủ yếu, chúng liền sử dụng các liên đoàn biệt động quân số 22, 6, 23, 24, 21 lên phòng giữ Kon Tum. Sau khi triển khai dự phòng, nghe ngóng điều tra thấy ta không hoạt động gì lớn, đến tháng 2/1975, chúng phán đoán ta đánh Plâycu là chủ yếu, chúng lại sử dụng liên đoàn biệt động quân, trung đoàn 44 và trung đoàn 45 thuộc sư đoàn 23 lên tăng cường giữ Plâycu. Khi được tin đồn ta sẽ đánh lớn ở Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột,
chúng vội vàng đưa Trung đoàn 53 (thiếu) ra lùng sục khu vực Buôn Hồ, tiếp đó ra phía nam Đức Lập và đưa Trung đoàn 45 xuống Cầm Ga.
1.2.2. Phía ta
Sau ngày Hiệp định Pari được kí kết, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã tập trung chỉ đạo quân và dân mặt trận Tây Nguyên triển khai các bước chuẩn bị, sẵn sàng đón thời cơ mới. Để mở rộng vùng giải phóng, tạo thế đúng chân cho các đơn vị chủ lực của ta, sau khi đánh chiếm căn cứ Chư Nghé ở phía tây thị xã Plâycu, tháng 4/1974, Sư đoàn 320A tiếp tục tiến công các căn cứ Lệ Ngọc, 711 và 601. Tháng 5/1974, Trung đoàn 25 đánh chiếm Ea Súp, giải phóng một vùng khá rộng lớn ở phía tây vùng đất nằm giữa hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc, dồn quân địch vào sát các thị trấn thị xã.
Trên hướng Kon Tum, tháng 3/1974, Sư đoàn 10 mở cuộc tiến công địch ở cao điểm Kon Rốc, tiêu diệt một tiểu đoàn và 2 đại đội. Tiếp đó, hai quận lỵ Đắc Pét và Mang Đen cũng bị Sư đoàn 10 đánh chiếm. Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Kon Tum bức rút địch ở quận lỵ Măng Bút, ép địch sát vào thị xã Kon Tum, giải phóng một vùng phía bắc thị xã Kon Tum, tạo ra thế đứng chân vững chắc cho các đơn vị quân giải phóng.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ trong thời kỳ mới, từ tháng 6/1974, Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên đã ra nghị quyết về xây dựng khối chủ lực Tây Nguyên theo hướng tổ chức thành quân đoàn chiến dịch, đảm bảo cho khối chủ lực này có khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng và có sức cơ động cao. Theo hướng đó, các sư đoàn bộ binh được bổ sung thêm quân số và tăng thêm trung đoàn pháo binh. Lực lượng pháo binh của mặt trận được tổ chức thành 2 trung đoàn hoàn chỉnh. Lực lượng phòng không được tổ chức thành 2 trung đoàn (234 và 575). Trung đoàn 198 đặc công, Trung đoàn 273 xe tăng, Trung đoàn 29 thông tin đều được bổ sung thêm quân số, vũ khí,trang bị, khí tài hiện đại. Đảm bảo đường cơ động và đường vận chuyển vật chất từ bắc xuống nam Tây Nguyên.
Những yếu tố trên góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội ta.