Chương 1. TÌNH HÌNH MIỀN NAM SAU HIỆP ĐỊNH PARI 1973 VÀ CHỦ TRƯƠNG GIẢI PHÓNG TÂY NGUYÊN CỦA TRUNG ƯƠNG
1.3. Chủ trương, kế hoạch giải phóng Tây Nguyên của Trung ương
Những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta cuối năm 1974 đặc biệt là chiến thắng đường số 14 - Phước Long ngày 6/1/1975 đã cho thấy sự suy yếu của chính quyền Sài Gòn. Bên cạnh đó tình hình thế giới đã có những thuận lợi cho cách mạng Việt Nam khi Mỹ ngày càng suy giảm vị thế trên trường quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ cho cách mạng Việt Nam.
Các cuộc họp của Bộ Chính trị cuối năm 1974 đầu năm 1975 đã đưa ra quyết định về tiến hành tiến công tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Kế hoạch giải phóng miền Nam, được đưa ra trong hai năm 1975 - 1976.
Nhằm thống nhất Tổ quốc đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau phiên họp ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương tổ chức quán triệt Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị và bàn việc tổ chức thực hiện bước một kế hoạch tác chiến chiến lược, trọng tâm là bàn về chiến dịch Tây Nguyên - đòn tiến công mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Tham dự Hội nghị, ngoài các đồng chí trong Thường vụ Quân ủy Trung ương, còn có các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy chiến trường Khu 5, Tây Nguyên.
Thực ra, từ tháng 4/1973, khi Bộ Tổng tham mưu thành lập Tổ trung tâm và bắt tay vào xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam, thì vấn đề lựa chọn chiến trường, chọn hướng tiến công chiến lược đã được Tổ trung tâm và nhiều tướng lĩnh ở Bộ Tổng tham mưu đề cập đến. Trong vấn đề này, đại đa số ý kiến đều cho rằng, nam Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng. Đánh chiếm được Tây Nguyên, ta sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền và nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức các chiến dịch tiến công tiếp theo, thực hiện chia cắt địch về chiến lược và mở đường phát triển nhanh về hướng Sài Gòn. So với các nơi khác, nam Tây Nguyên là nơi địch yếu, sơ hở, dễ bị chia cắt và cô lập. Đây cũng là chiến trường ta có kinh nghiệm tác chiến và có sự chuẩn bị khá hơn. Đến tháng 2/1974, khi dự kiến phương hướng chiến lược trong 2 năm 1975 - 1976, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đã bước đầu xác định đòn tiến công chính của chủ lực là ở Tây Nguyên với hai mức: “Tiêu diệt địch, giải phóng hai tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn. Cắt đường 19, bao vây cô lập Kon Tum, Plâycu” [13;213]. Việc ta sớm xác định hướng tiến công chiến lược của ta ở Tây Nguyên và chỉ rõ từng mức phải đạt đã tạo điều kiện để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chủ động nghiên cứu, chuẩn bị trước một bước về mọi mặt cho chiến trường quan trọng này.
Để có thể mở cuộc tiến công Tây Nguyên giành thắng lợi ta đã có những chuẩn bị về lực lượng hậu cần một cách thỏa đáng. Ngoài ra công tác chuẩn bị chiến trường, công tác trinh sát nắm địch cũng được Bộ Quốc phòng và mặt trận hết sứ trú trọng. Từ tháng 4/1974, ta đã tổ chức lực lượng trinh sát vào nam Tây Nguyên để nắm địch và địa hình; mọi hoạt động của địch từ Đức Lập đến
Cẩm Ga, đặc biệt là thị xã Buôn Ma Thuột, đều được báo cáo kịp thời về Bộ Tư lệnh mặt trận.
Đầu năm 1975, trước những thời cơ và diễn biến mới thuận lợi ở khắp chiến trường miền Nam, Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ thị về nhiệm vụ mới của chiến dịch Tây Nguyên. Trong đó có một số yêu cầu và mục tiêu chủ yếu sau:
Một: Tiêu diệt sinh lực địch, chiến dịch phải đặt mục tiêu là diệt được bộ phận quan trọng (cỡ sư đoàn địch), đánh thiệt hại nặng Quân đoàn 2 Sài Gòn. Phá vỡ mảng hệ thống kìm kẹp trong khu vực chiếm đóng của địch, bắt nhiều tù binh, phá hủy phưng tiện chiến tranh, thu nhiều vật tư chiến tranh của địch để làm dự trữ cho ta đánh địch.
Hai: Giải phóng, mở hành lang với mục tiêu đề ra là giải phóng các tỉnh Đắc Lắc, Phú Bổn, Quảng Đức (trọng điểm là Đắc Lắc), một số thị xã quan trọng của địch. Bên cạnh đó mở rộng hành lang chiến lược nối Tây Nguyên với một số khu vực khác, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chia cắt chiến lược cô lập địch, mở rộng địa, tạo cục diện mới về chiến lược. Ngoài ra, củng cố, xây dựng vùng giải phóng, phát triển lực lượng tại chỗ, đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm, giải tỏa của địch tạo hậu phương tại chỗ cho những cuộc tấn công sau này.
Ba: Kết hợp với địa phương phá bình định, giành dân ở các khu vực trọng điểm và vùng đất bằng Tây Nguyên.
Bốn: Rèn luyện nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến cấp chiến dịch và chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh vận động, đánh địch trong công sư vững chắc, đặc biệt là thị xã, thành phố đáp ứng những nhiệm vụ tiếp theo.
Đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, căn cứ vào tình hình chiến trường miền Nam và tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch thì Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã đưa ra kế hoạch tấn công và giải phóng Tây Nguyên.
Chương 2