Chương 2. DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN (TỪ NGÀY 4/3 ĐẾN NGÀY 3/4/1975)
2.1. Quá trình chuẩn bị và xây dựng thế trận chiến dịch
Kế hoạch giải phóng Tây Nguyên được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đề ra tại những cuộc họp cuối năm 1974 đầu năm 1975. Để có thể thực hiện tốt chỉ thị trên về kế hoạch tấn công Tây Nguyên, Bộ Tổng tư lệnh đã tăng cường lực lượng cho Tây Nguyên, các sư đoàn bộ binh và nhiều đơn vị binh chủng đã được đưa vào chiến trường.
Sự chuẩn bị về vật chất và trang thiết bị cho chiến trường, mặt trận Tây Nguyên đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm. Trải qua trận đánh, chiến dịch trước đó nên công tác xây dựng chiến trường mới ngày càng được hoàn thiện. Các lực lượng vũ trang đã cùng với nhân dân Tây Nguyên bám chặt, bám chắc mảnh đất chiến lược của Tổ quốc để chiến đấu giữ vững và xây dựng nó. Quân và dân Tây Nguyên ngày càng giành được thắng lợi từng bước phát triển và củng cố địa bàn. Căn cứ ngày càng được mở rộng, có tính chất liên hoàn và vững chắc, thế trận ngày càng vững mạnh và hiểm sâu.
Khi Hiệp định Pari được kí kết (1973), bộ đội Tây Nguyên đã cùng với binh đoàn vận tải chiến lược Quang Trung bắt tay vào tổ chức, thiết kế chiến trường đảm bảo cho hoạt động tác chiến của các binh đoàn, binh chủng hợp thành. Vấn đề đầu tiên được đạt ra của tác chiến hợp đồng binh chủng đó là, đường sá cơ động của các bộ đội cơ giới và việc tiếp tế, vận chuyển vật chất, nhiên liệu bằng xe cơ giới và bằng đường ống. Vấn đề đó được giải quyết vào đầu năm 1975, đường trục chiến lược và đường ống đã xuyên qua khu căn cứ của Tây Nguyên. Các khu kho, các trạm cấp phát, các trạm xe, trạm xăng dầu, đường dây thông tin và các trạm thông tin hữu tuyến, vô tuyến đang mọc lên ở hai bên đường trục.
Năm 1974, Bộ Chỉ huy mặt trận Tây Nguyên điều Trung đoàn 95 sang chiến đấu ở đường số 19 từ phía đông của thị xã Plâycu đến phía tây thị trấn An Khê. Tuy nhiên, muốn trung đoàn có được sức mạnh để chiến đấu thì cần phải tăng cường về hậu cần, mà vấn đề đầu tiên đó là đòi hỏi phải làm một con đường cho xe cơ giới từ hậu phương của ta ở Kon Tum đến phía bắc đường số 19.
Đường này đi qua phía đông của thị xã Kon Tum và cách thị xã khoảng 20 km,
chính vì vậy địch đã quyết tâm đánh phá và ngăn chặn nó. Trung đoàn 7 công binh anh hùng được giao nhiệm vụ làm con đường mang tên 220, Sư đoàn 10 được giao nhiệm vụ là bảo vệ đường.
Như vậy, việc xây dựng chiến trường là một công trình. Tạo ra dung lượng, tạo ra thế trận là do công tác tổ chức và xây dựng của con người quyết định. Trải qua tác chiến và xây dựng trong điều kiện chiến tranh nhân dân phát triển mạnh mẽ, quân và dân Tây Nguyên đã tạo điều kiện thắng lợi cho đòn tiến công đầu tiên của cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Sau khi hiệp định Pari được kí kết, ở Tây nguyên, Đảng ủy mặt trận chủ trương: “nhanh chóng xây dựng căn cứ và vùng giải phóng, xây dựng hậu phương đặc biệt là xây dựng kinh tế, phát triển sản xuất, tăng nhanh tiềm lực kinh tế, quân sự tại chỗ để đánh thắng địch trong bất kì tình huống nào”
[12;657]. Đầu năm 1973, Bộ Tư lệnh mặt trận tổ chức cuộc họp liên tịch giữa đại biểu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương bàn những việc trước mắt về xây dựng căn cứ địa, xây dựng vùng giải phóng trong tình mới và phương hướng xây dựng Tây Nguyên trong ba năm (1973 - 1975).
Đến cuối tháng 2/1975, quân và dân ta đã dự trữ ở Tây Nguyên gần 54.000 tấn vật chất, trong đó có 7.286 tấn đạn dược, 28.600 tấn gạo, thực phẩm đủ đảm bảo cho các lực lượng vũ trang hoạt động trong cả năm 1975 và đã huy động một lực lượng lớn gồm nhiều thành phần binh chủng tham gia chiến dịch.
Dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, với sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp trong và ngoài quân đội mọi yêu cầu của chiến dịch đều cố gắng bảo đảm được quân no, lực lượng lớn. Vũ khí lương thực đủ, tinh thần phấn chấn, khí thế cao. Chưa bao giờ ta mạnh và đánh tập trung lớn ở đây như năm nay.
Từ ngày 17 đến ngày 19/2/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên họp mở rộng bàn về phương án tác chiến. Đánh giá về các khả năng ứng phó của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch dự kiến: “ngoài lực lượng hiện đang chiếm đóng, Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn có thể huy động cao nhất từ 5 đến 7 trung đoàn bộ binh để lần lượt tổ chức phản đột kích. Trong điều kiện nếu không phải đối phó trên nhiều hướng, địch có thể huy động cả lực lượng ở các quân khu khác và lực lượng dự bị chiến lược, khoảng 9 đến 12 trung đoàn. Lực lượng này sẽ được cơ động bằng ô tô, theo các trục đường 19, 14, 21; nếu phải đối phó trên nhiều hướng, địch có thể huy động 3 đến 4 trung đoàn. Nếu địch tổ chức đổ bộ đường không thì mỗi ngày chỉ có thể thực hiện khoảng 1 trung đoàn. Ngoài ra,
địch có khả năng chi viện từ 1 đến 2 tiểu đoàn thiết giáp, từ 3 đến 5 tiểu đoàn pháo cơ giới cho hướng chủ yếu, 60 đến 80 lần chiếc máy bay; nếu có không quân Mỹ tham gia, có thể huy động từ 100 đến 120 lần chiếc/ngày” [13;227].
Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch gồm 5 sư đoàn bộ binh (10;
320A; 316; 968; 3) và 4 trung đoàn bộ binh (25; 271; 95A; 95B; Trung đoàn đặc công 198 và 2 tiểu đoàn đặc công (14; 27); Trung đoàn xe tăng - thiết giáp 273;
2 trung đoàn pháo binh (40; 675); 3 trung đoàn pháo phòng không (232; 234;
593); 2 trung đoàn công binh (7; 575); Trung đoàn thông tin 29; Trung đoàn ôtô vận tải và lực lượng vũ trang địa phương các tỉnh Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai.
Như vậy, đến cuối tháng 2 đầu tháng 3/1975 quân và dân ta đã chuẩn bị mọi lực lượng, phương tiện, vũ khí vật tư chiến tranh cho chiến trường Tây Nguyên, Với sự chuẩn bị công phu và tỉ mỉ, lâu dài, đủ điều kiện cho ta mở chiến dịch Tây Nguyên.
2.1.2. Xây dựng thế trận
Trên cơ sở, so sánh lực lượng giữa ta và địch, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ chiến đấu được giao, Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định:
Một là: Hướng và khu vực tác chiến chủ yếu: Buôn Ma Thuột - Đức Lập.
Mục tiêu quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột.
Hai là: Hướng và mục tiêu quan trọng: Thuần Mẫn (Cẩm Ga), nhằm cắt đứt đường 14, thực hiện chia cắt địch về chiến dịch, ngăn chặn dự bị địch từ Plâycu xuống Buôn Ma Thuột.
Ba là: Hướng phát triển: Phú Bổn, Quảng Đức, chủ yếu là Phú Bổn - bao gồm cả thị xã Cheo Reo.
Bốn là: Hướng bao vây, chia cắt chiến dịch: khu vực đường số 19 (cắt đoạn từ đông Plâycu qua An Khê tới đông Bình Khê), chặn đứng mọi sự chi viện từ đồng bằng lên Plâycu và ngăn không cho địch từ Plâycu cơ động về đồng bằng; cắt đường số 21 (trên đoạn đông tây Chư Cúc), chặn địch từ Khánh Hòa lên Buôn Ma Thuột và từ Buôn Ma Thuột tháo cháy về đồng bằng.
Năm là: Hướng nghi binh: có nhiệm vụ nghi binh, kiềm chế, giam chân khối chủ lực Quân khu 2 ở Kon Tum, Plâycu.
Về trận then chốt quyết định giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch dự kiến hai phương án:
Phương án thứ nhất, đánh địch khi chúng chưa phòng ngự dự phòng (địch chưa đưa Sư đoàn 23 về phòng thủ Buôn Ma Thuột). Đây là phương án lý tưởng nhất, đảm bảo đánh chiếm nhanh các mục tiêu mà ít gây thiệt hại cho thị xã. Vấn
đề cốt yếu nhất của phương án này là làm sao để nghi binh, thu hút, giam chân được 8 trung đoàn chủ lực quân đội Sài Gòn ở bắc Tây Nguyên, không cho chúng về Buôn Ma Thuột trước khi quân ta nổ súng đánh vào thị xã.
Phương án thứ hai, đánh địch đã tăng cường phòng ngự dự phòng. Đây là tình huống sẽ diễn ra chiến đấu giằng co rất gay go, ác liệt. Bộ Tư lệnh chiến dịch yêu cầu các đơn vị trong công tác chuẩn bị lấy phương án hai làm cơ bản, nhưng trong thực hiện phải hết sức tạo thời cơ và điều kiện đánh địch theo phương án thứ nhất.
Quá trình bàn bạc kế hoạch tác chiến, đại diện Quân ủy Trung ương và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh chiến dịch nhất trí nhanh về nhiệm vụ và mục tiêu của chiến dịch, nhưng về cách đánh đã phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều, phải mất nhiều thì giờ thảo luận mới đi đến nhất trí và có sự phát triển mới.
Rút kinh nghiệm từ những kinh nghiệm trước đây và xuất phát từ yêu cầu chiến lược mới của giai đoạn kết thúc chiến tranh, căn cứ vào điều kiện chiến trường, vào thế và lực của ta, đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch, sau một quá trình bàn bạc, đã xác định rõ cách đánh trong chiến dịch Tây Nguyên là:
Sử dụng lực lượng tương đối lớn (cỡ trung đoàn, sư đoàn) để cắt các đường giao thông (14, 19, 21), tạo ra thế chia cắt địch về chiến lược, tách Tây Nguyên với đồng bằng ven biển; phải cô lập Buôn Ma Thuột với Plâycu, Plâycu với Kon Tum; đồng thời, tích cực hoạt động nghi binh, giam chân địch, thu hút sự chú ý và lôi kéo lực lượng của chúng về phía bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện cho ta có thể giữ bí mật ở phía nam cho đến khi nổ súng đánh Buôn Ma Thuột.
Do trước đó tại Tây Nguyên, ta đã bố trí lực lượng mạnh ở quanh Đức Lập tới Đắc Song để tiêu diệt địch và mở đoạn đường số 14 đánh thông hành lang chiến lược vào Nam Bộ, nên việc đánh chiếm Buôn Ma Thuột ngay từ đầu chiến dịch sẽ rất khó thực hiện. Vì thế, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định cứ đánh Đức lập trước rồi đánh tiếp Buôn Ma Thuột ngay ngày hôm sau. Khi ta đã cô lập được thị xã Buôn Ma Thuột thì việc triển khai lực lượng cài thế tiến công sẽ gặp thuận lợi.
Ngày 25/2/1975, khi nghe Bộ Tổng Tư lệnh chiến dịch báo cáo quyết tâm chiến đấu, Đại tướng Văn Tiến Dũng - đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đã bổ sung thêm những nội dung quan trọng về sử dụng lực lượng, cách đánh; đồng thời kí phê chuẩn quyết tâm chiến đấu của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên.
Căn cứ vào quyết tâm chiến đấu đã được thông qua, cuối tháng 2/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên tiến hành giao nhiệm vụ chiến đấu cụ thể cho các lực lượng tham gia chiến dịch.
Về phía địch, do phán đoán ta sẽ đánh Plâycu, Kon Tum nên địch đã tập trung khối chủ lực giữ bắc Tây Nguyên. Khoảng giữa tháng 2/1975, qua các cuộc lùng sục ở bắc thị xã Buôn Ma Thuột, phát hiện một sô dấu hiệu chuyển quân của ta, địch nghi ngờ ta chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột, chúng định đưa Sư đoàn 23 về phòng thủ thị xã nhưng tình báo Mỹ lại khẳng định Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A vẫn còn ở bắc Tây Nguyên, nên chúng chỉ đưa Trung đoàn 45 từ Plâycu về khu vực Ea Hleo để sục sạo phát hiện lực lượng Sư đoàn 320A.
Nhằm nghi binh đánh lừa địch rằng ta sẽ mở chiến dịch đánh vào Tây Nguyên với hướng tấn công chính là phía bắc Tây Nguyên. Chính những hoạt động của quân và dân ta đã làm cho địch mơ hồ, chúng càng có căn cứ cho rằng, quân ta sẽ mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Plâycu và Kon Tum còn ở Buôn Ma Thuột ta chỉ mang tính chất nghi binh, đồng thời chúng tăng cường lực lượng ở đây và lơ là mất cảnh giác ở Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, để củng cố thêm nhận định sai lầm của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 968 tiếp tục đẩy mạnh hoạt động. Chấp hành chỉ thị, Sư đoàn 968 khẩn trương triển khai bước hai nghi binh chiến dịch:
Trên hướng Kon Tum, sư đoàn sử dụng Trung đoàn 29 triển khai lực lượng sẵn sàng đánh chiếm Ngọc Bay và Ngọc Quặn, uy hiếp địch ở phía tây bắc và đông bắc thị xã Kon Tum, cắt đường 14 đoạn Tân Phú đi Chư Thoi.
Hướng Plâycu, triển khai lực lượng của Trung đoàn 19 sẵn sàng tiến công thị xã Plâycu từ phía tây.
Ngày 17/2/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên bàn nhiệm vụ đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Cách đánh được xây dựng căn cứ vào kết quả công tác chuẩn bị, tình hình địch ở chiến trường và tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là “tranh thủ bất ngờ cao độ, đảm bảo trận đầu thắng giòn giã và có kế hoạch phát triển thắng lợi kịp thời, diệt được nhiều sinh lực địch, giải phóng các địa bàn quan trọng” [12;661].
Theo tinh thần chỉ đạo trên, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương trong bước mở đầu phải kiên trì, khôn khéo giữ bí mật ý định chiến dịch và lực lượng ta ở hướng tắc chiến chủ yếu là Buôn Ma Thuột, tích cực hoạt động nghi binh trên hướng Plâycu, Kon Tum. Từ ngày 1 đến ngày 4/3/1975, các lực lượng vũ trang
và các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghi binh, tạo thế, triển khai lực lượng và thực hành bao vây chia cắt chiến dịch.
Những hoạt động mạnh của ta ở bắc Tây Nguyên và sự tăng cường lực lượng của ta ở phía nam đã gây cho địch nhiều lúng túng, mâu thuẫn lẫn nhau trong cơ quan tình báo của chúng. Phía địch cũng có nhận định rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột còn ở Plâycu và Kon Tum chỉ là đòn nghi binh nhằm thu hút lực lượng của chúng. Viên đại tá Trưởng phòng 2 (Quân khu II) của ngụy cho rằng, “tiến công vào Plâycu và Kon Tum chỉ là đòn nghi binh. Ý định thật sự của đối phương là đánh vào Buôn Ma Thuột” [12;661]. Tuy nhiên, với nghệ thuật nghi binh và giữ bí mật tốt của quân ta nên địch không hề phát hiện ra quân chủ lực của ta, ngay cả tình báo của Mỹ cũng có sự nhận định sai lầm. P.Xnip, chuyên gia tình báo chiến lược (CIA) của Mỹ ở Sài Gòn viết: “Tuy có chú ý đến những dấu hiệu về sự chuyển quân không bình thường của Bắc Việt ở phía tây và bắc Buôn Ma Thuột, nhưng tôi không dự kiến một cuộc tiến công trực tiếp vào thành phố mà chỉ dự kiến Cộng sản sẽ tìm cách cắt đứt đường sá trong khu vực và cô lập thành phố. Tuy nhiên không phải chỉ mình tôi nghĩ vậy, cả DAO và các bạn đồng nghiệp CIA của tôi ở Mỹ cũng đều tập trung vào Plâycu, Kon Tum mà không nói gì đến Buôn Ma Thuột” [12;662].
Vào những ngày đầu tháng 3/1975, quân ta tiến đánh các vị trí ở phía bắc và nam Tây Nguyên nhằm tạo thế nghi binh, đồng thời cô lập phía nam so với phía bắc Tây Nguyên. Quân ta với sự bảo đảm bí mật cũng như hợp đồng tác chiến tốt đã hoàn toàn cô lập được thị xã Buôn Ma Thuột.
Như vậy, đến ngày 9/3, ta đã triển khai lực lượng, cài xong thế chiến lược và chiến dịch, đã chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng, chia cắt phía nam với phía bắc Tây Nguyên, đã hoàn toàn bao vây và cô lập thị xã Buôn Ma Thuột. Đến đây cuộc đấu trí giữa ta và địch kết thúc một bước, phần thắng lợi thuộc về ta; điều này tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho ta mở Chiến dịch Tây Nguyên đánh thẳng vào Buôn Ma Thuột.