Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm đối với người nghèo

Một phần của tài liệu Chính sách hỗ trợ việc làm đối với người nghèo từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 38 - 45)

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC LÀM ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO

1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm đối với người nghèo

Việc thực hiện tốt CSHTVL đối với người nghèo tại TPHCM phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau; luận văn đưa ra năm yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến thực hiện CSHTVL đối với người nghèo từ góc độ CTXH. Đó là:

1.5.1. Các yếu tố thuộc về đặc điểm của người nghèo

Cá nhân từng người nghèo, hộ nghèo có nhiều đặc điểm khác nhau do quá trình sống khác nhau. Đó là gia đình đơn thân (độc thân, ly dị, ly thân, góa); gia đình đông con, có nhiều con nhỏ; gia đình cần được hỗ trợ chủ yếu về sức khỏe, thể chất, tinh thần, tâm lý và người nhập cư. Thông thường, yếu tố này gắn với các yếu tố khác, tạo ra vòng lẩn quẩn rất khó giải quyết và người nghèo khó có thể thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn đó. Thông thường có thể chia làm ba nhóm yếu tố chủ yếu mà mức độ quan trọng thay đổi theo thời gian (1) trình độ học vấn thấp, thiếu năng lực và thiếu đào tạo chuyên môn, việc làm không ổn định, thành viên trong gia đình mắc bệnh mãn tính, mắc nợ (đặc biệt là nợ vay từ khu vực phi chính thức với mức

27

lãi cao) và thái độ thụ động chấp nhận số phận của người nghèo; (2) Việc phải chuyển nghề đột ngột do chịu tác động trực tiếp từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế (đặc biệt việc tăng giá các mặt hàng lương thực thực phẩm, xăng dầu, điện), tuổi già neo đơn không có gia đình để nương tựa, khủng hoảng trong gia đình cũng như không hòa nhập được với xã hội (người nhập cư, người mù chữ, người thiểu số...), bất bình đẳng trong đăng ký hộ nghèo và do biến đổi khí hậu, thiên tai;

(3) Điều kiện sống như quá nhiều người sống trong một căn nhà, giá các dịch vụ đô thị quá cao (nước sinh hoạt, điện), không được đảm bảo an toàn về đất đai và tài sản trên đất, đương đầu với các nguy cơ về môi trường: ô nhiễm, tiếng ồn, ùn tắc giao thông và chịu tác động mạnh của tình trạng tội phạm, bạo lực, ma túy [57].

Người nghèo cũng được xem là đối tượng thuộc nhóm yếu thế cần sự giúp đỡ của toàn xã hội, đây cũng là nhóm đối tượng đặc thù trong hoạt động CTXH. Toàn xã hội rất quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho họ đã phần nào tạo nên những suy nghĩ cho rằng bản thân là người nghèo, là đối tượng được bảo trợ. Vì vậy, một số người nghèo, hộ nghèo có thái độ ỷ lại, trông chờ vào người khác hỗ trợ, không muốn thoát, vượt nghèo điều này làm cho việc hỗ trợ người nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên hòa nhập xã hội cũng hết sức khó khăn.

Tuy thế, có nhiều người nghèo, hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, giúp người khác cùng thoát nghèo, trở thành tấm gương sáng, thành nguồn động lực cho nhiều người noi theo.

1.5.2. Yếu tố thuộc về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người hỗ trợ việc làm đối với người nghèo – nhân viên công tác xã hội

Yếu tố này tác động không nhỏ đến việc thực hiện chính sách, vì chính sách có tốt đến mấy mà bộ máy thực hiện chính sách không tốt thì hiệu quả sẽ không thể nào cao. Do đó, hướng tới chuyên nghiệp hóa nghề CTXH, phát huy năng lực, vai trò của đội ngũ nhân viên làm công tác với người nghèo - NVCTXH là yêu cầu hết sức cần thiết. Để thực hiện tốt những vai trò của người làm việc với người nghèo, người làm nghề CTXH phải được trang bị tốt về kiến thức, kỹ năng và có thái độ làm việc chuẩn mực, lòng đam mê nghề nghiệp. Tất cả những điều này sẽ giúp cho người

28

làm công tác với người nghèo - NVCTXH hoàn thành tốt công việc của mình. Tuy nhiên, chính sách, chế độ cho đội ngũ này vẫn chưa tương xứng. Theo thống kê, mức độ biến động cán bộ từ lãnh đạo đến chuyên viên thừa hành trong lĩnh vực làm việc với người nghèo luôn thay đổi rất lớn. Cán bộ vừa được đào tạo, trang bị, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, khi đã nắm rõ phương pháp tiếp cận thì lãnh đạo, chuyên viên lại được điều động, bố trí vị trí công việc khác, hoặc chuyển công tác khác. Chúng ta thấy, yếu tố tổ chức, quản lý, cán bộ ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện hỗ trợ việc làm cho người nghèo.

Người làm công tác với người nghèo - NVCTXH sẽ phải đánh giá nhu cầu của người nghèo. Trong một số trường hợp, họ cũng đóng vai trò là người quản lý trường hợp, hỗ trợ người nghèo tiếp cận những dịch vụ phù hợp và duy trì tiếp cận một số dịch vụ; cũng như họ vừa là cầu nối giữa đối tượng với các nguồn lực hỗ trợ của xã hội và vừa là người có trách nhiệm kết nối với các nguồn lực xã hội với người nghèo, hộ nghèo để có được sự thống nhất nhằm đạt hiệu quả tối đa nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo. Chính vì thế, Người làm công tác với người nghèo - NVCTXH có vai trò rất lớn trong hoạt động kết nối nguồn lực, hỗ trợ xã hội cho người nghèo, hộ nghèo. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng còn hạn chế. Hiện nay, người làm công tác với người nghèo đa số chưa phải là NVCTXH, chính vì vậy họ chưa được đào tạo bài bản về chuyên ngành CTXH, chưa nắm bắt hết được tâm lý cũng như tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của người nghèo, hộ nghèo nên chưa thực sự làm hết vai trò của CTXH, phương pháp làm việc chưa chuyên nghiệp, chưa tiếp cận theo phương pháp CTXH để triển khai thực hiện CSHTVL cho người nghèo.

1.5.3. Nhận thức của lãnh đạo cơ quan/ đơn vị về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người nghèo

Lãnh đạo các cơ quan/ đơn vị ở đây được hiểu là cấp lãnh đạo theo ngành dọc của Bộ LĐ - TBXH, đặc biệt là cấp lãnh đạo của Sở LĐ – TBXH, Phòng LĐ – TBXH quận/huyện và phường, xã, thị trấn trực tiếp triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm đối với người nghèo.

Xét trên tổng thể tác động của đội ngũ cán bộ các cấp liên quan đến việc thực

29

hiện CSHTVL đối với người nghèo có mức độ khác nhau. Có trường hợp quan liêu, lãng phí hoặc tham nhũng, triển khai chậm trể, làm diện nghèo kéo dài, lan rộng, nhưng đa số lực lượng cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp có trách nhiệm đã góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giảm nghèo của thành phố trong thời gian qua.

Lãnh đạo Thành phố luôn xác định chương trình giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đảm bảo ASXH cho người dân Thành phố. Chương trình giảm nghèo Thành phố giai đoạn 2014 – 2015 đã tiếp cận với chuẩn nghèo theo thu nhập của khu vực và quốc tế (2USD/người/ngày); đặc biệt, đang bắt đầu thử nghiệm theo phương pháp NĐC nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu GNBV của Thành phố.

Tuy nhiên, các cấp, ban ngành chưa khẳng định tính hiệu quả của CTXH đối với người nghèo, vì chỉ theo tính phong trào, chưa xây dựng được các kế hoạch cụ thể để có thể hỗ trợ tốt nhất cho người nghèo. Nếu lãnh đạo các cơ quan/ đơn vị không quan tâm, hoặc không muốn áp dụng phương pháp CTXH trongviệc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người nghèo thì đây chính là một rào cản, hạn chế vô cùng lớn cho hoạt động CTXH, cũng như việc phát triển nghề CTXH.

1.5.4. Yếu tố thuộc về nguồn kinh phí hoạt động và khả năng kết nối nguồn lực

Theo Đỗ Phú Hải (2015) nguồn lực CTXH bao gồm nguồn nhân lực, tài chính và nguồn lực cộng đồng. Phần tài chính đã được đề cập đến ở yếu tố thứ 2; nguồn lực tài chính bao gồm phân bổ ngân sách cho CTXH, chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực huy động quốc tế và nguồn lực huy động từ các tổ chức cá nhân trong xã hội, cộng đồng [6, tr. 6].

Nguồn kinh phí dành cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ giúp người nghèo được trích từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, từ các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức, cá nhân từ cộng đồng và gia đình người nghèo. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho hoạt động CTXH đối với người nghèo vẫn cần được bố trí nhiều hơn.

Người nghèo, hộ nghèo là đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn về thể xác và tinh thần nên các hình thức và phương thức hỗ trợ họ tốn nhiều thời gian, kinh phí.

30

Vì thế, cần có kinh phí hỗ trợ dồi dào, đầy đủ thì các hoạt động CTXH tiến hành sẽ dễ dàng, hiệu quả cao hơn, chẳng hạn: trong hoạt động hướng nghiệp và dạy nghề, nếu có kinh phí đầu tư nhiều thì sẽ góp phần có đội ngũ giảng viên có chất lượng, có người học sẽ được học nghề bài bản, có được dụng cụ thực hành nghề tốt hơn, đầy đủ hơn, như thế thì sẽ làm cho tỷ lệ người nghèo được nghề có việc làm phù hợp, làm cho cuộc sống người nghèo sẽ cao hơn. Và ngược lại, nếu kinh phí hạn hẹp thì hoạt động này sẽ trở nên qua loa, học cho có, người học sẽ không tìm được việc làm, hoạt động này trở nên tốn kém, không đem lại hiệu quả.

1.5.5. Các yếu tố thuộc về phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và phát triển thị trường lao động

Thực tiễn phát triển KT-XH Việt Nam trong những năm qua cho thấy, không thể giải quyết vấn đề đói nghèo theo tư duy truyền thống chỉ nhằm ổn định xã hội trước mắt, mà tách rời giữa tăng trưởng kinh tế với xóa đói, giảm nghèo. Tính cấp bách của việc đổi mới tư duy về tăng trưởng và đói nghèo còn thể hiện ở nguy cơ Việt Nam rơi vào "cái bẫy thu nhập trung bình" của một quốc gia thoát nghèo và gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng rồi mất nhiều thập niên vẫn không trở thành nước phát triển. Từ năm 2009, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa Việt Nam vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình (hơn 1.000 USD/người).

Hiện nay, Việt Nam nước ta buộc phải vượt qua thử thách của cái bẫy này.

Hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội trong quan hệ kinh tế quốc tế. Các lợi thế so sánh quốc gia và các quan hệ kinh tế quốc tế là yếu tố phải được quan tâm tính đến trong quá trình hoạch định chính sách. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định song phương, đa phương thế hệ mới. Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

Trong bối cảnh ấy. vấn đề nghèo cần được giải quyết từ ba hướng gắn bó với nhau: (1) Tăng trưởng kinh tế bền vững, tự nó đã hạn chế phát sinh đói nghèo; (2)

31

tiến bộ xã hội (thể hiện ở trình độ giáo dục, dân trí) là điều kiện trực tiếp để giải quyết đói nghèo; (3) bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ASXH [67].

Chương trình việc làm phải luôn gắn với kế hoạch phát triển KT - XH trên địa bàn; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức kinh tế, tổ chức đoàn thể, xã hội, cá nhân đầu tư và tạo ra việc làm, phát triển TTLĐ. Cần phải huy động tối đa mọi nguồn lực, các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia công tác GQVL, tạo nhiều việc làm mới, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp của người nghèo. Thực hiện chính sách tạo việc làm gắn với phát triển TTLĐ. Phát triển TTLĐ, bảo đảm đồng bộ, liên thông, minh bạch và tạo thuận lợi cho việc tự do dịch chuyển lao động [20, tr. 276]. Việc phát triển TTLĐ sẽ tác động rất lớn đến việc cung cấp thông tin TTLĐ từ đó định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; cũng là cơ sở để người nghèo, hộ nghèo được cung cấp các dịch vụ công thuộc lĩnh vực hoạt động DVVL, XKLĐ, hoạt động cho thuê lại lao động để tham gia GQVL cho họ; tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tự phát triển sản xuất kinh doanh để tạo việc làm cho bản thân và cho nhiều người khác.

Kết luận chương 1

Trong chương 1 tác giả đã trình bày một số vấn đề lý luận về CSHTVL đối với người nghèo, cụ thể về khái niệm, đặc điểm và nhu cầu việc làm đối với người nghèo, khái niệm CTXH đối với người nghèo; khái niệm, đặc điểm và nhu cầu thực hiện CSHTVL đối với người nghèo. Những khái niệm này làm rõ về khách thể nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu của đề tài.

Đồng thời, chương này cũng trình bày nội dung và nguyên tắc thực hiện CSHTVL đối với người nghèo từ góc độ CTXH thông qua việc tập trung nghiên cứu các HĐHT giới thiệu, hướng dẫn, khuyến khích người nghèo, hộ nghèo tham gia mô hình Tổ tự quản giảm nghèo; HĐHT giáo dục thông qua hỗ trợ học phí học văn hóa và học nghề; HĐHT học nghề gắn với giới thiệu việc làm và giải quyết việc làm trong nước và ngoài nước (xuất khẩu lao động); hoạt động hỗ trợ vay vốn; hoạt

32

động tuyên truyền và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn hướng nghiệp.

CTXH có vai trò quan trọng trong việc thực hiện CSHTVL đối với người nghèo. Chính vì vậy, trong chương này cũng đề cập đến vai trò của CTXH và phương pháp tiếp cận thực hiện CSHTVL đối với người nghèo từ góc độ CTXH.

CSHTVL đối với người nghèo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chương này có hệ thống quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính sách pháp luật về hỗ trợ việc làm đối với người nghèo.

Cuối cùng là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện CSHTVL đối với người nghèo; như các yếu tố thuộc về đặc điểm của người nghèo; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người hỗ trợ việc làm đối với người nghèo – NVCTXH;

nhận thức của lãnh đạo cơ quan/ đơn vị về triển khai thực hiện chính sách; nguồn kinh phí hoạt động và khả năng kết nối nguồn lực; và yếu tố thuộc về phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và phát triển TTLĐ.

Như vậy, qua hệ thống cơ sở lý luận ở chương 1 sẽ định hướng cho việc nghiên cứu thực trạng CSHTVL đối với người nghèo từ thực tiễn TPHCM tại chương 2 của luận văn.

33 Chương 2

Một phần của tài liệu Chính sách hỗ trợ việc làm đối với người nghèo từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 38 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)