Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHỦ YẾU VỀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU CỦA CƠ QUAN QUAN
1.4 Kinh nghiệm của Hải quan một số nước và bài học cho Hải quan Việt
1.4.1. Hải quan Trung quốc
Trung quốc đã thành lập các biện pháp kiểm soát tại biên giới về bảo hộ quyền SHTT từ tháng 9 năm 1994. Một hệ thống các biện pháp thực thi đều tuân thủ theo những quy định của Hiệp định TRIPS. Các biện pháp này được quy định cụ thể trong Nghị quyết của Chính phủ Trung Quốc về bảo vệ hải quan đối với quyền SHTT. Hiện tại Hải quan Trung quốc đã thành lập một hệ thống thực thi bảo hộ quyền SHTT bao gồm kiểm tra tờ khai, kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, thu và bắt giữ đối với các lô hàng vi phạm, phạt các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu vi phạm và tiêu hủy hàng hóa vi phạm… Đáng lưu ý là Hải quan Trung Quốc có đội quân tinh nhuệ được huấn luyện về chuyên môn và chuyên nghiệp cao trong lĩnh vực thực thi bảo hộ quyền SHTT. Kế hoạch hành động về bảo vệ của Trung Quốc được đưa ra cho những cơ quan quản lý thuộc Chính phủ cùng thực hiện, riêng đối với Hải quan, nhiệm vụ sẽ tập trung vào việc kiểm soát SHTT tại biên giới. Hải quan Trung Quốc áp dụng hệ thống thực thi bảo hộ quyền SHTT trong đó kết hợp cả biện pháp hình sự và biện pháp hành chính.
Với chức năng là một cơ quan kiểm soát của quốc gia về hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện các chức năng của mình mạnh mẽ hơn nữa và tập trung vào công tác kiểm soát, thực thi bảo hộ quyền SHTT trên các phương diện chủ yếu sau:
- Chủ động thực thi bảo hộ quyền SHTT của Hải quan, đặc biệt chú ý đến các hàng XNK vi phạm các nhãn hiệu nổi tiếng;
- Nghiên cứu khả năng tăng cường năng lực bắt giữ của Hải quan đối với hàng vi phạm bằng các phương pháp kỹ thuật;
- Xây dựng và củng cố hợp tác, dựa trên các hiệp định hành chính song phương giữa Hải quan Trung Quốc và Hải quan các nước khác trong khu vực về công tác trao đổi thông tin và nghiệp vụ.
- Tăng cường đào tạo công, hợp tác với các cơ quan chức năng khác để đào tạo các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh quốc tế có được những kiến thức và khuyến khích họ tự giác tuân thủ luật pháp.
1.4.2. Hải quan Hàn Quốc
Từ những năm 2005, Hải quan Hàn Quốc đã xây dựng Kế hoạch Hiện đại hóa Hải quan giai đoạn đến 2010, theo đó Kế hoạch tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng trong đó phải kể đến ngăn chặn các vi phạm về quyền SHTT và nạn buôn lậu.
Mục tiêu về bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ và thực thi luật pháp về quyền SHTT đã được Cơ quan Hải quan Hàn Quốc dành khá nhiều ưu tiên thông qua việc xây dựng Chiến lược hải quan về Bảo hộ quyền SHTT tại biên giới.
Theo chiến lược này, Cơ quan Hải quan Hàn Quốc đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Hải quan các nước tiên tiến khác đang có những nỗ lực về bảo hộ quyền SHTT một cách có hệ thống và hiệu quả.
Trong Kế hoạch Hiện đại hóa hải quan 2010, Hải quan Hàn Quốc đã xây dựng được 4 trụ cột để hiện thực hóa các mục tiêu: Sản phẩm; Quy trình; Con người và Cương lĩnh.
Về sản phẩm, định hướng chiến lược là tăng cường các hoạt động bảo hộ quyền SHTT nhằm đáp ứng mong mỏi của những người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Mục tiêu chính là không để xuất hiện các vụ vi phạm về quyền SHTT và tăng cường sự tin tưởng mang tầm cỡ quốc tế tại Hàn Quốc.
Về quy trình, định hướng chiến lược là hiện đại hóa các hệ thống và nghiệp vụ quản lý rủi ro và xây dựng mối quan hệ hợp tác, bao gồm các hệ thống phân tích thông tin hiện đại và nghiệp vụ quản lý rủi ro tiên tiến để có thể soi quét các hàng hóa vi phạm quyền SHTT. Thiết lập mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp, các cơ quan khác của chính phủ, các cơ quan hải quan nước ngoài và tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin rộng rãi cho cộng đồng.
Về con người, định hướng chiến lược là xây dựng năng lực hoàn chỉnh cho các nhân viên hải quan. Khuyến khích các nhân viên hải quan và cung cấp cho họ các sáng kiến để có thể đấu tranh hiệu quả với nạn làm hàng giả.
Về cương lĩnh, định hướng chiến lược là tăng cường hiệu quả của luật pháp và các cơ chế thực thi. Các chiến lược chính bao gồm sửa đổi luật pháp nhằm tăng
cường quyền hạn của Hải quan về bảo hộ quyền SHTT và thiết lập cơ chế mang tính hệ thống để chống lại các hàng hóa vi phạm quyền SHTT.
Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cam kết mở rộng phạm vi thực thi bảo hộ quyền SHTT sang các đối tượng hàng xuất khẩu, chuyển tải và hàng giả đang lưu thông cũng như các hàng hóa nhập khẩu nhằm tận dụng tối đa năng lực phân tích thông tin thực thi luật pháp và quản lý rủi ro.
Đối với hàng nhập khẩu, tất cả các hàng hóa vi phạm quyền SHTT qua biên giới quốc gia phải ngừng thông quan và bị bắt giữ. Hải quan Hàn quốc đã nỗ lực ngăn chặn các hàng hóa đe dọa đến an toàn của cộng đồng như là thuốc Viagra và các bộ phận máy móc giả từ lúc các sản phẩm bắt đầu vào biên giới quốc gia.
Đối với hàng xuất khẩu/chuyển tải: Hải quan Hàn Quốc coi trọng việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan có liên quan trong nước và các công ty làm ăn hợp pháp thông qua các cuộc gặp gỡ thường xuyên với cơ quan tình báo quốc gia, Văn phòng điều tra, nhân viên chuyên trách về sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và các nhà nắm giữ bản quyền để có những hành động đấu tranh chung. Hải quan Hàn Quốc cũng chú trọng vào việc kiểm tra hàng hóa trước khi hàng được chuyển lên phương tiện vận tải. Đồng thời Hải quan Hàn Quốc đã có thư đề nghị 24 nước gửi cho Hải quan Hàn Quốc danh sách các nhà xuất khẩu được xác định là những người vi phạm quyền SHTT sau khi họ xuất khẩu hàng đến Hàn Quốc.
1.4.3. Hải quan Mỹ
Ngăn chặn hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một ưu tiên của Chính phủ Mỹ. Cơ quan Hải quan và bảo vệ Biên giới (CBP) Mỹ, một Ban chức trách thuộc Bộ An ninh nội địa đã có một cách tiếp cận đa tầng đối với việc thực thi sở hữu trí tuệ tại biên giới, bao gồm cả việc bắt giữ các lô hàng vi phạm tại biên giới, mở rộng biên giới thông qua việc thanh tra các nhà nhập khẩu vi phạm, các loại hình rủi ro và hợp tác với các đối tác thương mại quốc tế. Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới còn là đối tác với các ngành và các cơ quan chính phủ khác để tăng cường các nỗ lực này. Cơ quan Hải quan và bảo vệ Biên giới (CBP) điều phối các nỗ lực thực thi với các cơ quan thực thi luật pháp và chính sách thương mại của
Chính phủ Mỹ, liên hệ chặt chẽ với Bộ phận thực thi hải quan và nhập cảnh Mỹ để tiến hành các hoạt động thực thi quyền SHTT có tính điều tra. Ngoài ra, Cơ quan Hải quan và bảo vệ Biên giới (CBP) còn vươn tay đến ngành thông qua việc hợp tác với các chủ sở hữu quyền và các hiệp hội ngành để phối hợp đào tạo về quyền SHTT, chia sẻ thông tin về xu hướng và nếu có thể đưa ra các vụ việc cụ thể của mỗi sự việc nghi ngờ vi phạm.
Để thực thi tốt bảo hộ quyền SHTT, Chính phủ Mỹ đã xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ về bảo hộ quyền SHTT, đưa ra các biện pháp không công bằng về cạnh tranh, không công bằng trong việc nhập khẩu hoặc bán hàng hóa ảnh hưởng hoặc phá hoại, làm thương tổn nghiêm trọng hoặc ngăn cản việc thành lập một ngành kinh tế hoạt động có hiệu quả ở Mỹ, hoặc kìm hãm cũng như độc quyền hóa thương mại và ngoại thương tại Mỹ. Đồng thời, còn quy định việc nhập khẩu bất hợp pháp vào Mỹ là hàng hóa vi phạm bản quyền, nhãn hiệu được đăng ký, bằng sáng chế hoặc tác phẩm nghệ thuật cần được bảo vệ.
Chặn đứng buôn bán hàng giả là ưu tiên của Chính phủ Mỹ, Hải quan Mỹ đã xây dựng chiến lược thực thi bảo hộ quyền SHTT như là một vấn đề Thương mại ưu tiên. Cách tiếp cận chiến lược đối với thực thi bảo hộ quyền SHTT có tính đa tầng và bao gồm việc bắt giữ hàng giả tại biên giới, mở rộng biên giới thông qua công tác kiểm tra các nhà nhập khẩu vi phạm và hợp tác với các đối tác thương mại quốc tế và hợp tác với ngành và các cơ quan chính phủ khác nhằm tăng cường nỗ lực hơn nữa. Hải quan Mỹ đã đầu tư nguồn lực, nhân lực đa dạng, lớn và đào tạo có tập trung để đối phó với các vấn đề về bảo hộ quyền SHTT.
Thực thi bảo hộ quyền SHTT được gắn với các công việc của một số đơn vị trong cơ quan Hải quan. Phòng Thương mại quốc tế đã xây dựng chính sách và các sáng kiến thực thi về bảo hộ quyền SHTT quốc gia, các đường hướng ngoại giao, các lô hàng trọng tâm liên quan đến hàng vi phạm SHTT, kiểm tra các nhà nhập khẩu vi phạm, cung cấp đào tạo và các hướng dẫn luật pháp về bắt giữ và xử lý vi phạm đối với quyền SHTT. Các nhân viên hải quan và các chuyên gia nhập khẩu từ Phòng nghiệp vụ kiểm tra và bắt giữ các lô hàng vi phạm tại cảng khi bắt đầu đi vào
biên giới hàng ngày. Các phòng khác của Hải quan Mỹ bao gồm Phòng Công nghệ thông tin, Phòng quan hệ và thương mại quốc tế đưa ra những kiến thức chuyên môn quý báu trong những phòng phân tích thí nghiệm và đưa ra những hỗ trợ ngoại giao nhằm thúc đẩy nhiệm vụ thực thi bảo hộ quyền SHTT của Hải quan Mỹ.
Thực thi của cơ quan quản lý biên giới được thực hiện thông qua những nỗ lực hợp tác của các nhân viên kiểm soát được đào tạo, các cơ quan chính phủ khác và cộng đồng thương mại. Cơ quan quản lý biên giới còn làm việc chặt chẽ với Bộ phận kiểm soát Hải quan và Nhập cảnh tiến hành các hành động thực thi bảo hộ quyền SHTT. Với tư cách là một cơ quan kiểm soát biên giới đầu tiên, cơ quan bảo vệ và kiểm soát biên giới đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý Chiến lược liên ngành chống lại nạn ăn cắp bản quyền có tổ chức.
1.4.4. Một số kinh nghiệm rút ra bài học cho Hải quan Việt Nam trong thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa xuất nhập khẩu
Qua kinh nghiệm thực thi bảo hộ quyền SHTT của Hải quan Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ có thể nhận thấy một số kinh nghiệm cho Hải quan Việt Nam để thực thi bảo hộ quyền SHCN đối với NHHH, đó là:
Thứ nhất, Hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền SHTT phải được xây dựng chặt chẽ, tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS và những Hiệp định khác liên quan đến SHTT mà Việt Nam đã ký kết.
Thứ hai, xây dựng các hệ thống phân tích thông tin
Hệ thống tìm kiếm nhãn hiệu thương mại, NHHH đăng ký với cơ quan Hải quan phải được xây dựng dựa trên trang web. Hệ thống này cho phép nhân viên Hải quan đưa ra quyết định liệu nhà nhập khẩu/xuất khẩu có đúng là người sở hữu bản quyền về nhãn hiệu đó không và hàng hóa đó có được nhập khẩu hay không. Ngoài ra, nhân viên hải quan còn có thể tìm kiếm được tên của các chủ sở hữu bản quyền, tên cụ thể của một số loại hàng hóa được bảo vệ, thời gian bảo vệ và hình ảnh của nhãn hiệu cần bảo vệ.
Thành lập các Trung tâm chuyên trách về phân tích thông tin như Trung tâm tình báo và điều tra chiến lược; Trung tâm kiểm soát buôn lậu không gian mạng và Trung tâm Nghiên cứu lựa chọn hàng hóa.
Thứ ba, nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro
Cần xây dựng và nâng cấp một loạt các hệ thống phục vụ cho mục đích quản lý rủi ro như: Hệ thống lựa chọn hàng hóa được thiết lập từ cấp trung ương đến cấp hải quan cửa khẩu và có những nguyên tắc hoạt động rõ ràng; Hệ thống tình báo chuyên theo dõi hàng vi phạm SHTT từ khâu nộp tờ lược khai thông qua việc tận dụng cơ sở dữ liệu về các vụ việc tội phạm, thông tin về thông quan, chuyển tiền đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao; Hệ thống cảnh báo buôn lậu được xây dựng để giải quyết và cảnh báo các rủi ro buôn lậu của hàng hóa dựa trên phân tích tương quan và ngược chiều đối với các chỉ số cung cầu của mặt hàng và giá cả mặt hàng.
Thứ tư, có sự thống nhất chỉ đạo
Cần có sự thống nhất chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, đề cao sự hợp tác giữa hải quan và các cơ quan Chính phủ khác, ký các Biên bản ghi nhớ với các cơ quan Chính phủ khác, hợp tác với các cơ quan chính phủ khác trong việc đấu tranh và kiểm soát hàng hóa vi phạm SHTT đặc biệt phải xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ với các chủ sở hữu quyền mà sản phẩm của họ dễ bị vi phạm.
Thứ năm, xây dựng năng lực và có chính sách khen thưởng
Một trong những thành công của Chiến lược bảo hộ quyền SHTT là tập trung nâng cao chuyên môn và năng lực của cán bộ hải quan chuyên trách về đấu tranh chống lại các hàng hóa vi phạm bản quyền. Để làm được điều này, cần thực hiện hàng loạt các chương trình liên quan đến xây dựng năng lực như chương trình các chuyên gia về điều tra, các chương trình đào tạo nhân viên hải quan do các chủ sở hữu bản quyền danh tiếng đứng ra giảng dạy. Hơn nữa, cần đưa ra những chính sách khen thưởng cho các nhân viên ưu tú có thành tích tốt trong việc bắt giữ hàng hoá vi phạm quyền SHTT.
Thứ sáu, tăng cường nhận thức của cộng đồng
Thực tế sự tham gia của cộng đồng đối với việc đấu tranh tận gốc nạn buôn bán hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi bảo hộ quyền SHTT, Hải quan nên tiến hành rất nhiều các chương trình mạnh mẽ làm tăng cường nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ví dụ như tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm hàng giả hàng thật bằng hình ảnh thật và thông qua mạng; các chiến dịch truyển thông qua sách báo, ti vi; các chương trình đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp; xuất bản sách giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật và hàng nhái; khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc xây dựng chính sách và hoạt động đấu tranh chống lại nạn ăn cắp bản quyền.
Thứ bảy, mở rộng hợp tác quốc tế
Hải quan Việt Nam cần chủ động mở rộng hợp tác nhằm ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trên toàn cầu. Tích cực đề xuất tăng cường trao đổi thông tin liên quan về những nhà xuất khẩu hàng giả đối với các cơ quan nước ngoài khác để có thể ngăn chặn hàng giả từ khâu xuất khẩu, nhập khẩu. Không chỉ giới hạn ở hợp tác khu vực, Hải quan Việt Nam cần mở rộng hợp tác song phương với các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Chương 2