Chương 3: PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU CỦA HẢI QUAN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2020, TẦM NHÌN 2025
3.3 Các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa xuất nhập khẩu của
3.3.1. Củng cố tổ chức bộ máy chuyên trách bảo hộ quyền SHCN đối với nhãn
hiệu hàng hóa xuất nhập khẩu của Hải quan Việt Nam
Hải quan Việt Nam đã hình thành hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách bảo vệ quyền SHTT tại các cấp, nhưng hiện nay còn hạn chế về quy mô, số lượng cán bộ chuyên trách trong khi phải giải quyết khối công việc rất lớn. Tại Tổng cục Hải quan, cụ thể là: Cục Giám sát quản lý về hải quan có một bộ phận thực hiện việc tiếp nhận và xử lý Đơn đề nghị áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT; Cục Điều tra chống buôn lậu có một đơn vị cấp Đội Kiểm soát bảo vệ quyền SHTT, với quân số gồm 29 công chức thực hiện nhiệm vụ tiến hành các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan theo quy định của pháp luật để thu thập thông tin công khai và bí mật, trong nước và ngoài nước; nắm tình hình và phát hiện các phương thức, thủ đoạn của đối tượng hoạt động vi phạm SHTT, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng giả qua biên giới. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh. Do vậy, để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan Hải quan trong thời gian tới, theo tác giả Bộ Tài chính cần nghiên cứu củng cố tổ chức bộ máy chuyên trách bảo vệ quyền SHTT tại cơ quan Hải quan theo hướng:
- Ở cơ quan Tổng cục Hải quan, việc tiếp nhận và xử lý Đơn đề nghị áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT do Cục Giám sát quản lý về hải quan đảm nhiệm; xây dựng 03 Đội Kiểm soát chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT tại 03 khu vực Bắc, Trung, Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện nhiệm vụ trực tiếp hoặc phối hợp với Hải quan địa phương hoặc các cơ quan nhà nước có chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ điều tra, xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu có tính chất nghiêm trọng.
- Tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố, thành lập Đội Kiểm soát chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT trực thuộc 09 Cục Hải quan có quy mô, lưu lượng hàng hóa lớn (Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng) và tại Chi cục phải có cán bộ
chuyên trách thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa XNK liên quan đến SHTT thuộc phạm vi địa bàn do Cục quản lý. Trực tiếp chủ trì hoặc phối hợp thực hiện công tác đấu tranh, bắt giữ và xử lý vi phạm về SHTT thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục.
3.3.2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực thi hộ quyền SHCN đối với nhãn hiệu hàng hóa xuất nhập khẩu
Đối với công chức Hải quan chuyên trách thực hiện hoạt động bảo hộ quyền SHTT trong toàn hệ thống ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương:
- Xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, yêu cầu kinh nghiệm thực tế công tác đối với từng chức danh và vị trí công tác, như: tốt nghiệp đại học chính quy các chuyên ngành Luật, Kinh tế, quan hệ quốc tế, ngoại ngữ, đã được qua khoá đào tạo cơ bản về pháp luật và nghiệp vụ SHTT.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo cho công chức Hải quan chuyên trách về các kiến thức cơ bản và nâng cao về bảo vệ quyền SHTT và biện pháp, thủ tục thực thi quyền SHTT tại cơ quan Hải quan. Có thể thông qua các hình thức như: chủ trì tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về SHTT (Cục SHTT, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ) và các cơ quan thực thi khác tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ, đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu tạo nguồn xây dựng đội ngũ chuyên gia cho ngành Hải quan trong lĩnh vực này. Mời các chuyên gia đầu ngành hoặc quốc tế về lĩnh vực SHTT giảng dạy, phổ biến kinh nghiệm và cử cán bộ học tập về lĩnh vực này ở nước ngoài.
3.3.3. Nâng cao năng lực thực thi của Hải quan Việt Nam - Ứng dụng công nghệ thông tin
Hiện nay, hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS đã vận hành được hơn 1 năm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan, góp phần đẩy mạnh cải các thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan. Cơ quan Hải quan thực hiện hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS căn bản dựa trên việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Để nâng cao năng lực thực thi cần nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro, cụ thể, cần xây
dựng và nâng cấp một loạt các hệ thống phục vụ cho mục đích quản lý rủi ro như:
Hệ thống lựa chọn hàng hóa được thiết lập từ cấp trung ương đến Chi cục Hải quan cửa khẩu và có những nguyên tắc hoạt động rõ ràng; Hệ thống tình báo chuyên theo dõi hàng vi phạm SHTT từ khâu nộp tờ lược khai thông qua việc tận dụng cơ sở dữ liệu về các vụ việc tội phạm, thông tin về thông quan, chuyển tiền đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao; Hệ thống cảnh báo buôn lậu được xây dựng để giải quyết và cảnh báo các rủi ro buôn lậu của hàng hóa dựa trên phân tích tương quan và ngược chiều đối với các chỉ số cung cầu của mặt hàng và giá cả mặt hàng.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan xây dựng một hệ thống trực tuyến đăng ký đơn yêu cầu kiểm tra giám sát và đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục Hải quan trực tuyến qua mạng Internet được thiết kế trên Website của Tổng cục Hải quan. Thông qua hệ thống này, các chủ thể quyền SHTT của nhãn hiệu có thể đăng ký yêu cầu kiểm tra, giám sát trực tuyến với cơ quan Hải quan. Đơn yêu cầu và các tài liệu kèm theo được chủ thể quyền đưa lên hệ thống và được truyền vào dữ liệu chờ giải quyết của cơ quan Hải quan. Hệ thống này cho phép cả cơ quan Hải quan và chủ thể quyền có thể cập nhập thường xuyên và có sự trao đổi các thông tin liên quan đến hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ để trong trường hợp cần thiết có sự phối hợp xử lý kịp thời. Cơ quan Hải quan có thể sử dụng thông tin này để phân tích những rủi ro về hành vi xâm phạm của bất kỳ doanh nghiệp nào và xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát.
- Điều kiện về cơ sở vật chất
Ngành Hải quan cần trang bị máy móc thiết bị hiện đại cho các Cục và Chi cục trong việc đấu tranh phòng chống nạn vi phạm quyền SHTT, vi phạm quyền bảo hộ SHCN đối với hàng hóa XNK. Cụ thể, cần trang bị đầy đủ máy vi tính có kết nối thông tin với các Bộ ngành trong việc bảo vệ quyền SHTT; ngoài máy soi container, camera giám sát, các loại máy móc, phương tiện kỹ thuật kiểm tra công nghệ cao để phân biệt hàng thật - hàng giả đối với các trường hợp bằng mắt thường không thể phân biệt được.
3.3.4. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về hải quan trong công tác bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hóa
Cần mở rộng hợp tác quốc tế của Hải quan Việt Nam với các nước trong việc thực thi quyền SHCN đối với hàng hóa XNK. Cụ thể Hải quan Việt Nam cần chủ động mở rộng hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền trên toàn cầu. Tích cực đề xuất tăng cường trao đổi thông tin liên quan về những nhà xuất khẩu hàng giả đối với các cơ quan nước ngoài khác để có thể ngăn chặn hàng giả từ khâu xuất khẩu, nhập khẩu. Không chỉ giới hạn ở hợp tác khu vực, Hải quan Việt Nam cần mở rộng hợp tác song phương với các quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam.
Hải quan Việt nam tăng cường hợp tác với WCO, với Hải quan các khu vực, Hải quan các nước phát triển nhằm hỗ trợ Hải quan Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ công chức hải quan, cung cấp thông tin thiết yếu phục vụ cho quá trình xác định hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ nói chung và SHCN về NHHH nói riêng. Hỗ trợ nguồn lực cần thiết, nhất là nguồn lực tài chính để tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ, nguồn chuyên gia hải quan chuyển giao các kỹ năng quản lý, phân tích dự báo tình hình, giải quyết các tình huống phát sinh trong lĩnh vực SHTT.
3.3.5. Tăng cường phối hợp giữa Hải quan với các cơ quan chức năng của Nhà nước
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường phối hợp trao đổi ý kiến chuyên môn, giải quyết các khó khăn vướng mắc, bất cập trong chế độ chính sách.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị tiến hành rà soát và đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Chủ trì tổ chức và phối hợp tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế tổ chức các hội nghị hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo chuyên sâu về công tác bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu tại biên giới có sự tham gia của đông đảo các cơ quan thực thi. Thông qua các diễn đàn này, các cơ quan thực thi có thể trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, học hỏi kinh nghiệm của các cơ quan thực thi nước ngoài.
Triển khai thành công cơ chế một cửa quốc gia với các Bộ ngành theo kế hoạch, qua đó, tất cả các cơ sở dữ liệu liên quan đến nhãn hiệu được bảo hộ và hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ bao gồm cả hàng hóa được sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu tại các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan thực thi đều được đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch đấu tranh liên ngành hàng năm giữa các cơ quan thực thi, tập trung đấu tranh vào các mặt hàng nổi cộm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng, ổn định an ninh kinh tế và an toàn xã hội.
3.3.6. Đẩy mạnh công tác tuyền truyền, giáo dục nhận thức cộng đồng về bảo hộ quyền SHCN đối với nhãn hiệu hàng hóa XNK của Hải quan Việt Nam
Tiến hành các chương trình mạnh mẽ làm tăng cường nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, như tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm hàng giả - hàng thật bằng hình ảnh thật và thông qua mạng; các chiến dịch truyền thông qua sách báo, ti vi; các chương trình đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp; xuất bản sách giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật và hàng nhái; khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc xây dựng chính sách và hoạt động đấu tranh chống lại nạn ăn cắp bản quyền.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giải đáp tư vấn các vấn đề về thương hiệu và kinh doanh của Cục xúc tiến thương mại tại các địa phương có các sản phẩm đặc sắc để kịp thời cung cấp các kiến thức cần thiết về thương hiệu cho các doanh nghiệp. Đồng thời nắm bắt được thực trạng hoạt động bảo hộ quyền SHCN đối với các sản phẩm đặc sắc của địa phương một cách nhanh chóng và chính xác nhất, từ đó linh hoạt trong các quyết sách vĩ mô.
Cần công khai các nhãn hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các nơi công cộng và phổ biến các kỹ năng phân biệt hàng giả hàng thật cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như cán bộ công chức hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến việc bảo hộ quyền SHTT.
Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, của người tiêu dùng và cao hơn nữa là các bộ, ban, ngành và hệ thống Tòa án đối với hệ thống văn bản pháp luật liên
quan đến bảo vệ quyền SHTT trong đó có bảo hộ quyền SHCN. Các biện pháp cụ thể như sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề; các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước …