Năm 1995, Alves – Filho và cộng sự nghiên cứu sấy bột thực phẩm dành cho
người ăn kiêng bằng phương pháp sấy lạnh cho thấy sản phẩm sau khi sấy có sự biến
tính protein rất ít và giữ được hoạt tính của enzyme so với bột thực phẩm được sản
xuất bằng phương pháp sấy chân không thăng hoa [46].
Theo Braun, Dirk và cộng sự, năm 2002, sấy lạnh là một phương pháp sấy tốt để cải thiện chất lượng sản phẩm thủy sản khô do bởi công nghệ sấy ở nhiệt độ thấp và không phụ thuộc vào điều kiện môi trường không khí bên ngoài, cũng như hiệu quả
kinh tế cao do chi phí giá thành thấp [47].
Paul cho rằng sấy lạnh đã được ứng dụng vào thương mại từ năm 1970 và hiện nay đang được nghiên cứu ứng dụng vào nhiều lĩnh vực công nghệ thực phẩm, tác giả
cũng đề nghị trong tương lai công nghệ làm khô cá và nguyên liệu thủy sản nên ứng
dụng phương pháp sấy lạnh vì nhiệt độ và độ ẩm của không khí tiếp xúc với nguyên liệu sấy thấp.
Parachayawarakorn và cộng sự đã nghiên cứu sấy tôm bằng phương pháp sấy
lạnh, kết quả cho thấy chất lượng về màu sắc của tôm sau khi sấy tốt hơn so với các phương pháp sấy bằng không khí nóng và hơi quá nhiệt [66].
Theo nghiên cứu của Chua cho thấy sấy lạnh bằng bơm nhiệt có thể điều chỉnh được thời gian và nhiệt độ sấy để hạn chế được sự biến màu của sản phẩm do tác dụng
của các phản ứng tạo màu phi enzyme và qua thực nghiệm cho thấy cường độ biến
màu giảm đi 87% khi sấy khoai tây, 75% khi sấy ổi và 67% khi sấy chuối so với sấy
bằng không khí nóng. Do sự giảm được thời gian sấy nên hàm lượng acid ascobic đã
tăng lên 20% khi sấy ổi bằng bơm nhiệt so với sấy truyền thống bằng không khí nóng
ở cùng nhiệt độ sấy [49, 50].
Từ một số kết quả nghiên cứu về ứng dụng của công nghệ sấy lạnh trên cho thấy ở Việt Nam đã nghiên cứu sấy các loại rau quả và nông sản cũng như ở nước ngoài đã nghiên cứu sấy một số thực phẩm. Với nguyên liệu là hải sâm có thành phần và hàm
lượng các amino acid cao, đặc biệt có chứa nhiều chất có hoạt tính sinh học nên nếu sấy
hải sâm ở nhiệt độ cao sẽ làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy hải
sâm làm khô cần phải sấy ở nhiệt độ thấp để hạn chế sự giảm chất lượng.