CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN CỦ CHI
2.3. Đánh giá chung về tài nguyên và các điều kiện phát triển du lịch
Trong xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu và mở rộng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới đang tạo cơ hội to lớn đồng thời cũng là thách thức to lớn đối với phát triển du lịch. Trước bối cảnh và xu hướng đó, du lịch huyện Củ Chi đã từng bước thể hiện được những tiềm năng độc đáo, phù hợp với xu thế của thị trường, tăng cường sức cạnh tranh với du lịch của các tỉnh bạn.
Nằm trong địa phận Thành phố Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi có ưu thế quan trọng để phát triển du lịch, là điểm dừng chân khá quan trọng trên tuyến du lịch đến với Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến du lịch xuyên Việt đến với nước bạn Campuchia, huyện còn giáp ranh với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương,… là điều kiện quan trọng thu hút khách du lịch đến với các tuyến tham quan liên tỉnh.
Huyện Củ Chi từ lâu đã được biết đến như một cái nôi cách mạng của thành phố nói riêng và của Việt Nam nói chung. Nói đến hoạt động du lịch huyện Củ Chi là người ta thường nghĩ ngay đến các khu di tích địa đạo ở Bến Đình và Bến Dược. Huyện Củ Chi nổi tiếng trong thời kì chống Pháp, chống Mỹ với khu vực địa đạo là khu “ Di tích lịch sử cách mạng” có hình thái kiến trúc độc đáo. Hiện nay, không chỉ nổi tiếng về các di tích lịch sử, huyện Củ Chi còn phát triển các loại hình du lịch khác phục vụ cho nhu cầu tham quan khám phá cũng như nghỉ ngơi giải trí của người dân và du khách như: công viên nước, khu du lịch sinh thái, các làng nghề. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tham quan học tập của mọi người, các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, trạm cứu hộ động vật,…cũng mở cửa phục vụ tham quan trải nghiệm thực tế cho rất nhiều học sinh, sinh viên. Những tiềm năng trên sẽ hứa hẹn tăng sức mạnh phát triển du lịch cho huyện Củ Chi.
Đặc biệt du lịch huyện Củ Chi cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện và UBND thành phố. Sự phát triển du lịch của huyện phát triển theo đường lối chính sách chung của thành phố, phù hợp với các chiến lược và mục tiêu mà chính phủ đề ra. Du lịch là ngành kinh tế mang lại lợi nhuận cao, đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế, mở
rộng giao lưu, là lựa chọn hầu hết của các địa phương trong nền kinh tế toàn cầu và hội nhập như hiện nay.
Với những điều kiện và thời cơ trên sẽ giúp huyện đưa ra những quyết định, lựa chọn và phát triển du lịch với hy vọng sẽ đạt được những thành tựu to lớn, góp phần phát triển nền kinh tế của huyện Củ Chi, nâng cao đời sống người dân nơi đây.
2.3.2. Hạn chế
Bên cạnh những tiềm năng và thế mạnh hiện có, du lịch huyện Củ Chi cũng tồn tại nhiều thách thức mang tính chất chủ quan và cả những trở ngại khách quan.
Là một huyện có diện tích khá lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tài nguyên du lịch chủ yếu là các di tích lịch sử. Còn lại các tài nguyên du lịch khác hầu như có điểm tương đồng giống như nhau, đặc biệt là các khu du lịch sinh thái.
Nhận thức về phát triển du lịch của huyện còn thấp, chưa được chú trọng phát triển.
Cộng đồng dân cư tham gia vào du lịch còn manh mún. Các ban ngành liên quan đến việc khai thác quản lý các nguồn tài nguyên còn nhiều bất cập và chồng chéo, nhiều cấp nhiều ngành cùng tham gia quản lý và khai thác một điểm tài nguyên. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch, đầu tư tôn tạo và bảo vệ tài nguyên môi trường chưa được quan tâm thỏa đáng.
Khả năng cạnh tranh du lịch của huyện không cao do chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, lao động ngành còn nhiều bất cập, tính chuyên nghiệp chưa cao; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém. Đó thực sự là khó khăn cho quá trình phát triển du lịch huyện nhà trong xu thế ngày nay.