CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNGVÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN
3.2. Định hướng phát triển du lịch huyện Củ Chi theo hướng bền vững
3.2.3. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch
Du lịch là ngành kinh tế mang tính định hướng tài nguyên rõ rệt, phát triển du lịch cần dựa vào đặc điểm nguồn tài nguyên du lịch để xác định sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó xác định thị trường tiêu thụ. Để khai thác được lâu dài cần có sự củng cố và xây dựng các khu, tuyến, điểm du lịch, đầu tư tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa bảo vệ tài nguyên môi trường.
Phát triển sản phẩm du lịch là định hướng quan trọng làm tăng khả năng khai thác tài nguyên du lịch và tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn. Với tiềm năng và các nguồn tài nguyên du lịch ở Củ Chi có thể xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch sau:
3.2.3.1. Du lịch văn hóa
Du lịch văn hóa hiện đang là xu hướng chung của các nước đang phát triển vì đem lại giá trị to lớn cho cộng đồng và xã hội. Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào các sản phẩm văn hóa, những giá trị truyền thống của dân tộc, các phong tục, tín ngưỡng để tạo sức hút với khách du lịch bản địa và quốc tế.
Củ Chi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. Tài nguyên du lịch văn hóa chiếm phần lớn trong nguồn tài nguyên du lịch ở Củ Chi. Tuy nhiên để tăng tính hấp dẫn ta cần lựa chọn những tài nguyên tiêu biểu, có giá trị văn hóa lịch sử để đầu tư xây dựng và phát triển tạo thành điểm đến du lịch hoàn chỉnh như:
+ Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi nơi được xem là công trình kiến trúc độc đáo
trong lòng đất, nổi tiếng qua hai thời kỳ chống Mỹ, chống Pháp của quân và dân Củ Chi.
Với hai khu vực Đền Bến Đình và Đền Bến Dược.
+ Đình Cây Sộp ( còn gọi là đình Vĩnh An Tây). Đình thờ Thần Thành Hoàng Bốn Cảnh ( Vị Thần bảo hộ của làng). Đình được vua Tự Đức ban tặng Sắc phong, nơi được xem là một thiết chế văn hóa cơ sở.
+ Đình Xóm Huế , là một di tích kiến trúc nghệ thuật
+ Chùa Linh Sơn được công nhận là một công trình kiến trúc nghệ thuật. Cũng là nơi đùm bọc, che chở cho các cán bộ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
3.2.3.2. Du lịch sinh thái
Phát triển du lịch sinh thái là thực hiện quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển du lịch nhằm tạo ra hình ảnh mới, đặc sắc của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Củ Chi với tiềm năng du lịch sinh thái phong phú và đa dạng, được UBND thành phố chú trong phát triển. Tuy nhiên, khi khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái ở các khu, các điểm cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
+ Có hoạt động giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường, tạo ý thức cho mọi người nỗ lực tham gia vào việc bảo tồn các giá trị tài nguyên.
+ Bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái + Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng
+ Tạo cơ hội việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Ngoài ra du lịch sinh thái còn hướng tới việc huy động tối đa sự tham gia của người dân địa phương như đảm nhận vai trò hướng dẫn viên, đáp ứng chỗ ăn, nghỉ; hàng lưu niệm;
nhu cầu dịch vụ cho khách,…
Cũng như các loại hình du lịch khác, tại các điểm du lịch cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đảm bảo tiêu chuẩn của khu, điểm du lịch.
Hiện tại huyện Củ Chi đã có những điểm du lịch sinh thái đang hoạt động như:
+ Khu du lịch Một thoáng Việt Nam
+ Khu du lịch sinh thái văn hóa dân tộc thiểu số + Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ
Và mới đây thì UBND thành phố phê duyệt đồ án quy hoạch 3 phân khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn ( khu 3,4 và khu 10 ) tại huyện Củ Chi
+ Phân khu 3: thuộc xã An Phú và xã An Nhơn Tây với tổng diện tích 418,93 ha.
Trong đó khu chức năng thuộc khu ở nông thôn có diện tích 145,37 ha, nhóm nhà ở nông thôn chiếm 112,81 ha, khu chức năng dịch vụ công cộng cấp khu ở 0,07 ha và 32,49 ha cho đường giao thông cấp phân khu vực và đường giao thông nông thôn.
+ Phân khu 4 thuộc xã An Nhơn Tây, giáp sông Sài Gòn, tỉnh lộ 15. Khu vực quy hoạch có tổng diện tích 208,6 ha. Khu chức năng thuộc khu ở nông thôn có diện tích 60,77 ha. Trong đó, nhóm nhà ở chiếm 21,33ha, khu chức năng dịch vụ công cộng 9,56ha và 24,65ha là mạng lưới đường giao thông cấp phân khu vực và đường giao thông nông thôn.
+ Phân khu 10 có địa giới giáp tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 15, rạch Tra thuộc xã Bình Mỹ. Khu vực quy hoạch có tổng diện tích 544,88 ha. Khu vực chức năng thuộc khu ở nông thôn có diện tích 59,52 ha. Trong đó, các khu chức năng xây dựng nhà ở chiếm 50,12ha, khu chức năng dịch vụ công cộng cấp khu ở chiếm 1,6ha, khu chức năng cây xanh công cộng xây dựng mới chiếm 1,11ha và 6,69ha cho mạng lưới đường giao thông cấp phân khu vực và đường giao thông nông thôn.
Ngoài ra theo quy hoạch của huyện còn có thêm khu du lịch sinh thái vườn khoảng 100 ha thuộc xã Hòa Phú.
Bên cạnh đó huyện cần hình thành mạng lưới các nhà vườn trồng cây ăn trái, xây dựng nhà có kiến trúc theo kiểu Nam Bộ, xây dựng cơ sở tiện nghi cho du khách,kết hợp với các tuyến giao thông đường thủy và đường bộ để làm phong phú thêm loại hình tham quan.
Hình thành thêm tuyến du lịch ven sông xuất phát từ khu du lịch sinh thái Bình Mỹ đến địa đạo, dọc ven sông là tham quan các làng nghề thủ công. Tuy nhiên khi phát triển loại hình này cần lưu ý đến môi trường khu vực ven sông và cảnh quan.
Như vậy, nhìn chung huyện Củ Chi có đầy đủ những điểm thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Ngoài cảnh quan thiên nhiên thuận lợi, thì quy hoạch của thành phố cũng là điều kiện quan trọng để du lịch sinh thái huyện phát triển.
Bên cạnh những thuận lợi thì du lịch sinh thái huyện cũng tồn tại những khó khăn như tour du lịch đường sông còn phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện khách quan: sự thay đổi thất thường của thời tiết, khí hậu gây ảnh hưởng không ít đến các hoạt động du lịch. Cơ sở hạ tầng, các bến tàu, cầu thuyền, dịch vụ du lịch, tàu vận chuyển, cơ sở lưu trú, dịch vụ tiếp đón, cứu hộ,…ven các con con sông chưa được xây dựng và đáp ứng nhu cầu của du khách, hiện trạng môi trường nước sông Sài Gòn, các con kênh đang có nguy cơ ô nhiễm.
3.2.3.3. Du lịch làng nghề
Du lịch làng nghề là loại hình du lịch có khả năng thu hút du khách đặc biệt là khách
du lịch quốc tế bên cạnh đó du lịch làng nghề còn tăng khả năng chi tiêu và mua sắm của du khách. Đặc điểm nổi bật của huyện Củ Chi là ngành nghề truyền thống luôn gắn với nông nghiệp, nông thôn. Vì thế, phát triển du lịch làng nghề truyền thống hiện nay là bước đột phá để phát triển du lịch của huyện nhằm cải thiện đời sống của nhân dân ở nông thôn.
Hiện tại một số làng nghề ở huyện Củ Chi đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của du khách là tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Tuy nhiên, để khai thác làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch thì cần phải lựa chọn những làng nghề còn đang hoạt động hoặc giữ nghề và có khả năng khôi phục được, phải có cảnh quan môi trường tốt, phải có điểm trình diển cho du khách tham quan, cũng như hướng dẫn du khách tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất. Từ đó đầu tư xây dựng thành điểm đến. Các làng nghề ở huyện Củ Chi hiện nay:
+ Làng nghề bánh tráng (Phú Hòa Đông) + Làng nghề mành trúc (Tân Thông Hội) + Làng nghề đan lát (Thái Mỹ)
+ Làng nghề sinh vật cảnh (Phú Hòa Đông – Trung An)
3.2.3.4. Phát triển các loại hình du lịch dựa vào các sự kiện đặc biệt:
+ Tổ chức các giải thi đấu thể thao tại đền Bến Dược
+ Phát triển các môn thể thao như đua thuyền trên sông Sài Gòn, bắn súng, đua thuyền Kaya,…nhằm thu hút khách du lịch tham gia.
+ Tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ,..
+ Tổ chức cho lễ kết nạp Đoàn, Đảng cho các cán bộ học sinh, sinh viên tại đền Bến Dược,…
Dù là sản phẩm du lịch nào thì đòi hỏi phải được xây dựng một cách hoàn chỉnh trước khi kết nối các tour du lịch. Làm sao để du khách được đón tiếp, được giới thiệu, được tham quan, được giao lưu và mua bán sản phẩm, nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực một cách tốt nhất. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo các điểm đến được xây dựng một cách khoa học, quản lý tốt, đảm bảo quy hoạch phát triển chung, kết hợp giữa cải tạo và xây mới, giữa truyền thống và hiện đại. Có như vậy mới hy vọng du lịch sẽ phát triển một cách bền vững lâu dài.