Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước của nhân dân ta ở nước ngoài phát triển mạnh, tiêu biểu là những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh ở Pháp…
Đây là một nhân tố làm cho phong trào yêu nước trong nước phát triển.
1. Hoạt động của những người Việt Nam yêu nước tại Trung Quốc.
a. Phan Bội Châu.
-Cuối năm 1917, sau khi thoát khỏi nhà tù của bọn quân phiệt Trung Quốc, Phan Bội Châu dự định trở về nước, phát động khởi nghĩa vũ trang đánh đuổi giặc Pháp.
-Cuối năm 1920, Phan Bội Châu dịch ra chữ Hán cuốn “Điều tra chân tướng Nga La Tư” từ chữ Nhật, viết truyện Phạm Hồng Thái, ngợi ca tinh thần yêu nước.
-Cuối năm 1924, Phan Bội Châu tiếp xúc với đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh, ngỏ ý muốn gửi thanh niên Việt Nam sang du học .
-Phan Bội Châu đánh giá cao vai trò của Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa xã hội, ông cho rằng Cách mạng Tháng Mười là một cuộc cách mạng mẫu mực, triệt để, chân chính, nhân dân Việt Nam cần noi theo. Ông đã thấy được vai trò quyết định của giai cấp công - nông trong cách mạng ở Việt Nam.
-Những sự kiện trên chứng tỏ đường lối cứu nước của ông có chuyển biến mới theo xu hướng CM vô sản.
-Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải (TQ), đưa về nước, kết án tù rồi đưa về an trí ở Huế.
b. Tâm tâm xã.
-Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, có nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước sang Trung Quốc tìm con đường cứu nước.
-Tiêu biểu là nhóm Tâm tâm xã, được thành lập năm 1923 tại Quảng Châu, gồm Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Công Viễn và Phạm Hồng Thái…
-Tâm tâm xã là một tổ chức yêu nước tiến bộ nhưng chưa thoát khỏi ảnh hưởng của tư tưởng tư sản và cũng chưa bắt gặp chủ nghĩa Mark Lenin.
-Với lòng yêu nước nồng nàn, các hội viên Tâm tâm xã đã có những hoạt động chống Pháp quyết tử, tiêu biểu là ngày 19/6/1924, Phạm Hồng Thái đã ám sát toàn quyền Merlin ở Sa Diện (Quảng Châu). Tuy vụ ám sát không thành và Phạm Hồng Thái đã hy sinh oanh liệt, nhưng tiếng bom Sa Diện đã gây tiếng vang lớn, khích lệ tinh thần yêu nước, đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam, báo hiệu một thời kì mới của cách mạng Việt Nam như “chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”.
c. Hội Việt Nam Cách mạmg Thanh niên.
+Hoàn cảnh ra đời.
-Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái đã gọi nhiều thanh niên yêu nước sang Quảng Châu.
-11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc về đến Quảng Châu (Trung Quốc).
Tại đây Người đã chọn một số thanh niên từ trong các tổ chức yêu nước của người Việt Nam ở đây, cùng với một số người ở trong nước ra để sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào tháng 6/1925, với hạt nhân là Cộng sản đoàn.
-Đây là một tổ chức có tính chất vô sản sớm nhất ở nước ta.
+Nội dung hoạt động
-Mục đích: “làm một cuộc cách mạng dân tộc (đập tan bọn Pháp, giành lại độc lập) rồi sau làm cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản).
-Nhiệm vụ là nhằm đào tạo một đội ngũ cán bộ đem chủ nghĩa Marx Lenin và đường lối GPDT truyền bá vào trong nước, gây dựng cơ sở cho việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phát triển và có cơ sở ở nhiều nơi trong nước, kể cả trong Việt kiều ở Thái Lan, thu hút nhiều thanh niên yêu nước tham gia.
- Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rất chú trọng công tác tuyên truyền và đào tạo cán bộ, ra báo Thanh niên (21/06/1925), mở nhiều lớp huấn luyện.
Nội dung huấn luyện rất phong phú (lịch sử cách mạng thế giới, ba Quốc tế Cộng sản …).
Đặc biệt các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được in thành tác phẩm Đường Kách mệnh.
Sau cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, đây là tác phẩm đầu tiên vận dụng chủ nghĩa Marx Lenin vào hoàn cảnh Việt Nam, vạch ra một loạt các vấn đề căn bản của cách mạng nước ta (lí luận cách mạng, đối tượng, nhiệm vụ, lực lượng cách mạng…), có tác dụng giáo dục rất lớn.
-Năm 1928, Hội đã đưa nhiều cán bộ về nước hoạt động, thực hiện phong trào
“vô sản hóa” để vận động quần chúng và rèn luyện cán bộ theo lập trường của giai cấp công nhân.
-Ảnh hưởng của Hội rất lớn, tác dụng đến cả một số tổ chức yêu nước lúc đó, đặc biệt là tổ chức Tân Việt.
+Vai trò.
-Đào tạo được một đội ngũ cán bộ đông đảo. Được sự giúp đỡ của Nguyễn Ái Quốc, họ đã chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản, thành những hạt nhân để thành lập Đảng ta sau này.
-Truyền bá chủ nghĩa Marx Lenin vào trong nước, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta phát triển theo xu hướng vô sản.
-Bước chuẩn bị trực tiếp về tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
*Tóm lại : thông qua các hoạt động tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc đã đưa việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng tiến lên một bước mới.
Hội Việt nam Cách mạng Thanh niên đã trờ thành tổ chức tiền thân của Đảng ta.
+Ý nghĩa
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời, đã hoàn thành xuất sắc việc tuyên truyền, tổ chức, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chứng tỏ xu hướng vô sản đang thắng thế trong phong trào cách mạng Việt Nam.
2. Hoạt động của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
a. Phan Chu Trinh.
Tháng 7/1915, sau khi ra khỏi nhà tù của chính quyền Pháp tại Paris, Phan Chu Trinh tham gia thành lập “Hội những người Việt Nam yêu nước” để tập họp và vận động Việt kiều tham gia chống thực dân Pháp.
Sau khi Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp, Phan Chu Trinh đã cùng Phan Văn Trường đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành trong thời gian đầu hoạt động tại Pháp.
Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp, Phan Chu Trinh đã diễn thuyết phản đối Khải Định lên án chế độ quân chủ thối nát ở Việt Nam, viết “Thất điều thư” lên án 7 tội đáng chém của vua Khải Định. Bức thư đã góp phần khích lệ tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp, phong kiến của nhân dân ta trong và ngoài nước.
Từ 1911 – 1925, đường lối cứu nước của Phan Chu Trinh không thay đổi (nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền, hô hào cải cách xã hội, phê phán chế độ thuộc địa phong kiến để tiến tới cứu dân cứu nước) nhưng đến năm 1922, Phan Chu Trinh đã bắt đầu nhận ra được những hạn chế của mình, tán đồng chủ nghĩa Marx Lenin và khuyên Nguyễn Ái Quốc về nước thực hành chủ nghĩa Marx Lenin để cứu nước.
Tháng 6/1925, Phan Chu Trinh về nước. Tại Sài Gòn, Phan Chu Trinh vẫn tiếp tục diễn thuyết phê phán chế độ quân chủ và nho giáo, đề cao dân quyền, dân chủ phương Tây.
b. Nguyễn Ái Quốc.
Sự chuyển biến trong tư tưởng, đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc tiêu biểu cho sự chuyển biến mới của phong trào cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1919, những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc dần dần đưa phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp phát triển theo xu hướng cách mạng vô sản, nhờ đó, những hoạt động yêu nước tại Pháp phát triển mạnh mẽ hơn trước:
• Phong trào đòi hồi hương những người Việt bị bắt sang Pháp tham gia chiến tranh thế giới thứ I.
• Tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình, diễn thuyết do Đảng Cộng sản Pháp tổ chức để phản đối sự can thiệp của các nước đế quốc vào nước Nga Xô viết.
• Tổ chức người đưa đón, giúp đỡ cán bộ cách mạng vận chuyển sách báo (Người cùng khổ, Việt Nam hồn, Nhân đạo, Tạp chí Công nhân), tài liệu chủ nghĩa Marx Lenin về nước để tuyên truyền giác ngộ nhân dân.
c. Những tổ chức yêu nước khác.
Nhiều trí thức yêu nước Việt Nam tiếp thu chủ nghĩa Marx Lenin đã thành lập các tổ chức yêu nước như Hội những người lao động trí óc Đông Dương (1925), Hội bênh vực lao động An Nam (1927) sau đổi thành Hội Liên hiệp Lao động Đông Dương.
Tóm lại, phong trào yêu nước của Việt kiều ở nước ngoài có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.