1.3. Quản lý dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước
1.3.3. Các chỉ tiêu đánh giá kết quả công tác quản lý dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách
Chu trình sống của mọi dự án đầu tư đều phải chịu sự tác động mạnh mẽ của 3 điều kiện ràng buộc chặt chẽ:
- Điều kiện ràng buộc thứ nhất là ràng buộc về thời gian, tức là một dự án xây dựng phải có mục tiêu hợp lý về kỳ hạn của công trình xây dựng;
- Điều kiện ràng buộc thứ hai ràng buộc về nguồn lực, tức là một dự án xây dựng phải có được mục tiêu nhất định về tổng lượng đầu tư;
23
- Điều kiện ràng buộc thứ ba là ràng buộc về chất lượng, tức là dự án xây dựng phải có mục tiêu xác định về khả năng sản xuất, trình độ kỹ thuật và hiệu quả sử dụng.
Dựa trên 3 điều kiện ràng buộc trên, kết quả công tác quản lý dự án được chia làm 3 lĩnh vực chính như sau:
1.3.3.1 Chỉ tiêu thời gian và tiến độ dự án
Thực hiện dự án trong phạm vi thời gian đã hoạch định là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của quản lý dự án xây dựng.
Công việc quản lý thời gian và tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải trả lời được các câu hỏi chủ yếu sau:
- Cần bao nhiêu thời gian để thực hiện hoàn thành toàn bộ dự án?
- Khi nào bắt đầu? Khi nào kết thúc mỗi công việc thuộc dự án?
- Cần tập trung chỉ đạo những công việc nào (công việc được ưu tiên thực hiện) để đảm bảo thực hiện hoàn thành đúng hạn dự án như đã hoạch định?
- Những công việc nào có thể kéo dài và có thể kéo dài bao lâu mà vẫn không làm chậm tiến độ thực hiện dự án?
- Có thể rút ngắn tiến độ thực hiện dự án được không? Nếu có thì có thể rút ngắn thời gian thực hiện những công việc nào và thời gian rút ngắn là bao lâu?
Đối với các dự án đầu tư xây dựng, công tác quản lý thời gian và tiến độ có vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong trường hợp có yêu cầu khắt khe về thời gian hoàn thành dự án. Lĩnh vực quản lý này chính là cơ sở cho việc quản lý chi phí và nguồn lực, đồng thời cũng là căn cứ để phối kết hợp các bên có liên quan trong việc tổ chức thực hiện dự án.
1.3.3.2 Chỉ tiêu chi phí dự án
Quản lý chi phí dự án đầu tư là tập hợp các biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện hoàn thành dự án xây dựng trong phạm vi ngân sách đã được hoạch định từ trước.
Tổng chi phí của dự án bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp và những khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng. Trong đó:
24
- Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí nhân công sản xuất, chi phí nguyên vật liệu và những khoản chi phí khác trực tiếp liên quan đến công việc thực hiện dự án.
- Chi phí gián tiếp bao gồm chi phí quản lý, khấu hao thiết bị văn phòng, những khoản chi phí cố định và biến đổi khác mà có thể giảm được nếu thời gian thực hiện dự án được rút ngắn. Thời gian thực hiện dự án càng rút ngắn, chi phí gián tiếp càng ít.
- Khoản tiền phạt có thể phát sinh nếu dự án kéo dài quá ngày kết thúc xác định.
Thực tiễn quản lý cho thấy, luôn luôn có hiện tượng đánh đổi giữa thời gian và chi phí. Nếu tăng cường giờ lao động, tăng thêm số lượng máy móc thiết bị thì tiến độ thực hiện các công việc của dự án có thể được đẩy nhanh. Tuy nhiên, tăng thêm nguồn lực làm tăng chi phí trực tiếp. Ngược lại đẩy nhanh tiến độ dự án làm giảm những khoản chi phí gián tiếp và đôi khi cả những khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, không phải tất cả các công việc được đẩy nhanh đều đem lại kết quả mong muốn. Do đó, có sự tính toán cân đối, hợp lý giữa thời gian và chi phí là yêu cầu đặt ra đối với nhà quản lý.
Quản lý chi phí dự án đầu tư được thực hiện trong tất cả các giai đoạn khác nhau của chu trình dự án. Trong mỗi giai đoạn cụ thể, quản lý chi phí lại có vai trò khác nhau và được thực hiện khác nhau.
1.3.3.3 Chỉ tiêu chất lượng dự án
Quản lý chất lượng dự ánđầu tư là quá trình liên tục, xuyên suốt toàn bộ chu trình dự án từ giai đoạn hình thành cho đến khi kết thúc chuyển sang giai đoạn vận hành.
Quản lý chất lượng dự án được thực hiện thông qua một hệ thống các biện pháp kinh tế, công nghệ, tổ chức, … thông qua một cơ chế nhất định và các tiêu chuẩn định mức, hệ thống kiểm soát, các chính sách khuyến khích, …
Quản lý chất lượng dự án là trách nhiệm chung của tất cả các thành viên, tất cả cấp trong đơn vị, đồng thời cũng là trách nhiệm chung của các cơ quan có
25
liên quan đến dự án bao gồm chủ đầu tư, các nhà thầu, các nhà tư vấn, các đối tượng hưởng lợi từ dự án,…
Công tác quản lý chất lượng dự án bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Thẩm tra thiết kế và quy hoạch;
- Kiểm định chất lượng vật liệu, bán thành phẩm và thiết bị của công trình xây dựng;
- Tổ chức kiểm tra giám sát tại hiện trường trong quá trình thi công xây lắp;
- Tổ chức đánh giá chất lượng công trình sau khi hoàn thành.