CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM
3.3 Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng trong
3.3.1 Sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử
Thứ nhất, cần quy định về nghĩa vụ thông báo, cung cấp thông tin của các cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ qua mạng xã hội.
Hiện nay, rất phổ biến hiện tượng bán hàng qua mạng xã hội thông qua các bài viết trên trang cá nhân hoặc livestream, doanh thu của những cá nhân này là không hề nhỏ. Những cá nhân này không hình thành một trang bán hàng riêng (sales page) mà chỉ dựa vào trang cá nhân. Dù chịu sự điều chỉnh như đối với người bán trên các sàn giao dịch TMĐT nhưng nếu những người bán này chỉ thông báo với chủ sở hữu mạng xã hội thì sẽ không đạt được hiệu quả trong việc quản lý nhà nước, cũng như trong việc bảo vệ quyền lợi NTD. Vì các trang mạng xã hội rất đa dạng và phức tạp chứ không chuyên biệt và có cơ chế hoạt động rõ ràng như các sàn giao dịch TMĐT.
Cũng như việc NTD khó mà yêu cầu Facebook hoặc Zalo phải giải quyết tranh chấp cho giao dịch của mình. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của các chủ thể này cũng không được bảo đảm.
Thứ hai, nâng cao mức phạt vi phạm về bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động TMĐT.
Theo quy dịnh tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 thì mức phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm về quyền lợi NTD trong các giao dịch TMĐT là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Với mức tăng trưởng 30%/năm, thị trường TMĐT hiện nay đã lớn hơn năm 2013 tới 4 lần, gấp 2 lần năm 2015, hàng hóa, dịch vụ bán ra thông qua TMĐT có mức doanh thu và lợi nhuận rất lớn. Mức phạt này đã không còn phù hợp, vì thế cần nâng cao mức phạt để đảm bảo tính răn đe, cũng như cần phải quy định cơ quan có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực này.
Thứ ba, cần có cơ chế cho NTD thu thập được bằng chứng giao dịch khi có tranh chấp xảy ra
Pháp luật có quy định người bán phải cung cấp bằng chứng giao dịch cho khách hàng nhưng không phải lúc nào người bán cũng thực hiện điều này, do đó khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì NTD không có chứng cứ để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình. Vì thế pháp luật cần có quy định mở cho NTD được quyền yêu cầu tổ chức hữu quan hoặc nhà cung cấp dịch vụ mạng có khả năng lấy được
những bằng chứng giao dịch này cung cấp cho NTD khi họ có yêu cầu. Đây là căn cứ quan trọng để NTD thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của mình.
Thứ tư, cần có một văn bản pháp luật về việc thu thập, sử dụng thông tin và các nguyên tắc ứng xử trên Internet
Thông tin của NTD là một nguồn lợi khổng lồ trong việc định hướng tiếp thị của các doanh nghiệp, dù các quốc gia trên thế giới ra sức ngăn cản hành vi này nhưng hiện tượng này vẫn thường xuyên xảy ra. Thông tin NTD không chỉ bị thu thập và sử dụng trái phép thông qua các trang web mà còn thông qua các ứng dụng di động, game… Khi NTD quá lệ thuộc vào ứng dụng hoặc công ty cung cấp dịch vụ (như Facebook, Google…) thì NTD thường nhắm mắt làm ngơ nhưng đây không chỉ đơn thuần là vấn đề quyền lợi NTD mà còn là vấn đề an ninh quốc gia.
Thứ năm, quy định các sàn giao dịch TMĐT và các mạng xã hội phải liên đới chịu trách nhiệm khi người bán trên các website này gây ra thiệt hại hoặc vi phạm các quy định về quyền lợi NTD.
Điều này nâng cao trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT và các mạng xã hội, các website này sẽ phải có chính sách quản lý chặt chẽ hơn đối với những người bán trên website của mình, từ đó nâng cao chất lượng người bán, tránh tình trạng lừa đảo hoặc buôn bán hàng hóa kém chất lượng. Điều này cũng làm giảm bớt gánh nặng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các giao dịch TMĐT.
3.3.2 Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức về quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử
Một số lượng không nhỏ các vi phạm trong lĩnh vực TMĐT hiện nay là do sự thiếu kiến thức và chủ quan của NTD và các chủ thể kinh doanh. Pháp luật phải có các quy định cụ thể về nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp nhằm cung cấp những kiến thức, những kỹ năng cần thiết cho các chủ thể tham gia hoạt động giao dịch TMĐT để họ có thể chủ động chấp hành, tuân thủ pháp luật một cách tự giác, cũng như NTD có thể tự bảo vệ mình khi tham gia vào các giao dịch TMĐT.
NTD có đủ kiến thức về hoạt động TMĐT có thể tự bảo vệ nhau, thông qua việc tố cáo với các cơ quan chức năng những chủ thể vi phạm hoặc cảnh báo lẫn nhau những thủ đoạn, những cách thức kinh doanh không lành mạnh. NTD cần tự chủ động
bảo vệ mình, chỉ tham gia vào những giao dịch an toàn, biết bảo vệ thông tin cá nhân để có thể đảm bảo quyền lợi của bản thân.
3.3.3 Xây dựng hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến
NTD hiện nay vẫn còn e ngại khi có tranh chấp xảy ra với người bán vì những khó khăn trong việc đi lại và các thủ tục pháp lý. Vì thế, hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến – Online Dispute Resolution (ODR) sẽ là một đóng góp hiệu quả.
Các quốc gia EU đang sử dụng giải pháp này cho những tranh chấp xảy ra trong hoạt động TMĐT của mình.
Người bán sẽ phải đăng ký với đơn vị cung cấp hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến. NTD khi có tranh chấp sẽ gửi một yêu cầu đến hệ thống, liên lạc giữa người bán và người mua sẽ được thiết lập. Hai bên luân phiên đưa ra những đề nghị và đối nghị để giải quyết tranh chấp cho đến khi có được giải pháp thích hợp. Nếu vẫn không thể đồng ý với nhau, người giám sát hệ thống sẽ tổng hợp những thông tin mà hai bên đã đưa ra để đề xuất giải pháp. Hệ thống hoạt động như một đơn vị trung gian hòa giải trực tuyến sẽ có hiệu quả hơn so với việc NTD tự thương lượng với người bán.
Hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ cực kỳ hữu dụng khi hoạt động TMĐT của chúng ta tiến ra quốc tế. Có thể xây dựng một hệ thống chung giữa các quốc gia ASEAN hoặc các quốc gia ký kết Hiệp định CPTPP.