CHƯƠNG 2:THƠ SỨ TRÌNH TRUNG ĐẠI VIỆT NAM THẾ KỶ XVI – XVII NHÌN TỪ GIÁ TRỊ NỘI DUNG
2.1. Nghệ thuật ngoại giao tài tình của các sứ giả – nhà thơ
2.1.1. Tài năng ngoại giao
Tài năng ngoại giao của sứ giả trong thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII được khắc họa rõ nét thông qua hình ảnh những sứ thần thông minh, bản lĩnh trong việc ứng đối với vua, quan triều đình Trung Hoa. Nhìn chung, họ đều lịch lãm, khéo léo khi dùng văn chương đối đáp, ngoại giao.
Trong chuyến đi sứ năm Đinh Dậu 1597, sứ giả Phùng Khắc Khoan đã chịu nhiều áp lực, mà nhất là áp lực nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc dưới danh nghĩa triều Lê trung hưng thay vì triều Mạc, cũng như việc dẹp tan âm mưu thôn tính của vương triều phương Bắc khi nước nhà rối ren. Tuy vậy, sứ giả đã lần lượt vượt qua. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí viết:
Khi ông ở Yên Kinh, gặp ngày sinh nhật của vua Minh, có dâng 30 bài thơ. Vua Minh phê rằng: “[Thế mới biết] nhân tài không chỗ nào là không có. Xem những bài thơ dâng lên, đủ thấy lòng trung thành của Khắc Khoan” [2, 261].
Hình ảnh một Phùng Khắc Khoan sắc sảo, dùng ngòi bút để chiếm trọn cảm tình vua Minh nổi bật trong thơ Hoa trình thế kỷ XVI:
幾年波帖渤溟東, 萬國欣觀有聖聰.
黃道光開中正日, 彤圍香裊太平風.
Kỉ niên ba thiếp Bột Minh đông, Vạn quốc hân quan hữu thánh thông.
Hoàng đạo quang khai trung chính nhật, Đồng vi hương niểu Thái Bình phong.
Phùng Khắc Khoan, An Nam Kỳ mục Phùng Khắc Khoan vạn bái vạn chúc hạ triều đình Trung Hoa hoàng đế vạn thọ tiết thi. (Kì nhị) [60, 902]
(Thơ của Kỳ mục nước An Nam là Phùng Khắc Khoan muôn lạy chúc tiết vạn thọ của hoàng đế triều đình Trung Hoa (Bài 2): Đã bao nhiêu năm phía đông bể Bột Hải lặng sóng,/ Muôn nước mừng xem có bậc thánh thông minh./ Mặt trời trung chính soi sáng đường hoàng đạo,/ Luồng gió thái bình thơm nức nơi vua ở.)
Giá trị ở đây, chính là hiệu quả ngoại giao mà những vần thơ này mang lại.
Chính lời lẽ khen ngợi của câu chữ tạo sức đẩy cho công cuộc ngoại giao được hanh thông. Vua Minh đã cho yết kiến, hết lời khen ngợi các bài thơ trong chùm thơ
mừng lễ Thượng thọ này của ông. Từ đây, nguyện vọng của sứ giả mới được trình bày cũng như có cơ hội đạt thành:
願將敬德爲基本, 天地神人永有依.
Nguyện tương kinh đức vi cơ bản, Thiên địa thần nhân vĩnh hữu y.
Phùng Khắc Khoan, An Nam Kỳ mục Phùng Khắc Khoan vạn bái vạn chúc hạ triều đình Trung Hoa hoàng đế vạn thọ tiết thi (kỳ lục) [60, 903]
(Thơ của Kỳ mục nước An Nam là Phùng Khắc Khoan muôn lạy chúc tiết vạn thọ của Hoàng đế triều đình Trung Hoa (bài 6): Mong thiên tử lấy đức kính làm căn bản,/ Thì trời đất thần dân mãi có chỗ nhờ.)
Câu thơ thể hiện bản lĩnh và tầm vóc của sứ thần Đại Việt. Sau những lời ngợi ca, tán tụng, ông trình tấu nhẹ nhàng với thiên tử một lời yêu cầu nhẹ nhàng, nhưng quả quyết. Sự thanh bình của thiên hạ, đến từ việc lấy đức “kính” làm cơ bản của vua. Kính nhường lẫn nhau, tôn trọng bờ cõi, lãnh thổ của nhau mới là điều kiện tiên quyết để hòa bình, thịnh trị. Phùng Khắc Khoan dùng lý lẽ một cách chí tình uyển chuyển khi trình bày nguyện vọng chính đáng này.
Ngoài ra, Phùng Khắc Khoan cũng xây dựng những mối quan hệ thân tình với quan viên địa phương thông qua thơ văn. Khi Trạng Bùng đến Quảng Tây:
客自山西到廣西, 粵來行禮執璋珪.
Khách tự Sơn Tây đáo Quảng Tê, Việt lai hành lễ chấp chương khuê.
Phùng Khắc Khoan, Quảng Tây lưu đề [60, 923]
(Đề thơ lưu lại đất Quảng Tây: Khách từ Sơn Tây đến Quảng Tây,/ Tay cầm ngọc chương, ngọc khuê làm lễ triều cống.)
Khi gặp Tri phủ họ Hoàng ở Nam Ninh:
九重天子愛民深, 理郡多公奉職欽.
Cửu trùng thiên tử ái dân thâm, Lý quận đa công phụng chức khâm.
Phùng Khắc Khoan, Hỷ tiếp triều đình Trung Hoa Nam Ninh phủ Hoàng gia [60, 922]
(Mừng tiếp ông họ Hoàng Tri phủ Nam Ninh Trung Quốc: Thiên tử nơi cửu trùng yêu dân sâu sắc,/ Khen cho ông là người kính vâng chức vị cai trị quận.)
Không riêng gì Phùng Khắc Khoan, hầu như sứ thần nào trong buổi đầu gặp gỡ, làm quen với các quan viên triều đình Trung Hoa, đều có thơ tụng ca. Nguyễn Thực ngợi ca viên tuần phủ Quảng Tây mẫn cán nơi biên ải bằng những câu thơ thân tình, khéo léo và cũng nhiều hình ảnh trang trọng:
奇才運用自胸襟, 萬里維藩棨戟臨.
Kỳ tài vận dụng tự hung khâm, Vạn lý duy phiên khải kích lâm.
Nguyễn Thực, Tặng Quảng Tây tuần phủ [60, 1018]
(Thơ tặng quan Tuần phủ tỉnh Quảng Tây: Vận dụng tài kỳ lạ tự trong lòng, / Nghi trượng khải kích tới nơi phiên dậu muôn dặm.)
Đào Công Chánh thì hào sảng khen ngợi:
天威早仗平妖寇, 炳炳元功第一名.
Thiên uy tảo trượng bình yêu khấu, Bính bính nguyên công đệ nhất danh.
Đào Công Chánh, Hạ Tổ Trạch Thanh Tổng trấn thi [80, 238]
(Thơ mừng ông Tổng trấn Tổ Trạch Thanh: Uy lớn sớm dẹp phường nhương nhiễu,/ Công đầu rực rỡ xứng danh đệ nhất.)
Thủ pháp điệp vận song thanh được Đào Công Chánh sử dụng đắc địa. Thủ pháp ấy nhiều lần được ông sử dụng, nhất là trong những lời khen ngợi:
性資侃侃中君子, 相貌堂堂大仗夫.
Tính tư khản khản trung quân tử,
Tướng mạo đường đường đại trượng phu.
Đào Công Chánh, Thơ tặng Chu Hạnh Duy1
(Bụng dạ thẳng ngay đúng là bậc chân quân tử,/ Tướng mạo đường đường, là bậc đại trượng phu.) [80, 220].
Những “bính bính”, “khản khản”, “đường đường”đều nhằm mục đích tô đậm thêm lời khen ngợi dành cho các quan viên Trung Hoa.
1 Do chúng tôi tự đặt, vì bài này trong văn bản không có tựa đề
Có thể nói Đào Công Chánh là một trong những sứ thần quảng giao. Trên hành trình, ông làm quen với rất nhiều quan viên triều đình Trung Hoa như Chu Sĩ Long (Đô đốc Hoành Châu), Kỳ Giám (Nho học ở phủ Quảng Châu), Lâm Hữu Thanh (Tham quân ở phủ Quảng Châu), Lý Siêu ở huyện Tân Hưng, quan Lưỡng Quảng Kim Quang Tự. Những cuộc gặp gỡ ấm tình ấy, đều được bút đề bằng thơ ca: Hạ Tân Hưng huyện Chính đường Lý Siêu thi (Tặng quan huyện Tân Hưng Lý Siêu), Tạ Lưỡng Quảng quan Kim Quang Tự thi (Cảm tạ quan trấn vùng Lưỡng Quảng – tức Quảng Đông và Quảng Tây Kim Quang Tự) trong Bắc sứ thi tập.
Có thể thấy tuy là những vần thơ tụng ca, nội dung xoay quanh việc ca ngợi tài năng, đức độ chung chung và có phần công thức, nhưng từ ngữ, hình ảnh thơ của đại đa số các bài thơ dạng này, thì lại được trau chuốt, câu thơ thì đăng đối, hài hòa, lời lẽ trịnh trọng, giọng điệu rất cẩn mật, nghiêm trang. Từ đó, thể hiện rất rõ sự lịch thiệp và tôn trọng của các sứ thần nước ta đối với bè bạn khắp nơi. Mục đích chủ yếu của những vần thơ khéo léo và thân tình này khi sứ giả gặp gỡ các quan viên triều đình Trung Hoa đều là nhằm: Tạo không khí gần gũi cho công cuộc bang giao để dễ dàng triển khai công việc; khẳng định vị thế dân tộc thông qua việc chứng minh khả năng bản thân bằng thi ca và sau cùng là qua những câu từ hoa mỹ ấy, thể hiện mong ước sống chung trong an bình, hòa hiếu. Các sứ thần như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Đào Công Chánh đã hết sức cố gắng và khéo léo để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó bằng chính văn tài của mình.