Xúc cảm tự hào

Một phần của tài liệu Thơ sứ trình trung đại việt nam thế kỷ xvi xvii diện mạo và giá trị (Trang 63 - 70)

CHƯƠNG 2:THƠ SỨ TRÌNH TRUNG ĐẠI VIỆT NAM THẾ KỶ XVI – XVII NHÌN TỪ GIÁ TRỊ NỘI DUNG

2.2. Những xúc cảm phức hợp của các sứ giả – nhà thơ

2.2.2. Xúc cảm tự hào

Cùng với những vần thơ đầy tinh thần trách nhiệm, các sứ giả – nhà thơ ở chặng đường thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII còn mang vào thơ những giọng cao của lòng tự hào dân tộc, gói trọn lòng tự hào cá nhân. Có thể nói, xúc cảm tự hào là sự nối tiếp, gắn kết với tinh thần trách nhiệm. Hệt như hai mặt thống nhất trong cùng một chỉnh thể, có tự hào thì mới dấn thân hoàn thành tốt nhiệm vụ, và ngược lại, có tinh thần trách nhiệm, người đi sứ mới thật sự cảm thấy tự hào về những gì mình gánh vác. Lòng tự hào cao hơn và đáng quý hơn, chính là lòng tự hào về quê hương, đất nước.

Lòng tự hào cũng như tinh thần trách nhiệm là một phức hợp các xúc cảm hô ứng nhau và thể hiện ở nhiều cung bậc. Nếu tinh thần trách nhiệm được sứ giả ghi chép qua hai giai âm quan trọng là lo lắng và ước mong, thì lòng tự hào lại được ký gởi qua những nỗi niềm tự hào cá nhân đến tự hào về dân tộc.

2.2.2.1. Tự hào bản thân

Vần điệu đầu tiên của lòng tự hào là tự hào về bản thân. Nói cách khác là tự hào khi mình được chọn đi sứ, tự hào thân phận của một sứ thần. Làm sứ thần tuy vất vả nhưng là một niềm vinh hạnh khi mà chỉ có những quan lại thật sự tài giỏi và

được tin tưởng mới được giao trọng trách này. Cho nên được làm sứ thần, chứng tỏ bản thân được tin tưởng. Chỉ riêng điều này thôi, đối với những con tim dấn thân, nhập thế đã là một niềm vui vô kể. Nguyễn Danh Thế bằng tâm thế phơi phới cao tột ấy đã viết:

遭逢熙代擢高科, 剩喜同時奉使華.

Tao phùng hy đại trạc cao khoa, Thặng hỷ đồng thì phụng sứ Hoa.

Nguyễn Danh Thế, Bắc sứ đăng trình tự thuật: Hoạ Chánh sứ Nguyễn Phác Phủ vận [60, 1031]

(Tự thuật lên đường đi sứ phương Bắc: Gặp thời thịnh trị, thi đậu đại khoa,/

Lại mừng cùng lúc vâng mệnh đi sứ.)

Nguyễn Danh Thế bày tỏ niềm vui, niềm tự hào của bản thân một cách thẳng thắn và trực tiếp. Cái vui đầu tiên là gặp buổi nước nhà an ổn, cái vui tiếp theo là “trạc cao khoa” đỗ đạt, thành danh. Và cái vui sau cùng ngợp khắp câu thứ hai “đồng thời phụng sứ Hoa”. Nếu như hai cái vui đầu, người đọc chỉ cảm nhận thông qua giọng thơ phấn chấn của sứ thần, thì đến cái vui thứ ba – niềm vui đi sứ, được sứ thần trực tiếp thể hiện trong hai từ “thặng hỉ” – rất vui. Lời thơ rất chân thực và bộc lộ được xúc cảm chất ngất của ông.

Cũng có không ít những sứ thần khi đi sứ vào hàng ngũ thập, lục thập thậm chí là thất thập nhưng không vì thế mà tráng khí, hùng tâm vơi giảm. Ở họ, dù là cao giọng hay ôn hòa, dù là thẳng thắn hay khiêm tốn, thì cảm xúc chung vẫn là niềm vui của một tôi trung, trọn lòng cống hiến.

Sứ thần Nguyễn Thực đi sứ vào những năm ngũ thập thế mà vẫn hào sảng như thuở tráng kiện thiếu niên:

壯歲叨登將相科, 濫膺盛選詠皇華.

Tráng tuế thao đăng tướng tướng khoa, Lạm ưng thịnh tuyển vịnh Hoàng Hoa.

Nguyễn Thực, Phụng sứ đăng trình tự thuật [60, 1016]

(Tự thuật trên đường vâng mệnh đi sứ: Tuổi cường tráng được thi đậu vào khoa tướng tướng,/ Lạm phần tuyển vào hàng ngâm vịnh thơ Hoàng Hoa.)

Nguyễn Thực đỗ đầu khoa thi Đình năm Ất Mùi năm 1595, và phụng sự hết mình cho triều đình nhà Lê. Ông là người tràn đầy tin tưởng có thể xoay chuyển thời cuộc rối ren, thể hiện lập trường nhập thế rõ ràng trong khi nhiều quan lại, nho sinh đã quy ẩn. Cũng như Nguyễn Danh Thế, sự tự hào của sứ thần vì hai lẽ “đăng tướng tướng khoa” và vì được “vịnh Hoàng Hoa”.

Còn như Phùng Khắc Khoan thì lại hạ bút viết về chính mình sau buổi đi chầu ở Tràng An bằng một giọng khỏe khoắn, hào sảng và tự tin. Sứ giả khéo léo thể hiện niềm tự hào về bản thân qua điểm nhìn của “đô nhân”:

Đô nhân vị thức Nam lai sứ, Tiếu chỉ na nhân lão cánh cường.

Phùng Khắc Khoan, Trường An tảo triều hồi [71, 112]

(Ở Kinh đô Trường An, buổi chầu sớm ra về: Người kinh đô chưa biết vị sứ thần từ phương Nam đến,/ Cười chỉ trỏ: Người kia già mà khỏe dai!)

Có khi sự tự hào không cao giọng mà giấu kín đằng sau cái khiêm hạ, tự chê. Lão thần Nguyễn Đình Sách viết rất hay:

言語文章愧聖科, 有緣聫戀賦皇華.

Ngôn ngữ văn chương quý thánh khoa, Hữu duyên liên luyến phú Hoàng Hoa.

Nguyễn Đình Sách, Sứ Bắc thuật hoài, hoạ chánh sứ Thiên Mỗ Nguyễn Đường Hiên vận [61, 163]

(Nói nỗi lòng mình khi đi sứ Trung Quốc, họa vần thơ của chánh sứ Nguyễn Đường Hiên, người Thiên Mỗ: Ngôn ngữ văn chương, thẹn mình liệt vào khoa của thánh nhân,/ Có duyên mà được gióng cương ngâm thơ Hoàng Hoa.)

Hai câu đề của bài thơ bắt đầu bằng những lời lẽ khiêm hạ như thế. Tuy vậy, tàm quý hay coi mình bất tài nhờ duyên may mới đi sứ cũng chỉ là cách nói. Người đọc nhận ra được sự cẩn trọng của sứ thần qua cách nói ấy, song vẫn nghe ra được sự tự hào, tự tin của sứ giả. Vì rõ ràng chuyện đi sứ không thể là duyên may, cũng như ông là một trong những danh thần lỗi lạc. Có thế, ngay liền hai câu sau, hình ảnh sứ thần dẹp yên sóng cả cực kỳ ngạo nghễ, “Phiếm phiếm bình giang thiếp lục ba.” [61, 163]

Chính nhiệm vụ có phần gian khó nhưng cũng đáng trân trọng ấy, tạo nên hình ảnh rất đẹp về những con người xông pha. Không ít những ảnh hình sứ thần – nhà thơ mang dáng dấp lộng lẫy, kiêu dũng. Tâm thế một con người tài hoa, tâm hồn của một thi nhân và sự xông pha của một sứ thần làm nên khí chất thật riêng nơi họ. Sứ giả và anh hùng dường như không khác, đều đẹp và đều cái thế như nhau. Những ảnh hình sứ giả viết như thể cho riêng mình ấy thể hiện lòng tự hào, sự tự ý thức một cách sâu sắc:

花浦衝寒裘帶月, 柳橋趂曉馬嘶風.

Hoa phố xung hàn cầu đái nguyệt, Liễu kiều sấn hiểu mã tê phong.

Đào Nghiễm, Phượng thành tảo phát [60, 684]

(Sáng sớm ra đ từ Phượng thành: Áo cừu mang ánh trăng, xông pha cái rét bến hoa,/ Tiếng ngựa hí trước gió, sáng sớm đi trên cầu liễu.)

Thơ Vũ Cẩn cũng có hình ảnh giao thoa giữa tráng sĩ, sứ thần và thi nhân:

拜了丹庭趂珥河, 征袍破曉暎紅河.

Bái liễu đan đình sấn Nhị Hà, Chinh bao phá hiểu ánh Hồng hà.

Vũ Cẩn, Bắc sứ Nhị Hà sơ phát [60, 719]

(Xuất phát từ sông Nhị Hà đi sứ Trung Quốc: Bái biệt sân vua, ra đi từ sông Nhị Hà,/ Ánh sáng ban mai chiếu bóng áo trường chinh rực ánh hồng.)

Cách dùng những động từ “xung” và “sấn”, tác động một cách trực tiếp vào các đối tượng “hà”, “hàn” và “hiểu” tạo cảm giác hùng anh, chủ động của con người trước thiên nhiên. Hình ảnh sứ giả trong câu thơ có tư thế của một tráng sĩ tự hào, ngạo nghễ đứng trên thử thách của hoàn cảnh.

2.2.2.2. Tự hào đất nước

Vần điệu đáng lưu ý của lòng tự hào chính là tự hào về quê hương, đất nước trên hành trình đi sứ. Dẫu rằng, “nhìn về số lượng, thì những bài thơ có âm điệu và cảm hứng tự hào dân tộc chưa phải đã là nhiều” [71, 21], nhưng niềm tự hào trong thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII là những nốt khỏe khoắn, hào mại của dàn hợp xướng những câu thơ ưu tư, suy nghiệm. Riêng đó thôi cũng đã là sự đặc biệt.

Trạng Bùng trước khi lên đường, tự thuật những lời hừng hực khí thế và tràn đầy niềm tự hào. Cái tự hào của bản thân, chen lẫn sự tự hào về lịch sử của dân tộc:

Quắc thước tu ngôn yên thượng lão, Anh hùng hỷ đạo nữ trung nam.

Phùng Khắc Khoan, Đăng trình tự thuật [71, 109]

(Lên đường tự thuật: Thẹn nhắc đến vẻ quắc thước của ông già trên yên ngựa,/ Thích nói về chí anh hùng như nam tử trong giới nữ nhi.)

Câu thơ rất khéo. Phùng Khắc Khoan đầy dụng ý khi đặt cái quắc thước, nhưng hiếu chiến của Mã Viện so với cái anh hùng ngời sáng của bậc nữ lưu trong chốn nam nhân. Từ đây với thế đòn bẩy, giải thích lý do vì sao ông “tu ngôn” khi nhắc chuyện Mã tướng nhưng “hỷ đạo” khi nhớ đến hai bà Trưng.

Trên hành trình sứ sự bôn ba, chắc hình ảnh làm người đi sứ ấn tượng nhất, là cột đồng. Nguyễn Năng Nhượng có viết:

繭城銅柱今何在, 長使英雄感慨心.

Kiển thành đồng trụ kim hà tại, Trường sứ anh hùng cảm khái tâm.

Nguyễn Năng Nhượng, Đề Mai Quan [60, 761]

(Đề Mai Quan: Không biết vết tích cột đồng, Kiển thành ở đâu,/ Mà vẫn mãi mãi gợi lòng cảm khái của những bậc anh hùng.)

Trải qua ngần ấy năm tháng với bao biến thiên thời cuộc, lẽ nào lời nói năm xưa “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” của tên ngang tàng Mã Viện là đúng? Câu hỏi về cột đồng “kim hà tại” – nay ở đâu, xoáy sâu, da diết. Trong câu hỏi ấy, nghe ra sự bùi ngùi khi nhớ về người xưa, trăn trở khi nghĩ về thời gian thoi đưa, nhưng mạnh mẽ nhất vẫn là tự hào, khẳng định dân tộc “Trường sử anh hùng cảm khái tâm”. Sứ thần nhà Lê trung hưng là Nguyễn Danh Thế cũng cùng một mối “Trường sử anh hùng cảm khái tâm” mà viết rằng:

迹存漢將標銅柱, 忠表唐臣簇畵祠.

應是天心分界域, 越南千古奠王基.

Tích tồn Hán tướng tiêu đồng trụ, Trung biểu Đường thần thốc hoạ từ.

Ưng thị thiên tâm phân giới vực, Việt Nam thiên cổ điện vương cơ

Nguyễn Danh Thế, Nam hoàn Ngũ Lĩnh đạo trung: Hoạ chánh sứ Nguyễn Phác Phủ vận [60, 1033]

(Trên đường về Nam đến núi Ngũ Lĩnh: Họa vần thơ chánh sứ Nguyễn Phác Phủ: Cột đồng làm mốc của tướng Hán vẫn còn dấu vết,/ Vẫn đây ngôi đền có vẽ tượng bề tôi thời Đường để biểu dương lòng trung./ Cương vực phân chia là do lòng trời,/ Nước Việt phương Nam nghìn thủa vẫn giữ vững cơ nghiệp đế vương.)

Thông qua sự đối lập hai hình ảnh cột đồng đổ nát và tông miếu nguy nga, tác giả muốn khẳng định sức sống của dân tộc, mà rộng ra là sức sống của chính nghĩa. Bốn câu thơ là một lời tuyên ngôn trong sự tự hào. Với cách dùng “thiên tâm” – lòng trời đã chia cương vực, tác giả như có sự đối thoại với một Nam quốc sơn hà khiến cho cảm xúc bài thơ như thêm phần hào hùng, khí thế. Bài thơ kết lại bằng câu thơ đầy tin tưởng nghiệp đế nước Nam vững bền: “Việt Nam thiên cổ điện vương ky”.

Cảm xúc này cũng được phản ánh trong thơ Nguyễn Thực:

銅柱徵王留舊蹟, 石街張相儼叢祠.

封彊自古分中外, 堪羡天工巧設施.

Đồng trụ Trưng Vương lưu cựu tích, Thạch nhai Trương tướng nghiễm tùng tì.

Phong cương tự cổ phân trung ngoại, Kham tiễn thiên công xảo thiết thi.

Nguyễn Thực, Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh [60, 1024]

(Về phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh: Cột đồng còn lưu dấu cũ từ thời Trưng Vương,/ Đường đá nghiễm nhiên còn tòa đền tướng họ Trương./ Bờ cõi từ xưa đã chia ranh giới Trung Quốc với ngoại bang,/ Khen tài thợ trời khéo bày đặt phong cảnh núi này.)

Đây đều là những tiếng thơ tự hào cũng như đầy hoài cảm của sứ giả khi nói chuyện xưa để bàn chuyện nay. Vì thế, hình ảnh cột đồng, miếu thờ Nhị Trưng, những ngôi tự miếu của danh thần Trương Cửu Linh … cứ xoay vần, mênh mang và gợi cho sứ thần những xúc cảm bùi ngùi, tiếc nuối và tự hào.

Ý thức được sức sống của dân tộc, khiến cho chỗ đứng sứ giả trên mảnh đất của một cường quốc (Trung Hoa) không hề nhỏ bé, yếu đuối. Đọc thơ Đào Nghiễm, cùng ông lên tận thành Thái Bình vời vợi ngắm nhìn sông núi mênh mông:

北南無限望中寬, 绸網乾坤歸指掌.

Bắc Nam vô hạn vọng trung khoan, Trù võng kiền khôn quy chỉ chưởng.

Đào Nghiễm, Đăng Thái Bình thành [60, 691]

(Lên thành Thái Bình: Bắc Nam không giới hạn trong tầm mắt bao la,/ Núi sông trời đất ngổn ngang chi chít đều như thâu tóm lại trong bàn tay.)

Tâm thế tự hào của sứ giả như thu trọn cả trời đất bao la, như vượt trên sự giới hạn của ngoại giới. Tâm thế ấy làm ta nhớ đến một Phạm Sư Mạnh rất tự hào viết rằng Ngã gia viễn tại Nam Giao đầu/ Thủ trì ngọc tiết đăng Hoàng lâu [71, 78]

Còn Phùng Khắc Khoan dẫu rằng “Trong lúc đi sứ cố nhịn để cho được việc” [60, 916] cũng không quên giới thiệu đất nước, con người Việt Nam cho Lý Toái Quang, một cách chân thành, và đầy tự hào:

閭巷開書塾, 旗亭賣酒船.

雨晴添象跡, 風暖送龍涎.

Lư hạng khai thư thục, Kỳ đình mại tửu thuyền.

Vũ tình thiêm tượng tích, Phong noãn tống long diên.

Phùng Khắc Khoan, Phùng túc đáp thứ Hải Đông Chi Phong đạo nhân trường luật thi vận [60, 914]

(Phùng tôi kính đáp theo vần thơ trường luật của Chi Phong đạo nhân ở Hải Đông: Chỗ xóm làng đều mở trường học,/ Nơi đông người đều có thuyền bán rượu./ Mưa tạnh thêm vết voi đi,/ Gió ấm đưa dãi rồng đến.)

Lòng tự hào còn thể hiện ở những vần thơ ngợi ca quê hương, tổ tông, gia đình. Lê Quang Bí suốt gần 20 năm bị giam giữ trên đất Bắc đã tha thiết khi viết những dòng thơ đề vịnh các danh nhân của vùng quê nhiều truyền thống nơi ông sinh ra. Trong nỗi niềm nhớ mong da diết của sứ thần, ta nghe ra tâm tình tự hào dân tộc, thông qua niềm tự hào về một miền quê văn hiến:

趨庭詩禮講明諳, 自厲懸弧壯志酣.

Xu đình thi lễ giảng minh am, Tự lệ huyền hồ tráng chí hàm.

Lê Quang Bí, Cố Trần tiết nghĩa Thái học sinh, quyền Giáo thụ Tỉnh Trai Lê Tiên Sinh [60, 650]

(Tiết nghĩa Tỉnh Trai Lê tiên sinh, Thái Học sinh, quyền Giáo thụ của nhà Trần xưa (vốn là Thái Học sinh triều Trần, tạm nhận chức của nhà Minh, húy Canh Tuân): Rảo bước qua sân, giảng am tường rành rẽ về thi, lễ,/ Tự mài dũa chí trai, tráng chí thật hăng say.)

滾滾無窮君子澤, 繩繩可卜後人昌.

Cổn cổn vô cùng quân tử trạch,

Thằng thằng khả bốc hậu nhân xương.

Lê Quang Bí, Thúy Vân huyện Huyện thừa, Thời Trai Vũ Quý Công, húy Tùy [60, 657]

(Thời Trai Vũ Quý Công, tên húy là Tùy, làm chức Huyện thừa Huyện Thúy Vân (là cha của Hoàng giáp Đôn, có công dạy con đi thi): Ân trạch của người quân tử thật là dồi dào,/ Có thể nghiệm rõ ràng rằng: sau này con cháu tất đông đúc.)

Tóm lại, lòng tự hào là một trong những xúc cảm nổi bật trong thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII có sự hô ứng và gắn kết với tinh thần trách nhiệm cũng như phát xuất từ lòng yêu nước sâu sắc. Lòng tự hào thường được cất lên bởi hai giai âm: Tự hào bản thân, để rồi tự hào về dân tộc, xứ sở. Tự hào bản thân vì được chọn đi sứ, chứng tỏ tài năng vẫn còn có thể phục vụ nước nhà. Đáng trân trọng hơn là tự hào về quê hương, luôn tin tưởng vào sự trường tồn của dân tộc nơi các sứ giả - nhà thơ.

Một phần của tài liệu Thơ sứ trình trung đại việt nam thế kỷ xvi xvii diện mạo và giá trị (Trang 63 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)