Tinh thần trách nhiệm

Một phần của tài liệu Thơ sứ trình trung đại việt nam thế kỷ xvi xvii diện mạo và giá trị (Trang 57 - 63)

CHƯƠNG 2:THƠ SỨ TRÌNH TRUNG ĐẠI VIỆT NAM THẾ KỶ XVI – XVII NHÌN TỪ GIÁ TRỊ NỘI DUNG

2.2. Những xúc cảm phức hợp của các sứ giả – nhà thơ

2.2.1. Tinh thần trách nhiệm

Trong thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII, tinh thần trách nhiệm được thể hiện rất rõ ngay từ khi sứ giả nhận mệnh và trở đi trở lại trong con tim sứ thần suốt cả quãng đường đi sứ. Tinh thần trách nhiệm xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc và là một phức hợp trên hai vần điệu cảm xúc: lo lắng và ước mong.

2.2.1.1. Lo lắng

Nỗi lo là một trong những xúc cảm thường thấy trong thơ đi sứ. Việc đi sứ vốn đã hết sức hiểm nguy, nhiệm vụ của sứ thần thì rất nặng nề, cho nên lo lắng là lẽ thường. Điều này lại càng đúng đối với các chuyến sứ trình suốt hai thế kỷ XVI – XVII, khi mà tình hình đối nội rối ren khiến công cuộc đối ngoại cũng đầy phức tạp.

Tuy vậy, nỗi lo đó là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm. Lo lắng sao cho có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà mình gánh vác, khác với cái lo cho an nguy bản thân.

Ngay từ những vần thơ đầu tiên của thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII các sứ thần đã đặt bút bằng niềm âu lo. Tâm thế “thượng thận chiên” của Trần Lô có ngay từ buổi “phụng mệnh”:

奉命皇華尚慎旃, 不辭難事又趨先.

Phụng mệnh Hoàng Hoa thượng thận chiên, Bất từ nan sự hựu xu tiên.

Trần Lô, Quá quan thư hoài [60, 54]

(Qua cửa ải bày tỏ nỗi lòng: Phụng mệnh đi sứ lòng rất thận trọng,/ Không những không từ việc khó, lại còn hăng hái làm trước.)

Câu thơ đầy khí khái khi khẳng định “bất từ nan sự”. Khí khái ấy xuất phát từ tâm thế “thượng thận”. “Thượng thận chiên” vốn là một điển cố được rút tách từ Kinh Thi, là lời người lính tự nhắc nhở mình phải luôn bảo trọng để bình an về với gia đình. “Thượng thận chiên” trong câu thơ trên cũng là cẩn thận, là bảo trọng, nhưng cẩn thận trước “mệnh Hoàng Hoa”, cẩn thận để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chứ không vì lo lắng cho cá nhân. Đó là niềm ưu tư đầy trách nhiệm.

Nguyễn Danh Thế cũng cùng một nỗi lo và tâm thế xông xáo như Trần Lô:

壯遊正喜乘肥馬, 重任何當載大車.

Tráng du chính hỷ thừa phì mã, Trọng nhậm hà đương tải đại xa.

Nguyễn Danh Thế, Bắc sứ đăng trình tự thuật: Họa chánh sứ Nguyễn Phác Phủ vận [60, 1030]

(Tự thuật lên đường đi sứ phương Bắc, họa lại thơ của chánh sứ Nguyễn Phác Phủ: Mừng chuyến đi hăng hái, cưỡi con ngựa béo khỏe,/ Lo sao đảm đương nổi gánh nặng như chở xe lớn.)

Dẫu rằng với Nguyễn Danh Thế đi sứ trước tiên là niềm vui. Hình ảnh người trai trẻ ngạo nghễ đăng trình như sáng lên trong hai từ “chính hỷ”, nhưng cái vui đó đi liền với trách nhiệm, nỗi lo. Cả một câu hỏi đầy suy tư mà sứ giả tự đặt ra cho bản thân mình “hà đương trọng nhậm?” – làm sao có thể gánh vác nhiệm vụ lớn, thể hiện rất rõ nỗi niềm ấy.

Có sứ thần, sự ưu tư ám ảnh trong mơ và canh cánh khi tỉnh:

中愛寸丹常夢寐, 詢諏一念每勤拳.

Trung ái thốn đan thường mộng mị, Tuân tưu nhất niệm mỗi cần quyền.

Lưu Đình Chất, Lữ trung thuật hoài [60, 1045]

(Ghi lại nỗi niềm khi ở đất khách: Tấc son trung ái thường mơ tưởng có dịp tỏ rõ,/ Lo lắng mưu kế luôn khẩn khoản hỏi han.)

Đây là lời “thuật hoài” của một bề tôi trung thành với vua và cẩn trọng trong công việc. Những phó từ “thường”, “mỗi” trước các hình dung từ, động từ, tạo cảm giác của sự dày đặc, chi li, khiến cho niềm “trung ái”, việc “tuân tưu” như càng tha thiết và nghiêm cẩn hơn. Giọng thơ vì thế chân tình mà trang trọng.

Sự lo lắng của sứ thần xuất phát từ trách nhiệm. Nên tình điệu tuy khác nhau, nhưng cả ba nỗi lo của Trần Lô, Nguyễn Danh Thế và Lưu Đình Chất đều tạo nên cú hích cho tinh thần kẻ sĩ xung phong đăng trình, dấn thân phục mệnh.

Nỗi niềm lo lắng trong tiếng thơ đi sứ thế kỷ XVI – XVII phát xuất từ chính lòng trung thành của sứ giả – nhà thơ. Mà cụ thể là trung trinh với vua, với vương triều mà mình phụng sự. Lòng trung ấy còn gắn kết mật thiết với lòng hiếu thảo. Đó chính là một điểm sáng của thơ sứ trình hai thế kỷ này:

專對四方男子事, 相期忠孝兩俱全.

Chuyên đối tứ phương nam tử sự, Tương kỳ trung hiếu lưỡng câu tuyền.

Nguyễn Năng Nhượng, Bắc sứ dịch thứ tân niên ngẫu thành (kỳ nhị) [60, 755]

(Trên trạm Bắc sứ năm mới ngẫu nhiên thành thơ (bài 2): Việc chuyên đối bốn phương là việc của đấng nam tử,/ Chỉ mong ước hẹn cùng nhau vẹn toàn cả hai đường trung hiếu.)

Gánh nặng trên vai sứ thần còn là gánh nặng của hoài bão, ước muốn khẳng định vị thế “trong trời đất”. Cho nên, có cái lo lắng vì đất nước, cha mẹ thì cũng có cái lo lắng, xông xáo vì lý tưởng, công danh bản thân. Đào Nghiễm viết:

平生自許功名易, 此去寜辭道路難.

Bình sinh tự hứa công danh dị Thử khứ ninh từ đạo lộ nan.

Đào Nghiễm, Lạng Sơn đạo trung [60, 686]

(Trên đường Lạng Sơn: Bình sinh tự nhủ rằng chuyện công danh gánh vác nhẹ tênh,/ Chuyến đi này đâu dám từ chối vì nhẽ đường khó khăn.)

Trên đường Lạng Sơn, hay trên đường trạm trong lúc năm mới, sứ thần luôn biết trách nhiệm này là “nam tử sự”, là chuyện “bình sinh tự hứa”, và cũng lo lắng sao cho “trung hiếu lưỡng câu tuyền”. Những tiếng thơ như Đào Nghiễm,

Nguyễn Năng Nhượng ý thức một cách rõ ràng về phận vị của kẻ làm trai trong trời đất thường trở đi trở lại trong thơ sứ trình hai thế kỷ này.

2.2.1.2. Ước mong

Bên cạnh sự lo lắng hoàn thành tốt mệnh vua, mệnh nước thì ước mong trong thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII cũng là một khía cạnh của tinh thần trách nhiệm. Mong ước thường thấy nhất trong những vần thơ sứ trình suốt hai thế kỷ này là: hoàn thành sứ mệnh và trở về quê nhà. Hai tâm trạng này gắn chặt và quấn quyện cùng nhau. Song nếu sự mong ước trở về quê nhà thể hiện nỗi niềm nhớ thương quê hương rõ rệt thì mong ước hoàn thành sứ mệnh chứng tỏ được trách nhiệm của sứ thần đối với nhiệm vụ của mình.

Với sứ thần, hoàn thành sứ mệnh đồng nghĩa với việc mang đến thái bình an ổn cho đất nước. Ngày trở về của Trần Lô, Giáp Hải và Lưu Đình Chất đều trong không khí thanh bình, an vui, dầu rằng đó chỉ trong mơ ước, niềm hi vọng:

惟餘旨稱鞭回國, 但慶平寧勝昔年.

Duy dư chỉ xứng tiên hồi quốc,

Đãn khánh bình ninh thắng tích niên.

Trần Lô, Quá quan thư hoài [60, 54]

(Qua cửa ải bày tỏ nỗi lòng: Chỉ mong xong việc vua, quay ngựa về nước,/

Được mừng thấy cảnh bình yên hơn hẳn những năm xưa.)

Ước mong của sứ thần gói trọn trong ba điều: xứng đáng với mệnh vua “chỉ xứng”, đánh ngựa về cố quốc “tiên hồi quốc” và đất nước càng thái bình “đãn khánh bình ninh thắng tích niên”. Hai phó từ “duy” và “chỉ” dùng rất tự nhiên, khiến lời thơ như một lời bày tỏ, và nhờ sử dụng đắc địa, hai phó từ đã nhấn mạnh rất nhiều những ước muốn cao đẹp của sứ thần: “Chỉ còn dư lại…”, “Chỉ mừng vui khi…”

事濟功成何所願 太平天子太平民

Sự tế công thành hà sở nguyện?

Thái bình thiên tử thái bình dân.

Giáp Hải, Phụng Bắc sứ thuật hoài [1, 800]

(Tỏ nỗi lòng khi vâng mệnh đi sứ phương Bắc: Ta mong muốn điều gì khi công việc êm xuôi, thành công?/ Làm cho dân được thái bình của đất nước thái bình.)

Câu hỏi được đặt ra và được trả lời dứt khoát. Giáp Hải đã bày tỏ sở nguyện cao cả của mình khi công thành: vua thêm anh minh làm cho dân chúng được sống thái bình. Điệp từ “thái bình” rất hay. Một câu 7 chữ có đến 2 lần lập lại “thái bình”, như một cách nhấn mạnh, cường điệu sự thái bình lan rộng, mênh mông khắp nơi từ vua đến dân. Ngoài ra, sự chuyển đổi từ loại, từ hình dung từ trong “thái bình thiên tử” thành động từ “thái bình dân” còn là cách trình bày khéo léo ước muốn vua thêm anh minh, sáng suốt, chủ động trong việc an dân trị nước.

Lưu Đình Chất thì vui vẻ, hân hoan khi từ Yên Kinh trở về:

歸来且喜吾儔健, 聖世優游樂太平.

Quy lai thả hỷ ngô trù kiện, Thánh thế ưu du lạc thái bình.

Lưu Đình Chất, Yên Kinh khởi trình Nam hoàn [60, 1047]

(Từ Yên Kinh trở về về Nam: Ra về chúng ta đều vui vì đều được mạnh khỏe,/ Cùng đi thung thăng trong đời thánh trị thái bình.)

Câu thơ như reo vui trong “quy lai”, lại còn thêm “ngô trù kiện”. Nhưng cả hai niềm vui ấy vẫn không vui bằng “Thánh thế ưu du lạc thái bình”, cùng nhau vui hưởng sự thanh bình, nhàn du đời “thánh thế”. Đó là hi vọng chân tình khi sứ giả vừa hoàn thành xong mệnh vua, đánh ngựa trở về. Tâm thế ấy luôn luôn gắn kết quả của nhiệm vụ với sự bình an của đất nước.

Vì mong ước ngày trở về tươi đẹp, cho nên khi miêu tả buổi “quy lai” bằng sự ước mong, hi vọng, các sứ thần thường dùng những hình ảnh thanh bình:

星軺記取歸期日, 傍梃墻頭籠日花.

Tinh thiều ký thủ quy kỳ nhật,

Bạng đĩnh tường đầu lung nhật hoa.

Vũ Cẩn, Bắc sứ Nhị Hà sơ phát [60, 718]

(Xuất phát từ sông Nhị Hà đi sứ Trung Quốc: Xe sứ thần hãy nhớ kỳ về,/ Đỗ mấy chiếc nơi đầu tường, trong ánh tà dương soi sáng.)

Nghệ thuật nhân hóa chen lồng hoán dụ cùng với hình ảnh thơ lãng mạn đã khắc họa thành công mơ ước của Vũ Cẩn. Xe sứ thần được xem như một người bạn tâm tình, để sứ giả tỏ rõ nỗi niềm “ký thủ quy kỳ nhật”. Và ngày về ấy được miêu tả rất an bình. Cả câu thơ sau lấp lánh như những cụm hoa nắng “lung nhật hoa” chiếu

vào cỗ xe sứ – đại diện cho sứ giả – đã dừng chân. Còn Đặng Đề thì ngợp một trời hoa tin yêu, hoa hi vọng trong ngày trở về:

記取歸期時節好, 春城無處不飛華.

Ký thủ qui kỳ thời tiết hảo, Xuân thành vô xứ bất phi hoa.

Đặng Đề, Bắc sứ Nhị Hà tảo phát [60, 765]

(Đi sứ phương Bắc, xuất phát sớm tại sông Nhị Hà: Mong lúc trở về thời tiết tốt./ Không chỗ nào trong thành là không có cánh hoa bay.)

Cũng trong ngày khởi hành, cũng qua đoạn Nhị Hà, và sứ thần cũng đã mơ đến ngày về như Vũ Cẩn. Ngày về ấy trong khung cảnh “vô xứ bất phi hoa”. Hai lần phủ định trong câu thơ, nhấn mạnh hơn một lần khẳng định. Khung cảnh hoa bay đầy trời ấy dù có viện dẫn lý do vì “thời tiết hảo” song vẫn mơ mộng, siêu thực và tạo ra nhiều sự liên tưởng. Còn với Nguyễn Năng Nhượng thì:

事濟功成歸闕早, 一番春勝一番春.

Sự tế công thành quy khuyết tảo,

Nhất phiên xuân thắng nhất phiên xuân.

Nguyễn Năng Nhượng, Bắc sứ dịch thứ tân niên ngẫu thành [60, 753]

(Trên trạm Bắc sứ năm mới ngẫu nhiên thành thơ: Mong mọi việc đều trôi chảy để sớm trở về cửa khuyết,/ Mỗi một phen xuân lại hơn một phen xuân cũ.)

Nhịp thơ trôi đi nhịp nhàng trong cách nói “Nhất phiên xuân thắng nhất phiên xuân”, khiến cho câu thơ biểu thị ước mong về ngày “quy khuyết” của tác giả ngập trong khí xuân.

Đáng quý hơn, ngày trở về bình an, còn là ngày mà sứ thần đáp đền những ân tình của một tôi trung, con hiếu. Cho nên, mơ ước bình an càng chứng tỏ trách nhiệm của sứ thần. Nguyễn Thực đã thể hiện ước mong ngày về thiết tha, trong tâm thế “tâu vua trình mẹ”, và chân thành trong nỗi niềm “trước sau trung hiếu một lòng ta”, “hứa hẹn mệnh vua luôn giữ trọn”:

事濟功成還國早, 平安二字報君親.

Sự tế công thành hoàn quốc tảo, Bình an nhị tự báo quân thân.

Nguyễn Thực, Phụng sứ đăng trình tự thuật [60, 1014]

(Tự thuật trên đường vâng mệnh đi sứ: Mong công việc xong xuôi được về nước sớm,/ Đem hai chữ “bình yên” báo lên quân thân.)

歸期有幸全君命, 忠孝初心矢靡他.

Quy kỳ hữu hạnh toàn quân mệnh, Trung hiếu sơ tâm thỉ mĩ tha.

Nguyễn Thực, Phụng sứ đăng trình tự thuật [60, 1016]

(Tự thuật trên đường vâng mệnh đi sứ: Ngày về được may mắn làm tròn mệnh vua,/ Lòng trung hiếu vốn có không bao giờ đổi khác.)

Vì sứ mệnh của sứ thần không dễ dàng và sứ mệnh đó có ảnh hưởng một cách trực tiếp nhất đối với quốc gia dân tộc, thế cho nên những tiếng thơ sáng trong hi vọng, tha thiết trọn mệnh rất có giá trị. Một mặt thể hiện tinh thần trách nhiệm của sứ giả, mặt khác, còn cho thấy được tâm thế và đạo đức của những tôi trung, con thảo trong chuyến lữ trình mênh mông gian khó.

Một phần của tài liệu Thơ sứ trình trung đại việt nam thế kỷ xvi xvii diện mạo và giá trị (Trang 57 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)