Tình cảm “tứ hải giai huynh đệ”

Một phần của tài liệu Thơ sứ trình trung đại việt nam thế kỷ xvi xvii diện mạo và giá trị (Trang 51 - 57)

CHƯƠNG 2:THƠ SỨ TRÌNH TRUNG ĐẠI VIỆT NAM THẾ KỶ XVI – XVII NHÌN TỪ GIÁ TRỊ NỘI DUNG

2.1. Nghệ thuật ngoại giao tài tình của các sứ giả – nhà thơ

2.1.2. Tình cảm “tứ hải giai huynh đệ”

Thơ đi sứ chứng kiến và lưu lại những cuộc tao ngộ đặc biệt của sứ giả Đại Việt với sứ giả các nước và những bậc áo mão cân đai chốn triều đình Trung Hoa.

Để rồi từ đây, mến nhau ở tài năng mà các bậc hiền sĩ ấy, quyến luyến và trọng nhau ở tình bằng hữu, tình anh em một cách chân thành. Trong thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII có một bộ phận thể hiện tình cảm sâu sắc, chân tình của các sứ giả nước ta đối với bè bạn bốn phương. Những vần thơ ấy thường không có không khí của nghi lễ, tụng ca chung chung, mà rất chân tình:

詩興濃於酒興濃, 一篇詩當酒篇鐘.

詩成酒醉功收了,

酒帝詩王各就封.

Thi hứng nùng ư tửu hứng nùng, Nhất thiên thi đáng tửu thiên chung.

Thi thành tửu túy công thu liễu, Tửu đế thi vương các tựu phong.

Phùng Khắc Khoan, Đáp huề tửu khất thi [60, 932]

(Đáp lời người mang rượu xin thơ: Thơ hứng đậm hơn hứng rượu nồng,/

Một bài đang giá ngàn vò rượu./ Thơ làm xong rượu say, xong cuộc rồi,/ Người thì được phong là “hoàng đế rượu”, người là “hoàng đế thơ”.)

Bài thơ gần gũi và hóm hỉnh. Gần gũi trong hành động lấy rượu để xin thơ.

Hóm hỉnh trong cách tự phong thi vương, tửu đế của những tâm hồn nghệ sĩ. Giới từ

“ư” theo chúng tôi có đến hai cách hiểu: Hứng thơ nồng là do hứng rượu nồng và

“Thơ hứng đậm hơn hứng rượu nồng”. Và cách hiểu nào cũng để nhằm thấy được hình ảnh những người mến quý văn chương, rất tao nhã trong cách mượn rượu khơi thi hứng. Để rồi, khi thơ xong, rượu say thì thi hứng, tửu hứng, và tình người với nhau trên đất triều đình Trung Hoa cũng dâng lên nồng đượm.

Cũng rượu, cũng thơ, tình cảm của Lưu Đình Chất và Đông Lỗ Vương Tông Nhượng cũng ấm áp chân thành. Có khác chăng, cuộc rượu ấy diễn ra khi họ sắp chia tay nhau:

餞席馮君敲白雪, 回程快我步青雲.

有懷極覺交情切, 靡盬剛嫌王事勤.

Tiễn tịch bằng quân xao bạch tuyết, Hồi trình khoái ngã bộ thanh vân.

Hữu hoài cực giác giao tình thiết, Mị cổ cương hiềm vương sự cần.

Lưu Đình Chất, Họa Đông Lỗ Vương Tông Nhượng kiến ký thi vận [45, 23]

(Họa vần thơ của Đông Lỗ Vương Tông Nhượng gửi cho: Anh bày tiệc tiễn xua tan tuyết,/ Tôi rảo đường về mây biếc xanh./ Có nhớ mới hay tình thắm thiết,/

Nhưng hiềm công việc chẳng dứt đành.)

Bài thơ vương buồn bởi sự biệt ly của một tình bạn đẹp. Giọng thơ rất chân tình và như nghẹn ngào khi sứ thần “cực giác” về một điều: xa nhau rồi mới hiểu rõ

tình bạn thắm thiết. Cặp câu thực rất đăng đối (“tiễn tịch” đối với “hồi trình”, “xao bạch tuyết” đối với “bộ thanh vân”, và đặc biệt “quân” và “ngã” đối nhau) tạo nên cái thế song hành, nhịp nhàng nhưng không thể tương ngộ cùng nhau của hai con người đang trong cảnh tiễn biệt.

Bằng sự chân thành và cởi mở, các sứ thần nước ta đã gặp gỡ và kết giao bằng hữu với những sứ thần nước bạn cùng đi đến triều đình Trung Hoa. Tình bạn của họ đượm nồng như hứng rượu, hứng thơ, cũng da diết khi tiễn biệt, chia tay. Họ thân thiết từ buổi ban đầu:

邂逅雲萍君莫怪, 人逢知己眼常青.

Giải cấu vân bình quân mạc quái, Nhân phùng tri kỷ nhãn thường thanh.

Lưu Đình Chất, Giản Triều Tiêu quốc sứ Lý Đẩu Phong [45, 22].

(Gửi quốc sứ Triều Tiên Lý Đẩu Phong: Vận hội bèo mây anh chớ lạ,/ Gặp người tri kỷ mắt thường xanh.)

Hai hình ảnh đặc sắc của câu thơ là “vân bình” và “nhãn thanh”. Lấy việc tương phùng vô chừng của đời sống (như bèo dưới dòng, như mây trên trời tụ họp lại rã tan) để nhấn mạnh sự trân quý nhân duyên gặp mặt bè bạn bốn phương của sứ thần Lưu Đình Chất (gặp tri kỷ, mắt thường xanh như Nguyễn Tịch thời Tấn). Câu thơ phản ánh một cuộc gặp gỡ tốt đẹp, hoàn hảo và nhẹ nhàng.

Nguyễn Đăng bịn rịn, quyến luyến khi chia tay Lý Đẩu Phong:

衡南凝目曉歸鴻, 相憶更深夢亦慵.

Hoành Nam ngưng mục hiểu quy hồng, Tương ức canh thâm mộng diệc thung.

Nguyễn Đăng, Họa Triều Tiên quốc sứ Lý Đẩu Phong ký giản trường thiên [39, 6]

(Họa thơ sứ thần nước Triều Tiên là Lý Đẩu Phong, gửi đến bài trường thiên: Người đi về nam còn để mắt trông rõ bóng chim hồng đang về mất,/ Thương nhớ canh khuya, sâu trong giấc mộng cũng trễ nhác.)

Cánh chim hồng bay đi không lưu dấu là hình ảnh đại diện cho sự vĩnh biệt.

Nhất là, nó được đặt trong tương quan với Hoành Nam và được nhìn qua ánh

“ngưng mục”. “Hoành Nam” tạo không gian dài rộng và mênh mông, đối lập với

cánh hồng bé nhỏ. “Ngưng mục” trong trạng thái tĩnh mà “hồng quy” thì là cái động không ngừng. Sự đối lập lớn – nhỏ, động – tĩnh gây nên cảm giác vô vọng. Chừng đó, cũng hiểu được cái thao thức, đến mộng cũng khó thành của Nguyễn Đăng khi chia tay một tình bạn.

Sự thân thiết giữa các sứ thần, quan viên với nhau, dù chỉ mới đôi lần gặp gỡ, chuyện trò trên đất Bắc, theo chúng tôi phải nhắc đến hai nguyên do. Một là họ tìm ra được sự thân thuộc, gần gũi trong cùng đạo thánh hiền. Và hai, đó là do

“thanh khí lẽ hằng”, lý tưởng, tình cảm, nhân cách của họ tương tự nhau. Phùng Khắc Khoan nhiều lần viết:

Sơn xuyên phong vực tuy nhiên dị, Lễ nhạc y quan thị tắc đồng.

Phùng Khắc Khoan, Ngộ Lưu Cầu quốc sứ [71, 119]

(Gặp sứ thần nước Lưu Cầu: Núi sông bờ cõi dẫu rằng có khác,/ Lễ nhạc, áo mũ thì lại giống nhau.)

同一芝蘭一室居, 日相薰德有香餘.

Đồng nhất chi lan nhất thất cư, Nhật tương huân đức hữu hương dư.

Phùng Khắc Khoan, Đáp thứ Hải Đông sứ Kim Dương Dật sĩ thi vận [60, 911]

(Họa lại thơ của Kim Dương dật sĩ, sứ của Hải Đông: Chúng ta cùng một nhà có cỏ chi hoa lan,/ Ngày ngày cùng rèn luyện cho nhau có đức, hương thơm có thừa.)

異域同歸禮樂鄉, 喜逢今日共來王.

Dị vực đồng quy lễ nhạc hương, Hỷ phùng kim nhật cộng lai vương.

Phùng Khắc Khoan, Mai Nam Nghị Trai túc thứ Triều Tiên quý quốc Lý sứ công thi vận [60, 905]

(Mai Nam Nghị Trai kính hạ theo thơ của sứ Triều Tiên họ Lý: Chúng ta ở những nơi khác nhau, cùng về nơi quê hương của lễ nhạc,/ Mừng gặp được ngày hôm nay cùng đi sứ sang chầu vua.)

Và Lưu Đình Chất cũng khẳng định:

車書一統歸王會, 日月重宵覲帝庭.

Xa thư nhất thống quy vương hội, Nhật nguyệt trùng tiêu cận đế đình.

Lưu Đình Chất, Giản Triều Tiêu quốc sứ Lý Đẩu Phong [45, 22].

(Gửi quốc sứ Triều Tiên Lý Đẩu Phong: Xa thư một mối về vương hội,/ Nhật nguyệt chín tầng chầu đế đình.)

Hầu hết các bài thơ đều có những động từ, hình dung từ “đồng”, “đồng nhất”, “nhất thống”, “đồng quy” được dùng để khẳng định mối liên hệ về mặt văn hóa, điển chương giữa ta và sứ thần các nước.

Ngoài ra, sự tao ngộ giữa các sứ thần, quan viên đó còn là dịp gặp gỡ của những người cùng chung chí hướng, lý tưởng. Cho nên, vượt ra ngoài sự cách trở về mặt không gian địa lý, dân tộc, triều đình, họ hồn nhiên kết nên mối thâm giao bằng hữu dù trong phút chốc gặp nhau. Nguyễn Đăng ngợi ca đức độ ông Lý Đẩu Phong:

榦棲鳳侶光生彩, 枝長龍孫逬出階.

堪狀有文君子德, 行行綠色自雲排.

Cán thê phượng lữ quang sinh thái, Chi trưởng long tôn bỉnh xuất giai.

Kham trạng hữu văn quân tử đức, Hàng hàng lục sắc tự vân bài.

Nguyễn Đăng, Họa Triều Tiên quốc sứ Lý Đẩu Phong: “Song tiền chủng trúc” chi tác [60, 1040]

(Họa bài thơ “Trồng trúc trước cửa sổ”của Lý Đẩu Phong, sứ nước Triều Tiên: Thân cây phượng đậu như tỏa sáng nảy sinh màu sắc,/ Cành long tôn lớn vươn ra ngoài thềm./ Trúc có hình trạng bậc quân tử, có văn chương, đức hạnh,/

Hàng hàng trúc xanh tự bày ra như áng mây xanh.)

Bài thơ theo như tựa đề là họa lại vần thơ “trồng trúc trước cửa sổ” của Lý Đẩu Phong, nhưng kỳ thật trồng trúc chỉ là một cái cớ của sự ngợi khen ý nhị. Ở hai câu đầu, thông qua sự khen ngợi khóm trúc, tác giả có ý ca ngợi người trồng. Chỉ riêng “phượng lữ” đã là hình ảnh đại diện cho tình bạn đẹp đẽ, cho đến gốc măng cũng được chơi chữ thú vị để nói thành “long tôn” thể hiện những xúc cảm trân trọng, mến kính. Để rồi tác giả đầy chân thành trong hai câu cuối, khi ngợi khen trực tiếp người cũng như trúc đều có đặc tính “hữu văn quân tử đức”.

Nguyên tắc xây dựng mối quan hệ thân tình giữa họ, nói như Phùng Khắc Khoan, bắt đầu từ nghĩa, giữ vẹn “lễ”, lấy “tín” làm gốc và thường “kính” nhau:

義安何地不安居, 禮接誠交樂有餘.

交鄰便是信為本, 信德深惟敬作輿.

Nghĩa an hà địa bất an cư, Lễ tiếp thành giao lạc hữu dư.

Giao lân tiện thị tín vi bản, Tín đức thâm duy kính tác dư

Phùng Khắc Khoan, Mai Nam Nghị Trai túc thứ Triều Tiên quý quốc Lý sứ công thi vận) [60, 906].

(Mai Nam Nghị Trai kính họa theo thơ của sứ Triều Tiên họ Lý: Ở phải thì chỗ nào mà chẳng yên,/ Tiếp nhau theo lễ, giao du với nhau thật lòng nên vui có thừa./ Các nước láng giềng giao tiếp với nhau cốt giữ lấy chữ “tín”,/ Đến gần với đức thì chỉ có chữ “kính” là hay.)

Tóm lại, nghệ thuật ngoại giao tài tình của các sứ giả nhà thơ được phản ánh trong thơ đi sứ, theo chúng tôi nằm ở hai khía cạnh:

Một là tài năng của người sứ thần. Tài năng từ việc học rộng, biết nhiều, cho nên đủ sức dùng sở học của mình vượt qua những thử thách khó khăn của cuộc bang giao và khẳng định vị thế với bè bạn bốn phương. Ngoài ra, sứ giả luôn đặt lên hàng đầu tiêu chí mềm mỏng, nhu nhuyễn trong mọi cuộc bang giao. Phùng Khắc Khoan, Lưu Đình Chất, Đào Công Chánh hay Nguyễn Thực… đều làm rất tốt công việc ngoại giao và thể hiện rất rõ bản lĩnh, tài “chuyên đối”.

Thứ hai và cũng là chính yếu nhất, đó là tình người trên đường đi sứ. Suy xét đến cùng, mọi vần thơ gặp gỡ, tặng tiễn, tụng ca, thù tạc… của sứ thần nước ta và bè bạn bốn phương đều rất khéo léo, nhưng cái khéo không đi từ sự toan tính mà phát xuất từ tấm lòng tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Theo đó, mọi vấn đề ngoại giao tự nó vận động và phát triển theo hướng tốt đẹp, hòa hoãn.

Như vậy có thể nói, giá trị đầu tiên về mặt nội dung của thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII chính là nơi thể hiện nghệ thuật ngoại giao tài tình của sứ giả – nhà thơ. Cái tài của một sứ giả đối với vấn đề bang giao phức tạp, cái tình của những quân tử “thức chân quân tử”, không phân biệt, hồn hậu khi gặp nhau.

Một phần của tài liệu Thơ sứ trình trung đại việt nam thế kỷ xvi xvii diện mạo và giá trị (Trang 51 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)