Nỗi nhớ quê hương

Một phần của tài liệu Thơ sứ trình trung đại việt nam thế kỷ xvi xvii diện mạo và giá trị (Trang 70 - 77)

CHƯƠNG 2:THƠ SỨ TRÌNH TRUNG ĐẠI VIỆT NAM THẾ KỶ XVI – XVII NHÌN TỪ GIÁ TRỊ NỘI DUNG

2.2. Những xúc cảm phức hợp của các sứ giả – nhà thơ

2.2.3. Nỗi nhớ quê hương

Thơ đi sứ thế kỷ XVI – XVII hào hùng và cao giọng khi nói đến trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc, nhưng vẫn chất chứa nỗi nhớ mong quê nhà tha thiết, quay quắt.

Xa nhà, xa quê trong một khoảng thời gian dài khiến cho các sứ giả lúc nào cũng nhớ thương quê hương. Làm thơ là cách mà sứ thần lựa chọn để giải bày. Như tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc, nỗi niềm mong nhớ quê nhà, cũng được thể hiện ở nhiều khía cạnh và cũng đi từ một nguồn cảm xúc chung duy nhất:

Tình yêu nước. Khác chăng, nỗi niềm mong nhớ quê hương không có những nốt cao đầy hào sảng như khi sứ giả tự hào, không có những giai âm hừng hực như khi sứ thần nhận mệnh mà niềm mong nhớ quê nhà, sâu kín, thăm thẳm, tha thiết hơn.

Nhớ như một cung bậc cảm xúc thường tình của người lữ khách và điều khiến sứ thần nhớ thương đầu tiên chính là cha mẹ ở quê nhà:

起我思親千里念, 不堪回首白雲間.

Khởi ngã tư thân thiên lý niệm, Bất kham hồi thủ bạch vân gian.

Đặng Đề, Nhân lý dịch [60, 774]

(Trạm Nhân Lý: Ở ngoài ngàn dặm trỗi dậy lòng nhớ đấng thân,/ Nên chẳng dám ngoảnh đầu về khoảng trời mây trắng.)

暘谷遥瞻红日出, 太行劇望白雲飛.

Dương Cốc dao chiêm hồng nhật xuất, Thái Hàng kịch vọng bạch vân phi.

Vũ Cẩn, Hoàng Thạch Ky dịch [60, 731]

(Trạm Hoàng Thạch Ky: Xa trông Dương Cốc mặt trời mọc,/ Nhìn suốt Thái Hàng mây trắng vẫn bay.)

Hai sứ thần đều thể hiện nỗi nhớ cha mẹ quay quắt của mình bằng ảnh hình mây trắng. Dầu sử dụng điển cố nhưng cảm xúc không vì thế mà công thức, sáo mòn. Nếu Đặng Đề “bất kham hồi thủ” khi biết sau lưng mình là cả khoảng trời mây trắng, thì Vũ Cẩn lại càng thắm tình trong thế “kịch vọng” – nhì thấu vào khoảng không. Cả hai sứ giả đều nhớ mong cha mẹ, mà rộng ra là quê hương, dù có người chẳng dám ngoái đầu và có người tìm hoài nơi xa thẳm. Điển cố “mây trắng”

ở đây chỉ còn là có chức năng của sự gợi nhắc về cha mẹ, quê hương, chứ không có chức năng công thức hóa những xúc cảm chân tình và đau đáu ấy.

Sau nữa, nỗi niềm nhớ quê cũng chính là nhớ vua. Lòng trung có sự hô ứng và đối thoại cùng nhau, quấn quyện cùng niềm “tư thân”:

拜手虔將三歲幣, 回頭凝望五雲車.

Bái thủ kiền tương tam tuế tệ, Hồi đầu ngưng vọng ngũ vân xa.

Nguyễn Đình Sách, Sứ Bắc thuật hoài họa chánh sứ Thiên Mỗ Nguyễn Đường Hiên vận [61,162]

(Nói nỗi lòng mình khi đi sứ Trung Quốc, họa vận thơ của chánh sứ Nguyễn Đường Hiên, người Thiên Mỗ: Lòng thành mang cống phẩm ba năm dâng lên, chắp tay trước bệ ngọc,/ Ngoảnh đầu nhìn ngắm cổ xe năm sắc mây.)

Cặp câu luận trong bài thơ đối nhau hoàn chỉnh, diễn tả được sự đối lập trong cảm xúc của sứ thần. Đối với thiên tử chốn Yên Kinh, sứ thần một mực cẩn trọng, kính cẩn trong cái “bái thủ” – chấp tay cúi lạy, trong cách dùng từ “kiền tương” – kính đem. Đối với vua Nam, sứ thần vẫn không quên “hồi đầu” và vẫn trọn lòng với trong ánh nhìn “ngưng vọng”. Đem “bái thủ” đặt cùng “hồi đầu”, để thấy hết cái thiết tha thân tình trong ánh nhìn về vua Nam, về quê hương và cũng để thấy sự xa lạ, lễ nghi trong ảnh hình quỳ giữa ngôi cao chín bệ dâng phẩm vật.

Nỗi niềm mong nhớ quê nhà cũng rất thiết tha ở những vần thơ tiễn biệt. Sứ thần ngay từ khi “nhận mệnh phía đông gác phượng” biết chắc mình sắp phải xa quê hương, thì cũng là lúc nỗi nhớ mong quê nhà trào dâng:

手轡徐徐回首望, 長安咫尺五雲紅.

Thủ bí từ từ hồi thủ vọng,

Tràng An chỉ xích ngũ vân hồng.

Đào Nghiễm, Phượng thành tảo phát [60, 685]

(Sáng sớm ra đi từ Phượng thành: Tay nắm cương thong thả ngoái lại trông,/ Tràng An chỉ cách trong gang tấc, mây ngũ sắc đỏ rực.)

去去不堪回首望, 五雲深處是神京.

Khứ khứ bất kham hồi thủ vọng, Ngũ vân thâm xứ thị thần kinh.

Đặng Đề, Lạng Sơn thành hiểu phát [60, 775]

(Tảng sáng xuất phát từ thành Lạng Sơn: Mỗi bước đi chẳng dám ngoảnh đầu nhìn lại,/ Vì biết rằng chỗ thẳm xa dưới năm thức mây kia là đất đế đô.)

Không cần vạn dặm cõi ngoài, mịt mù sương gió thì lòng lữ khách mới nhớ quê, mà cuộc tiễn đưa với cái luyến lưu của nó, cũng khiến cho hành trình đi sứ khắc khoải. Hai câu thơ của Đào Nghiễm là hình ảnh tiễn biệt, nhiều điều tâm sự.

Cái “từ từ” của sứ giả tay nắm dây cương, đầu ngoái trông lại quê nhà bịn rịn, không nỡ cất bước, thể hiện cả tâm thế luyến lưu oằn nặng, và hay là ở chỗ, nó được giải bày cứ như thể sứ giả đang rất thong thả từ tốn. Còn Đặng Đề dường như

không có cả cái thư thái, cái can đảm ấy khi viết “Khứ khứ bất kham hồi thủ vọng”, vì biết sau lưng là quê hương, xứ sở mà mình sẽ phải cách xa một khoảng thời gian dài đằng đẵng.

Vũ Cẩn trong chuyến sứ sự khi vừa xuất phát ở phía sông Nhị Hà, thấy cảnh vật như thấm tình theo vạt áo trường chinh rực hồng ánh mai của mình:

江亭缱绻猶傾盖, 驛路區馳已止車.

Giang đình khiển quyển do khuynh cái, Dịch lộ khu trì dĩ chỉ xa.

Vũ Cẩn, Bắc sứ Nhị Hà sơ phát [60, 719]

(Xuất phát từ sông Nhị Hà, đi sứ Trung Quốc: Những chiếc lọng trên trạm tiễn bên sông như còn đang nghiêng nghiêng lưu luyến,/ Mà đoàn sứ bộ đã dừng xe trên đường trạm.)

Hình ảnh “khuynh cái” – nghiêng lọng khi dọc đường gặp nhau, được rút tách từ trong câu thành ngữ “Bạch đầu như tân, khuynh cái như cố”, ca ngợi những tình bạn đẹp đẽ. Trong bài thơ, hình ảnh ấy được sử dụng rất sáng tạo, tác giả mượn lấy cảm xúc tha thiết, bịn rịn vốn có trong đó để so sánh với sự “khiển quyển” chốn giang đình buổi tiễn biệt.

Nỗi niềm mong nhớ cũng rất thiết tha qua những giấc mộng hay những chung rượu tìm quên thực tại.

Đầu tiên là giấc mộng. Không ít sứ giả nằm mơ, và giấc mơ chung của họ, đó là hồi hương:

日馳北闕千程地, 兔夢南朝萬里天.

Nhật trì bắc khuyết thiên trình địa, Thố mộng nam triều vạn lý thiên.

Trần Lô, Quá quan thư hoài [60, 54]

(Qua cửa ải bày tỏ nỗi lòng: Ngày ruổi ngựa trên đường tới kinh đô phương Bắc, đất cách ngàn trùng,/ Đêm mơ triều đình cõi Nam, trời xa muôn dặm.)

一陣西風何處起, 好吹清夢到長安.

Nhất trận tây phong hà xứ khởi, Hảo xuy thanh mộng đáo Trường An.

Đào Nghiễm, Túc Pha Lũy dịch [60, 694]

(Nghỉ đêm ở trạm Pha Lũy: Một trận gió tây nổi lên từ chốn nào,/ Hãy thổi giấc mộng trong trẻo đến tận Trường An.)

行客歸心關不住, 夜隨清夢到長安.

Hành khách qui tâm quan bất trụ, Dạ tùy thanh mộng đáo Tràng An.

Đặng Đề, Dạ bạc Tiêu Than tân [60, 770]

(Đêm đậu thuyền bến Tiêu Than: Lòng muốn trở về của khách không cách gì giữ được,/ Đêm đêm theo giấc chiêm bao thanh thản, thả hồn về Tràng An.)

Rất nhiều sứ giả nằm mộng thấy gia hương xa ngái. Khi không gian và thời gian đằng đằng, khi sứ mệnh còn nặng trên vai sứ thần và sự nguy nan là chưa nói trước, sứ giả phải tìm đến giấc mộng để về nhà. Giấc mộng của Trần Lô trong đêm sâu, mong ước ngọn Tây phong chập chờn thổi giấc đến cung khuyết nhà vua của Đào Nghiễm là những câu thơ tha thiết bậc nhất.

Song suy cho cùng nằm mơ cũng chỉ là một cách nói, một cách bộc lộ tâm tư, nỗi niềm. Bởi khi nỗi nhớ nhà da diết, mấy ai đã ngủ được. Sự mong ngóng hồi hương của sứ giả đôi khi còn không cần giấc ngủ, Nguyễn Năng Nhượng đã viết:

客中鄉思那成夢, 案丄燈花不厭看.

Khách trung hương tứ na thành mộng, Án thượng đăng hoa bất yếm khan.

Nguyễn Năng Nhượng, Vũ tình dạ bạc [60, 760]

(Đêm mưa tạnh đậu thuyền ở bến Tiêu Than: Nỗi nhớ quê nơi đất khách khiến giấc mộng chẳng thành,/ Hai mắt chong chong nhìn hoa đèn trên án mãi.)

Nỗi niềm “hương tứ” khiến cho sứ thần khó mà nhập mộng, chong mắt nhìn vào “án thượng đăng hoa”. Câu hỏi không mong chờ lời đáp “na thành mộng” rõ ràng là một lời giải bày, mà trước hết là với chính bản thân mình. Phó từ “na” kéo gần mọi xúc cảm và khiến câu thơ như một lời nói: sao mà, sao có thể “thành mộng”.

Cùng song hành với nỗi nhớ nhà của sứ giả, ngoài cơn mộng mị ra, vẫn còn có rượu. Hình ảnh các sứ thần mượn rượu giải sầu là hình ảnh thường thấy. Rượu trước hết là để tìm quên:

何處漸香新杏粥, Hà xứ tiệm hương tân hạnh chúc,

誰家將換舊楡灰.

年光流轉應如此, 且樂餘春掌上杯.

Thùy gia tương hoán cựu du hồi.

Niên quang luu chuyển ưng như thử, Thả lạc dư xuân chưởng thượng bôi.

Đặng Đề, Khách trung hàn thực tác [60, 772].

(Tiết Hàn Thực trên đất khách: Đâu đây thơm lừng múi cháo hạnh vừa nấu,/

Nhà ai sẽ thay lớp tro củi gỗ du cũ./ Thời gian cứ lưu chuyển tuần hoàn như thế,/

Hãy vui với tiết xuân muộn mà cầm chén lên.)

Cặp câu luận được viết nên bởi hai câu hỏi: “Hà xứ” và “Thùy gia”. Trong bối cảnh của ngày tết xa quê, hai câu hỏi ấy tự thân đã mang đến cảm giác của sự cô đơn và nhất là khi đặt cùng hai hình ảnh ấm nồng không khí sum vầy “tân hạnh chúc” và “cựu du hôi”. Đó là niềm nhớ thương tha thiết và giọng thơ đầy sự khắc khoải. Nhưng đột ngột đến hai câu kết, giọng thơ có sự thay đổi, sứ giả bỗng điềm tĩnh trong cái kết luận “Thời gian cứ lưu chuyển như thế”, và hành động “Hãy vui với tiết xuân mà cầm chén”. Sự biến đổi ấy có chung rượu làm cái gạch nối, từ tỉnh táo, ý thức được nỗi cô đơn chuyển sang say sưa và quên đi thực tại.

Như giấc mơ đến và đi trong niềm mong nhớ, rượu cũng được rót ra từ nỗi niềm thương nhớ quê hương tha thiết, từ sự trống trãi, cho nên nếu giấc mơ có cái chới với của tiếng lòng lữ khách, thì cơn say lại có dư vị cô đơn. Những ảnh hình cạn chén, nâng ly trong vần thơ đi sứ, nghe ra bao trăn trở.

Sự nhớ mong, còn được thể hiện qua mong muốn chuyến đi hanh thông, mau sớm phục mệnh và hoàn thành nhiệm vụ để trở về quê hương của các sứ giả.

Những tâm tình mong muốn hồi Nam, công thành… cứ réo rắt suốt quãng đường sứ Hoa. Cố nhiên sự mong muốn nhiệm vụ hoàn thành thể hiện tinh thần trách nhiệm.

Tuy vậy, trong đó còn bao hàm cả tình yêu quê hương tha thiết được gói trọn bằng nỗi nhớ:

咫尺午門淺達後, 迴歧早早報歸期.

Chỉ xích ngọ môn tiên đạt hậu, Hồi kỳ tảo tảo báo qui kỳ.

Vũ Cẩn, Hồi Kỳ dịch [60, 728]

(Trạm Hồi Kỳ: Cửa kinh thành nhà vua chỉ còn trong gang tấc,/ Sau khi trình quốc thư, từ Hồi Kỳ hãy sớm định ngày về.)

天高枫陛澄瞻近, 日暖萱堂入望頻.

事濟功成還國早, 平安二字報君親.

Thiên cao phong bệ trừng chiêm cận, Nhật noãn huyên đường nhập vọng tần.

Sự tế công thành hoàn quốc tảo, Bình an nhị tự báo quân thân.

Nguyễn Thực, Phụng sứ đăng trình tự thuật [60, 1014]

(Tự thuật trên đường vâng mệnh đi sứ: Nhìn trời cao xa như có bệ phong gần gũi,/ Nắng ấm trông mây, ngỡ có hình mẹ già hiện trong mắt./ Mong công việc xong xuôi được về nước sớm,/ Đem hai chữ “bình yên” báo lên quân thân.)

Hai tiếng thơ của Vũ Cẩn và Nguyễn Thực đều có cái nôn nóng mau chóng xong sứ mệnh. Cái “tảo tảo” khi thấy “chỉ xích ngọ môn” của Vũ Cẩn và cái mong ước “hoàn quốc tảo” trong thơ Nguyễn Thực đều phát xuất từ sự nhớ mong. Có nhớ mong mới mang tâm thế khẩn trương, nóng ruột như thế. Mà suy đến cùng, sự nôn nóng đó đều là vì “Bình an nhị tự báo quân thân” mà thôi. Nếu hình dung từ trùng điệp “tảo tảo”, cách chơi chữ “hồi kỳ” rồi “quy kỳ” của Vũ Cẩn biểu hiện một cách rõ ràng mong ước cháy bỏng của ông thì những hình ảnh bệ phong, nắng ấm trong mây của Nguyễn Thực lại đưa nỗi mong ngóng ấy nhẹ nhàng và da diết hơn.

Tựu trung, nỗi nhớ mong, thể hiện trên nhiều vần điệu của cảm xúc. Nhớ mong rất rõ ràng trong sự quyến luyến khi chia tay lại rất tha thiết trong sự tìm quên khi nhấp chén, trong sự thoát ly cùng giấc đoàn viên, và trong sự mong ngóng ngày hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, có thể thấy rằng, cùng với tinh thần dấn thân tràn đầy trách nhiệm và lòng tự hào sâu sắc về bản thân, dân tộc thì lòng thương nhớ quê nhà cũng là một xúc cảm thường thấy trong thơ sứ trình hai thế kỷ XVI - XVII. Có điều, xúc cảm này luôn trong trạng thái tha thiết, da diết mà ít có sự lên gân hay cao giọng.

Tóm lại, khi nói đến luận điểm những xúc cảm phức hợp của các sứ giả – nhà thơ trong thơ sứ trình là chúng tôi đang muốn triển khai sự gắn kết một cách quấn quyện, chồng chéo các biểu hiện của lòng yêu nước. Cùng một mối là lòng

yêu nước, thương nhà này, nhưng sẽ có khi được biểu hiện bằng sự dấn thân, khi được biểu hiện bằng sự tự hào và cũng có khi, rất nhẹ nhàng và ưu tư, lòng yêu nước đích thị là nỗi nhớ mong.

Cho đến đây, mẫu hình sứ giả – nhà thơ phần nào được khắc họa rõ nét thông qua hai luận điểm ban đầu. Đó là:

Trong công cuộc bang giao, khi thực hiện công cán, hình ảnh sứ thần – nhà thơ trong thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII hiện lên là những con người rất mực bản lĩnh, thông minh, tài hoa. Và hơn hết, họ còn là những con người quảng giao, mong muốn kết bạn cũng như có một đời sống thái bình giữa các dân tộc. Tài năng và tình cảm ấy, luôn có sự bổ trợ, gắn kết với nhau, để tạo thành ảnh hình những sứ giả với nghệ thuật ngoại giao bậc thầy, góp phần không nhỏ trong việc ổn định bang giao.

Thông qua các sáng tác sứ trình trong thế kỷ XVI – XVII mà các tác giả với tư cách là một con dân, một sứ thần Đại Việt và cũng là một nhà thơ đầy sự mẫn cảm hiện lên trọn vẹn. Nơi họ có sự xông xáo, có sự dấn thân và có cả mong nhớ quê hương da diết, chân thành. Tất cả những điều đó phát xuất từ lòng yêu nước.

Hầu hết các tiếng thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII đều là những tiếng thơ “nói chí”

– cái chí một sứ thần, phục mệnh hết lòng, tự hào về quá khứ cha anh và một kẻ lữ du với tình nhà, tình quê luôn trăn trở.

Chính từ hai điều này, chúng tôi đi đến kết luận đầu tiên, giá trị của thơ sứ trình hai thế kỷ này xét về mặt nội dung, đó là phản ánh vào thơ ảnh hình của những mẫu hình sứ giả – nhà thơ cao đẹp, anh hùng và dạt dào tình cảm.

Một phần của tài liệu Thơ sứ trình trung đại việt nam thế kỷ xvi xvii diện mạo và giá trị (Trang 70 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)