CHƯƠNG 2:THƠ SỨ TRÌNH TRUNG ĐẠI VIỆT NAM THẾ KỶ XVI – XVII NHÌN TỪ GIÁ TRỊ NỘI DUNG
2.3. Bức tranh thiên nhiên trên hành trình của các sứ giả – nhà thơ
Giá trị nội dung của thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII, cũng như thơ đi sứ trước và sau đó, không chỉ là nơi thể hiện nghệ thuật ngoại giao tài tình của các sứ thần Đại Việt trong công cuộc bang giao, nơi lưu giữ lại hình ảnh rất đặc biệt của mẫu sứ giả – nhà thơ với những xúc cảm phức hợp, mà còn nằm ở việc tái hiện những bức tranh thiên nhiên suốt quãng dài phụng mệnh.
Vì tái hiện lại phong cảnh thiên nhiên nơi đất khách và những cảm xúc, rung động, chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong chuyến lữ du khi sứ giả đặt chân đến
những vùng đất ấy, cho nên mảng thơ thiên nhiên rất đặc biệt. Thông qua những vần thơ mô tả lại “nơi bắt đầu thế giới riêng của thơ Hoa trình” [71, 36] mà chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về chính con người của các sứ giả.
2.3.1. Những bức tranh thiên nhiên tươi sáng
Tiếng thơ sứ trình thế kỷ XVI – XVII không thiếu những câu thơ mượt mà dành khi ngâm nga, đề vịnh vầng trăng, ánh dương, một đêm neo thuyền hay một sáng khởi hành, một miền châu thổ hay một cõi núi rừng... Nhìn chung đại đa số đều là những bức tranh tươi sáng.
Nói đơn cử là ánh trăng, hình ảnh đi vào thi ca bao đời, qua ngòi bút của các sứ thần – nhà thơ vẫn nên thơ, đẹp đẽ và thanh tân. Bức tranh đêm thả thuyền trên sông dài, có trăng chiếu huyền diệu, có sương phủ khắp bãi nọ cồn kia mờ ảo của Đào Nghiễm rất đẹp:
月渚碧煙籠, 霜汀红葉薄.
Nguyệt chử bích yên lung, Sương đinh hồng diệp bạc.
Đào Nghiễm, Giang Châu tảo hành thứ ủy Quan Diêu Kinh Lịch thi vận [60, 690]
(Buổi sáng ra đi từ Giang Châu, họa vần thơ của viên quan được ủy nhiệm đón sứ là Diêu Kinh Lịch: Trăng chiếu trên bãi sông khói biếc mờ phủ,/ Cồn cát sương giăng, lá hồng bay lướt nhẹ.)
Đào Nghiễm rất khéo trong cách dùng từ “nguyệt chử” – bến trăng, như kéo vầng trăng xuống gần hơn hạ giới và khiến trăng trở nên đầy ắp trong không gian.
Càng khéo hơn nữa khi đem “bích yên”, “sương đinh” bao quanh vầng trăng ấy, tạo sự thơ mộng, mờ ảo thoáng gần thoáng xa cho bức tranh. Đến trạm Pha Lũy, khi ngoài kia là tiếng suối đêm róc rách, trong khuôn hình “bích thủy cánh thanh san” – nước xanh rồi lại núi xanh, Đào Nghiễm lại một lần nữa tạc trăng:
泉引瑶箏歸枕簟, 月將玉鏡住欄杆.
Tuyền dẫn dao tranh quy chẩm đạm, Nguyệt tương ngọc kính trụ lan can.
Đào Nghiễm, Túc Pha lũy dịch [60, 694]
(Nghỉ đêm ở trạm Pha Lũy: Suối đưa tiếng đàn ngọc về gối nệm,/ Trăng hắt ánh gương ngọc dừng lại ở lan can.)
Trăng trong ảnh hình này rất có hồn. Bằng nghệ thuật nhân hóa, nếu con suối đưa tiếng “dao tranh” về quanh gối nệm thì trăng hữu tình trong hành động
“tương kính ngọc” – đem ánh gương ngọc của mình “trụ” lại ở lan can.
Đào Công Chánh, Vũ Công Đạo trong chuyến Bắc hành của mình cũng mượn trăng làm thi hứng ngâm nga. Đào Công Chánh xướng lên trước tiên:
冰鏡昭然渾水色, 桂墀燦爾暎仙宮.
Băng kính chiêu nhiên hồn thủy sắc, Quế trì xán nhĩ ánh tiên cung.
Đào Công Chánh, chùm thơ Thu nguyệt thi [80, 225]
(Thơ trăng thu: Gương băng chiếu vào dòng nước đục,/ Cung quế rực hồng, hắt bóng chốn cung tiên.)
Chỉ một hình ảnh trăng in bóng xuống dòng nước mà sứ thần dụng công tả đến hai lần. Vì “quế trì” cũng là trăng, mà “tiên cung” trong ngữ cảnh này cũng là trăng, cho nên “quế trì xán nhĩ ánh tiên cung” là hình ảnh bóng trăng hòa hiệp “xán nhĩ” – tỏa sáng cùng vầng trăng. Cũng vậy, nếu so trăng là mảnh băng treo giữa trời trong “băng kính” thì “băng kính chiêu nhiên hồn thủy sắc” chẳng khác nào ánh băng trên trời và sắc nước dưới lòng sông cùng trộn lẫn trong thế “chiêu nhiên” – chiếu sáng lẫn nhau. Hai điểm nhìn cùng về một hiện tượng nhưng đầy sự gợi mở.
Viết nhiều về bức tranh thiên nhiên trên đường sứ, có lẽ phải kể đến Vũ Cẩn. Qua một trạm, đến một huyện, một vùng, ông đều có thơ đề vịnh phong cảnh nơi ông ghé chân. Tất cả đều là những bức tranh sơn thủy, hữu tình và sáng tươi.
Này là thành Bách Tính an bình, chim hót, bướm lượn, khe suối vờn quanh:
穿苔粉蝶深深見, 隔葉黄鸝哈哈啼.
Xuyên đài phấn điệp thâm thâm hiện, Cách diệp hoàng ly cáp cáp đề.
Vũ Cẩn, Tiểu Khê dịch [60, 737]
(Trạm Tiểu Khê: Xuyên qua đám rêu, từng con bướm trắng hiện xa xa,/
Chim hoàng oanh véo von kêu sau vòm lá.)
Đàn bướm trắng xuyên qua đám rêu và ẩn hiện xa xăm trong cách dùng từ
“thâm thâm hiện”, làm gợi nhớ đến một Khúc Giang của Đỗ Phủ cũng với hình ảnh bướm bay thoắt ẩn thoắt hiện trong hoa. Bên cạnh đó là chim hoàng oanh véo von sau vòm lá. Hai câu thực của bài thơ đối rất chuẩn và dùng hình ảnh đa dạng trong đó có cả thi liệu xưa, cho nên bức tranh có cái hài hòa, cân đối và nhiều đường nét cũng như sự liên tưởng.
Này là bến Kim Xuyên, trạm Phú Xuân đang vào độ chớm xuân, với ánh xuân “mãn mục tiền”, với “hồ trung thế giới đoạn tiêm trần”, sạch làu, thanh tân một cõi:
三更明月橫漁笛 萬里春風快客船
Tam canh minh nguyệt hoành ngư địch, Vạn lý xuân phong khoái khách thuyền.
Vũ Cẩn, Kim Xuyên dich [60, 738]
(Trạm Kim Xuyên: Tiếng suối làng chài vi vu suốt đêm dưới trăng sáng,/
Chiếc thuyền khách đi nhanh trong vạn dặm gió xuân.)
Thủ pháp đảo trang được sử dụng tinh tế khi miêu tả bức tranh thiên nhiên ở trạm Kim Xuyên. Tác giả không giản đơn mô tả tiếng sáo làng chài sẽ thổi suốt dưới trăng sáng và thuyền khách đi nhanh trong gió xuân vạn dặm. Mà ông đem
“tam canh minh nguyệt” – trăng sáng ba canh và “vạn lý xuân phong” – gió xuân vạn dặm đặt để ngay đầu câu nhằm nhấn mạnh cái hữu tình lẫn ngọc ngà, thanh tân của cảnh vật. Tự thân hai cụm danh từ ấy đã hoàn bị một bức sơn thủy, song sống động hơn, khi “ngư địch” vắt ngang qua trăng sáng và “khách thuyền” lướt êm trong gió xuân. Bức tranh đủ đầy và khó có thể thêm bớt hình ảnh, đường nét. Còn Phú Xuân thì:
塔對峥嶸簮掛玉, 樓重輝映扁題銀.
Tháp đối tranh vanh trâm quải ngọc, Lâu trùng huy ánh biển đề ngân.
Vũ Cẩn, Phú Xuân dịch [60, 743]
(Trạm Phú Xuân: Vài chiếc tháp đối diện nhau như những chiếc trâm đeo ngọc,/ Lầu cao điệp trùng sáng vằng vặc tựa biển bạc đề danh.)
Dùng hai hình dung từ “đối” và “trùng” để thấy cái thế lầu san sát lầu, tháp đối mặt tháp của phong cảnh trù phú nơi đây là cách dùng từ đặc biệt. Ngoài ra, với cách so sánh “trâm quải ngọc”, người ta hình dung ra được sự cao tột, lộng lẫy của tháp cao, cũng vậy đối với “biển đề ngân” sáng rỡ, người đọc tự cảm nhận được sự lóe sáng của lầu son chốn Phú Xuân.
Cô Tô hiện lên trong thơ ông hệt một bức tranh lộng lẫy, sang trọng mà lại rất thoát tục, an nhiên. Cả một cõi “sơn kỳ thủy tú” với giếng ngọc, lầu son. Cũng như nghe đâu đây trong chuyến viễn du của Vũ Cẩn qua miền Cô Tô, có tiếng chuông Hàn Sơn đêm “Cô Tô thành ngoại” mà Trương Kế đã từng có lần giật mình tỉnh giấc tang bồng khi nghe thấy:
山奇水秀美姑蘇, 雄跨三江古霸圖.
Sơn kỳ thủy tú mỹ Cô Tô, Hùng khóa tam giang cổ bá đồ.
Vũ Cẩn, Cô Tô dịch [60, 747]
(Trạm Cô Tô: Khen thay Cô Tô là nơi núi non kỳ lạ, sông nước đẹp tươi,/
Hùng mạnh cỡi lên ba dòng sông là cơ đồ bá vương xưa.)
Nguyễn Năng Nhượng trong chuyến sứ trình của mình vẽ lại khung cảnh trời xuân Thủy Khê vào lúc chiều tà. Cả không gian không vì cái “vãn cảnh”, mà thê lương ngược lại rất dịu dàng, bình yên và đầy sức sống. Bức tranh ấy, rỡ ràng trong bóng tuyết, trong ảnh hình hoa cài tóc núi, trong tiếng chim oanh rừng líu lo:
江天霽景雪低迷, 曉趂輕舟過小溪.
二月風光無限好, 山花爛熳野鶯啼.
Giang thiên tễ cảnh tuyết đê mê, Hiểu sấn khinh chu quá tiểu khê.
Nhị nguyệt phong quang vô hạn hảo, Sơn hoa lạn mạn dã oanh đề.
Nguyễn Năng Nhượng, Thủy Khê vãn cảnh [60, 763]
(Cảnh chiều Thủy Khê: Bầu trời trên sông quang tạnh, tuyết nhẹ nhàng bay,/ Buổi sớm đi chiếc thuyền nhẹ tới khe nước nhỏ./ Phong cảnh tháng hai vô cùng đẹp,/ Hoa trên núi nở rực rỡ, chim oanh nơi đồng nội véo von.)
Cách dùng từ trong bài thơ đầy hình ảnh và gợi nhiều liên tưởng. Chỉ hai từ
“Giang thiên” mà người đọc mường tượng được vòm trời xanh veo, phản chiếu qua
mặt nước phẳng lặng không gợn sóng. Không gian bức tranh ấy được điểm xuyết bằng vài đốm tuyết nhẹ nhàng, bằng hoa trên núi là đà rơi, chim oanh vàng líu lo sau kẽ lá. Cách nói “hiểu sấn khinh chu” cũng rất thú vị, đặt người đọc vào câu hỏi, ai đẩy thuyền qua suối? Một cách lãng mạn nhất, có thể ánh sáng đầu ngày đã “sấn”
con thuyền đến dòng suối nhỏ. Phong cảnh như thế, cảm xúc như thế khiến sứ thần phải thốt lên “Phong cảnh tháng hai vô cùng đẹp”.
Núi non được ví với mái tóc, từng mảng cây rừng, được vẽ như trâm cài, tiếng thơ sứ trình của Nguyễn Đình Sách khi đi trong trời tuyết ở An Túc:
四望平原如海浪, 遠山時復露青鬟.
Tứ vọng bình nguyên như hải lãng, Viễn sơn thời phục lộ thanh hoàn.
Nguyễn Đình Sách, An Túc tuyết hành [61, 167]
(Đi dưới trời tuyết ở An Túc: Trông bốn phía, đồng bằng như sóng biển,/
Dãy núi xa có lúc lại lộ ra một mảng, tựa như mái tóc xanh.)
Phong cảnh vào thơ Nguyễn Đình Sách thường đượm một màu xanh: xanh cây, xanh núi. Sắc xanh ấy, làm chuyến sứ trình đầy sức sống:
迢迢周道披青嶂, 泛泛平江帖綠波.
Thiều thiều chu đạo phi thanh chướng, Phiếm phiếm bình giang thiếp lục ba.
Nguyễn Đình Sách, Sứ Bắc thuật hoài họa chánh sứ thiên mỗ Nguyễn Đường Hiên vận [61, 163]
(Nói nỗi lòng mình khi đi sứ Trung Quốc, họa vận thơ của chánh sứ Nguyễn Đường Hiên, người Thiên Mỗ: Dằng dặc con đường lớn, choàng lên mình là những dải núi xanh,/ Lênh đênh trên dòng sông lặng, dẹp yên những làn sóng biếc.)
Thiên nhiên cũng có khi đọng lại trong lòng sứ thần những xúc cảm của sự vượt thoát, khơi dậy những tâm tình muốn vui hưởng điền viên, thú thoát tục. Ngắm cảnh chùa Phi Lai u tịch, Vũ Cẩn cũng hạ bút:
碧水丹山仙世界, 綠幡朱像佛樓臺.
Bích thủy đan sơn tiên thế giới, Lục phan chu tượng phật lâu đài.
Vũ Cẩn, Phi Lai tự [60, 729]
(Chùa Phi Lai: Nước biếc núi đỏ quả là thế giới thần tiên. Phướn xanh tượng son quả là lâu đài của Phật)
Cả một trời thần tiên, an nhiên được diễn tả dưới ngòi bút của Nguyễn Đăng khi ghé qua Phi Lai:
Hoa động mỉm cười tiễn khách Chim rừng đua hót chào xuân
(Nguyễn Đăng, Bài Phú chùa Phi Lai) [60, 1036]
Thiên nhiên, còn là nơi gửi gắm chí khí hùng anh nơi sứ thần. Sự dẻo dai cứng cỏi, kiên trinh của của thiên nhiên, tạo vật lúc này như một người thầy đào luyện ý chí bậc sĩ phu. Những cội tùng, nhành mai theo đó trở thành đề tài ngâm vịnh, và trở thành những bức tranh sống động, tươi sáng:
凌江驛下水淙淙, 見說凌公導此江.
松傲冬寒青入户, 梅和春暖白當牕.
Lăng Giang dịch hạ thủy xang xang, Kiến thuyết Lăng công đạo thử giang.
Tùng ngạo đông hàn thanh nhập hộ, Mai hòa xuân noãn bạch đương soang Nguyễn Năng Nhượng Lăng Giang dịch [60, 757]
(Trạm Lăng Giang: Dưới trạm Lăng Giang, dòng nước chảy cuồn cuộn,/
Nghe nói Lăng công là người khai sông này./ Cây tùng ngạo nghễ với tuyết lạnh tòa màu xanh vào tận cửa,/ Hoa mai hòa cùng hơi ấm mùa xuân trắng xóa bên song.)
Hình ảnh cây tùng do Đào Công xướng cũng rất ngạo nghễ với sương gió:
四時佳美儘稱長, 愛爾堅貞性獨剛.
地上生誠材冠楚, 天中特立節淩霜.
Tứ thời giai mỹ tận xưng trường, Ái nhĩ kiên trinh tính độc cương.
Địa thượng sinh thành tài quán sở, Thiên trung đặc lập tiết lăng sương Đào Công Chánh, Đông tùng thi [80, 226]
(Cội tùng mùa đông: Bốn mùa đều đẹp, mới tán tụng là dẻo dai. Mến đức kiên trinh một chẳng hai.Từ đất ươm mầm, cao hơn thảy những loài khác. Giữa trời riêng đứng, ngạo tiết sương)
2.3.2. Những bức tranh thiên nhiên u buồn
Thiên nhiên trong thi ca không phải là thứ thiên nhiên đơn nhất, thuần túy, mà được xây dựng trên nền chất liệu quan trọng là xúc cảm thi nhân. Thiên nhiên trong thơ sứ trình cũng thế. Bức tranh thiên nhiên, kì thật cũng chính là phông nền cho những tâm tình sâu kín, những ước mong của sứ giả – nhà thơ được gửi gắm, thổ lộ. Gam màu trong tranh thiên nhiên là gam màu xúc cảm của chính sứ giả. Thế nên, thiên nhiên trong thơ đi sứ, vừa là thiên nhiên ngoại giới được miêu tả trọn vẹn, vừa là thiên nhiên ứa đầy xúc cảm. Thiên nhiên và sứ thần đã cùng nhau đập những nhịp buồn, vui nên có bức sáng tươi thì cũng có bức u ẩn.
Cái buồn của sứ thần khi dặm trường đăng trình vẽ nên những bức tranh u buồn suốt đường đi sứ:
雲隨孤雁當空影, 風送寒猿報晚聲.
Vân tùy cô nhạn đương không ảnh, Phong tống hàn viên báo vãn thanh.
Đào Nghiễm, Tư Minh giang hành [60, 693]
(Đi thuyền trên đất Tư Minh: Mây theo cánh nhạn cô đơn trên không trung,/
Gió đưa tiếng vượn lạnh lùng báo chiều tối.)
Đào Nghiễm cô đơn, trống trải lúc du hành trên đất Bắc. Nỗi lòng đó khiến phong cảnh của ngày chèo thuyền qua đất Tư Minh cũng trống trãi và lạnh lùng.
Bức tranh được xây dựng trên nền của “cô”, “hàn”, của “vãn thanh”, “không ảnh”.
Và đặc biệt, tiếng vượn hú cùng bóng nhạn lẻ bầy thật sự mang nhiều ám gợi. Bức tranh thiên nhiên đồng thời là bức tranh tâm trạng.
Đặng Đề lại vẽ một bức tranh buồn khi neo đậu trên bến vắng, với đầy những nét bút chấm phá gợi sự tịch liêu, u ẩn của một chiều xuân muộn:
使舟春日泊萧灘, 積雨初晴氣尚寒.
傍水野鳬沙上見, 隔江漁火霧中看.
Sứ chu xuân nhật bạc Tiêu Than, Tích vũ sơ tình khí thượng hàn.
Bạng thủy dã phù sa thượng hiện, Cách giang ngư hỏa vụ trung khan.
Đặng Đề, Dạ bạc Tiêu Than Tân [60, 770]
(Đêm đậu thuyền trên bến Tiêu Than: Thuyền sứ ngày xuân đậu ở bến Tiêu Than,/ Mưa lâu vừa tạnh khi trời còn giá rét./ Kề mé nước, con vịt trời hiện trên bãi cát,/ Cách sông, ánh lửa chài lấp lóe trong sương mờ.)
Bức tranh sau cơn mưa, buồn thương và giá rét, không gian bị bao vây bởi
“khí thượng hàn”. Vài đốm “ngư hỏa” không làm không gian ấm hơn mà càng khiến cái giá lạnh sau mưa lan tỏa, mấy con vịt thấp thoáng bên mé nước gợi nhắc về sự đoàn viên, khiến tâm trạng sứ thần thêm cô đơn, hiu quạnh.
Thiên nhiên không phải lúc nào cũng xinh tươi, sáng sủa, cũng có khi, thiên nhiên trở thành sự thử thách vô cùng lớn đối với bước chân của sứ thần. Bức tranh thiên nhiên những khi ấy, u tối ảm đạm và ngán ngẩm:
石脚泥流狐懶涉, 樹頭雪凍鳥慵啼.
棘薪欲喚樵夫採, 荻烛曾追槓子迷.
Thạch cước nê lưu hồ lãn thiệp, Thụ đầu tuyết đống điểu dung đề.
Cức tân dục hoán tiều phu thái, Địch chúc tằng truy cống tử mê.
Nguyễn Đình Sách, Tín Dương Sơn Hành [61,164]
(Đi đường núi ở Tín Dương: Chân núi đầy bùn, đến con cáo cũng ngại lội qua,/ Ngọn cây tuyết bám, đến con chim cũng biếng kêu./ Gai góc nhiều muốn gọi tiều phu đến đốn,/ Những ngọn đuốc lau chạy theo kẻ gồng gánh làm họ hoa cả mắt.)
Hình ảnh so sánh của bài thơ cực kỳ giàu hình tượng. Nếu sự nhân hóa “hồ lãn điệp” và “điểu dung đề” khiến người đọc hình dung được cái khó khăn của đoạn đường mà sứ giả phải đi qua, thì cách nói “địch chúc” – đuốc sậy làm lóa mắt kẻ gánh gồng, “cức tân” – củi gai đầy núi muốn gọi người đến đốn như càng nhấn mạnh thêm sự khổ cực của con đường núi ấy. Có thể nói, bức tranh Tín Dương toàn những tính từ lạnh lẽo, hoang vu và làm lòng người ái ngại cất bước.
Trong nhiều nỗi niềm thì tư gia, tư thân là nỗi niềm dễ bắt gặp nơi sứ thần.
Cho nên, có những bức tranh nhân ngày đoàn viên, mà đăc biệt là tết đoan ngọ, dù ngâm nga sự vui tươi, ấm cúng, nhưng giọng thơ lại rất buồn. Cái buồn lữ thứ:
娟娟戲蝶隨風過, Quyên quyên hí điệp tùy phong quá,