Chương II. Những vấn đề chung về giáo dục trẻ khiếm thị
2.1. Sự phát triển của giáo dục trẻ khiếm thị
2.1.1. Giáo dục trẻ khiếm thị trên thế giới
Lịch sử của giáo dục trẻ khuyết tật đã trải qua nhiều giai đoạn trong lịch sử của loài người.
Ở Châu Âu, trong giai đoạn trước thế kỷ thứ V, trẻ khuyết tật không được chấp nhận và người ta sẵn sàng giết chết theo quyết định của trưởng bộ lạc.
Thế kỉ V-XV, người ta cho rằng trẻ khuyết tật là đại diện của quỉ dữ, cần phải tiêu diệt (bỏ tù hoặc thiêu trên giàn lửa).
Thời kỳ Phục hưng (Thế kỉ XV-XVII), các cuộc đấu tranh về bản chất thực của con người cùng với các hoạt động tâm lý đã mang tới quan điểm nhân ái hơn đối với những người có khiếm khuyết về thể chất và tinh thần.
Trường dạy trẻ khiếm thị đầu tiên trên thế giới được hình thành tại Pháp vào năm 1784 do Valentin Hauy thành lập. Đây là trường dạy trẻ khiếm thị đầu tiên vì đã có chương trình học tập văn hoá như trường phổ thông, kết hợp việc học nhạc với học nghề. Quan điểm giáo dục trẻ khiếm thị giai đoạn này đã có nhiều tiến bộ, như V.Hauy đã khẳng định: "Tôi sẽ dạy cho những đứa trẻ của tôi biết đọc, biết viết và biết sống độc lập...". Ông cũng là người thành lập trường dành cho người khiếm thị đầu tiên tại Sanh Pêtécbua, Nga vào năm 1806. Các trường dành cho người khiếm thị sau đó được thành lập tại
Liverpool, Anh vào năm 1791, Áo năm 1804, Berlin, Đức - 1806. Tại Moritzburg, Đức vào năm 1861, trường mầm non đầu tiên dành cho trẻ mù được thành lập. Trẻ khiếm thị được tiếp nhận vào học trong trường phổ thông được ghi nhận đầu tiên tại Chicago, Mỹ, năm 1900. Cũng tại Mỹ, các trường dành cho trẻ nhìn kém được thành lập tại Boston vào năm 1913 và Califonia vào năm 1924. Trong các trường dạy cho người khiếm thị, ngoài học văn hóa, học sinh còn được hướng nghiệp và dạy nghề. Như vậy, hệ thống giáo dục trẻ khiếm thị được hình thành và hoàn thiện ở mọi bậc học ngay từ nửa đầu của thế kỉ XX.
Quyển sách chữ nổi đầu tiên dành cho người mù được in tại Paris vào năm 1786. Thời gian này, chữ nổi được dùng là chữ đen được in nổi lên với kích thước to hơn bình thường. Người đưa hệ thống chữ nổi được mã hoá theo các chấm đầu tiên là người sáng mắt quan tâm đến chữ viết của người mù. Ông là Sác-lơ Bác-biê (1767-1841) một đại uý quân đội có nhiều nghiên cứu về chữ viết nhanh và bí mật dùng cho quân sự, ngoại giao. Từ kinh nghiệm của mình, Sác-lơ Bác-biê chuyển các kí hiệu dùng cho quân sự, ngoại giao sang để sử dụng phù hợp cho người mù. Đó là ký hiệu 12 chấm nổi xếp theo 2 hành dọc, mỗi hàng 6 chấm. Chữ nổi của ông có thể nói cách khác là âm thanh kí Sác-lơ Bác-biê vì nó không sắp xếp theo ký tự bảng chữ cái mà theo các ghép âm.
Khoảng cách giữa các chấm nổi thời Sác-lơ Bác-biê (2,25mm) hơi bé và gây khó khăn nhất định cho người mù, tuy vậy, nó cũng đã gần bằng như khoảng cách chữ nổi người mù hiện nay đang sử dụng (2,4-2,5mm). Sác-lơ Bác-biê cũng chế tạo ra bảng và dùi viết cho người mù.
Chữ nổi ngày nay người mù trên toàn thế giới sử dụng là do Lui Braille (1809-1852), một người mù Pháp sáng tạo dựa trên mô hình hệ thống chữ nổi của Sác-lơ Bác-biê vào năm 1829. Lui Braille đã qui định các chấm nổi như sau: Phía bên tay trái, tính từ trên xuống lần lượt là các chấm số 1, số 2 và số 3.
Bên tay phải, cũng tính từ trên xuống lần lượt là các chấm số 4, số 5 và số 6. Sự thay đổi số lượng và vị trí các chấm có thể xây dựng được 63 ký hiệu. Với 63 ký hiệu cùng các qui định về ký hiệu tiền tố có thể mã hoá được toàn bộ ký hiệu của các chữ cái, chữ số, các ký hiệu của toán học và âm nhạc.
Chữ Braille không phải là thứ chữ ghi âm, mà là kiểu chữ chính tả, viết đúng như người sáng viết, có dấu viết hoa, dấu chấm câu, có quy định viết chữ số, dấu toán học... nội dung nhiều như vậy, nhưng ký hiệu lại ít chấm hơn, gọn nhẹ hơn. Đây không phải cải tiến đơn thuần mà là cải tổ, phát minh, sáng tạo.
Với phát minh này mà người mù cho đến tận ngày nay vẫn sử dụng để học tập và nghiên cứu mọi vấn đề trong đời sống xã hội.
Hệ thống kí hiệu Braille ra đời đã mở một thời kì mới cho lịch sử giáo dục trẻ khiếm thị. Các nhà giáo dục đã chú ý xây dựng chương trình, mục tiêu giáo dục cụ thể cho trẻ khiếm thị. Các phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ khiếm thị cũng được đề cập nhiều hơn.
Cùng với sự phát triển của xã hội và sự phát triển của nền giáo dục phổ thông, giáo dục trẻ khiếm thị cho đến nay đã bắt kịp giáo dục phổ thông.
Mục tiêu giáo dục do UESSCO đưa ra là:
Giáo dục cho trẻ học:
+ Để biết + Để làm
+ Để làm người
+ Để cùng chung sống
Bởi vậy, giáo dục trẻ khiếm thị không thể nằm ngoài mục tiêu chung ấy.
Giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật trong cộng đồng. Giáo dục trẻ khiếm thị trong lớp học phổ thông là xu thế chung hiện nay.
2.1.2. Giáo dục trẻ khiếm thị ở Việt Nam
Nhìn lại lịch sử giáo dục trẻ khuyết tật, nếu như thực tế giáo dục đặc biệt được hình thành và phát triển khá sớm ở Châu Âu, thì ở Việt Nam lại xuất hiện muộn. Trường dạy trẻ điếc đầu tiên ở Việt Nam được thành lập năm 1896 ở Thuận An (Bình Dương) do linh mục người Pháp tên là Azemar khởi xướng.
Năm 1954, tại Hà Nội, thành lập một cơ sở dạy trẻ điếc theo phương pháp thủ ngữ điệu bộ.
Đầu những năm 1970, tại Viện tai – mũi - họng bệnh viện Bạch Mai đã mở thêm cơ sở dạy cho 12 trẻ điếc do giáo sư – bác sĩ Trần Hữu Tước chủ trì.
Năm 1974, Ban nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật - tiền thân của Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật được thành lập với đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên môn sâu về tật học, thực hiện chức năng nghiên cứu lí luận và triển khai công tác giáo dục trẻ khuyết tật trong cả nước.
Từ năm 1976 đến năm 1990, một số cơ sở dạy trẻ điếc, trẻ mù và trẻ chậm phát triển tinh thần hình thành theo hướng chuyên biệt thu hút khoảng 4000 trẻ khuyết tật vào học. Do những hạn chế của mô hình giáo dục này nên số lượng trẻ được đến trường rất hạn chế, đồng thời những chi phí trong đào tạo
là rất tốn kém. Như vậy, phần lớn trẻ khuyết tật không được đến trường và nguy cơ trở thành gánh nặng cho gia đình, cộng đồng xã hội là dễ dàng xẩy ra.
Trường dạy học trẻ khiếm thị đầu tiên đã xuất hiện vào năm 1903 đặt tại bệnh viện Chợ Rẫy - Sài Gòn. Năm 1926 trường học sinh mù Sài gòn được thành lập, đến năm 1976 trường được đổi tên thành trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP. Hồ Chí Minh. Năm 1954 thành lập trường dành cho nữ sinh khiếm thị, và năm 1958 thành lập trường dành cho nam sinh khiếm thị.
Ở miền Bắc, cũng thành lập một cơ sở dạy người khiếm thị ở số 55 phố Quang Trung vào năm 1943. Năm 1954 thành lập trường dạy chữ nổi Braille cho thương binh khiếm thị và năm 1960 có một cơ sở bổ túc văn hoá cho thanh niên khiếm thị.
Mục tiêu của các trường dạy trẻ khiếm thị giai đoạn này chủ yếu là dạy phục hồi chức năng, các môn văn, toán và học nghề thủ công đơn giản.
Các trường áp dụng những phương pháp dạy học riêng biệt, không thống nhất. Hệ thống chữ viết được dịch từ chữ Braille Pháp ngữ sang chữ Braille Việt ngữ. Khi sử dụng, mỗi trường lại có sự thay đổi, do đó chữ viết Braille giữa các trường còn tồn tại nhiều điểm không thống nhất.
Về tổ chức: Các trường thành lập trước năm 1954 chủ yếu do các tổ chức từ thiện, cá nhân đứng lên thành lập hoặc hình thức bán công. Giáo viên của các trường chủ yếu là những người làm việc từ thiện (tu sĩ công giáo, ..) và giáo viên hỏng mắt.
Năm 1982, UBND Thành phố Hà Nội quyết định thành lập trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội. Trường được tổ chức CBM (Chistopher Blind Mision) của Đức tài trợ xây dựng thành trường lớn ở Hà Nội dạy chuyên biệt và dạy hoà nhập cho trẻ khiếm thị.
Năm 1992, ở Đà Nẵng cũng thành lập trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho trẻ khiếm thị. Cho đến nay, cả nước ta đã có rất nhiều cơ sở dạy trẻ khiếm thị ở nhiều tỉnh thành. Điều này tạo cơ hội cho trẻ khiếm thị được phát triển toàn diện, hoà nhập với cộng đồng.
Các trường dành cho trẻ khiếm thị được thành lập và thuộc quyền quản lí của cơ quan nhà nước đã tạo cơ hội cho trẻ khiếm thị được học tập trong điều kiện tốt hơn.
Mục tiêu của các trường không chỉ nhằm phục hồi chức năng mà mục tiêu quan trọng là dạy văn hoá cho trẻ, qua đó dạy nghề cho các em, dạy cho các em cách sống độc lập trong cộng đồng.
Chương trình dạy trẻ khiếm thị cũng đã được xây dựng, phù hợp với mục tiêu và khả năng của trẻ. Quá trình dạy học đã vận dụng nhiều phương pháp dạy học phù hợp với học sinh.
Một số giải pháp cho giáo dục trẻ khiếm thị Việt Nam
- Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng xã hội (cá nhân, ban ngành, tổ chức ...) đối với trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thị nói riêng;
- Thực hiện xã hội hoá giáo dục;
- Thực hiện luật giáo dục của nhà nước và Công ước về quyền trẻ em.
- Đào tạo giáo viên dạy trẻ khiếm thị trên toàn quốc (trước mắt là đào tạo đội ngũ giáo viên cho các trường CĐSP);
- Tạo cơ sở vật chất và phương tiện dạy học cần thiết cho thầy, trò, thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ khiếm thị;
- Có cơ chế, chính sách cho việc dạy và học cho trẻ khiếm thị tương xứng với các loại hình giáo dục: chuyên biệt và hoà nhập;
- Cần có hệ thống tổ chức, quản lý nhà nước về giáo dục trẻ khuyết tật nói chung, trẻ khiếm thị nói riêng.