Chương II. Những vấn đề chung về giáo dục trẻ khiếm thị
2.4 Quản lý giáo dục hòa nhập trẻ khiếm thị
2.4.1. Quan niệm về quản lý GDHN trẻ khiếm thị (QLGDHN)
Hoạt động QLGDHN trẻ khiếm thị là sự điều hành phối hợp các lực lượng cộng đồng nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ khiếm thị theo mục tiêu chung của UNESCO "Học để biết, học để làm việc, học để làm người và học để cùng chung sống".
2.4.2. Quản lý GDHN trẻ khiếm thị ở cấp huyện
Để GDHN trẻ khiếm thị có hiệu quả cao, quản lý thực hiện theo nội dung và phương pháp sau:
- Trưởng hoặc Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp phụ trách công tác GDHN trẻ khuyết tật nói chung, trẻ khiếm thị nói riêng.
- Cử chuyên viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo phụ trách những đầu việc chính của chương trình (Một chuyên viên Giáo dục mầm non phụ trách GDHN ở ngành học mầm non, một chuyên viên Giáo dục Tiểu học phụ trách GDHN ở bậc tiểu học, một chuyên viên phụ rách Trung học cơ sở...)
- Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ - giáo viên chủ chốt. Đó là những cán bộ quản lý và giáo viên có năng lực chuyên môn, nhiệt tình và tâm huyết với GDHN.
- Tổ chức các lớp chuyên đề về phương pháp dạy học hòa nhập trẻ khiếm thị: điều chỉnh nội dung chương trình cho trẻ khiếm thị; cách tổ chức lớp học hòa nhập; tập huấn về kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ mù.
- Tổ chức thao giảng dạy học hòa nhập nhằm chia sẻ kinh nghiệm về cách tổ chức lớp học, điều chỉnh nội dung chương trình và vận dụng các phương pháp dạy học.
- Tổ chức cho cán bộ giáo dục đi tham quan, giao lưu với các địa phương có phong trào GDHN tốt để học hỏi kinh nghiệm.
- Hàng năm, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về GDHN và nhân rộng các điển hình tiên tiến về công tác GDHN trẻ khuyết tật.
2.4.3. Quản lý GDHN trẻ khiếm thị cấp trường (xã).
Quản lý hoạt động GDHN trẻ khiếm thị cấp trường - xã theo chức năng như sau:
- Hội đồng giáo dục cấp xã có chức năng quyết định các chủ trương lớn về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật nói chung, trẻ khiếm thị nói riêng.
- Tập hợp các lực lượng trong cộng đồng tham gia hỗ trợ GDHN trẻ khiếm thị.
- Định hướng và lập kế hoạch hỗ trợ nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục cho mọi trẻ em ở cấp xã.
Nhà trường là đầu mối, thiết lập các mối quan hệ với các ban ngành đoàn thể các lực lượng cộng đồng cho mục tiêu thực hiện GDHN tại địa phương.
Nhà trường tham mưu với chính quyền địa phương đề ra những chủ trương, chế độ, chính sách về GDHN trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thị nói riêng.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu GDHN trẻ khiếm thị của nhà trường, thì vai trò của hiệu trưởng và đặc biệt là giáo viên trực tiếp dạy học trẻ khiếm thị là rất lớn, trực tiếp tác động đến hiệu quả GDHN.
Hiệu trưởng nhà trường không chỉ nhận thức đúng mà còn phải nắm vững qui trình triển khai giáo dục hòa nhập và biết cách khai thác sức mạnh của cả cộng đồng.
Hiệu trưởng phân công cụ thể từng việc cho từng giáo viên, thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổ chức đánh giá việc thực hiện kế hoạch giảng dạy của giáo viên.
Giáo viên trực tiếp giảng dạy có các chức năng sau:
Lập kế hoạch giáo dục cá nhân trẻ khiếm thị điển hình.
Tổ chức và điều hòa các hoạt động học của học sinh, đặc biệt là hợp tác nhóm.
Theo dõi quá trình phát triển của từng trẻ trong lớp đặc biệt là trẻ khiếm thị để điều chỉnh các hoạt động dạy học.
Thiết lập và duy trì mối quan hệ với gia đình, với các lực lượng cộng đồng tham gia hỗ trợ trẻ khiếm thị, với các bạn đồng nghiệp để thực hiện tốt công tác giáo dục hòa nhập.