Chương II. Những vấn đề chung về giáo dục trẻ khiếm thị
2.3. Cộng đồng hỗ trợ giáo dục trẻ khiếm thị
Cộng đồng là cái nôi giúp trẻ khiếm thị phát triển về thể chất và tinh thần, đồng thời là nơi trẻ gắn bó, đóng góp sức mình và thể hiện mình như một thành viên chính thức, bình đẳng.
Tạo cơ hội cho trẻ khiếm thị có quyền được đi học và học chung với trẻ em bình thường trong trường phổ thông trên địa bàn trẻ sinh sống. Đồng thời, tạo cơ hội cho trẻ khiếm thị được học tập, vui chơi, lao động và tham gia vào các hoạt động xã hội phù hợp với khả năng của trẻ.
Tạo cơ hội cho trẻ khiếm thị lớn tuổi được tham gia vào các cơ sở sản xuất của địa phương để trẻ được thử sức mình và gây cho trẻ hứng thú với những việc làm phù hợp với bản thân.
2.3.2. Phối hợp các lực lượng cộng đồng hỗ trợ trẻ khiếm thị 2.3.2.1. Gia đình
Chức năng cơ bản của gia đình là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ tại gia đình. Với trẻ em bình thường nhiều gia đình đã biết cách nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con em tại nhà nhờ tiếp thu được nguồn tri thức qua các phương tiện thông tin, như: sách, báo, đài, vô tuyến truyền hình... Nhưng với trẻ khiếm thị, cha mẹ trẻ có thể còn thiếu hiểu biết về việc nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục trẻ. Vì vậy, khi sinh ra đứa trẻ bị khiếm thị, nhiều người cha - mẹ thường bi quan, chán nản, không tin tưởng vào khả năng phát triển con em mình sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Có gia đình quá nuông chiều trẻ, làm thay và đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ dẫn đến trẻ trở thành ích kỷ và lười biếng. Ngược lại, có gia đình bỏ rơi trẻ, không chăm sóc, không giáo dục.
Một số gia đình tuy có chăm sóc và giáo dục nhưng thường chưa đúng phương pháp hoặc không phù hơp.
Tóm lại, nhiều gia đình chưa biết nuôi dạy trẻ khiếm thị đặc biệt là trẻ mù.
Để cha mẹ trẻ khiếm thị biết chăm sóc và giáo dục cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng và pháp pháp chăm sóc và giáo dục trẻ. Có nhiều cách để tiếp cận nguồn thông tin, như: qua các tài liệu phổ biến kiến thức, gặp các nhà chuyên môn như bác sĩ, giáo viên để được tư vấn, gặp gỡ, trao đổi với các gia đình có con cùng cảnh ngộ để chia xẻ kinh nghiệm nuôi...
2.3.2.2. Nhà trường
Chức năng chủ yếu của nhà trường là trực tiếp giáo dục trẻ nhằm phát triển con người toàn diện: đức, trí, thể, mỹ và lao động. Để công tác, giáo dục trẻ khiếm thị đạt hiệu quả cao nhà trường cần phối kết hợp với y tế trong việc chăm sóc sức khỏe và được tư vấn về vệ sinh mắt và bảo vệ mắt trong quá trình tham gia các hoạt động của nhà trường. Liên hệ chặt chẽ với gia đình, hướng dẫn và tư vấn cho gia đình các biện pháp chăm sóc và giáo dục trẻ nhà,.như:
biện pháp rèn luyện kỹ năng định hướng, di chuyển, vận động; biện pháp rèn luyện kỹ năng lao động và lao động tự phục vụ...
2.3.2.3. Tổ chức chính quyền
Thực hiện chức năng tổ chức, quản lý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào khác.
Chỉ đạo, điều hành các tổ chức chính trị, kinh tế- xã hội tại địa phương tham gia GDHN trẻ khiếm thị.
Đề ra những chủ trương chính sách hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khiếm thị. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khiếm thị phát triển tối đa khả năng và đáp ứng nhu cầu của trẻ ở mức độ tốt nhất.
2.3.2.4. Các ngành chức năng và chính sách đoàn thể quần chúng.
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của các ban ngành, đoàn thể mà tham gia hỗ trợ trẻ khiếm thị.
Ví dụ: Ngành y tế có chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng trong đó có trẻ khiếm thị như: tiêm chủng mở rộng, khám chữa bệnh định kỳ, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, sử dụng và bảo vệ đôi mắt trẻ thơ, phục hồi chức năng định hướng, di chuyển phục hồi chức năng lao động.
Ngành lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đầy đủ pháp lệnh về người tàn tật, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ khiếm thị.
Các ngành và các đoàn thể quần chúng khác ngoài chức năng, nhiệm vụ chủ yếu còn có thể tham gia hỗ trợ trẻ khiếm thị bằng cách tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng hiểu rõ ý nghĩa mục đích tác dụng của GDHN trẻ
khiếm thị. Đồng thời tham gia vận động, quyên góp tiền của và vật chất hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ khiếm thị.
2.3.2.5. Tổ chức các lực lượng cộng đồng hỗ trợ trẻ khiếm thị.
a) Nhóm cộng đồng hỗ trợ GDHN trẻ khiếm thị
- Mục tiêu hoạt động: Giúp trẻ khiếm thị phát huy hết khả năng của mình và đáp ứng nhu cầu được chăm sóc, giáo dục như mọi trẻ em trong xã hội một cách thiết thực và có hiệu quả.
- Nguyên tắc hoạt động của nhóm cộng đồng hỗ trợ trẻ khiếm thị:
+ Chấp nhận trẻ và gia đình trẻ khiếm thị
+ Để trẻ và gia đình trẻ khiếm thị được tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhu cầu cần được đáp ứng.
+ Quyền tự quyết của trẻ và gia đình trẻ khiếm thị.
+ Tôn trọng trẻ và gia đình trẻ khiếm thị.
- Thành phần tham gia nhóm cộng đồng hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ khiếm thị:
+ Chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã hoặc trưởng thôn làm nhóm trưởng.
+ Hiệu trưởng hoặc hiệu phó trường phổ thông.
+ Giáo viên tiểu học trực tiếp dạy trẻ khiếm thị.
+ Phụ huynh hoặc người đỡ đầu trẻ khiếm thị.
+ Đại diện của các hội (hội phụ nữ, hội thanh niên...) + Đại diện của những người tình nguyện trong làng, xã.
+ Đại diện của các bạn bè cùng lớp.
- Các bước tiến hành thành lập nhóm cộng đồng (tình nguyện) hỗ trợ GDHN trẻ khiếm thị.
+ Bước 1: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về lợi ích của GDHN trẻ khiếm thị. Trong đó cần nêu rõ quyền được học tập của trẻ khiếm thị, quyền được tham gia mọi hoạt động của cộng đồng và nêu rõ khả năng và nhu cầu của trẻ khiếm thị không thua kém trẻ bình thường.
+ Bước 2: Phát hiện những nhân tố tích cực để vận động vào nhóm cộng đồng hỗ trợ trẻ khiếm thị.
Người có uy tín, có trách nhiệm, có năng lực và có nhiệt tình.
Người có kỹ năng truyền thông, giao tiếp tốt.
Người có khả năng phát biểu, nói lên tiếng nói thay cho trẻ và gia đình trẻ khiếm thị
Người giám đấu tranh vì lợi ích của trẻ và gia đình trẻ khiếm thị
Người có nhiều thời gian dảnh dỗi và có lòng từ thiện, bác ái.
+ Bước 3. Thành lập nhóm cộng đồng hỗ trợ trẻ khiếm thị dựa trên cơ sở phát hiện những nhân tố tích cực trong các thành phần nêu trên. Sau đó bao cáo chính quyền ra quyết định công nhận.
+ Bước 4. Bồi dưỡng năng lực tham gia GDHN trẻ khiếm thị cho các thành viên của nhóm cộng đồng hỗ trợ trẻ khiếm thị.
Bồi dưỡng kỹ năng tham gia GDHN trẻ khiếm thị theo hình thức tập huấn ngắn hạn. Nội dung tập huấn bao gồm: cộng đồng và trẻ khuyết tật; các hình thức giáo dục trẻ khuyết tật; các văn bản pháp qui trong nước và quốc tế về giáo dục cho mọi người; quy trình giáo dục hòa nhập; cộng đồng tham gia giáo dục hòa nhập.
+ Bước 5. Xây dựng chương trình hỗ trợ trẻ khiếm thị.
Trong bước này, nhóm cộng đồng cùng gia đình tìm hiểu khả năng và nhu cầu của trẻ khiếm thị. Trên cơ sở những nhu cầu đã tìm hiểu được xác định rõ nhu cầu nào cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Từ đó xây dựng mục tiêu và lập kế hoạch hỗ trợ trẻ khiếm thị. Trong kế hoạch cần đảm bảo những yếu tố cơ bản sau: thời gian, nội dung hoạt động, biện pháp thực hiện, người chịu trách nhiệm, kết quả mong muốn, đánh giá.
+ Bước 6. Đánh giá việc thực hiện kế hoạch của nhóm.
Sau một giai đoạn nhất định nhóm cần họp lại và đánh giá rút kinh nghiệm xem những nội dung nào làm tốt, nội dung nào còn hạn chế cần khắc phục cho giai đoạn tới. Đồng thời cũng đánh giá xem thành viên nào tích cực và có lợi cho việc hoạt động của nhóm cần đề nghị ban điều hành động viên khen thưởng kịp thời.
+ Bước 7. Củng cố tổ chức nhóm.
Thường xuyên củng cố nhóm và phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm của mỗi cá nhân thông qua các cuộc họp. Thông qua các lớp tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm của các nhóm làm tốt ở địa phương mình và địa phương bạn.
- Nội dung hoạt động của nhóm cộng đồng hỗ trợ trẻ khiếm thị.
+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đông hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của GDHN trẻ khuyết tật nói chung, trẻ khiếm thị nói riêng.
+ Đề xuất với ban điều hành và nhà trường miễn giảm đóng góp tiền xây dựng trường học và đóng góp khác trong thôn, xã; hỗ trợ cho trẻ khiếm thị đặc biệt là trẻ mù thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp hàng tháng tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thực tế của địa phương.
+ Tư vấn cho cha mẹ trẻ khiếm thị về:
Cách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc giữ gìn thị giác cho trẻ.
Phương pháp hướng dẫn giúp đỡ trẻ học tập ngoài giờ học ở lớp.
Thái độ và cách ứng cư xử của trẻ .
Phương pháp tổ chức và tổ chức các hoạt động vui chơi với các bạn phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Hướng dẫn trẻ tự chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày.
Cách luyện tập định hướng, di chuyển và vận động.
Nội dung và phương pháp tìm hiểu khả năng và nhu cầu của trẻ.
Cách theo dõi sự tiến bộ của trẻ.
Trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con với các phụ huynh khác có con cùng cảnh ngộ.
+ Tìm nguồn lực hỗ trợ trẻ em và gia đình trẻ khiếm thị.
Quyên góp gây quĩ từ thiện giúp đỡ trẻ khiếm thị.
Quyên góp quân áo cũ, bìa vở, lịch cũ giúp trẻ khiếm thị.
Vận động người tham gia đưa đón và luyện tập định hướng và di chuyển trong không gian...
b) Tổ chức vòng bạn bè hỗ trợ trẻ khiếm thị
- Mục tiêu hoạt động của vòng bạn bè: Giúp trẻ em bình thường và trẻ khiếm thị hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoạt động ở trường và ở nhà, như:
học tập, rèn luyện kỹ năng: lao động, trong định hướng và di chuyển... và vui chơi.
- Xây dựng vòng bạn bè:
+ Nguyên tắc xây dựng vòng bạn bè:
Các thành viên tự nguyện tham gia hoạt động (có sự giải thích, thuyết phục của giáo viên chủ nhiệm lớp về mục đích giúp bạn khiếm thị)
Mọi thành viên cùng chịu trách nhiệm khi nhận giúp bạn, cùng chia sẻ và hợp tác với nhau trong mọi hoạt động.
+ Thành phần tham gia vòng bạn bè.
Qua thực tiễn cho thấy vòng bạn bè của mỗi học sinh khiếm thị nên có từ 2 đến 5 bạn, với thành phần: bạn cùng lớp hoặc cùng trường, cùng xóm, ngõ (nếu có cùng quan hệ họ hàng thân thích càng tốt). Trong số trẻ tham gia vòng bạn bè cử một trẻ làm nhóm trưởng.
Một số gợi ý lựa chọn thành viên của vòng bạn bè: Trẻ nhiệt tình, tôn trọng bạn bè, có tinh thần trách nhiệm cao, có sức khỏe, nhanh nhẹn hoạt bát, học khá hoặc giỏi, nếu là cán bộ lớp từ tổ trưởng trở lên càng tốt.
Chú ý, việc lựa chọn các thành viên tham gia vòng bạn bè hỗ trợ trẻ khiếm thị do giáo viên chủ nhiệm lớp quyết định. Đồng thời có tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, của trẻ và phụ huynh trẻ khiếm thị, của học sinh trong lớp.
- Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng giúp đỡ bạn.
Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thực hành cho cả nhóm theo những nội dung cơ bản sau:
+ Cách dẫn bạn khiếm thị đi đường.
+ Cách đọc và viết hệ thống ký hiệu Braille sử dụng trong môn tiếng Việt và Toán.
+ Kỹ năng giúp đỡ bạn học trong và ngoài giờ học trên lớp.
+ Hướng dẫn bạn khiếm thị tham gia một số trò chơi tập thể, như: bịt mắt bắt dê; tranh ghế, đá bóng có chuông, tung bóng trúng đích; bịt mắt tìm vật thể...
- Biện pháp duy trì và nâng cao tính hiệu quả của vòng bạn bè + Phân công nhiệm vụ cho các thành viên phù hợp với khả năng.
+ Tổ chức nhiều hành động, đa dạng để tạo cơ hội cho trẻ thể hiện sự giúp nhau.
+ Động viên kịp thời những hành vi tốt.
+ Tuyên truyền phổ biến những điển hình giúp đỡ bạn khiếm thị.
+ Giáo viên và các thành viên thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhóm.
- Lập kế hoạch hỗ trợ bạn khiếm thị
+ Cơ sở lập kế hoạch hỗ trợ bạn khiếm thị:
Căn cứ vào nhu cầu đáp ứng của bạn khiếm thị.
Khả năng của các thành viên trong nhóm bạn bè.
Đặc điểm của nhà trường và gia đình (môi trường giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...)
+ Lập kế hoạch hỗ trợ bạn khiếm thị: Bản kế hoạch hỗ trợ bạn khiếm thị gồm các thành phần cơ bản sau: Thời gian, hoạt động, biện pháp thực hiện, người chịu trách nhiệm, kết quả mong đợi và đánh giá.
- Đánh giá hoạt động của cả nhóm
+ Đánh giá định kỳ: hàng tháng, học kỳ, cả năm.
+ Đánh giá theo chủ đề hoạt động của nhóm.
+ Phương pháp đánh giá:
Kiểm điểm trách nhiệm của từng thành viên đối với nhiệm vụ được phân công.
Kiểm điểm các hoạt động chung của cả nhóm
Nhận định về sự tiến bộ của trẻ khiếm thị ở trường, lớp và ở nhà
Từ việc đánh giá kết quả hoạt động của nhóm, giáo viên chủ nhiệm cùng với cả nhóm điều chỉnh hoạt động cho các giai đoạn tiếp theo.