Chương 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.3. Hiệu quả lâm sinh của các mô hình rừng trồng và đề xuất giải pháp
4.3.3. Đề xuất các biện pháp phục hồi rừng với cây họ Dầu
Qua một số kết quả về khả năng phục hồi của Sao đen và Sến cát, ta có thể đưa ra một số nhận định về biện pháp trồng rừng như sau:
Chọn lựa đất trồng: Sao đen và Sến cát là loài cây gỗ có rễ ăn sâu, nên được gây trồng trên đất có tầng dày, điều kiện chiều sâu của mạch nước ngầm vào mùa khô cũng như vị trí đất trồng ẩm thấp ven bờ sông suối là những yếu tố quyết định chọn lựa đất trồng. Các loại đất thích hợp với hai loài cây này là đất feralit nâu đỏ trên phiến sét (FRr), đất cát ven biển (C).
Về phương thức trồng, nên trồng hỗn giao Sao đen và Sến cát vì tất cả các kết quả nghiên cứu đều cho thấy ở rừng trồng hỗn giao, các chỉ tiêu đánh giá liên quan tới sinh trưởng của rừng, đều cho thấy tốt hơn phương thức trồng thuần loài Sao đen hay Sến cát.
Đối với mật độ, nên trồng cả Sao đen và Sến cát ở mật độ 417 cây/ha (quy cách 6x4 m) không tính cây phụ trợ. Cây phụ trợ ngoài Keo lá tràm hay Keo lai có thể bổ sung các loài cây họ Đậu có tán nhỏ. Hiện tại, nếu các Khu BTTN không
được phép trồng cây ngoại lai thì có thể thay bằng trồng theo băng, rạch bổ sung cho những diện tích rừng nghèo cần phục hồi tại phân khu phục hồi sinh thái.
Về phương pháp trồng: Gây trồng Sao đen và Sến cát sẽ thành công dễ dàng bằng cây con đóng bầu có nguồn gốc lấy từ hạt. Gây trồng với ít nhất một loài cây phù trợ thời gian đầu, hạn chế tối đa việc gây trồng ngoài chỗ trống.
Về loài cây hỗ trợ: Nhất thiết phải có cây trồng hỗ trợ trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, bắt buộc phải có quy trình tỉa thưa định kỳ lần 1 và lần 2, không khuyến khích chặt trắng cây hỗ trợ khi cây trồng chính đang ở giai đoạn tuổi 5 – 7.
4.4.3.2. Đối với loài Sao đen
Mặc dù là cây bản địa tại miền Đông Nam bộ, nhưng khả năng thích ứng (thể hiện qua tỷ lệ sống, sinh trưởng, phẩm chất cây...) của Sao đen kém hơn so với Sến cát nên có thể cần tăng tiêu chuẩn về cây con đem trồng của loài cây này (về D00, Hvn và tuổi cây con xuất vườn) hoặc có thể tác động kỹ thuật như thay đổi kích thước hố và tỷ lệ phân bón lót khi trồng.
Không nên trồng Sao đen thuần loài với mật độ thưa; nên trồng kết hợp với cây ngắn ngày hay hỗn giao và nhất thiết cần có độ tàn che ban đầu hỗ trợ cho loài cây này ở giai đoạn dưới 5 tuổi. Ngoài ra, có thể trồng theo băng, rạch dưới tán rừng nghèo là một giải pháp có thể lựa chọn do không được phép trồng cây ngoại lai mọc nhanh trong các Khu BTTN.
Dựa vào một số diện tích trồng rừng hàng năm và loài cây Sao đen, đề tài nhận định có 2 phương pháp trồng loại cây này như sau:
+ Phương pháp 1:
Sau khi chặt trắng rừng hay trên đất trống, cây Sao đen được đưa vào trồng xen hàng với loại cây che sáng phủ xanh nhanh là Keo lai hay Keo lá tràm để tạo bóng che ngang cho cây Sao đen còn nhỏ. Khoảng cách giữa các hàng cây Sao đen tốt nhất là 6 m và khoảng cách giữa các cây Sao đen là 4 m. Giữa hai hàng Sao đen xen vào một hàng cây Keo lai hay Keo là tràm, khoảng cách cây Keo là 2 m. Như vậy, số cây Sao đen bằng một nửa so với cây Keo lai hay Keo lá tràm.
Trong những năm đầu tiên, Sao đen sinh trưởng chậm trong khi Keo lai/ Keo lá tràm sinh trưởng nhanh hơn khiến tỉ lệ sống của Sao đen sau khi trồng có thể bị ảnh hưởng, vì thế cần tỉa thưa ngay năm thứ 3 sau trồng.
+ Phương pháp 2:
Trồng rừng Sao đen hỗn giao với một loài cây họ Dầu hay cây họ Đậu làm cây trồng chính và một loài cây hỗ trợ che bóng cây trồng chính những năm đầu sau trồng. Trường hợp này tương tự như trồng hỗn giao của hai loài Sao đen và Sến cát như đã xem xét ở các mô hình rừng trồng tại KBT. Tuy nhiên, không nhất thiết là cây họ Dầu mà có thể là loài cây bản địa họ Đậu khác.
Trong biện pháp này, đất rừng được cày hay cuốc hố toàn bộ, cây trồng trước hay trồng cùng là cây hỗ trợ có tác dụng bảo vệ đất (Keo lai hay cây họ Đậu). Cây Sao đen được trồng thành hàng cách nhau 4 m. Rừng sau khi trồng sẽ bao gồm 4 hàng với khoảng cách hàng là 2 m và xếp như sau: 1 hàng cây Keo lai hay cây họ Đậu, 1 hàng Sao đen, 1 hàng Keo lai hay cây họ Đậu, 1 hàng Sao đen + cây họ Đậu.
Như vậy, cây trồng chính gồm hai loài nhưng tỷ lệ cây Sao đen chiếm 3/4 số cây.
Trong cả hai phương pháp trên, cây Sao đen nên được trồng bằng phương pháp cây nguyên trong bầu, cao khoảng 1,0 m, đường kính gốc 1,5 cm, tuổi xuất vườn 1,5 đến 2 năm, kết quả sống sau một năm có thể đạt là 95%.
4.4.3.3. Đối với loài Dầu cát và Sến cát
So với cây Sao đen, trong nghiên cứu này Sến cát luôn được đánh giá là cây trồng có triển vọng hơn về nhiều phương diện. Vì vậy, Dầu cát và Sến cát có thể trồng thuần loài với mật độ thưa hơn so với Sao đen. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là trồng Dầu cát và Sến cát hỗn giao với Sao đen hoặc cây bản địa khác trong vùng.
Trồng Dầu cát hay Sến cát dưới tán rừng nghèo theo các phương thức kỹ thuật lâm sinh hiện hành cũng là giải pháp có thể được lựa chọn để phục hồi cây họ Sao Dầu nói chung và cây Sến cát nói riêng.
Tiêu chuẩn cây xuất vườn là 1 đến 2 năm (cao khoảng 1 m). Độ sâu trồng cũng nên chú ý, nên trồng khá sâu. Khoảng cách trồng rừng thì cần liên hệ đến lượng mưa hàng năm và sức giữ nước trong đất của đất trồng. Trên đất sâu và màu
mỡ, muốn tái lập lại rừng Sến cát, cự ly trồng có thể dày hơn và những kỳ chặt tỉa thưa cây phù trợ có thể cách xa, nhưng trên đất mà ẩm độ đất thiếu hụt ít nhiều vào mùa khô thì nên phủ xanh đất trước. Cây được đề nghị phủ xanh là những cây thuộc bộ Đậu có thể che phủ đất nhanh (2 - 3 năm), cải tạo độ phì của đất tốt như: Keo lá tràm (A. auriculiformis), Muồng xiêm (Cassia siamea), chúng nên trồng trước theo hàng, sau đó mới khởi sự trồng Sến cát.
Công thức Sến cát hỗn giao được xem là có kết quả (mục 4.2.2). Vì Sến cát là một loại chịu hạn tốt, yêu cầu nước ngầm thấp. Tuy nhiên, cự ly trồng Sến cát cũng chỉ nên là 6m x 4m là tối đa và như vậy cứ một hàng cây che bóng khoảng cách 6m thì có một hàng cây Sến cát ở giữa. Nếu trồng hỗn giao với Sao đen, cây Sến cát phát triển nhanh hơn, nên xem Sến cát là cây ưu tiên hơn, do đó tỷ lệ hỗn giao nên là 2 Sến cát : 1 Sao đen.