1.1. Cơ sở lý luận về sử dụng đất nông nghiệp theo hướng bền vững
1.1.2. Các quan điểm sử dụng đất nông nghiệp
Để đảm bảo cho cuộc sống của con người trong hiện tại và tương lai cần phải có những chiến lược về sử dụng đất để không chỉ duy trì những khả năng hiện có của đất mà còn khôi phục những khả năng đã mất. Có nhiều quan điểm sử dụng đất nông nghiệp khác nhau như: sử dụng đất theo quan điểm bảo tồn, sinh thái, hiệu quả, bền vững... Trong phạm vi của luận văn này, chúng tôi đề cập việc sử dụng đất nông nghiệp theo 3 hướng sinh thái, hiệu quả và bền vững.
1.1.2.1. Sử dụng đất nông nghiệp theo quan điểm sinh thái
Hệ sinh thái nông nghiệp là một tổng thể bao gồm môi trường và nhừng quần thể sinh vật (cây trồng, vật nuôi, cây rừng), các sinh vật gây hại (sâu, bệnh, chuột, cỏ dại, sinh vật gây bệnh cho vật nuôi...) các sinh vật có ích khác. Các yếu tố (đất, nước, khí hậu, môi trường), kể cả con người trong hệ sinh thái này được hình thành và biến đổi đều do hoạt động của con người.
Mỗi hệ sinh thái phải có tính đồng nhất nhất định về các điều kiện vật lí, khí tượng, hoá học, thực vật học và động vật học. Các thành phần trong hệ sinh thái nông nghiệp có chức năng riêng và góp phần chu chuyển vật chất, năng lượng, các thành phần đó có quan hệ chặt chẽ và thống nhất, có phản ứng hệ thống với mọi loại hình tác động.
Theo Lê Văn Khoa & cs. (1999), “Nền nông nghiệp sinh thái là nền nông nghiệp kết hợp hài hòa những cái ưu điểm, tích cực của hai nền nông nghiệp: nông nghiệp hóa học và nông nghiệp hữu cơ một cách hợp lý và có chọn lọc nhằm: thỏa mãn nhu cầu hiện tại nhưng không gây hại đến các nhu cầu của các thế hệ tương lai (nông nghiệp bền vững); thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của con người về sản phẩm nông nghiệp, nghĩa là phải đạt năng suất cao, phẩm chất nông sản tốt với mức đầu tư vật chất ít và hiệu quả kinh tế cao”. Vì vậy, nền nông nghiệp sinh thái phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Không phá hoại môi trường: Ở các nước phát triển nông dân được nhận hỗ trợ nhiều từ những chương trình của Chính phủ. Họ không chỉ được tham gia bảo hiểm nông nghiệp do rủi ro của mùa màng còn được nhận một khoản hỗ trợ nhiều hơn thế chỉ để duy trì hệ sinh thái đồng ruộng. Thực tế cho thấy, nền nông nghiệp hiện nay đang diễn ra theo một xu thế bất lợi cho chính con người. Họ chỉ chạy theo lợi ích kinh tế, sẵn sàng hủy hoại môi trường, sử dụng các chất hóa học để tăng năng suất... đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người.
- Đảm bảo năng suất ổn định: Sản xuất theo mô hình nông nghiệp sinh thái, ngoài việc tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn có lợi cho sức khỏe con người còn làm tăng thêm giá trị của sản phẩm. Mặt khác còn giúp được người dân biết và có thói quen sử dụng sản phẩm an toàn, từ đó nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần cải tạo đất, cải tạo môi trường.
- Đảm bảo khả năng thực thi, ít phụ thuộc vào bên ngoài: Nếu như nền nông nghiệp bền vững phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài: Các chất hóa học như phân bón, thuốc trừ sâu. thì nền nông nghiệp sinh thái lại chỉ dựa vào khả năng sản xuất và các yếu tố môi trường tự nhiên là chính. Việc không hoặc rất ít sử dụng các chất hóa học vào sản xuất làm giảm thiểu tới mức tối đa chi phí và sự ảnh hưởng của nó đến môi trường tự nhiên, trước hết đó là môi trường đất, nước và không khí. Việc sử dụng các phương pháp sinh học vào sản xuất nông nghiệp không những đem lại nhiều lợi ích về kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe của con người.
- Ít lệ thuộc vào hàng nhập ngoại: Với cấu trúc nhiều tầng, cơ cấu cây trồng trong nền nông nghiệp sinh thái phong phú tạo ra nhiều loại sản phẩm có chất lượng tốt đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu tại chỗ của người dân chính vì vậy mà ít phải lệ thuộc vào những mặt hàng nhập ngoại. Mặt khác, lòng tin của người dân dần được hình thành sẽ tạo dựng thói quen sử dụng những loại sản phẩm này mà quên đi tư tưởng “sính ngoại”.
Sử dụng đất theo quan điểm sinh thái phát triển lâu bền là cơ sở vật chất tất yếu của sản xuất nông nghiệp bền vững cho mọi quốc gia. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển trên thế giới sản xuất nông nghiệp đang phải đối đầu với tình trạng thiếu đất canh tác do sức ép về gia tăng dân số. Việc khai thác và sử dụng quá mức đối với tài nguyên đất đai đặc biệt là vùng đồi núi đã làm cho đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thoái hoá, suy giảm độ phì. Vì vậy, sử dụng đất nông nghiệp bền vững đang trở thành vấn đề mấu chốt để quản lý các nguồn tài nguyên đất đai cho sản xuất nông nghiệp,
lâm nghiệp nhằm thay đổi nhanh chóng đời sống xã hội, đồng thời duy trì cải thiện được môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
2.1.2.2. Quan điểm sử dụng đất theo hướng hiệu quả và bền vững
Sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả cao thông qua việc bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng vật nuôi là một trong những vấn đề bức xúc hiện nay của hầu hết các nước trên thế giới. Nó không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh doanh nông nghiệp mà còn là mong muốn của nông dân - những người trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp (FAO, 1990). Hiện nay, các nhà khoa học đều cho rằng, vấn đề đánh giá hiệu quả sử dụng đất không chỉ xem xét đơn thuần ở một mặt hay một khía cạnh nào đó mà phải xem xét trên tổng thể các mặt bao gồm: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường.
- Hiệu quả kinh tế
Hiệu quả là một phạm trù kinh tế phản ánh mặt chất lượng của các hoạt động kinh tế. Mục đích của sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vật chất và tinh thần của toàn xã hội, khi nguồn lực sản xuất của xã hội ngày càng trở nên khan hiếm, việc nâng cao hiệu quả là một đòi hỏi khách quan của mọi nền sản xuất xã hội (Nguyễn Đình Hợi, 1993). [6]
Theo quan điểm tính hiệu quả của C. Mác thì quy luật kinh tế đầu tiên trên cơ sở sản xuất tổng thể là quy luật tiết kiệm thời gian và phân phối một cách có kế hoạch thời gian lao động theo các ngành sản xuất khác nhau. Trên cơ sở thực hiện vấn đề “Tiết kiệm và phân phối một cách hợp lý thời gian lao động (vật hoá và lao động sống) giữa các ngành”. Theo quan điểm của C.
Mác đó là qui luật “Tiết kiệm”, là “Tăng năng suất lao động xã hội”, hay đó là
“Tăng hiệu quả”. Ông cho rằng: “Nâng cao năng suất lao động vượt quá nhu cầu cá nhân của người lao động là cơ sở của hết thảy mọi xã hội”. Như vậy theo quan điểm của Mác tăng hiệu quả phải được hiểu rộng và nó bao hàm cả việc tăng hiệu quả kinh tế và xã hội (dẫn theo Doãn Khánh, 2000).
Đỗ Khắc Thịnh đã đưa ra khái niệm về hiệu quả: “Thông thường hiệu quả được hiểu như một hiệu số giữa kết quả và chi phí, tuy nhiên trong thực tế đã có trường hợp không thực hiện được phép trừ hoặc phép trừ không có ý nghĩa”. Do vậy, nói một cách linh hoạt hơn nên hiểu hiệu quả là một kết quả tốt phù hợp mong muốn và hiệu quả có nghĩa là không lãng phí (dẫn theo Phan Sĩ Mẫn & Nguyễn Việt Anh, 2001).
Nếu xét trên phương diện so sánh thì hiệu quả kinh tế là sự so sánh giữa một bên là kết quả đạt được một bên là các chi phí bỏ ra. Một phương án hay một giải pháp kỹ thuật, quản lý có hiệu quả kinh tế cao là một phương án đạt được sự tương quan tối ưu giữa kết quả đưa lại và chi phí đầu tư (Bùi Văn Ten, 2000).
Như vậy, qua phân tích ở trên chúng ta thấy rằng, có nhiều quan điểm khác nhau về hiệu quả kinh tế nhưng đều thống nhất nhau ở bản chất của nó.
Người sản xuất muốn thu được kết quả phải bỏ ra những chi phí nhất định, những chi phí đó là nhân lực, vật lực, vốn... So sánh kết quả đạt được với chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó sẽ có hiệu quả kinh tế. Tiêu chuẩn của hiệu quả là sự tối đa hoá kết quả với một lượng chi phí định trước hoặc tối thiểu hoá chi phí để đạt được một kết quả nhất định.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất, việc phát triển sản xuất bền vững là một xu thế tất yếu.
- Hiệu quả xã hội
Hiệu quả xã hội là mối tương quan so sánh giữa kết quả xét về mặt xã hội và tổng chi phí bỏ ra. Các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả xã hội gồm: trình độ dân trí, trình độ hiểu biết xã hội, đảm bảo an toàn lương thực, gia tăng lợi ích của người nông dân, đáp ứng được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của vùng, thu hút nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho nông dân, góp phần định canh, định cư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật...; tăng cường sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là hàng xuất khẩu (FAO, 1990; Hội Khoa học đất, 2000).
Theo Nguyễn Duy Tính (1995), hiệu quả về mặt xã hội sử dụng đất nông nghiệp được xác định bằng khả năng tạo việc làm trên một diện tích đất nông nghiệp.
- Hiệu quả môi trường
Hiệu quả môi trường được các nhà môi trường học rất quan tâm trong điều kiện hiện nay. Một hoạt động sản xuất được coi là có hiệu quả khi hoạt động đó không có những tác động xấu đến vấn đề môi trường như đất, nước, không khí và hệ sinh học, là hiệu quả đạt được khi quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra không làm cho môi trường xấu đi mà ngược lại quá trình sản xuất đó còn đem lại cho môi trường tốt hơn, làm cho môi trường xanh, sạch đẹp hơn trước (Đỗ Nguyên Hải, 1999).[5]
Việc xác định hiệu quả về mặt môi trường của quá trình sử dụng đất nông nghiệp là rất phức tạp, rất khó định lượng, đòi hỏi phải được nghiên cứu, phân tích trong một thời gian dài. Đánh giá hiệu quả môi trường thông qua việc phân tích mẫu đất được lấy trên các loại hình sử dụng đất và xem xét mức độ thích hợp của các loại cây trồng, các loại hình sử dụng đất đối với điều kiện đất đai hiện tại, đồng thời căn cứ vào kết quả điều tra về đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kết quả phỏng vấn hộ nông dân về nhận xét của họ đối với các loại hình sử dụng đất hiện tại có bền vững về mặt môi trường hay không (Hội Khoa học đất, 2000).
- Sử dụng đất bền vững
Sử dụng đất một cách hiệu quả nhưng hiệu quả ấy phải được duy trì trong một khoảng thời gian dài (bền vững) luôn là mong muốn cho sự tồn tại và tương lai phát triển của loài người. Chính vì vậy việc tìm kiếm các giải pháp sử dụng đất thích hợp, bền vững đã được nhiều nhà nghiên cứu đất và các tổ chức quốc tế quan tâm, không ngừng hoàn thiện theo sự phát triển của khoa học. Thuật ngữ “sử dụng đất bền vững” (Sustainable land use) đã trở
thành khá thông dụng trên thế giới hiện nay. Theo Harwood & Richard (1990)
“nông nghiệp bền vững là một nền nông nghiệp cần dựa trên các tiêu chí như:
tốt về môi trường, có hiệu quả kinh tế, phù hợp với nhu cầu xã hội, nhạy cảm về văn hoá, áp dụng công nghệ thích hợp, có cơ sở khoa học hoàn thiện và đem lại sự phát triển chung cho cộng đồng”.
- Bền vững về mặt kinh tế: cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và được thị trường chấp nhận. Hệ thống sử dụng đất phải có mức năng suất sinh học cao trên mức bình quân vùng có cùng điều kiện đất đai. Năng suất sinh học bao gồm các sản phẩm chính và phụ (đối với cây trồng là gỗ, hạt, củ, quả,... và tàn dư để lại). Một hệ thống sử dụng đất bền vững phải có năng suất trên mức bình quân vùng, nếu không sẽ không cạnh tranh được trong cơ chế thị trường.
- Bền vững về mặt xã hội: thu hút được nhiều lao động, đảm bảo đời sống người dân, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Đáp ứng nhu cầu của nông hộ là điều cần quan tâm trước nếu muốn họ quan tâm đến lợi ích lâu dài (bảo vệ đất, môi trường...) Sản phẩm thu được cần thoả mãn cái ăn, cái mặc và nhu cầu sống hàng ngày của người nông dân.
- Bền vững về mặt môi trường: loại sử dụng đất bảo vệ được độ màu mỡ của đất, ngăn chặn sự thoái hoá đất và bảo vệ môi trường sinh thái. Giữ đất được thể hiện bằng giảm thiểu lượng đất mất hàng năm dưới mức cho phép. Độ phì nhiêu đất tăng dần là yêu cầu bắt buộc đối với quản lý sử dụng bền vững. Độ che phủ tối thiểu phải đạt ngưỡng an toàn sinh thái (>35%). Đa dạng sinh học biểu hiện qua thành phần loài (đa canh bền vững hơn độc canh, cây lâu năm có khả năng bảo vệ đất tốt hơn cây hàng năm...).
Ba yêu cầu bền vững trên là tiêu chuẩn để xem xét và đánh giá các loại sử dụng đất hiện tại. Thông qua việc xem xét và đánh giá các yêu cầu trên để giúp cho việc định hướng phát triển nông nghiệp ở vùng sinh thái (Đào Châu Thu & Nguyễn Khang, 1998). [17]