1.1. Cơ sở lý luận về sử dụng đất nông nghiệp theo hướng bền vững
1.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng đất nông nghiệp theo hướng bền vững
1.1.3.1. Điều kiện tự nhiên
Nông nghiệp là hình thức sản xuất chịu sự chi phối rất mạnh của các yếu tố tự nhiên và có 5 đặc điểm sau: đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế; đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các cây trồng và vật nuôi; sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên; trong nền kinh tế hiện đại, nông nghiệp trở thành sản xuất bền vững. (Ngô Hữu Tình, 2003). Các yếu tố tự nhiên như vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng... và các quá trình tự nhiên có tác động trực tiếp đến quá trình sử dụng đất hoặc tương tác với các quá trình ra quyết định của con người dẫn đến thay đổi sử dụng đất (Lambin &
Meyfroidt, 2010). [16]
❖ Đất đai: Đất đai là yếu tố thuộc tự nhiên quyết định đến quy mô và phương thức sản xuất nông nghiệp. Đặc điểm của đất đai quyết định đến mức độ thâm canh, kỹ thuật canh tác cũng như tổ chức lãnh thổ. Điểm cơ bản khác biệt với các yếu tố khác là mức độ phù hợp của đất đai với mỗi cây trồng là khác nhau nên yếu tố thuận lợi cho cây trồng này có khi lại là khó khăn cho sản xuất cây trồng khác. Hơn nữa, với yếu tố đất đai thì ngoài đặc tính thì quy mô diện tích và mức độ tập trung đất đai là yếu tố quyết định tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Khả năng tập trung đất đai càng lớn thì càng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp bền vững.
❖ Nước: Nước có ảnh hưởng quyết định đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng. Đảm bảo nguồn nước tưới sẽ tạo điều kiện cho cây phát triển và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản trong quá trình sản xuất. Yếu tố thủy văn được đặc trưng bởi sự phân bố của hệ thống sông ngòi, ao, hồ... sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cung cấp nước cho
các yêu cầu sử dụng đất. Vì vậy ở những khu vực gần nguồn nước, biến động sử dụng đất và lớp phủ diễn ra mạnh hơn (Houghton & cs., 1999).
❖ Điều kiện tự nhiên khác: Hầu hết các loại cây trồng tồn tại và phát triển phụ thuộc vào tự nhiên cơ bản như nhiệt độ, ánh sáng, không khí và dinh dưỡng. Các yếu tố này kết hợp chặt chẽ với nhau, cùng tác động trong một thể thống nhất và không thể thay thế nhau.
❖ Vị trí địa lý, địa hình: Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến sản xuất nông sản bền vững. Trong quá trình sản xuất bền vững, vị trí địa lý quyết định tới chi phí vận chuyển, công chăm sóc, thị trường tiêu thụ nông sản từ đó quyết định tới hiệu quả sử dụng đất. Địa hình quyết định độ dốc, độ cao của đất, điều này ảnh hưởng đến loại cây trồng bền vững, diện tích trồng, kỹ thuật canh tác, các biện pháp chống xói mòn trên đất dốc, chống úng ngập ở vùng trũng...
Địa hình và thổ nhưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến việc chuyển đổi sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp hoặc từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Những khu vực núi cao, độ dốc lớn biến động sử dụng đất, lớp phủ ít xảy ra. Những nơi có địa hình thuận lợi, đất đai màu mỡ thì kinh tế phát triển, nhu cầu đất đai cho các ngành tăng cao do vậy biến động sử dụng đất, lớp phủ xảy ra với tần suất cao hơn.
* Biến đổi khí hậu: Bắt đầu từ giữa những năm 1970 đến nay, nhiều nghiên cứu đã xác định rằng: sự biến đổi khí hậu khu vực và toàn cầu có mối quan hệ hữu cơ với quá trình biến động của sử dụng đất (Cihlar & Denning, 2001). Hoạt động kinh tế - xã hội trên các đơn vị đất là một trong các nguyên nhân chính phát thải khí nhà kính vào khí quyển, gây suy thoái đa dạng sinh học trên toàn thế giới, làm suy giảm khả năng của các hệ sinh thái (IPCC, 2013). Trong các loại sử dụng đất, nông nghiệp, lâm nghiệp đóng góp khoảng 30% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu (Nguyễn Văn Tài & cs., 2014).
Hiện tượng nóng lên của Trái đất sẽ giúp cải thiện tình hình sản xuất ở những
nước thuộc vùng lạnh, nhất là những khu vực có đủ nước và chất dinh dưỡng, mùa vụ sẽ kéo dài hơn, cây trồng có năng suất cao hơn, cây rừng sẽ mọc tốt hơn. Trong khi đó những tác động này lại không thuận đến các nước ở vùng nhiệt đới nắng nóng do sâu bệnh, dịch bệnh, khan hiếm nước, chi phí làm mát (điều hòa nhiệt độ...). Chính từ những biến đổi này trên thế giới đã có những dịch chuyển đáng kể những vùng trồng cây bền vững. Ví dụ: Các nước xứ lạnh Bắc Âu như Thụy Điển và Đan Mạch đã tăng diện tích trồng nho và đã sản xuất được rượu vang ngon với chất lượng không thua kém vang Ý, vang Pháp nhờ khí hậu trở nên ấm hơn. Trong khi đó, nhiều nước phía Nam châu Âu (Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ý) thời tiết trước đây rất thuận lợi cho nho giờ trở nên quá nóng khiến nho bị bệnh nhiều, sản lượng giảm (Phạm Tất Thắng, 2017).
1.1.3.2. Điều kiện kinh tế xã hội
Các yếu tố kinh tế xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến biến động sử dụng đất bao gồm dân số, công nghệ, chính sách kinh tế, thể chế và văn hóa. Sự ảnh hưởng của mỗi yếu tố thay đổi khác nhau theo từng khu vực và từng quốc gia (Meyer & Turner, 1996). Các yếu tố đó gồm: dân số, các yếu tố kinh tế và công nghệ, các yếu tố về thể chế và chính sách, các yếu tố văn hóa.
Biến động dân số không chỉ bao gồm những thay đổi về tỷ lệ tăng dân số, mật độ dân số mà còn là sự thay đổi trong cấu trúc của hộ gia đình, di cư và sự gia tăng số hộ. Dân số tăng dẫn đến việc chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất nông nghiệp, xây dựng các khu dân cư. Mặc dù tỷ lệ tăng dân số hiện nay giảm nhưng dân số và nhu cầu về thực phẩm cũng như các dịch vụ khác vẫn đang gia tăng. Tại châu Phi, dân số tăng là nguyên nhân của nạn phá rừng nhằm khai thác gỗ củi, than củi và đáp ứng nhu cầu đối với đất trồng trọt. Còn ở châu Á, dân số tăng dẫn đến mở rộng đất canh tác và ở châu Mỹ Latinh là do sự gia tăng về số lượng đàn gia súc (IPCC, 2007). Di cư là yếu tố nhân khẩu học quan trọng nhất gây ra những thay đổi sử dụng đất nhanh chóng và tương tác với các chính sách của chính phủ, hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa.
Mở rộng di cư cũng có thể dẫn đến nạn phá rừng và xói mòn đất. Vì vậy di cư được coi là nguyên nhân làm thay đổi cảnh quan và sử dụng đất (Houghton &
Hackler, 2000).
Trình độ, tập quán canh tác của người dân
Nếu đất đai là đối tượng sản xuất chính, điều kiện tự nhiên là yếu tố tác động trực tiếp thì nhận thức của người sản xuất là yếu tố quyết định trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá (Trần Xuân Châu, 2002). Trong sản xuất những người có trình độ văn hóa và trình độ nghề nghiệp cao hơn thì khả năng tổ chức sản xuất tốt hơn. Đối với người nông dân khi nhận thức còn thấp thì khả năng tổ chức sản xuất theo hướng bền vững là một yếu điểm lớn. Tâm lý, tư tưởng sản xuất nhỏ, manh mún dựa chủ yếu theo kinh nghiệm và điều kiện của gia đình, phụ thuộc vào thiên nhiên làm người dân khó tiếp thu các kỹ thuật mới, phương thức sản xuất lớn. Kỹ thuật canh tác lạc hậu còn là một trong những nguyên nhân gây suy thoái chất lượng đất.
Hiện nay, phần lớn trình độ nhận thức của người dân ở các vùng miền núi đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Vì vậy việc chuyển đổi phương thức canh tác cũ sang phương thức canh tác mới là một vấn đề khó khăn. Hầu hết các phương pháp canh tác truyền thống là quảng canh ở các vùng núi, dựa vào tự nhiên là chủ yếu, canh tác theo hình thức quảng canh, đốt rừng và phá rừng làm nương rẫy. Bên cạnh đó, phương thức canh tác độc canh, không bón phân hoặc bón ít đã làm cho tầng đất mặt bị rửa trôi và bạc màu ảnh hưởng rất lớn đến diện tích đất sản xuất và môi trường, đồng thời làm tăng chi phí và tính không hiệu quả trong quá trình sản xuất (Lê Quốc Doanh & cs, 2003).
Thị trường tiêu thụ: Một trong các yếu tố quan trọng của sản xuất bền vững là sản phẩm tạo ra phải được trao đổi trên thị trường. Vậy thị trường là yếu tố nằm trong của quá trình sản xuất bền vững. Thị trường phát triển và thuận lợi thì sản phẩm trao đổi diễn ra thuận lợi. Hiện nay nông sản chủ yếu
được tiêu thụ qua thị trường trong nước và xuất ra nước ngoài. Thị trường có nhu cầu lớn thì thúc đẩy sản xuất phát triển, thị trường nhỏ có nhu cầu ít thì hạn chế quá trình sản xuất (Nguyễn Tuấn Sơn & cs., 2005).
Cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng là yếu tố quyết định của quá trình đưa sản phẩm đến với thị trường. Hệ thống giao thông thuận tiện sẽ giúp quá trình lưu thông bền vững tốt hơn, cơ sở giao thông khó khăn sẽ cả trở quá trình vận chuyển, tăng chi phí, mức độ rủi ro, thời gian vận chuyển và ảnh hưởng đến cả quá trình bảo quản chế biến. Cơ sở hạ tầng chế biến nông sản sẽ quyết định rất nhiều tới mẫu mã sản phẩm, thời gian bảo quản, tỷ lệ hao hụt trong bảo quản và vận chuyển. Vùng núi thường có cơ sở hạ tầng khó khăn hơn vùng đồng bằng, là cản trở lớn trong quá trình sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm (Cục Trồng trọt, 2014).
Chính sách của Nhà nước: Quá trình phát triển nông nghiệp cần thiết có sự hiện diện các chính sách của Nhà nước. Chính sách Nhà nước tác động đến sức cạnh tranh của sản phẩm, định hướng phát triển, quy hoạch và đầu tư hỗ trợ. Chính sách phát triển đúng đắn ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và tạo nguồn thu ngoại tệ nhờ vào xuất khẩu, tăng giá trị thặng dư. Hiện nay các chính sách của Nhà nước được thể hiện mạnh và tạo điều kiện cho quá trình sản xuất nông nghiệp bền vững. Nghị quyết 26 của hội nghị lần thứ 7 ban chấp hành trung ương khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ rõ
“Phát triển ngành trồng trọt, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống tưới tiêu; đẩy nhanh cơ giới hoá đồng bộ các khâu sản xuất; hiện đại hoá công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng của nông sản bền vững”.