CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG SẢN XUẤT - XUẤT KHẨU HỒ TIÊU CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA
2.3 PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU CỦA NGÀNH HỒ TIÊU VIỆT NAM
2.3.3 Qui trình tổ chức sản xuất, thu hoạch và bảo quản
2.3.3.1 Qui trình tổ chức sản xuất
A/ Giống hồ tiêu:
Giống có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, chu kỳ phát triển, khả năng chống sâu bệnh... của cây hồ tiêu. Việc sử dụng những giống hồ tiêu tốt, đúng kỹ thuật đã qua chọn lọc sẽ làm cho chất lượng vườn cây đồng đều, sinh trưởng tốt, chất lượng hạt đồng nhất, năng suất cao và khả năng chống chọi được sâu bệnh tốt.
Các giống tiêu được trồng phổ biến ở Việt Nam bao gồm: tiêu Vĩnh Linh, tiêu Ấn Độ, tiêu Sẻ, tiêu Trung, tiêu Lada và tiêu Trâu. Ưu và nhược điểm của các loại giống trên vui lòng xem phụ lục 2. Trong đó giống tiêu: Vĩnh Linh, Lada và Ấn Độ được đánh giá là có khả năng chống chịu bệnh tốt, cho thu hoạch sớm, có tiềm năng cho năng suất cao và ổn định, phẩm chất hạt đáp ứng tốt cho yêu cầu chế biến tiêu đen và tiêu sọ (Nguyễn Tăng Tôn và cộng sự, 2005).
Năng suất bình quân của các giống tiêu biến động trong khoảng 2,35-3,80 tấn/ha, trong đó giống có năng suất thấp nhất là giống tiêu Trâu, và cao nhất là giống Vĩnh Linh, bình quân hơn 3 tấn/ha. Các giống Sẻ Mỡ, Sẻ Lộc Ninh cho năng suất khá, bình quân 2,5-3,0 tấn/ha. Hầu hết các giống hồ tiêu cho năng suất cao nhất ở năm thứ 4-7, năng suất giảm khi vườn tiêu trên 9 năm tuổi. Giống Vĩnh Linh có chất lượng hạt tiêu đen khá cao, tiêu sô thường đạt dung trọng trên 520 g/L.
Trong quá trình canh tác lâu đời tại mỗi vùng hình thành nên những giống hồ tiêu địa phương như tiêu Tiên Sơn ở vùng Pleiku, tiêu Vĩnh Linh ở Quảng Trị, tiêu
Lộc Ninh ở Bình Phước (gồm tiêu sẻ Lộc Ninh, tiêu trung Lộc Ninh), tiêu Phú Quốc v.v...
Đến nay giống hồ tiêu đang là một nội dung được các nhà khoa học và người SX rất quan tâm nhưng chưa có hướng đi cụ thể và đầu tư thích hợp của các ban ngành và các cấp. Công tác khuyến nông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc phát triển SX hồ tiêu bền vững. Từ đó, tạo nguồn cung ổn định, chất lượng cao phục vụ cho công tác XK. Tuy nhiên công tác này thực hiện vẫn chưa tốt dẫn đến các Hộ vẫn chủ yếu trồng và canh tác theo thói quen, kinh nghiệm và tập quán là chính. Điều này là một trong những nguyên nhân gây nên sự phát triển SX hồ tiêu không bền vững.
Tóm lại, SX hồ tiêu hiện vẫn còn nhiều yếu kém về chất lượng mà nguyên nhân hàng đầu là do công tác giống chưa được coi trọng đúng mức, làm giảm đáng kể giá trị XK.
Ưu điểm của giống hồ tiêu Việt Nam:
Bộ giống tiêu đang được trồng ở Việt Nam khá phong phú.
Điểm mạnh của các giống truyền thống là khá thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng và năng suất ổn định.
Hạn chế của giống hồ tiêu Việt Nam:
Đa số Hộ tự để giống lại, tự ươm cây con mà không qua bất kỳ sự chọn lọc nên năng suất còn thấp, quả chín không đồng đều, dễ bị sâu bệnh tấn công hại cây.
Giống truyền thống bị hạn chế ở khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn hán hay úng lụt, trong khi đó các giống mới được nhập nội có thể khắc phục tốt hạn chế này.
Giống hồ tiêu tại Việt Nam với đặc điểm nhân giống vô tính nên chủng loại không phong phú, chất lượng giống ngày càng suy giảm, khi có các đợt dịch bệnh có tính lây lan cao như bệnh tuyến trùng sẽ dẫn đến sự chết hàng loạt.
Việc nhân giống chưa đảm bảo chất lượng một mặt do các hộ chọn dây lươn có mầm bệnh hoặc kém phát triển hoặc chọn cành ác (cành cho trái mau ra hoa nhưng năng suất giảm mạnh sau 3 đến 4 năm thu hoạch).
B/ Trụ trồng tiêu:
Cơ cấu trụ trồng tiêu khá đa dạng, ở Tây Nguyên, Bình Phước và Phú Quốc trụ gỗ chiếm tỉ lệ cao (70-80%), các tỉnh còn lại ở Đông Nam Bộ và Quảng Trị tiêu
trồng với trụ sống là chính (95%); trụ bê-tông và trụ gạch xây ít được sử dụng trong SX.
Có sự chuyển hướng sang trồng tiêu trên cây trụ sống ở những vườn tiêu trong những năm gần đây tại Bình Phước và Tây Nguyên. Trụ sống được trồng với mật độ thưa hơn trụ gỗ và trụ bê-tông, số hom giống được trồng phổ biến là 2 hom/trụ. Năng suất hồ tiêu trên cây trụ sống và trụ gỗ không khác biệt nhiều.
Ưu và nhược điểm của các loại trụ trồng tiêu trên vui lòng xem phụ lục 3.
C/ Bón phân, tưới-tiêu nước và chăm sóc vườn tiêu
Bón phân:
Bảng 2.4: Lượng phân bón cho hồ tiêu ở các vùng điều tra (kg, tấn/ha/năm)
Từ bảng 2.4 cho thấy vùng Tây Nguyên có lượng bón phân cao nhất trong các vùng trồng tiêu, tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ. Ở hầu hết các vùng trồng tiêu phân đạm và phân lân thường được bón cao hơn mức khuyến cáo, do nông dân có tập quán sử dụng phân hỗn hợp NPK để bón, liều lượng thường được tính 1,5-2 kg/trụ phân NPK hỗn hợp (16-16-8 hoặc 20-20-15 N-P2O5-K2O), ngoài ra còn một số hộ sử dụng đạm bón thúc vào đầu mùa mưa và kali bón ở đợt đầu mùa khô, lúc tiêu có trái non. Lượng phân hữu cơ bón cho hồ tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Đăk Lăk còn thấp (8-10 tấn/ha), chỉ có ở Phú Quốc, Gia Lai và Quảng Trị bón với lượng khá hơn (15-20 tấn/ha). Với thực trạng sử dụng phân vô cơ rất cao, không cân đối giữa NPK, ít bón phân hữu cơ, cộng thêm các biện pháp kỹ thuật canh tác theo tập quán nên tình trạng sâu bệnh diễn ra phổ biến gây ảnh hưởng rất lớn trên tất cả các vùng trồng tiêu.
Tưới-tiêu nước:
Ở hầu hết các vùng trồng tiêu kỹ thuật tưới nước chính là tưới bồn, chu kỳ tưới 5-10 ngày/lần chiếm phần lớn. Riêng ở Phú Quốc là tưới rãnh, chu kỳ tưới 8-10 ngày/lần. Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun mưa dưới tán, tuy chưa nhiều nhưng đây là giải pháp nhằm giảm áp
lực nguồn nước vào mùa khô trong tình trạng nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, giếng tưới không đủ khả năng cung cấp nước như hiện nay.
Ở Phú Quốc mương tưới cũng là mương thoát nước nên 100% các vườn đều có mương thoát nước trong mùa mưa, ở Quảng Trị, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chỉ khoảng 35% vườn tiêu có mương thoát nước.
Chăm sóc vườn tiêu:
Ở hầu hết các vùng trồng tiêu, nông dân thường có tập quán làm sạch cỏ trong vườn tiêu. Việc làm sạch cỏ một mặt làm cho cây sinh trưởng tốt do không bị các cây cỏ tranh dành chất dinh dưỡng có trong đất, nhưng mặt khác nó dễ làm mất quân bình sinh thái trong vườn tiêu, tạo điều kiện cho nước chảy tràn trong mùa mưa, phát tán nhanh và rộng nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng.
Việc làm sạch cỏ còn tạo điều kiện cho xói mòn và rửa trôi dưỡng chất ở những vườn tiêu trồng trên đất dốc. Để làm giảm cỏ mọc tràn làn, người dân có thể trồng xen cây che phủ đất vào giữa các hàng tiêu. Các loại cây che phủ này còn làm giàu chất hữu cơ cho vườn tiêu và có tác dụng chống xói mòn rất tốt khi tiêu được trồng trên đất dốc.
D/ Phòng trừ sâu bệnh hại tiêu:
Bảng 2.5: Thành phần sâu, bệnh gây hại chính trên cây tiêu
Bảng 2.6: Tần suất xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại trên cây tiêu
Nhìn vào bảng 2.5 ta thấy có 5 loại bệnh hại hồ tiêu do nấm; 1 bệnh do tuyến trùng; 6 triệu chứng bệnh do virus, trong đó phổ biến nhất là đốm hoa lá; 2 loài côn trùng gây hại chính là rệp sáp và bọ xít lưới.
Thành phần sâu bệnh gây hại trên cây hồ tiêu khá phong phú và có xu hướng gia tăng. Mức độ gây hại liên quan khá chặt với chế độ bón phân ở các vùng trồng tiêu. Kết quả ở bảng 2.4 và 2.5 cho thấy ở Đông Nam Bộ mức đầu tư phân hóa học không cao bằng Tây Nguyên nhưng xuất hiện sâu bệnh hại lại nhiều hơn, tại Quảng Trị bệnh vàng lá chết chậm cũng nhiều hơn Tây Nguyên. Xem xét cân đối giữa mức đầu tư phân hóa học và phân hữu cơ sẽ thấy nơi nào chú trọng bón phân hữu cơ nhiều hơn thì tần suất xuất hiện sâu bệnh ít hơn. Rõ ràng phân hữu cơ có vai trò rất quan trọng đối với việc giảm thiểu sâu bệnh, chưa kể đến bón phân hữu cơ làm tăng độ phì nhiêu đất và nâng cao hiệu quả sử dụng phân vô cơ.
Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu về vai trò của phân hữu cơ đối với cây tiêu tại Ấn Độ. Đáng tiếc là phần lớn nông dân chưa quan tâm đúng mức đến bón phân hữu cơ, tỷ lệ hộ trồng tiêu bón từ 10 tấn phân hữu cơ trở lên rất thấp, lại không chủ động phòng các loại sâu bệnh gây hại, hầu hết sau khi thấy sâu bệnh xuất hiện và gây hại nặng mới tập trung diệt trừ bằng thuốc hoá học vừa kém hiệu quả vừa dễ ảnh hưởng tới chất lượng hồ tiêu. Hơn nữa việc mở rộng diện tích trồng tiêu trên những vùng đất không phù hợp cùng với kiến thức và kinh nghiệm trồng tiêu còn yếu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh hại tiêu bùng phát, dẫn đến tình trạng cây tiêu chết hàng loạt. Đáng chú ý, số diện tích tiêu bị nhiễm bệnh và bị chết đa phần đều rơi vào số tiêu vừa mới cho thu hoạch một vài năm, người dân vẫn chưa thể thu hồi lại vốn đầu tư nên rất khó khăn. Cụ thể dịch bệnh trong năm 2013 ở các huyện:
Huyện Chư Sê: việc trồng mới thêm 1000 ha tiêu dẫn đến 74 ha tiêu bị bệnh toàn huyện Chư Sê (thống kê sơ bộ của UBND huyện Chư Sê).
Huyện Chư Prông ở Gia Lai: Theo thống kê chưa đầy đủ từ Phòng NN&PTNT huyện Chư Prông, từ đầu mùa mưa đến nay, toàn huyện có khoảng 50 ha tiêu (tương đương khoảng 80.000 trụ tiêu) bị chết.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam thì ở Việt Nam hiện có khoảng 80% diện tích trồng tiêu trong cả nước đang bị bệnh tuyến trùng.
E/ Qui trình tổ chức sản xuất:
Tổ chức SX của người SX cũng là nhân tố quyết định tới sự phát triển XK Hồ tiêu. Nhưng hình thức tổ chức ngành hàng còn rất đơn giản. Hiện nay, tổ chức
SX Hồ tiêu chủ yếu theo hình thức hộ gia đình và trang trại. Nhưng số lượng trang trại hiện nay rất ít so với tổng số hộ SX. Với hiệu quả KD như hiện nay, đa số hộ gia đình có quy mô SX dưới 1 ha năng suất trung bình 4,3 tấn/ha trong đó có tới gần 50% có năng suất từ 6 tấn/ha tới 14 tấn/ha điều này kích thích họ mở rộng. Quy trình SX còn giản đơn, thủ công và nhiều khi mang tính truyền thống, địa phương.
F/ Công tác khuyến nông; chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và ứng dụng khoa học công nghệ
Các chương trình khuyến nông trong ngành hồ tiêu đã và đang phát triển.
Điển hình trong năm 2011 viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã trực tiếp triển khai xây dựng mô hình “trồng thâm canh cây hồ tiêu” tại 2 tỉnh với diện tích 10,3 ha trong đó tỉnh Đắk Lắk gồm có huyện Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ.
Tỉnh Gia Lai gồm huyện Chư Sê, tổng số 40 hộ thực hiện mô hình. Đào tạo cho 240 hộ tham gia mô hình 400 hộ tham quan, tổng kết và nhân rộng mô hình.
Tháng 10/2013, để giúp nông dân nhận biết và có biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu, Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế mở lớp tập huấn chuyển giao quy trình phòng dịch hại tổng hợp cây Hồ tiêu. Thành phần tham gia bao gồm cán bộ làm công tác quản lý nông-lâm nghiệp, cán bộ đoàn thể làm công tác tuyên truyền và nông dân trồng tiêu.
Với ý tưởng xây dựng một mô hình trồng tiêu bền vững, ổn định về năng suất, ít bệnh tật và tiết kiệm chi phí, Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên đã cùng các cộng sự tiến hành thực hiện đề tài
“Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP tại Gia Lai”. Mô hình ICM được triển khai ứng dụng tại địa bàn các huyện: Đak Đoa, Chư Sê và Chư Prông. Kết quả, các mô hình đã giúp tiết kiệm hơn 25% lượng nước tưới, gần 30% lượng phân bón và gần 18% chi phí đầu vào, giúp tăng thêm tổng lợi nhuận từ 12 triệu đồng/ha/năm đến hơn 22 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên công tác chuyển giao đa phần còn mang tính lý thuyết chưa mang tính thực hành cao và chưa được phổ biến rộng rãi. Kênh phân phối giữa các trường Đại học, viện nghiên cứu với các bộ khuyến nông và nông dân vẫn chưa xác lập được cơ chế phối hợp nhanh chóng hiệu quả.