Chương 1: TỔNG QUAN LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN
1.2. Tổng quan thực tiễn phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo
1.2.3. Các chỉ tiêu đánh giá tác động của phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo
1.2.3. Các chỉ tiêu đánh giá tác động của phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo
1.2.3.1. Mức độ phát triển của du lịch
* Chỉ tiêu về số lượt khách du lịch đến địa phương: Số lượt khách du lịch đến địa phương là chỉ tiêu cụ thể nhất thể hiện hiệu quả của hoạt động thu hút du khách của địa phương. Số khách du lịch đến với địa phương càng nhiều thì hoạt động thu hút khách khách càng hiệu quả và ngược lại.
* Doanh thu từ hoạt động du lịch: Doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch được hiểu là toàn bộ thu nhập mà ngành du lịch của địa phương thu được từ khách du lịch chi tiêu, mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ tại địa phương trong thời gian du lịch của mình.
Doanh thu từ hoạt động du lịch không chỉ phản ánh hiệu quả thu hút khách du lịch chi tiêu vào các dịch vụ du lịch của địa phương mà còn phản ánh trình độ phát triển du lịch của địa phương đó. Du khách chỉ bỏ tiền ra cho các dịch vụ khi các dịch vụ ấy thỏa mãn được nhu cầu của họ, qua số tiền thu được từ du khách ta thấy được hiệu quả của hoạt động thu hút khách du lịch nói riêng và hiệu quả hoạt động kinh tế du lịch nói chung.
1.2.3.2. Đóng góp của du lịch vào xóa đói giảm nghèo
Thứ nhất, tác động của tăng trưởng du lịch đến phát triển kinh tế xã hội góp phần xóa đói giảm nghèo. Phát triển du lịch có tác động tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân (sản xuất đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật...) làm tăng thêm tổng sản phẩm quốc nội. Các ngành sản xuất đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng tăng quy mô lên để phục vụ
khách du lịch sẽ tạo ra sản phẩm nhiều hơn từ đó các khoản thuế, lệ phí đóng góp cho địa phương sẽ tăng lên.
Phát triển du lịch còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế khác phát triển theo như giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng viễn thông, công nghiệp, nông nghiệp... Các ngành này phát triển sẽ tăng thu nhập của địa phương và đặc biệt là tuyển thêm lao động tại chỗ, tức là góp phần giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương.
Ngoài ra, du lịch còn làm tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương phát triển du lịch thông qua các khoản trích nộp ngân sách của các cơ sở du lịch trực thuộc quản lý của địa phương và các khoản thuế của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Thu ngân sách địa phương tăng, chính quyền địa phương sẽ có thêm khoản cân đối ngân sách phục vụ cho khoản an sinh xã hội trong đó có xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Thứ hai, tác động của tăng trưởng du lịch đối với thu nhập của dân cư địa phương: Rất nhiều các quốc gia nghèo trên thế giới có lợi thế so sánh hơn so với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực du lịch. Các quốc gia này có tài sản vô cùng quan trọng với giá trị cao đối với ngành du lịch, đó là giá trị về di sản văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, phong cảnh, đời sống hoang dã và môi trường khí hậu. Tài nguyên du lịch có thể bao gồm các điểm di sản thế giới, nơi mà du lịch có thể tạo ra việc làm và thu nhập cho các cộng đồng bản địa và các vùng lân cận.
Để phân tích tác động của tăng trưởng du lịch đến thu nhập của người dân địa phương, cần thấy rõ những nét đặc trưng của hoạt động du lịch như: Nhu cầu tiêu dùng trong du lịch là những nhu cầu đặc biệt. Khách du lịch có thể có nhu cầu hiểu biết về kho tàng văn hóa, lịch sử, vãn cảnh... mà còn có nhu cầu về hàng hóa (thức ăn, hàng lưu niệm, hàng mua sắm...) và đặc biệt là các nhu cầu về dịch vụ (lưu trú, vận chuyển hành khách, dịch vụ y tế, thông tin...). Việc tiêu dùng các dịch vụ du lịch và hàng hóa này xảy ra cùng một thời gian và tại cùng một địa điểm sản xuất ra chúng. Trong du lịch nhà kinh doanh không phải vận chuyển dịch vụ và hàng hóa đến cho khách hàng mà người lại, tự khách du lịch phải đến nơi có hàng hóa.
Do đặc trưng trên, nên khi phát triển du lịch tại một địa bàn sẽ tạo thêm thu nhập cho dân cư tại địa bàn đó (sản xuất ra đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật, hướng dẫn du lịch, bán các đồ lưu niệm và hàng ăn...) làm tăng thêm GDP của địa phương.
Phát triển du lịch sẽ đánh thức các nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền của các dân tộc trên địa bàn (đặc biệt là vùng núi, vùng sâu nơi có các đồng bào dân tộc thiểu số), vì khách du lịch có xu hướng muốn mua sản phẩm này làm kỷ niệm sau một chuyến du lịch. Do có nhu cầu của khách du lịch, nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền dân tộc có điều kiện phục hồi và phát triển hơn (như nghề khảm, khắc, sơn mài, đẽo, tạc tượng...) làm tăng thêm thu nhập của người dân của cộng đồng.
Thứ ba, tác động của du lịch đối với việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Du lịch góp phần đáng kể vào việc tạo công ăn việc làm cho xã hội, nó liên quan đến các vùng nông thôn nơi thường có tài nguyên du lịch. Thực tế cho thấy, phần lớn những người thực sự nghèo sống ở các vùng nông thôn, thường là xa cách các vùng trung tâm hoạt động kinh tế chính hoặc có ít đất sản xuất nhất. Trong nhiều trường hợp, ở một số vùng hoạt động du lịch có thể mang lại nguồn thu nhập lớn mà rất ít các ngành khác có thể mang lại được.
Các ngành sản xuất đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng tăng quy mô lên để phục vụ khách du lịch sẽ dẫn tới việc phải tuyển dụng thêm người lao động, thu nhập của lao động sẽ tăng lên dẫn đến cơ hội cho người nghèo có thể tham gia vào quá trình này.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng đa dạng hơn nhiều so với các ngành khác. Du lịch có tiềm năng để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế khác, kể cả việc tạo ra công việc làm thêm bổ sung cho các lựa chọn kế sinh nhai, cũng như tạo thêm thu nhập qua hệ thống cung cấp hàng hóa dịch vụ.
Các sản phẩm du lịch được tiêu dùng ở nơi sản xuất. Điều này cũng có nghĩa người tiêu dùng có ý thức hơn về quá trình sản xuất sản phẩm và các điều kiện của người cung cấp dịch vụ dẫn tới tạo ra cơ hội cho hoạt động mua bổ sung. Ngoài ra, hoạt động du lịch có xu hướng tuyển nhiều phụ nữ và thanh niên hơn so với các
ngành khác. Việc mang lại lợi ích kinh tế và sự độc lập của phụ nữ là rất quan trọng trong các chương trình phát triển du lịch của các quốc gia đảm bảo sự bền vững và phá vỡ vòng nghèo đói.
Thứ tư, tác động của tăng trưởng du lịch đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng cải thiện cuộc sống của người nghèo. Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng xã hội theo yêu cầu của phát triển du lịch như giao thông, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hệ thống cung cấp nước sạch, an ninh công cộng và dịch vụ y tế có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho các cộng đồng người nghèo ở địa bàn.
Phát triển du lịch sẽ mở mang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế như mạng lưới giao thông công cộng, mạng lưới điện, các phương tiện thông tin đại chúng...
Đặc biệt là ở những vùng phát triển du lịch, do xuất hiện nhu cầu đi lại, vận chuyển, thông tin liên lạc của khách du lịch, cũng như các điều kiện cần thiết cho cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động nên các ngành này phát triển. Hạ tầng cơ sở phát triển đã cải thiện cuộc sống của người nghèo, khả năng tiếp cận với nước sạch, đường xá giao thông, giáo dục, truyền thông, y tế giúp cho giảm đói nghèo được tăng lên.
Thứ năm, tác động của tăng trưởng du lịch đối với nâng cao dân trí và thể lực cho cộng đồng dân cư để góp phần xóa đói giảm nghèo. Du lịch không chỉ mang lại lợi ích vật chất cho người nghèo mà còn tạo ra nhiều lợi ích phi vật chất như nâng cao dân trí, tiếp thu thêm kiến thức cũng như sự hiểu biết về văn hóa, kiến thức về kỹ năng làm ăn do khách du lịch ở nơi khác mang đến, nâng cao sự tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, tạo ra nhận thức đúng đắn hơn về gìn giữ, tôn tạo giá trị môi trường tự nhiên và giá trị kinh tế của nó.
Khi trình độ dân trí được nâng cao, thì đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên đáng kể. Dân trí được nâng lên, người dân có thể nhận thức thấu đáo về chất lượng và giá trị cuộc sống, biết tiếp thu và ứng dụng nhanh những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, cũng như trồng trọt, chăn nuôi.
Cho nên có thể khẳng định rằng, phát triển du lịch không chỉ góp phần cho xóa đói giảm nghèo, mà còn là động lực giúp cho người dân kể cả người nghèo làm chủ khoa học công nghệ và áp dụng nó vào trong sản xuất kinh doanh trực tiếp góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, việc phát triển thể lực của người dân Việt Nam đang được các Chương trình dinh dưỡng quốc gia và Các chương trình giáo dục, chăm sóc y tế hàng năm triển khai tốn kém nhiều tiền từ nguồn ngân sách nhà nước. Các chương trình này mới chỉ xác định được tình trạng suy dinh dưỡng ở khu vực thành thị, còn vùng sâu, vùng xa, vùng xa trung tâm thì tình trạng suy dinh dưỡng chưa được cải thiện, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng tại các vùng nghèo đói còn phổ biến. Khi xóa được đói nghèo thì mới hết suy dinh dưỡng, mới có thời gian luyện tập thể thao, nâng cao thể lực được. Vì vậy, có thể khẳng định phát triển du lịch sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo từ đó nâng cao được thể lực cho người dân đặc biệt là người nghèo.