Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo tại tỉnh bắc cạn (Trang 71 - 76)

Chương 2: THỰC TRẠNG VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở TỈNH BẮC KẠN

2.3. Đánh giá thực trạng phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo của tỉnh Bắc Kạn

2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân

* Quy mô còn nhỏ: Một trong những hạn chế cơ bản của du lịch Bắc Kạn là hoạt động kinh doanh du lịch của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tuy có bước phát triển nhưng số lượng, quy mô, loại hình kinh doanh còn nhỏ, đơn điệu, sản phẩm dịch vụ du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh còn kém. Việc xác định sản phẩm du lịch đặc thù chủ lực của từng địa phương hiện vẫn còn mờ nhạt, chưa có sự kết nối các sản phẩm du lịch nhằm khai thác lợi thế quy mô, chưa được đầu tư đúng mức để tạo ra các sản phẩm du lịch vượt trội.

- Doanh thu từ hoạt động du lịch còn thấp và chưa thực sự tác động tích cực tới phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là mục tiêu phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo vẫn chưa mang lại được lợi ích đáng kể cho người dân địa phương.

* Phương thức kinh doanh đơn điệu, không chuyên nghiệp:

- Các dịch vụ giải trí chưa phát triển do đó thời gian lưu giữ khách du lịch còn ngắn.

- Các hình thức kinh doanh chủ yếu là tự phát, chưa có một mô hình phát triển du lịch cụ thể.

* Thiếu tính bền vững:

- Du lịch thiếu tính bền vững do cảnh quan môi trường bị phá hoại, các truyền thống văn hóa của cộng đồng dân có thể sẽ bị mai một dần đi.

2.3.2.2. Nguyên nhân

* Nguyên nhân chủ quan:

- Cán bộ và cơ quan quản lý du lịch ở Huyện và Tỉnh chưa thực sự chuyên nghiệp, còn lúng túng trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến tham mưu và triển khai các nội dung của chiến lược phát triển du lịch và công tác quản lý nhà nước về du lịch;

- Có ít những chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án phát triển du lịch.

- Chưa hình thành được nguồn lực đầu tư cho công tác xúc tiến du lịch và đào tạo nhân lực du lịch hàng năm;

- Chưa quy hoạch được các khu chợ bán hàng lưu niệm và chưa mở được nhiều tuyến, điểm du lịch ở vùng sâu, vùng xa nên suốt hiện tình trạng bán hàng rong của người dân tộc;

- Công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn nên các dự án du lịch triển khai còn chậm;

- Hoạt động về giáo dục về môi trường chưa được đầu tư nhiều do chưa quan tâm đúng mức và thiếu cán bộ am hiểu lĩnh vực này.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng, hiểu về tầm quan trọng của rừng cũng như quy hoạch phát triển du lịch vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém. Cụ thể:

+ Năm 2008, UBND tỉnh đã định hướng phát triển nguồn tài nguyên du lịch mà trọng tâm là hồ nước ngọt trên núi lớn nhất thế giới: hồ Ba Bể. Với quyết tâm cao nhất để phát triển du lịch, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản phong phú, một “sáng kiến lịch sử” đã được đưa ra: Đổi vàng lấy du lịch.

Theo đó, toàn tỉnh có hàng chục mỏ vàng đã được thăm dò, xác định tọa độ chính xác với trữ lượng phong phú, nếu doanh nghiệp nào cam kết xây dựng khu du lịch thì sẽ được ưu tiên khai thác một mỏ vàng. 11 danh mục dự án khuyến khích đầu tư du lịch đã được ban hành, trong đó trọng tâm là dự án Khu trung tâm hành chính huyện Ba Bể tại Vườn Quốc gia Ba Bể.

Dự án này bao gồm cải tạo, xây dựng, nâng cấp thêm nhà hàng khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp. Nó được tiến hành song song và đồng bộ với một dự án quan trọng khác là Khu đón tiếp Buốc Lồm, cách cổng Vườn Quốc gia Ba Bể 9km, nơi đây có bến thuyền máy để đi vào hồ Ba Bể. Dự án Khu đón tiếp Buốc Lồm cũng bao gồm xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí cao cấp và nhà thuyền Buốc Lồm.

Để tăng thêm sự hấp dẫn của ý tưởng này, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quy định về chính sách ưu đãi áp dụng đối với các dự án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch tại Quyết định số 2758/2008/ QĐ-UBND ngày 25/12/2008. Theo đó, ngoài việc được khai thác một mỏ vàng, doanh nghiệp còn được tỉnh bỏ tiền ra xây dựng giúp cơ sở hạ tầng (đầu tư xây dựng đường giao thông đến dự án - PV). Chưa hết, doanh nghiệp đầu tư khu du lịch còn được ưu đãi thêm khi khai thác khoáng sản hay gia hạn giấy phép khai thác…

Có thể nói, đây là một quyết sách đúng đắn của tỉnh Bắc Kạn, tốt cho tất cả các bên tham gia. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản sẽ có bước phát triển bền vững, bên cạnh đó, tiềm năng du lịch rất lớn của tỉnh cũng được khai thác, thúc đẩy kinh tế của tỉnh. UBND tỉnh thì vừa phát triển được du lịch - ngành “công nghiệp trắng”, vừa tận dụng tốt tài nguyên khoáng sản. Nhưng thực tế không hề đẹp đẽ như ý tưởng táo bạo này, UBND tỉnh đã “ăn quả đắng”, vừa mất mỏ vàng, lại bêu xấu cả bộ mặt của tỉnh.

Đến khi tin công ty Na Rì Hamico vỡ nợ đã lan tràn khắp nơi, như vậy tương lai của Khu đón tiếp Buốc Lồm cũng vô cùng ảm đạm. Suốt 6 năm qua, công trình không thể hoàn thành, đường giao thông vào Khu hồ Ba Bể qua công trường này bẩn thỉu, lầy lội. Nó đã trở thành một biểu tượng xấu xí, nhức nhối của tỉnh Bắc Kạn, là “hồi chuông cáo chung” cho ý tưởng quá đẹp nhưng thực hiện thì quá dở của tỉnh Bắc Kạn.

+ Năm 2012, tại bản Pác Ngòi, nhiều vạt rừng già nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý hiếm có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi cũng đang lâm vào tình cảnh hoang tàn, do lâm tặc tàn phá. Thổ dân ở bản Pác Ngòi cho biết, hiện nay không riêng khu rừng

Lủng Giuốc, Pác Ngòi bị tàn phá mà tại một số khu rừng khác thuộc các xã như Quảng Khê, Hoàng Trĩ và Khanh Ninh của Huyện Ba Bể cũng diễn ra tình trạng phá rừng, khai thác gỗ nghiến trái phép đã và đang diễn ra mang tính phổ biến và có một điều đặc biệt là tại tất cả địa điểm tàn phá rừng đều gần các trạm kiểm lâm.

+ Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ra công văn cho phép Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghiệp Bắc Kạn và công ty tư vấn điện I chặt 50% diện tích rừng trong diện tích 63ha thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt nhằm khảo sát và xây dựng đập thủy điện thác Đầu Đẳng- một trong những điểm du lịch sinh thái đẹp nhất vườn.

* Nguyên nhân khách quan

- Là tỉnh vùng cao, miền núi, hệ thống cơ sở hạ tầng của Bắc Kạn còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, mặt bằng dân trí thấp, các hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại.

Kết luận chương 2

1. Bắc Kạn là một tỉnh giàu tiềm năng du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn, với địa hình và khí hậu đặc trưng, có truyền thống lịch sử lâu đời và là nơi tập trung của nhiều dân tộc khác nhau và có một nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Với nguồn tiềm năng đa dạng và phong phú, Bắc Kạn có điều kiện để phát triển một nền kinh tế tổng hợp nhiều thành phần, trong đó du lịch là một ngành kinh tế có triển vọng phát triển lớn và hứa hẹn giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Tỉnh.

2. Trong giai đoạn 2009-2014, du lịch Bắc Kạn đã có những chuyển biến đáng kể đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Sự phát triển bền vững của du lịch Bắc Kạn được thể hiện qua các chỉ tiêu tăng trưởng khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch đóng góp cho tăng trưởng GDP của Tỉnh, sự phát triển của các sản phẩm du lịch, các cơ sở lưu trú khách du lịch, khai thác và bảo tồn các tài nguyên du lịch. Các chương trình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, mô hình du lịch cộng đồng được triển khai và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội nói chung và đặc biệt đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

3. Công tác xóa đói giảm nghèo tại Bắc Kạn đã được chú trọng thực hiện, nhân dân các dân tộc đặc biệt là người nghèo trong Tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể về nhận thức tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo cong chưa thực sự bền vững, tỷ lệ nghèo phát sinh và tái nghèo còn cao, tình trạng lao động chưa qua đào tạo, hạ tầng cơ sở nông thôn còn thấp kẽm, thiếu tính bền vững, đặc biệt là giao thông, nước sạch và thủy lợi.

4. Thu nhập của du lịch tăng qua các năm đã tạo ra lợi ích cho người nghèo, giải quyết việc làm cho dân cư địa phương, hạ tầng cơ sở phát triển với sự tham gia của du lịch đã cải thiện đời sống của người nghèo. Phát triển du lịch theo hướng dựa vào cộng đồng thông qua du lịch sinh thái, mạo hiểm đã góp phần cho công tác xóa đói giảm nghẻo. Tại chương này, ngoài việc đánh giá tác động của phát triển du lịch đối với xóa đói giảm nghèo, luận văn đã khảo sát, đánh giá các điều kiện để phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo qua việc đáp ứng các điều kiện chung để phát triển du lịch, các điều kiện đặc trưng để phát triển du lịch có thể gắn với công tác xóa đói giảm nghèo ở Bắc Kạn.

Mặc dù ngành du lịch đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh, góp một phần không nhỏ vào giảm tỷ lệ hộ nghèo chung nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục từ công tác quản lý nhà nước về du lịch đến công tác quản lý ngành của cơ quan chức năng và hoạt động của các doanh nghiệp du lịch. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và chương trình xóa đói giảm nghèo của Bắc Kạn, du lịch chưa được xác định là ngành chính góp phần cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Nếu không có các giải pháp lựa chọn loại hình du lịch và mô hình phát triển du lịch một cách đúng đắn, giải pháp chính sách cơ chế phát triển của du lịch cho sự phát triển kinh tế- xã hội nói chung và góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo ở Bắc Kạn nói riêng sẽ không đạt được kết quả như yêu cầu đặt ra.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo tại tỉnh bắc cạn (Trang 71 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)