Văn hoá nhận thức tư tưởng

Một phần của tài liệu Văn hóa nghệ tĩnh thể hiện qua tục ngữ (Trang 40 - 44)

CHƯƠNG 2: ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ CỦA NGƯỜI NGHỆ

2.3. Văn hoá nhận thức tư tưởng

Đặc trưng của văn hóa nông nghiệp là sự sinh sôi, mùa màng bội thu và gia đình đông đúc. Tính cộng đồng tập thể là yếu tố cơ bản tạo nên kết quả đông vỗ nên kêu. “Yếu tố tạo nên sự sinh sôi là các cặp âm dương: cha - mẹ, đực - cái, nam - nữ, trời - đất. Đất sinh và trời dưỡng. Từ cuộc sống nông nghiệp và thời tiết có các cặp âm dương như: úng - hạn, nắng - mưa, nước - lửa... quan niệm từ xa xưa: cha thời, mẹ đất. Và cặp trái - phải cũng thể hiện rất rõ mối quan hệ âm dương này” [13].

Theo Trần Ngọc Thêm, đặc tính âm dương như sau: Âm: Mẹ - Đất: mềm, tình, chậm, tĩnh, hướng nội, ổn định, thấp, lạnh, phương Bắc, mùa đông, đêm, tối, số chẵn, hình vuông... Dương: Cha - Trời: cứng, lý/võ, nhanh, động, hướng ngoại, phát triển, cao, nóng, phương Nam, mùa hạ, ngày, sáng, mùa đỏ, số lẻ, hình tròn...

Đặc tính này tạo nên hai cực và cặp đối lập và chuyển hóa lẫn nhau. Muốn xác định tính âm dương của sự vật cần xác định đối tượng so sánh và cơ sở so sánh.

Theo Trần Ngọc Thêm, về bản chất có hai quy luật. Quy luật thứ nhất là: sự vật không có gì hoàn toàn âm hoặc dương, trong âm có dương và ngược lại trong dương có âm. Trong kho tàng tục ngữ Nghệ Tĩnh, chúng tôi khảo sát cho thấy

không có biểu hiện quy luật thứ nhất. Quy luật thứ hai là: âm và dương luôn gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa cho nhau, âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương, dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm. Chẳng hạn, ngày và đêm, tối và sáng, mưa và nắng... luôn chuyển hóa cho nhau. Quy luật này thể hiện âm sinh dương, dương chuyển thành âm:

Tham thì thâm lừa thì lầm

Ở đời đừng nên tham lam, gian dối. Tham quá sẽ thất bại đau đớn, lừa lọc người thì sẽ bị người lừa lại mình. Đó cũng chính là luật nhân - quả. Người Nghệ cũng nhận thức rất rõ mất cái này thì sẽ được cái khác tốt hơn:

Mất cộ(cũ) chộ (thấy) mới

Đó cũng là lẽ thông thường, một vật thiết yếu đối với đời sống bị mất đi không thể không sắm lại cái khác. Đây cũng là lời động viên đối với người mất của.

Đặc biệt “Người Việt Nam là dân tộc sống bằng tương lai, tinh thần lạc quan khác với văn hóa du mục luôn đóng khung đối tượng trong giới hạn nhất định nên con người nền văn hóa này thường đóng mình trong hiện tại. Người Việt luôn tin rằng có sự xoay vần, thay đổi trong cuộc đời” [13]:

Có làm hàm nhai, không làm hàm nhịn

Luật đời luôn sòng phẳng: có làm thì ắt tương lai sẽ được hưởng, không làm thì không được hưởng, dù có của cải nhiều thì ăn lâu cũng hết. Và sống phải thận trọng, giữ một cách chu đáo thì mới mong bình yên, biết giành giụm mới có của cải:

Có kiêng có lành, có dành mới lưa

Người xứ Nghệ tin vào sự đời, ở đời bất cứ việc gì cũng thế, cầu toàn quá dễ hỏng việc; kén chọn quá để mất cơ hội cuối cùng sẽ phải chấp nhận cái kém hơn, thiệt hại hơn:

Ba lọc bảy lừa mắc phải bừa rụng răng

Quan niệm về luật báo ứng trong nhân gian: người tích thiện (chứa nhân nghĩa) thì gặp điều may mắn, được báo đền xứng đáng; người làm điều bạc ác thì bị trừng phạt (ốm đau rạc ròi).

Chứa nhân nghĩa thì giàu, chứa bạc chứa ác ốm đau rạc ròi

Người xứ này cũng quan niệm, quyền thế càng lớn thì tội lỗi càng nhiều, theo luật quả báo sẽ bị trừng phạt nặng:

Cao bóng dù, su (sâu) địa ngục

Dù là cái ô lớn, có cán dài, của hạng quyền quý sang trọng, dùng để che nắng mưa; địa ngục là nơi đày đọa linh hồn người có tội sau khi chết. Cũng vì tin vào luật báo ứng nhân - quả nên xứ Nghệ mới có câu:

Chớ cho ai lận, chớ hề lận ai

Lận tức là lừa dối người khác để chiếm đoạt tài sản. Câu tục ngữ khuyên con người nên sống trung thực, ngay thẳng không tham chiếm của người và cũng không để người lừa gạt chiếm đoạt của mình. Song họ cũng nhận thức rất rõ những bất công, trái lẽ thường vẫn luôn hiện hữu, thường trực trong cuộc sống:

Hay mần thì đói, hay nói lại no

Dù có luật báo ứng, nhân quả thì xã hội vẫn đầy rẫy những nghịch lý, thối nát. Người lao động chân chính thì nghèo đói, kẻ quan chức chỉ uốn ba tấc lưỡi lừa bịp thiên hạ lại no ấm giàu sang. Người Nghệ tin con người có số mệnh, họ sống hôm nay nhưng cũng chẳng biết ngày mai ra sao, nên mới có câu tục ngữ:

Biết sự trời, mười đời khỏi đói

Vì tin vào số mệnh nên họ không biết chuyện gì có thể xảy ra ở tương lai. Họ nghĩ nếu biết trước được hết mọi chuyện thì không bao giờ xảy ra bất trắc. Vì thế, trong tư tưởng của người xứ này luôn ý thức rõ cần phải biết chấp nhận những rủi ro, khó khăn mà mình gặp phải trong cuộc sống này.

Nhận thức tư tưởng của người Nghệ Tĩnh còn biểu hiện ở mối quan hệ giữa chất và lượng:

Của không ngon nhà nhiều con cũng hết

Nhà nhiều con thường nghèo đói, quanh năm thiếu ăn, vì vậy thức ăn không kể sang hèn, có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Đông người ăn thì hết nhiều kể cả thứ tầm thường nhất.

Chính vì nắm được quy luật chuyển hóa của âm dương nên người Việt nói chung và người xứ Nghệ nói riêng sống theo lẽ tự nhiên hài hòa, không có cái gì

thái quá, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ, sống bình đẳng và dân chủ với mọi người. Theo Trần Ngọc Thêm, “đấy là triết lý sống quân bình, lối sống linh hoạt và khả năng thích nghi cao. Vì thế mọi vật đều cặp sóng đôi, âm dương hài hòa” [Dẫn theo 13]:

Bay cao bay thấp cũng là diều, ăn ít ăn nhiều cũng là ăn

Mọi việc đã được đánh giá theo đúng chức năng, bản chất dù mức độ biểu hiện thế nào. Câu tục ngữ còn là bài học kinh nghiệm trong ứng xử ăn uống: ăn ít hay ăn nhiều cũng mang tiếng, nên đã ăn thì ăn cho thỏa thích.

Đói hư việc, điếc hư thân

Đói nghèo, thiếu thốn thì thường hỏng việc trong nhiều trường hợp vì thiếu điều kiện giải quyết, người điếc không nghe được người ta nói về mình, không biết điều chỉnh trong quan hệ, ứng xử nên khó hoàn thiện nhân cách. Đặc biệt, người Nghệ có câu:

Bảy mươi chớ cười bảy mốt

Sống đến bảy mươi còn khỏe mạnh, thấy người bảy mốt bệnh tật chớ vội cười chê. Vì tuổi càng cao mức độ sa sút càng nhanh, sang tuổi bảy mốt là rất có thể rơi vào trạng thái như người ta. Đời người khó mà lường trước được bất cứ điều gì.

Sự hài hòa đó còn thể hiện trong tình yêu, yêu cầu phải có thái độ yêu ghét dứt khoát, rõ ràng.

Đạ (đã) yêu thì yêu cho chắc, đạ trục trặc thì trục trặc cho luôn Chất trí tuệ hay nói đúng ra tính hàm ngôn của tục ngữ Nghệ Tĩnh rất cao, họ cự đoan đến cùng cực và không có chỗ cho cách ứng xử mượt mà, bóng bẩy ở giữa một thái độ dứt khoát, một sự lưỡng phân đến cùng cực.

Một rương vàng không bằng một nang trự

Rương: hòm đựng đồ, nang: túi đựng. Câu tục ngữ đề cao sự học, coi đó là vốn quý để lập thân hơn mọi thứ ở trên đời. Cũng qua sâu sắc và thâm thúy và cũng chỉ có con người vùng này mới hiểu hết được, thẩm thấu hết tầng nghĩa của chúng và cũng chỉ người xứ Nghệ mới dùng, mới nói:

Ở đời có bốn cái ngu: làm mai, lạng (lãnh) nợ, gác cu, cầm chầu

Làm mai: làm mối, xe duyên vợ chồng; lãnh nợ: bảo lãnh cho người khác được vay nợ; gác cu: canh gác cho các hội đánh cờ bạc; cầm chầu: đánh trống cầm chầu cho các cuộc hát ả đào. Đây là kinh nghiệm ứng xử làm người cần tránh những điều dại dột nói trên. Làm mai nếu không thành dễ bị nười ta oán, lãnh nợ dễ phải ôm nợ khi con nợ chạy làng, gác cu dễ bị bắt khi hội bạc vỡ, cầm chầu dễ bị chê vì lỡ nhịp. Người dân vùng này khen ra khen, chê ra chê, rõ ràng, mạch lạc và cũng thâm thúy.

Tục ngữ Nghệ Tĩnh thể hiện rõ nhận thức tư tưởng về đời sống của con người xứ này:

Áo mới xỏ cựa (cửa) tay là cộ(cũ).

Áo mới may thì dù chỉ mới xỏ cửa tay (mới ướm thử cái ống tay áo) cũng đã cũ. Nó còn chỉ sự mất tân của người con gái khi đã có sự chung đụng với đàn ông dù ở mức độ nào. Và cái gì đã qua sử dụng, dù chỉ rất ít, thì vẫn bị mất giá. Đó là lời nhắc nhở sâu sắc mà đầy thâm thúy của con người xứ Nghệ. Lời nhắc nhở ấy còn là:

Chim rừng gà rú (núi) chớ nuôi; trai có lông bụng, gái thâm mui (môi) xin đừng Những loại động vật hoang dã nuôi không có lợi; đàn ông có lông bụng, đàn bà thâm môi là loại người hiểm ác, không nên gần gũi.

Mỗi câu tục ngữ hiện lên một không khí rất Nghệ và đặc Nghệ trong nhận thức tư tưởng. Nó đã được người dân xứ này đưa vào bao nhiêu lời ca, bao nhiêu cuộc thoại và cả độc thoại. Nặng thật, thô thật và cũng chẳng óng ả, mượt mà nhưng bên trong đó là nội tâm, là cái đẹp, cái chất hồn nhiên, giản dị, trung thực.

Một phần của tài liệu Văn hóa nghệ tĩnh thể hiện qua tục ngữ (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)