CHƯƠNG 3: ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ VẬT THỂ VÀ VĂN HOÁ XÃ HỘI CỦA
3.1.1. Văn hoá nghề nghiệp
Việt Nam được xem là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước của thế giới. Nghề nông đã chi phối toàn bộ cách thức sinh hoạt, ăn ở, làm việc, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ nghi. Mảnh đất Nghệ Tĩnh đã có mặt từ ngày dân tộc mang tên Văn Lang. Nơi đây có gắn với những kỷ niệm về một thời gian khó, đau khổ. Cũng như bao miền quê thuộc cư dân văn hóa lúa nước, mảnh đất này phải chịu đựng bao nhiêu khó khăn, hà khắc của thiên nhiên đưa lại. Do vậy mà kinh nghiệm trồng lúa được người dân vùng này rất chú tâm và nó trở thành những kinh nghiệm dân gian, xuất hiện dày đặc trong tục ngữ Nghệ Tĩnh:
Cấy phải trông, trồng phải chăm
Cấy lúa phải biêt trông nom thời tiết, nước, tốc độ sinh trưởng và cỏ dại, sâu hại thì lúa mới phát triển được. Trồng phải chăm sóc cây cối mới tươi tốt. Mặt khác, nhắc nhở chúng ta làm việc gì cũng phải tận tâm, tận lực thì mới đạt kết quả. Thiên nhiên xứ Nghệ bạc bẻo, đất xứ Nghệ chịu mặn mòi. Tuyệt đại bộ phận cư dân Nghệ Tĩnh làm ruộng nên họ ý thức được trong việc cấy lúa:
Cấy sưa (thưa) thừa thóc, cấy dày cóc ăn
Khi khoa học kĩ thuật chưa có, kinh nghiệm của người xưa phải cấy thưa lúa mới phát triển, bông sai, hạt mẩy, ngược lại cấy dày năng suất thấp. Và để tồn tại trên một thiên nhiên đất đai cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt, họ cũng rút ra được bài học kinh nghiệm trong sử dụng đất canh tác có hiệu quả:
Ruộng cao trồng mầu, ruộng sâu cấy chiêm
Ruộng cao không có nước, không nên cấy lúa mà chỉ trồng màu, ruộng sâu không nên cấy vụ mùa vì mưa nước ngập. Làm như vậy sẽ hạn chế được sẽ hạn chế được thiệt hại do thời tiết gây ra. Họ ý thức rất rõ tầm quan trọng của phân bón rất quan trọng cho quá trình sinh trưởng của cây lúa:
Ruộng không phân như thân không của
Sống giữa một thiên nhiên chẳng mấy phì nhiêu như thế, con người xứ Nghệ phải thật siêng năng, tằn tiện, tức phải cần kiệm:
Chăm làm là đống vàng mười, ai chăm gánh nặng, ai lười trắng tay Phải luôn biết cố gắng và chịu khó trong cuộc sống lạo động. Có chăm chỉ làm việc mới có ăn. Đất đai cằn cỗi, không lo cuốc bẫm, cày sâu, phân tro, làm cỏ với một cường độ, một liều lượng cao thì không có hoa lợi. Đôi khi riêng việc siêng làm thì chưa đủ mà còn phải biết quan sát những thay đổi hiện tượng thiên nhiên, nó rất có ích trong việc gieo trồng lúa:
Sấm ra tháng chín cấy trên đống nhấm (rấm) cụng (cụng) được ăn Theo kinh nghiệm trồng trọt của người xứ Nghệ có sấm tháng chín sẽ được mùa. Trong thực tế sản xuất, người Nghệ Tĩnh cũng thấy được quan hệ nhân quả giữa hiện tượng khí hậu với đời sống thực vật, động vật và thường theo dõi những phản ứng của chúng trước sự thay đổi thời tiết, dự kiến mưa nắng, bão lụt để làm nông vụ. Nó trở thành những tri thức quý báu và được đúc kết trong những câu tục ngữ:
Sấm tháng mười cày cươi (sân nhà) mà cấy
Tháng mười mà có sấm thì nhất định vụ chiêm sau sẽ được mùa, nên tận dụng đất để trồng lúa. Thành quả lao động tuy đã cố gắng nhưng vẫn là ít ỏi. Mùa được mất phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Người Nghệ Tĩnh có cách nhận biết rất hay:
Sây (sai) du (dâu) đại hạn, sây nhạn (nhãn) được mùa
Luôn tỉnh táo, mau lẹ trước sự đổi khác của thiên nhiên, không những vậy họ còn có kinh nghiệm trong lựa chọn cây mạ phù hợp với từng mùa vụ gieo trồng:
Tháng năm mà cấy mạ non thà rằng không cấy ẵm con ở nhà, tháng mười mà cấy mạ già thà rằng không cấy ở nhà ẵm con.
Tháng năm (vụ chiêm) cấy vào khoảng tháng chạp, tháng giêng cấy mạ non thì chậm bén rễ, khả năng chịu rét kém, không đủ sức chống chọi trong đông xuân.
Ngược lại vụ mùa, cấy tháng sáu, tháng bảy trời ấm nắng, cấy mạ già không tốt do không tranh thủ cho nó tìm đất phát triển, thời gian sinh trưởng do đó ngắn ngủi, dĩ
nhiên năng suất kém. Người Nghệ Tĩnh cũng có cách suy đoán rất chuẩn:
Thiếu tháng giêng mất khoai, thiếu tháng hai mất độ, thiếu tháng tư mất tằm, thiếu tháng năm mất ló
Đây là kinh nghiệm xem lịch, dự đoán kết quả thu hoạch mùa dựa vào những tháng thiếu (không đủ ba mươi ngày theo lịch âm). Khoai lang là một loại lương thực quan trọng của người Nghệ Tĩnh. Người ta gây giống nó bằng cách dâm cành xuống đất để cho ra rễ và hầu như có thể trồng trong cả năm, miễn là đủ độ mát khi trồng. Nó cũng rất cần làm cỏ và vun xới luôn, có nghĩa là làm cho đất không bị khô cứng đủ độ PH để củ nẩy nở thuận lợi. Cho nên:
Khoai năng ngó, ló năng thăm Hay: Gái bén hơi trai như khoai bén cào
Trong kinh nghiệm sản xuất lúa và khoai. Khoai mà không thường xuyên thăm ngó thì chuột bọ, trâu bò phá lúc nào không ai biết. Lúa mà không thường xuyên thăm thì nước sẽ cạn, cỏ lấn, sâu keo phá hoại lúc nào không ai hay. Trồng khoai luống to mới nhiều củ, vun đậu phải khi đậu ba lá mới vừa và tiện:
Khoai to vồng (luống) lắm cổ (củ), độ ba lá dệ (dễ) vun, gà mất mẹ mau khun (khôn), gái đến thì gái mau nậy (lớn)
Trồng lạc ở xứ Nghệ cũng được đúc kết trong tục ngữ. Lân và vôi là hai thứ hóa chất rất cần cho việc trồng lạc. Lân thì cấp kali cho việc phát triển củ, vôi thì giúp khử phèn, diệt sâu bọ:
Không lân không vôi thì thôi làm lạc
Gắn với cư dân nông nghiệp không chỉ là trồng trọt, những con vật cũng rất gắn bó với cuộc sống của người Nghệ Tĩnh:
Chấm trán lọ đuôi không nuôi cũng nậy (lớn)
Đây là giống lợn khoang, có đém trắng ở trán và đuôi, nuôi nó rất nhanh lớn.
Hay những vật nuôi khác như chim, bò, gà, nhưng những giống này thì cần tránh:
Chim rừng gà rú chớ nuôi, bò hoe lọ trán cộc đuôi thì đừng
Cuộc sống của quần chúng nhân dân gắn bó với nghệ thuật dân gian chặt chẽ, mà cho tới ngày nay nó vẫn sống, vẫn hiện hữu góp phần làm giàu, làm văn
minh xứ Nghệ. Nghệ Tĩnh xưa nay rừng nổi tiếng sẵn nhiều danh mộc, nên nghề sơn tràng ngày xưa khá thịnh:
Thợ cưa Châu Lộc, thợ mộc Xa Lang
Châu Lộc chính là huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Nơi có nhiều thợ cưa hằng năm mang cưa đi khắp nơi trong ngoài tỉnh, làm thuê công nhật hoặc nhận khoán theo mạch cưa. Xa Lang thuộc Tân Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh, là quê hương Tú Kiên - nhà cách mạng thời cận đại - là một trong những làng sản sinh nhiều thợ khéo tay cha truyền con nối, chuyên dựng nhà cửa, đền chùa, chạm trổ. Làng này có từ lâu đời, năm 1936 có người đếm được tại làng này có 150 phó mộc chuyên hành nghề thường xuyên, số còn lại thường cầm cưa đục vào lúc rãnh rỗi. Khéo tay, thông minh, sự sáng tạo không bao giờ vơi cạn chính là tân điểm để mỗi người thợ mộc Xa Lang tỏa sáng, trở thành những kiến trúc sư mà ngày nay là niềm tự hào to lớn.
Mảnh đất khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt là vậy, song hình ảnh những con người cần cù, chăm chỉ vẫn dâng cho đời những nét đẹp tài hoa quyến luyến lòng người:
Trống Đan Tràng, đục chàng Đan Phổ
Đây là những địa danh gắn với những nét đặc trưng riêng thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đan Tràng nổi tiếng làm trống, tiếng vang to, mẫu mã lại đẹp.
Người dân xứ Nghệ hầu như đều tìm về chọn mua trống ở nơi đây. Đan Phổ là làng làm mộc tinh xảo nhất huyện Nghi xuân. Giữa cái lam lũ, đói nghèo, con người mỗi làng quê lại tìm cho mình một kế sinh nhai; với sự cần mẫn, tỉ mỉ dựa trên đôi bàn tay để dựng lên những làng nghề truyền thống. Tìm đến xứ Nghệ chính là tìm về cái nôi văn hóa của người miền Trung. Mến mộ và cảm phục sẽ là trạng thái của du khách từng ghé chân dừng lại nơi đây.
Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, cái nghề đồ gỗ nhất là Thái Yên
Thái Yên thuộc xã Đức Nhân, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đây là làng nghề làm đồ gỗ nổi tiếng ở Thanh - Nghệ - Tĩnh và cả miền Bắc. Ngày nay, từ bàn ghế đến những nội thất đồ gỗ của nhiều gia đình nội và ngoại tỉnh đều có xuất xứ từ làng
Yên Thái.
Người Nghệ Tĩnh còn góp cho dáng núi hình sông nghề luyện sắt. Là nghề từ bao đời nay của mảnh đất Nho Lâm thuộc ba xã Diễn Phú, Diễn Lộc và Diễn Thọ thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An:
Nho Lâm than quánh nặng nề, sức em đang được thì về Nho Lâm
“Quặng ở đây nổi tiếng nhiều giàu chất hômatít, thường lấy từ các núi vùng quanh đâu đâu cũng có, từ những hòn bằng ngón chân cái trở lên. Than hòn để đốt lò thì có ngàn rú Vạc cung cấp, do những phường ở các làng lân cận. Cách luyện là xây lò thô sơ, loại lò mà phương Tây gọi là Catalan. Nguyên tắc của nó chỉ là qua phản ứng hóa học đốt cho sạch xỉ. Vào thời kỳ xưa, người thợ quặng có thu nhập cao hơn nông dân. Công việc của họ thuộc loại vất vả nhất” [4, tr.647]. Sự vất vả, nặng nhọc nhưng không mài mòn tấm lòng yêu nghề của con người Nho Lâm. Họ vẫn sống, vẫn luyện và hơn thế là cung cấp nguyên liệu cho các lò rèn Thanh - Nghệ - Tĩnh. Nơi đâu trên xứ Nghệ cũng hiện hữu những nét tinh túy riêng của người dân bản xứ. Đâu đó trong ta có một niềm cảm phục trào dâng.
Bồng Liêu thợ bạc, Yên Lạc cối xay, Xuân Liệu bánh tày, Nha Cao bện võng.
Bốn địa danh nối tiếp nhau xuất hiện trong một câu tục ngữ. Những cái tên ấy đều gắn với mảnh đất Nghi Lộc, Nghệ An. Lại có những câu tục ngữ thật dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người:
Đồng Môn dệt vải, Cổ Đạm vắt nồi, Chợ Bộng vắt bình vôi, Xuân Liệu bắt nạm cáy hôi.
Đồng Môn là tên cũ của hai xã Thạch Đồng và Thạch Môn, thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Xã Đồng Môn có trước thế kỷ XIX, thuộc tổng Thượng Nhị, phủ Thạch Hà. Đồng Môn có nghề dệt vải lâu đời và rất nổi tiếng. Cổ Đạm là tên một làng cổ vốn có từ trước thế kỷ XIX, thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, về sau thuộc xã Xuân Hoa, nay lại tách ra thành xã Cổ Đạm. Xã có ba thôn: Kỳ Ba, Mỹ Cầu, Yên Lan. Làng Cổ Đạm từ xưa đã nổi tiếng với nghề sản xuất đồ đất nung.
Chợ Bộng thuôc xã Cẩm Trang, Đức Thọ, Hà Tĩnh, nổi tiếng với nghề sành, vò, chậu, bình vôi. Và Xuân Liệu là xã thuộc huyện Can Lộc - vùng đồng chua nước
mặn, chuyên bắt cáy về làm mắm.
Hiện lên một cuộc sống nghèo khổ với ruộng đồng, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng người Nghệ rất kiên cường, anh dũng chống chọi với thiên nhiên để tồn tại và chinh phục nó. Điều khắc họa sâu đậm tính cách Nghệ nhất vẫn là nghề nông mà chủ yếu trồng lúa nước. Mỗi làng là một hình ảnh văn hóa, mỗi kinh nghiệm là một tri thức dân gian ích dụng góp phần tô thắm toàn cảnh bức tranh nền văn hóa xứ Nghệ và nền văn hóa dân tộc.