Văn hoá giao tiếp

Một phần của tài liệu Văn hóa nghệ tĩnh thể hiện qua tục ngữ (Trang 44 - 50)

CHƯƠNG 2: ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ CỦA NGƯỜI NGHỆ

2.4. Văn hoá giao tiếp

Vốn bản chất của người Việt là cư dân nông nghệp, họ luôn tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Người Việt coi trọng sự giao tiếp và luôn có sự giãi bày. Song một đặc tính dễ nhìn thấy ở người Việt vừa cởi mở nhưng vừa rụt rè trong giao tiếp. Năng lực giao tiếp được xem là chuẩn để đánh giá một con người: Vàng thì thử lửa thử than / Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời. Vì coi trọng giao tiếp nên người Việt thích giao tiếp, điều này

xuất phát từ hai đặc điểm văn hóa của người Việt là thích thăm và có tính hiếu khách. Con người xứ Nghệ cũng không nằm ngoài những nét văn hóa này. Có khách đến nhà dù lạ hay quen, dù thân hay sơ, chủ nhà dù nghèo khó đến mấy cũng đón tiếp nhiệt tình chu đáo, tiếp khách nhiệt tình còn dành cho khách nơi nghỉ ngơi tốt nhất và ăn uống đàng hoàng:

Nhịn mẹng (miệng) đại (đãi) khách đàng (đường) xa, ấy là của để chồng ta đi đàng Nó đã trở thành một đạo lý ở đời của người Nghệ Tĩnh. Con người xứ này có khi cực đoan đến lạnh lùng, bề ngoài giao tiếp có vẻ “thô” nhưng ẩn chứa bên trong là sự mộc mạc mà cũng rất đỗi đằm thắm, mặn mà. Cắt giảm khẩu phần ăn của mình để giúp đỡ khách đường xa lỡ bước là việc nên làm. Không những thế mà đến khi gặp hoàn cảnh tương tự mới có người giúp đỡ mình. Với họ luật nhân - quả, đạo lý văn hóa Việt đã ăn sâu vào tiềm thức, vào đời sống, trở thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa con người với nhau.

Bởi thế, trong quan hệ giao tiếp theo nguyên tắc cộng đồng. Nguyên tắc này dẫn đến sống cho vừa lòng nhau, nên dân gian xứ Nghệ luôn răn con cái mình:

Khun cho người ta hại, dại cho người ta thương, dở dở ương ương người ta ghét Trong ứng xử, sự hiện hữu của cá nhân phải được cộng đồng chấp thuận trong một trạng thái tích cực nhất, nếu không cá nhân đó dễ bị cộng đồng cô lập. Và hơn hết trong quan hệ xã hội phải thành thực, phải biết mình, biết người không thì dễ bị thiệt thòi. Đó cũng chính là thể hiện sự tôn trọng danh dự bản thân mình. Vì trọng danh dự nên họ thường tránh xích mích để giữ hòa khí:

Thua kiện thì dại, thua cại (cãi) thì khun (khôn)

Thua kiện thì phải chịu thiệt hại, nhưng thua cại thì giữ được hòa khí, nghĩa là không có tranh chấp to tiếng, tránh được những cuộc xô xát không đáng có. Việc bất hòa xảy ra không xử theo lý mà xử theo tình với cơ chế giải hòa “thông cảm cho nhau”. Dư luận xã hội tạo nên những rào cản, làm cho mọi người sống phải tuân theo cộng đồng, theo nếp cũ và thói quen, đảm bảo sự ổn định xã hội. Nhưng mặt khác, nó cũng cản trở sự tự do cá nhân và sự sáng tạo cá nhân. Cũng chính vì trọng danh dự mà người xứ Nghệ thường ưa sự tế nhị, ý tứ trong ứng xử:

Qua vườn cam chớ sửa mụ (mũ), qua vườn (cụ) củ chớ sửa dày.

Cần khéo léo trong ứng xử tinh tế trong cuộc sống tránh để bị hiểu lầm, nghi oan. Ví như qua vườn cam đừng nên sửa mũ vì người đứng từ xa có thể nhầm là mình đang hái quả, qua vườn củ mà sửa giày dễ bị cho là đào trộm củ. Câu tục ngữ thể hiện sự thông minh, sự liên tưởng đầy hài hước, dí dỏm. Và cũng vì trọng danh dự nên con người Nghệ Tĩnh dẫn đến mặc cảm, tự ti, thấy mình thua kém mọi người nên không giám làm, không giám nói điều gì, trở thành một kẻ vô tích sự, không quan tâm đến chuyện của người khác để giữ yên thân mình:

Đi cúi trốôc (đầu), về cúi tai

Để chỉ những người vô tích sự, chẳng làm được gì, luôn xun xoe, nịnh bợ gặp việc gì có đông người thì lăng nhăng, nhặng xị lên tục ngữ Nghệ Tĩnh còn có câu:

Bắng nhắng như lằng(nhặng) vào chuồng tiêu

Ở người Nghệ có một thái độ dứt khoát, rõ ràng, lưỡng phân một cách rành mạch: yêu ghét rõ ràng. Có thể nói: người Nghệ Tĩnh cực đoan đến cùng cực, họ không chỉ gàn mà quá gàn. Cái gàn ấy biểu hiện qua những nhận xét về cách ứng xử trong giao tiếp. Để chỉ những kẻ ngu si, hèn kém, nói năng vụng dại người Nghệ nói:

Ăn không nên đọi, nói không nên lời Và thái độ dứt khoát ấy còn biểu hiện ở sự thẳng thắn:

Cày lặp lắm ló, nói lặp khó nghe

Đó cũng là kinh nghiệm trong giao tiếp: không nên nói nhiều vì như thế dễ làm cho người nghe mất cảm tình mà dẫn đến hỏng việc. Người Nghệ Tĩnh có đức tính đắn đo, cân nhắc kĩ trước khi nói, nên khi có một biểu hiện không ưng ý với cách ứng xử, vùng này thường nói:

Lớp tớp như cá rớp tháng ba

Để chỉ thái độ, dáng điệu láu cá, thiếu chín chắn, đứng đắn của con người, ứng xử trước một việc gì đó. Và đã không cân nhắc kĩ trước khi nói thì sẽ dễn đến nói vội vàng, lộn xộn, không có ý tứ, lỗ mảng, cộc cằn, xứ Nghệ có câu:

Nói như chó húp cháo nóng Hay: Nói như chó ngáp

Hoặc: Nói như dùi cui chấm nác mắm

Đi bất cứ nơi đâu ta cũng bắt gặp nhiều kiểu người, và người điêu ngoa, động tí là chửi bới om sòm thì bất cứ nơi đâu cũng có. Nhưng chắc chẳng có nơi đâu có cách biểu hiện ý nghĩa hàm ngôn như con người vùng này:

Ngoác họng như họng chạng làng

Gần gũi với đời sống nông nghiệp, rất thuần Việt mà cũng rất riêng xứ Nghệ.

Dường như sự đắn đo, cân nhắc đã chi phối rất nhiều tới cách giao tiếp của con người nơi đây. Họ luôn băn khoăn nói gì, nói như thế nào cho đúng, đôi khi đã tạo sự rụt rè, thiếu tính quyết đoán trong phát ngôn. Nhiều khi thay bằng lời nói là một nụ cười, nhưng cười thế nào cho đúng, cho ý tứ đâu phải là chuyện dễ:

Chưa nói đạ (đã) cười là người vô duyên

Chỉ hạng người bất nhã, trong giao tiếp chưa đưa ra thông tin gì đã bộc lộ, thái độ bằng cử chỉ cười cợt khiến cho người trong cuộc dễ chạnh lòng hoặc mất cảm tình. Cũng để chỉ những người vô duyên trong giao tiếp:

Cười như bò đấy (đái) tấm tôn

Có lẽ ít nơi đâu có được sự dí dỏm, dễ mến như người Nghệ Tĩnh. Phê phán những con người có cách ăn nói vô duyên mà cũng tìm lối nói và cách ví von giàu sức gợi đến thế. Đó là cái cười to, thành tràng dài, tiếng rổn rảng. Không dừng lại ở đó, người dân Sơn Tràng - Hương Sơn còn có câu:

Cười như đười ươi nắm ống

Từ thực tế sinh động khi đi rừng phải chuẩn bị hai cái ống tre, gặp đười ươi phải xỏ tay vào hai cái ống tre để cho nó nắm, đến khi nhắm mắt lại cười thì cứ việc rút tay ra khỏi ống tre mà đi. Chỉ tiếng cười ngây ngất, chẳng biết gì đến người xung quanh.

Cách giao tiếp bằng chính cái ngôn từ của quê hương, tiếng nói trọ trẹ, hình ảnh thân thuộc mà giàu sức gợi nó làm sống dậy trong tâm hồn chúng ta, xúc cảm với chúng ta về một bản sắc, một vùng văn hóa. Tiếng nói người Nghệ đằm, nặng

mà “trầm hùng”. Cái đằm, cái nặng, cái trầm hùng ấy còn lan cả vào những câu tục ngữ:

Lao xao như bồ chao bể ổ (vỡ tổ)

Trong giao tiếp, chỉ những người nói năng mất trật tự, lộn xộn, ầm ĩ, không ai nghe ai. Bởi nghi thức nói năng của người Nghệ Tĩnh không kém phần phong phú. Câu nói thể hiện con người nơi đây trong giao tiếp trọng sự tôn ti, thứ bậc.

Cũng để chỉ cảnh tượng ồn ào, mất trật tự, từ đó người dân địa phương vùng chợ Chào - Kỳ Anh - Hà Tĩnh có câu:

Lao xao như chợ Chào mất mấn

Chợ vốn đã quá ồn ào, lại còn thêm sự kiện lạ mất mấn nữa thì càng ồn ào hơn. Tương tự:

Lau chau như hau hau được nác

Với tâm lý trọng sự hòa thuận, nhưng một khi đã xảy ra chuyện gì không ưng ý, thì người Nghệ Tĩnh cũng thật gàn, gàn tới mức độ dở tệ:

Loằm ngoằm như kẻ Trằm mất Tru

Thể hiện thái độ bực dọc, chửi bới lầm rầm một mình như kẻ Trằm mất Trâu.

Tương tự chỉ người hay cằn nhằn, làm người khác khó chịu:

Cẳm rẳm như địt (đánh rấm) trong mấn

Nhưng khi ai đó nói năng với giọng điệu gây khó chịu cho người khác thì lại được ví:

Chua như kít (kứt) mèo

Người Việt nói chung và người Nghệ Tĩnh nói riêng ưa lời hay ý đẹp. Và cũng cần sự khiêm nhường, nhã nhặn theo nguyên tắc trọng tình, tôn ty:

Khéo bán khéo mua vẫn thua người khéo nói

Chỉ những người mua sành, bán sõi vẫn thua người có giao tiếp tốt. Tương tự, người Nghệ còn có câu:

Khun (khôn) chết, dại chết, biết thì sôống (sống)

Trong cạnh tranh sinh tồn, dại thì đương nhiên dễ dàng bị lấn lướt nhưng khôn quá thì nhiều kẻ thù, có kẻ cao tay hơn cũng dễ bị bóp chết. Chỉ có những

người biết ứng xử khéo léo, mềm dẻo trước vạn biến thì mới tồn tại. Chính vì người Nghệ Tĩnh ưa sự khôn khéo, nên khi ai đã làm sai chuyện gì, không nhận còn nói nhiều, nói liên tiếp, lặp đi lặp lại, lời lẽ khó nghe và gây cho người khác sự khó chịu:

Mồm trém (lém) như vẹm cạo soong Hay: Nhất chó sủa dai, nhì ngài nói lặp Hoặc: Kè nhè như che kéo mật

Quả là cả một kho tàng tri thức phong phú, không chỉ về văn hóa mà cả ngôn ngữ và cách sử dụng hình ảnh. Phải có óc liên tưởng, sáng tạo đầy linh hoạt thì mới làm nên những điều táo bạo mà cũng hết sức nhân văn như thế. Con người không thể tách rời cộng đồng và giá trị cộng đồng được đặt lên trên giá trị cá nhân. Con người xứ này không ồn ào, dữ dội mà điềm tĩnh, trung thực và rất kiên quyết, thông minh, tỉnh táo. Thoáng qua trong giao tiếp và ứng xử có thể thú nhận ngay rằng, qua giao tiếp bằng khẩu ngữ và qua văn bản dân gian người ngoài nhận thấy ngôn từ có vẻ không chải chuốt và uốn lượn nhưng cái ngôn ngữ ấy đượm và sâu lắng tình người lắm.

Tiểu kết:

Đi tìm hiểu từ phong tục tập quán đến tín ngưỡng, từ nhận thức tư tưởng đến văn hóa giao tiếp trong tục ngữ Nghệ Tĩnh. Tìm thấy trong đó trước hết thể hiện tình cảm gia đình, bạn bè đặc biệt là tình yêu đôi lứa mộc mạc nhưng cũng đầy yêu thương. Coi trọng tình nghĩa không chỉ là ăn ở tốt với bạn bè, bà con mà còn ăn ở tốt với người ngoài. Tình nghĩa ấy luôn gắn bó với nhân nghĩa, đó là lối giao tiếp ứng xử nhân hậu, trung thực với mọi người và ít điều, kiệm lời nói. Và đó còn là cái đẹp nội tâm qua những nhận thức, tư tưởng về triết lý âm dương, về luật báo ứng, về con người, cuộc đời. Bên cạnh đó, là niềm tin tâm linh vĩnh cửu.

Một đời sống phi vật thể cực kì sinh động, đậm đà của người Nghệ vừa khô khan, ngang tàng mà cũng rất Việt Nam.

Một phần của tài liệu Văn hóa nghệ tĩnh thể hiện qua tục ngữ (Trang 44 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)