Gia đình và gia tộc

Một phần của tài liệu Văn hóa nghệ tĩnh thể hiện qua tục ngữ (Trang 68 - 72)

CHƯƠNG 3: ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ VẬT THỂ VÀ VĂN HOÁ XÃ HỘI CỦA

3.2. Văn hoá xã hội

3.2.1. Gia đình và gia tộc

Người phương Đông đều coi trọng gia đình, gia tộc. Người Việt Nam cũng như Nghệ Tĩnh rất coi trọng truyền thống gia tộc, huyết thống, tổ tiên, họ hàng, cho nên tục ngữ có câu: Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Cộng đồng người Nghệ Tĩnh rất chú trọng đến họ tộc, rồi mới đến gia đình riêng, gia đình phải tuân thủ mọi nguyên tắc của dòng họ. Sức mạnh của gia tộc thể hiện trong việc yêu thương, đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau về cả vật chất và tinh thần:

Cha chết bấm chin (chân) chú, mẹ chết bú vụ (vú) dì

Chú và dì là người thân ruột của cha và mẹ, con cái lâm vào cảnh mồ côi theo lẽ thường phải nương tựa vào những người này. Nhất là những lúc hoạn nạn thì chỉ có thể nương tựa vào những người thân thuộc ruột rà. Để nói về quan hệ huyết thống, dòng tộc hết sức khăng khít, sự thành đạt hay sa ngã của mỗi thành viên trong gia đình có ảnh hưởng đến uy tín của cả dòng tộc. Trách nhiệm của mỗi người là phải giữ gìn gia phong:

Một ngài mần quan cả họ được cậy, một ngài mần bậy cả họ xấu lây Mối quan hệ ở vùng nông thôn và thành thị có một số khác biệt về cơ cấu dòng tộc. Ở thôn quê thường gắn bó, chặt chẽ hơn nên vai trò dòng họ rất lớn còn ở thành thị vì quan hệ làm ăn, người tứ xứ nên gia đình hạt nhân được coi trọng. Khi không có anh em dòng tộc bao quanh thì họ có cách ứng xử thân thiết với cộng đồng, những người sống gần mình:

Bán chị em ngái (xa), mua láng giềng ghin (gần)

Tương tự, để nói lên hai trạng thái khác nhau của cha mẹ trước con cái, có thể là niềm tự hào, cũng có thể là sự đau lòng vì con cái không nghe lời cha mẹ:

Con khun (khôn) đẹp mặt mẹ cha, nhược bằng con dại nhuốc nha (nhuốc nhơ) trăm đường

Hay: Con không nghe mẹ nghe cha, mắm không nghe muối ắt là mắm ươn Hoặc: con khun cha mẹ sướng, chó dại nhà chủ lo

Xem gia đình là hạt nhân, khi đã lập gia đình thì cố gắng tất cả cũng chỉ vì con, vì mong muốn một gia đình thật sự có hạnh phúc, những đứa con thật sự khỏe mạnh:

Có phúc sinh con biết lội, có tội sinh con hay trèo

Con hay bơi lội thì khi gặp hoạn nạn rơi xuống nước, hoặc lũ lụt không bị chết đuối. Con hay leo trèo thì có ngày ngã gãy tay, què chân hoặc chết. Lập gia đình để duy trì và phát triển nòi giống, thực hiện việc hương khói tổ đường, phụng dưỡng cha mẹ nên cần có nhiều con:

Giàu của không bằng giàu con

Người Việt thường nói “Con không có cha như nhà không có nóc”, trong cuộc sống gia đình, người Nghệ rất đề cao vai trò của người làm cha:

Một tiếng cha không bằng ba tiếng mẹ

Hay: Mẹ đập một trăm không bằng cha ngăm một tiếng

Cha thường nghiêm khắc, còn mẹ thường hay chiều chuộng nên con cái sợ uy cha hơn sợ uy mẹ. Song vai trò của người mẹ cũng quan trọng không kém:

Chết cha ăn cơm với cá, chết mẹ đứng ngã ba đường

Đặc biệt hơn, vị trí vai trò của người cha, người mẹ trong gia đình khác nhau được biểu hiện rất rõ khi thiếu vắng. Cha làm trụ cột, nguồn thu nhập chình của gia đình, mẹ chăm sóc con cái, đường kim mũi chỉ. Vì thế:

Thiếu cha con khát cá, thiếu mẹ con rách quần

Trong gia đình, mỗi người đều có phần đóng góp vào thành quả chung tùy theo chức trách của mình, phải biết trân trọng sự đóng góp đó. Cả hai người chồng

và vợ không nên chỉ biết đến đóng góp của mình mà phủ nhận, lãng quên đóng góp của người khác. Công việc nội trợ của phụ nữ cũng không kém phần quan trọng như công việc của nam giới:

Ôông (ông) kể côông (công) ôông đi cày, côông mụ (vợ) nấu náng tày côông ôông Gia đình hạnh phúc, hòa thuận cũng thể hiện ở sự phân công việc làm phù hợp:

Đàn ông bán nhà, đàn bà bán lợn

Đàn ông giỏi tình toán những việc lớn như bán nhà, đàn bà giỏi tính toán những việc nhỏ như bán lợn. Trong gia đình mỗi người có một sở trường và vai trò khác nhau. Người chồng là trụ cột chính của gia đình, gánh vác những việc lớn, công vui chuyện buồn trong gia đình. Người chồng rất được đề cao:

Ốm tru còn hơn bạo bò

Mặc dù vậy, nhưng người phụ nữ cũng được đề cao không kém:

Vợ ở mô thủ đô ở đó

Với người Nghệ Tĩnh, người vợ có vị trí trọng yếu số một trong đời bên cạnh công danh, sự nghiệp của người chồng. Để thể hiện một gia đình hòa thuận, yên ấm, hạnh phúc, sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn cản trở với người Nghệ phải là:

Một vợ một chồng nỏ sợ chi ai

Người xứ Nghệ luôn ý thức chuyện vợ chồng là chuyện trăm năm, không phải là chuyện tạm bợ, ngày một ngày hai, cần phải sống hòa thuận, tránh xích mích:

Mực văng vô (vào) giấy khó chùi, vô vòng chồng vợ rụt rùi sao nên Vì thế mà Nghệ Tĩnh cũng có câu tục ngữ phản ánh tâm lý của người phụ nữ xưa, thường sống phụ thuộc, nên khi có điều kiện vật chất riêng họ thường hay là ra vẻ:

Cả đời thì ăn bám của chồng, mới được một đồng đòi đi ăn riêng Qua đó, câu tục ngữ phê phán những người thiển cận, cạn nghĩ, không biết thân phận khi túng thiếu thì dựa dẫm vào người khác, lúc có đồng ra đồng vào thì trở mặt với nhau, vong ân bội nghĩa. Vậy nên, những nỗi cực khổ thường thấy nhất

của người nông dân xứ Nghệ:

Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai tru (trâu) trậm (chậm), thứ ba rạ (rựa) cùn Nhưng cũng có câu tục ngữ chỉ tình cảnh éo le, đầy cay đắng của người phụ nữ lấy phải ông chồng vô tích sự:

Lấy nhôông (chồng) mà treo cột nhà, đi sớm về tối cụng (cũng) là có nhôông Vì luôn mong muốn hạnh phúc, vẹn tròn, đầm ấm trong gia đình, mà người xứ Nghệ cũng có câu tục ngữ chỉ sự khó nhọc vất vả của hạng đàn ông đa thê. Họ thường gặp rắc rối, lục đục trong gia đình, khó giải quyết cho êm thấm, chẳng khác gì người luôn luôn nhặm nhọi trong mình, khó chịu:

Giường lèo mà trải chiếu mây, những người hai vợ như gây (gai) quào mình Hay: Gió mát trăng lu, có anh hai vợ lưa khu với sườn

Để có một gia đình êm ấm phải hài hòa được nhiều mối quan hệ, trong tục ngữ Nghệ Tĩnh không chỉ phản ánh tầm quan trọng của quan hệ vợ - chồng, mà quan hệ con dâu - mẹ chồng cũng rất đề cao:

Thương chồng phải khóc mụ gia (mẹ chồng)

Tình cảm con dâu với mẹ chồng vốn ít đằm thắm, có chăng vì thương chồng mà bày tỏ tình cảm với mẹ chồng mà thôi. Điều dễ thấy trong cuộc sống con dâu và mẹ chồng thường không ưa nhau, cả hai đều không muốn chạm mặt nhau:

Con du (dâu) vô nhà, mụ gia ra cựa ngọ (cửa ngõ)

Không dừng lại ở đó, mà mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu người xứ Nghệ còn để chỉ những hạng người giả nhân, giả nghĩa, lơ đễnh, không chú ý vào việc đang làm:

Bắt chí cho mụ gia, thấy ba ba ngoài bể

Bắt chấy cho mẹ chồng là sự săn sóc thân tình, nhưng lại thấy ba ba ngoài bể nghĩa là ngó bâng quơ. Vì thế mà cũng xuất hiện nhưng người con dâu hỗn láo, làm trái đạo dâu con:

Nết na đập mụ gia trào rọt Quan niệm phong kiến, người Nghệ Tĩnh cho rằng:

Du là kế thế, rể là người dưng

Con dâu làm nhiệm vụ sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường và giữ gìn gia đạo. Còn với con rể chỉ là người dưng, không có máu mủ ruột rà, không có quan hệ đến nghiệp nhà. Mặt khác, cũng có những quan niệm khác, dâu rể là người sống với con mình cả đời, xây dựng hạnh phúc trăm năm. Họ xem gia đình có phúc là gia đình cưới được dâu thảo, rể hiền; nhà vô phúc thì gặp phải dâu rể gian tà:

Có phúc dâu hiền rể thào, vô phúc dâu cáo rể chồn Không dừng lại ở đó, mà người Nghệ Tĩnh còn có câu:

Chợ Eo nuôi rể, chợ Huyện kể du (dâu)

Chợ Eo thuộc Hậu Lộc - Can Lộc là nơi thường bán lòng lợn ngon, người ta hay mua về đãi khách, mà con rể được coi là khách quý. Chợ Huyện ở Bình Lộc - Can Lộc là chợ lớn nhất vùng hạ huyện Can Lộc, nơi đây đàn bà ngồi chợ cả ngày và hay đưa chuyện nhà, chuyện ăn ở với con dâu ra kháo nhau.

Người Nghệ Tĩnh cũng nhận thức rõ mối quan hệ tình cảm anh em:

Yêu nhau ả (chị) em gấy, rẫy nhau ả em du, lu bu anh em rể

Chị em gái luôn thương nhau thật lòng, chị em dâu thường ganh nhau, anh em rể thì rắc rối, nhiều chuyện. Và dù anh em một nhà nhưng khi mỗi người đã có một mái ấm thì:

Giàu cha giàu mẹ được phần, giàu anh giàu chị ai mần nấy ăn

Cha mẹ giàu có thì con cái cũng được hưởng, còn anh em giàu có thì của ai nấy giữ. Dù là ruột thịt nhưng không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của nhau như khi còn ở chung một nhà. Và khi đã thực sự khôn lớn, có mái ấm riêng họ mới thực sự thấu hiểu:

Nuôi trẻ mới biết thương già, nuôi con mới biết mẹ cha nuôi mình Chỉ khi trực tiếp thực hiện bổn phận làm cha, làm mẹ mới hiểu hết công lao và tình yêu thương cha mẹ đối với mình.

Quan hệ gia đình, gia tộc là tình cảm gắn bó, keo sơn, máu mủ ruột rà. Người Nghệ Tĩnh tha thiết với gia đình, dòng họ với chính quê hương của mình.

Một phần của tài liệu Văn hóa nghệ tĩnh thể hiện qua tục ngữ (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)