Nếu trong những lời tâm niệm chân thành của Chế Lan Viên giai đoạn trước cách mạng Tháng Tám là nỗi đau đến quặn thắt, là sự bơ vơ, lạc lõng đến vô hồn thì sau cách mạng tháng Tám, một mặt nhà thơ vẫn ghi nhận nỗi đau, mặt khác ta đã thấy nổi bật lên một giọng thơ triết lý, soi sáng niềm vui. Chế Lan Viên đã tạo ra
những bức tranh tự họa của thế giới nội tâm, thể hiện một phong cách rất riêng của ông:
“Tôi đứng dưới nhành vui, còn bỡ ngỡ Như em Kiều e lệ nép vào hoa
Nhưng ánh sáng tưng bừng đôi mắt nhỏ
Đón chàng Kim trong hạnh phúc chan hòa” [20, tr.237].
Từ láy bỡ ngỡ đã tái hiện thành công tâm trạng ngỡ ngàng của nhà thơ trước sự đổi thay của đất trời, của cuộc đời. Và trước ánh sáng lý tưởng ấy, tưng bừng một niềm hạnh phúc chan hòa.
Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người trước thiên nhiên, cuộc đời. Thơ Chế Lan Viên cũng vậy. Nó là cảm xúc, là tâm trạng của nhà thơ trước con người và cảnh vật. Trước thiên nhiên rộng mở, ta thấy xuất hiện một niềm vui kín đáo của một tâm hồn hớn hở trước sự đổi thay của cuộc đời. Tập thơ Ánh sáng và phù sa đã đáp lại lời nguyện cầu của tác giả về một cuộc sống tươi vui, tràn đầy sức sống mới. Cuộc sống trong thơ Chế Lan Viên giờ đây như đang mời gọi. Cái cung thành điêu tàn ngày xưa với xác chết, cây cỏ úa tàn ấy giờ đây đã biến thành một vườn hoa đầy màu sắc rực rỡ tỏa hương thơm ngào ngạt. Chế Lan Viên có rất nhiều cố gắng trên địa hạt tưởng tượng, sáng tạo. Nhà thơ không quên nỗi đau trong quá khứ xa xưa, nhưng giờ đây dù đắng cay, ông vẫn luôn hướng lòng mình tới những viễn cảnh tương lai tươi sáng:
“Trong đắng cay, ta phải thấy trước ngọt ngào
Đối diện với lòng, anh gieo hạt mùa sau…” [20, tr.207].
Cuộc sống mới đang dâng tràn, tác giả đang say sưa và đã bị cuốn hút vào nó, ngất ngây như lần đầu tiên biết sự ngọt lịm của làn môi:
“Đôi ta lại hồi sinh trong tuổi họ Lòng vui quá nên chẳng cần nhớ nữa Chỉ thấy đời bát ngát bóng cây rung
Thấy muôn cành trĩu trịt trái vui chung” [20, tr.209].
Từ láy bát ngát, trĩu trịt, được đặt ở giữa hai câu thơ liền nhau, tách mỗi câu thơ ra làm hai vế đã nhấn mạnh được niềm vui sướng trước cuộc đời rộng mở, một niềm vui được đơm hoa kết trái căng tràn. Nếu như trước đây, Chế Lan Viên vung tay xua đuổi cả mùa xuân đất trời, một mùa xuân mang lại cho muôn loài sự sinh sôi, nẩy nở: “Đem chi xuân đến gợi thêm sầu” thì bây giờ, nhà thơ lại giang tay mời gọi tất cả những gì thuộc về quê hương, đất nước với con mắt nhìn tươi vui, rực rỡ:
“Đời rực rỡ phù sa, ta kiến thiết
Những phố phường da thịt ửng hồng lên”[20, tr. 202].
Rõ ràng, không còn hình ảnh những phố phường ngao ngán mà thay vào đó là hình ảnh phố phường với da thịt ửng hồng lên, với cuộc đời rực rỡ phù sa. Tất cả đã thể hiện một sự đổi thay sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.
Có người cho rằng thơ Chế Lan Viên là thơ “phục vụ chính trị”. Nhưng cái chính trị của Chế Lan Viên vốn rất nhiều tâm tình. Thơ chính trị của ông mang giọng điệu cá thể của riêng tác giả với một âm hưởng riêng. Thơ Chế Lan Viên rất ít khi có thể đem rút gọn vào một ý, vào một rung cảm mà nó luôn gợi cho người đọc những liên tưởng, những ý nghĩ tiếp theo. Bài thơ Tiếng hát con tàu là một ví dụ điển hình. Bài thơ không chỉ thể hiện nỗi nhớ Tây Bắc mà nó còn đặt ra một vấn đề rộng lớn, nó đã vượt lên rất nhiều một nỗi nhớ Tây Bắc trở thành một phần cái gì đó vô cùng “thiêng liêng”:
“Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng Nơi máu nhỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân” [20, tr.189].
Và điều quan trọng hơn cả là nhà thơ đã tự xác định được chỗ đứng của mình trước đất trời mênh mông rộng mở:
“Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp” [20, tr.189].
Hay như trong bài Giữa tết trồng cây, nhà thơ muốn nói về một chủ trương, một mục đích cụ thể nhưng xung quanh việc trồng cây đó người ta thấy hiện ra những tâm tư khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở những suy ngẫm về cuộc sống với
những nét tinh tế, với những yêu thương mơ ước và với cả nước mắt. Và nếu chúng ta không hình dung trước được mùa hoa trái chín thì chắc không ai thấy hết những biểu hiện của sự sống rạo rực trong ấy:
“Chỉ còn máu sông Hồng trong quả ngọt Con chim ăn thấy vị phù sa trong tiếng hót, Chỉ còn nắng trời kết sáp nhụy hoa ngon
Ong tìm hoa đôi cánh thấy bồn chồn” [20, tr.209].
Chỉ một từ láy bồn chồn đặt ở cuối câu thơ cũng đủ làm bật lên ý nghĩa tâm trạng của cả khổ thơ, bồn chồn mong chờ sự đổi thay của đất trời và tin tưởng nhất định chiến thắng sẽ thuộc về ta. Thơ Chế Lan Viên thì thầm với ta những cảm nghĩ vui buồn, những tâm hồn con người hôm nay, làm nó thêm phong phú, thêm gắn chặt với cuộc sống mới xung quanh ta.
Viết về Bác, Chế Lan Viên đã kết hợp chặt chẽ được tính lịch sử cụ thể và tình cảm, cùng sự tưởng tượng phong phú. Nội dung bài thơ Người đi tìm hình của Nước mang nhiều tầng ý nghĩa. Thân thế và sự nghiệp của Bác thì ai cũng biết nhưng biến nó thành chân lý nghệ thuật, thành đối tượng của sự cảm thụ nghệ thuật thì không phải ai cũng làm được. Hình ảnh Bác Hồ đã hiện lên trong thơ Chế Lan Viên thật vĩ đại nhưng cũng thật gần gũi:
“Hiểu sao hết “Người đi tìm Hình của nước”
Không phải hình một bài thơ đã tạc nên người Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi (…)
Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi” [20, tr.253].
Đâu phải chỉ một bài thơ, một góc quê hương quen thuộc, một đấng vô hình sương khói xa xôi có thể dùng để diễn tả, để thấu hiểu cho hết hình ảnh “Người đi
tìm Hình của nước”. Bởi Bác đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cứu nước cứu dân, sống cuộc sống lênh đênh, đi khắp mọi nẻo, làm đủ mọi nghề cũng chỉ vì mục đích muốn tìm ra con đường giúp nhân dân thoát khỏi ách lầm than, nô lệ. Trong khi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, hiến dâng cả cuộc đời vì nước vì dân thì nhà thơ vẫn còn mải mê với những ý nghĩ mơ hồ:
“Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết
Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày” [20, tr.313].
So sánh như thế, nhà thơ đã góp phần to lớn giúp người đọc hiểu thêm về Bác, hiểu thêm về những công hiến lớn lao mà Bác đã dành cho Tổ quốc. Điều đó cũng góp phần tạo ra những cảm xúc trong sáng và tuyệt đẹp nhất trong tâm hồn nhà thơ Chế Lan Viên. Đi sâu miêu tả nội tâm của Bác, gợi lên những vấn đề Bác đặt ra cho đất nước, cho cuộc đời, quan trọng hơn cả là nhà thơ đã gợi cho chúng ta những suy nghĩ trăn trở không nguôi về những cống hiến to lớn mà Bác dành cho đất nước, cho nhân đân:
“Ngôi nhà sàn giữa vườn hoa mộc Khi sao lên có dáng con tàu
Bác lên boong trắng ngời râu tóc
Gió trong vườn vỗ sóng lao xao” [20, tr.589].
Tiếng thơ của Chế Lan Viên đối với ta như những lời nhắn gửi gần gũi mà mới lạ, gợi lên trong lòng bạn đọc những rung động sâu kín và có sức lay động lớn lao. Bởi thơ Chế Lan Viên còn là những dòng thơ thật sảng khoái, hào hùng khi ngợi ca Tổ quốc:
“Vâng, tôi yêu những nơi đá cộc cây cằn
Tổ quốc như bà mẹ nghèo thì thào cùng tôi qua
nước mắt” [20, tr.273].
Từ láy thì thào được Chế Lan Viên sử dụng ở câu thơ trên mang đậm tâm tình ngọt ngào. Ví Tổ quốc với bà mẹ nghèo thì thào nhà thơ đã vẽ lên hình ảnh Tổ quốc tuy khó khăn gian khổ nhưng mang đậm hồn người với những tình cảm thật gần gũi, thiết tha. Đất nước ấy đã cùng nhà thơ vượt qua bao khổ đau, nước mắt. Qua
đó, ta thấy Chế Lan Viên đã dâng trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc, gắn bó với Tổ quốc dù là lúc đau thương nhất hay rực rỡ sao vàng.
So sánh giữa quá khứ và hiện tại, lời thơ Chế Lan Viên mang một âm hưởng đặc biệt:
“Những trời mây xám xịt đã tan rồi
Xanh trên mâm pháo là trời xanh ta bất khuất Chân bó chiếu đã dẫm lên Lầu Năm Góc
Phóng tên lửa lên trời cao là cánh tay bật ngọn đàn bầu than vãn năm xưa Tiếng hờ ơi ở các bến đò hoang thành khẩu lệnh Điện Biên
Ấp Bắc Ngôi sao lưu lạc cô đơn đã hóa nên vì sao chói lọi
trên cờ” [20, tr.394].
Nếu trước kia trong mắt Chế Lan Viên là trời mây xám xịt thì giờ đây là trời xanh ta bất khuất, ngôi sao cô đơn đã biến thành vì sao chói lọi trên cờ và cánh tay bật ngọn đàn bầu than vãn năm xưa giờ là bàn tay phóng tên lửa lên trời cao. Phải có tư duy biện chứng, con mắt tinh tường thì Chế Lan Viên mới nhìn thấy những đổi thay, những vẻ đẹp của đất nước. Sức hấp dẫn của thơ Chế Lan Viên là đã diễn tả rất nhuần nhuyễn những cảm nhận đầy lý trí ấy. Đó cũng là thành công mà từ láy đã mang lại cho thơ ông.