Tiếng nói trong thơ là tiếng nói đầy âm nhạc, tiếng nói có nhịp điệu, nhịp điệu của những âm thanh vật chất, của tiếng nói thực tế hoà với nhịp điệu cảm xúc bên trong tâm hồn nhà thơ. Thơ là nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn quảng đại và đa cảm. Tính nhạc được tạo nên bởi những âm hưởng gắn liền với hình ảnh, cảm xúc do sử dụng phối hợp âm thanh, nhịp điệu, từ ngữ… phù hợp với nội dung tư tưởng, tình cảm được biểu đạt. Mỗi dân tộc, mỗi một ngôn ngữ đều có cách hoà âm riêng. Đặc điểm tiếng Việt giàu nguyên âm, phụ âm, thanh điệu. Ngôn ngữ thơ ca giàu nhịp điệu, phong phú về cách hoà âm, tiết tấu, từ láy, tính tượng hình, chính là thứ ngôn ngữ có cơ cấu dễ làm chỗ dựa cho các phương pháp diễn đạt âm nhạc.
Mang trong mình phẩm chất của âm thanh, âm nhạc bởi sự hoà phối ngữ âm của nó, từ láy trong tiếng Việt có giá trị tạo tính nhạc vô cùng to lớn cho tác phẩm văn học. Chúng như những nốt nhạc lúc trầm lúc bổng, tạo nên thứ âm thanh đa dạng trong các bản nhạc, chứa đựng trong mình một bức tranh sống động, huy động được tất cả các giác quan thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác của người đọc. Chính vì vậy, từ láy đã trở thành công cụ tạo hình, tạo nhịp điệu đắc lực trong các tác phẩm văn học của các nhà văn, nhà thơ mà nổi bật nhất vẫn là trong thi ca.
Chế Lan Viên đã sử dụng tất cả nguồn dự trữ của ngôn ngữ dân tộc vào thơ, mở rộng câu thơ, cách tân hình thức bài thơ, hiện đại hóa những hình thức xây dựng hình tượng, tạo nghĩa trong thơ, phát huy được ngôn ngữ triết luận mà vẫn đảm bảo tính hoa mĩ. Vì vậy, từ láy trong thơ ông không chỉ có tác dụng gợi hình, biểu cảm mà còn góp phần tạo nên tính nhạc, một âm hưởng vô cùng độc đáo trong những vần thơ chính luận, những vần thơ viết về cuộc đời ngay cả lúc bế tắc cũng như lúc được ánh sáng lý tưởng soi rọi. Thơ Chế Lan Viên không theo một thể thơ nhất định mà ông sáng tác chủ yếu theo thể thơ tự do cho nên nhịp điệu thơ có sự phong phú và không bị gò bó. Ông không chú ý đến niêm luật nhưng điều đó không có nghĩa làm cho bài thơ trở nên trúc trắc mà ngược lại giọng thơ ông vẫn mang những âm hưởng lúc trầm, lúc bổng, đan xen hòa quyện một cách nhịp nhàng nhờ một phần không nhỏ từ lớp từ láy mà ông đã sử dụng trong thơ mình.
“Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô Xoan vươn cành khều mặt trời rực rỡ,
Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu” [20, tr.59].
Khổ thơ có bốn câu thơ, với mỗi câu tám tiếng, Chế Lan Viên đã sử dụng liên tiếp năm từ láy cùng với luật bằng - trắc khác nhau, không theo một quy luật nhất định: bằng / bằng / bằng / bằng / bằng / bằng / trắc / trắc , bằng / trắc / bằng / trắc / trắc / trắc / bằng / bằng, bằng / bằng / bằng / bằng / trắc / bằng / trắc / trắc, bằng / trắc / bằng / bằng / trắc / trắc / bằng / bằng. Bên cạnh đó, những từ láy: say sưa, hớ hênh, rực rỡ, lơi lả, nhẹ nhàng được sử dụng trong mỗi câu thơ đều là từ láy điệp
vần. Còn xét về mặt siêu âm đoạn tính thì từ láy say sưa, hớ hênh ở hai câu thơ đầu là từ láy thuộc cùng âm vực cao, đến câu thơ thứ ba từ láy rực rỡ lại thuộc âm vực thấp, ở câu thơ cuối hai từ láy được đặt liền nhau lại thuộc về hai âm vực khác nhau: lơi lả thuộc âm vực cao, nhẹ nhàng lại thuộc âm vực thấp. Tất cả đã hòa quyện lại tạo thành một bản nhạc thật thú vị, một bản nhạc du dương, đằm thắm nhưng không hề nhàm chán đối với người đọc nhờ nốt bổng của thanh trắc trong mỗi câu thơ, nhờ việc sử dụng từ láy âm vực cao xen lẫn âm vực thấp một cách hài hòa. Tuy nhiên, cũng phải đặt vào hoàn cảnh sáng tác bài thơ thì ta mới thấy hết được lớp từ láy mà ông sử dụng ở khổ thơ này. Bài thơ được Chế Lan Viên viết ở cái giai đoạn Điêu tàn, trong lúc tâm hồn ông bơ vơ, trống trải, cảm thấy tuyệt vọng về cuộc sống trần gian tăm tối… Vì vậy mà thiên nhiên đối với ông cũng không còn là cái gì đó đáng để thả hồn, đáng để vui tươi ngay cả khi xuân về. Tuy nhiên đứng trước mùa xuân của đất trời, ông không hề phủ nhận sự thay đổi của cảnh vật, nó vẫn có cái rực rỡ của ánh mặt trời, và cây trái vẫn phát triển theo quy luật của nó. Vì vậy mà lớp từ láy được sử dụng để miêu tả thiên nhiên trong khổ thơ trên mang âm điệu lúc bổng, lúc trầm phù hợp với thiên nhiên lúc xuân về và tâm hồn nhà thơ ở thời điểm đó.
Không đều đều một âm hưởng, ta còn bắt gặp trong thơ Chế Lan Viên những đoạn thơ được ông sử dụng lớp từ láy mô phỏng âm thanh khiến người đọc mới chỉ đọc qua thôi cũng đã cảm nhận được tính nhạc, âm thanh ngân vang trong từng câu chữ:
“Leng keng tiếng khánh xuân tàu điện Con tàu thơ ngây
Leng keng như con trẻ
Rong chơi trên đường ray” [20, tr.499].
Từ láy leng keng xuất hiện đến hai lần và đan xen vào nhau trong bốn câu thơ trên đã làm vang động cả một khoảng không. Bên cạnh âm hưởng nhẹ nhàng của đoạn thơ, tiếng leng keng đã làm cho nhạc thơ trở nên rộn ràng, vui tươi, đúng như tâm hồn nhà thơ lúc này. Đứng trước sự đổi thay của đất trời, với tấm lòng hướng
về cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tiếng leng keng ấy không đơn thuần chỉ là tiếng còi tàu điện mà nó còn là tiếng kêu rộn rã, vui tươi của tâm hồn nhà thơ với một niềm tin vào chiến thắng của quân dân ta.
Lòng người tươi vui cùng với hi vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước thì dĩ nhiên những âm thanh thường ngày như tiếng gà cục tác, tiếng lợn kêu hay tiếng chim hót cũng đi vào thơ với âm hương ngân vang:
“Trời xanh ngoài cửa sổ Như em xa mới về
Chim chíp chim chim chíp Tình ai hót ta nghe” [20, tr.536].
Chim chíp là từ láy hoàn toàn có sự biến thanh và biến vần, thanh trắc được chuyển sang thanh bằng tạo thành luật bằng – trắc với cùng âm vực cao (ngang – sắc), phụ âm tắc vô thanh -p- được chuyển thành phụ âm vang mũi cùng cặp -m- (chíp chíp chim chíp) có tác dụng làm cho âm hưởng của từ láy vang xa tạo nên tính nhạc ngân vang trong câu thơ. Hai từ láy chim chíp được Chế Lan Viên sử dụng liên tiếp trong cùng một dòng thơ, chỉ ngăn cách bằng một danh từ chim đã mang lại cho câu thơ một thứ âm thanh thật giản dị, gần gũi nhưng không kém phần rộn rã. Không phải tiếng họa mi thánh thót, líu lo trong trẻo mà chỉ đơn thuần là tiếng chim chim chíp tạo nên cảm giác vừa xa vừa gần, vừa lạ vừa quen. Âm thanh ấy như lâu lắm rồi mới trở lại vườn thơ, mang lại cái tình, cái vui tươi, thổn thức trong lòng người.
Có thể thấy rằng, từ láy mà Chế Lan Viên sử dụng trong thơ mình không chỉ có tác dụng gợi hình, bộc lộ tâm trạng buồn vui của nhà thơ mà nó còn thể hiện tính nhạc khiến thơ ông mang một âm hưởng đặc biệt, đánh thức mọi giác quan người đọc với ấn tượng khó phai.
Tiểu kết: Từ láy đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên phong cách thơ của Chế Lan Viên, một phong cách mang chất thơ tổng hợp: vừa đi sát thực tế cuộc sống, vừa đi sâu vào thế giới nội tâm với tình cảm mơ ước tưởng tượng, vừa có chất trí tuệ. Ông đã vận dụng linh hoạt lớp từ láy để diễn tả đầy đủ những cung bậc cảm
xúc lúc ngao ngán, bế tắc, lúc lại phấn khởi trước sự đổi thay của cuộc đời. Chẳng những thế, Chế Lan Viên còn vận dùng từ láy vào thơ nhằm vạch trần, lên án tội ác dã man của quân giặc và ngợi ca cách mạng nước ta, kêu gọi, tuyên truyền người dân đấu tranh, phục vụ cách mạng. Từ láy còn mang lại giá trị gợi hình, tạo tính nhạc cho thơ Chế Lan Viên, gây được ấn tượng đặc biệt cho người đọc. Qua đó, chúng ta thấy được tài năng nghệ thuật của ông.